CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU
V/v tăng cường quản lý Nhà nước về đất đai và bảo vệ quỹ đất
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
__________
Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về đất đai trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ, việc quản lý đất đai tại các địa phương trong tỉnh đã dần đi vào nề nếp, đúng pháp luật. Tuy nhiên, thời gian gần đây ở một địa phương việc giải quyết thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đảm bảo đúng quy định về chế độ quản lý, sử dụng đất đai, ảnh hưởng đến việc bảo vệ quỹ đất sản xuất nông nghiệp, phá vỡ quy hoạch sử dụng đất và kiến trúc tại các đô thị trong tỉnh, gây khó khăn cho việc thực hiện đền bù, giải tỏa để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng các công trình theo quy hoạch của địa phương, gây nên tình trạng cơn sốt giả tạo về giá đất. Tình hình đó đã tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở các địa phương nói riêng.
Để nhanh chóng khắc phục tình trạng nêu trên, UBND tỉnh chỉ thị:
1. Nghiêm cấm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng các loại đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, làm muối tự ý san lấp, phân lô, thay đổi hiện trạng của loại đất này và thay đổi cơ cấu cây trồng khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Nghiêm cấm các tổ chức kinh tế đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ người khác tự ý phân lô để chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng với quy hoạch chi tiết đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. UBND các địa phương khi giải quyết thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải triệt để thực hiện đúng các quy định về điều kiện được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng đã được quy định tại các Điều 8, 9, 13 Nghị định 17/1999/NĐ-CP ngày 29-3-1999 của Chính phủ về thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế quyền sử dụng đất và thế chấp, góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất là:
- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp để trồng rừng được chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi có một trong các điều kiện sau đây:
+ Chuyển đến nơi cư trú khác để sinh sống hoặc sản xuất kinh doanh.
+ Chuyển sang làm nghề khác.
+ Không còn hoặc không có khả năng trực tiếp lao động.
- Hộ gia đình, cá nhân được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp phải có các điều kiện sau:
+ Có nhu cầu sử dụng đất.
+ Chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai (phải có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú).
* Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất lúa nước thì người nhận chuyển nhượng phải là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.
3. Đối với nơi hiện trạng đang là đất nông nghiệp, lâm nghiệp nhưng đã có dự án đầu tư và quy hoạch chi tiết 1/500 được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì việc chia nhỏ diện tích để chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch chi tiết đã được duyệt và người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất và xin phép xây dựng theo đúng quy định trước khi tiến hành xây dựng các công trình kiến trúc trên đất.
4. UBND các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh phải tăng cường chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn thường xuyên tiến hành việc kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm minh các trường hợp tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép tại địa phương mình.
5. Giám đốc Sở Địa chính và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc không thực hiện việc đo vẽ sơ đồ vị trí đất và làm các thủ tục liên quan để chuyển quyền sử dụng đất trái với tinh thần chỉ thị này.
6. Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm thẩm tra và xác nhận về điều kiện được chuyển nhượng và nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp theo đúng quy định tại chỉ thị này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về xác nhận đó.
7. Giám đốc Sở Địa chính có trách nhiệm giúp UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định tại chỉ thị này, thường xuyên báo cáo kết quả thực hiện và phản ánh các vướng mắc trong quá trình thực hiện (nếu có) về UBND tỉnh để kịp thời chỉ đạo./.