NGHỊ QUYẾT
Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ngân sách địa phương
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LAI CHÂU
KHOÁ XIV, KỲ HỌP THỨ TƯ
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm;
Xét Tờ trình số 2317/TTr-UBND ngày 18/11/2016 của UBND tỉnh về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn Ngân sách địa phương; Báo cáo thẩm tra số 509/BC-HĐND ngày 02/12/2016 của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn Ngân sách địa phương với những nội dung sau:
1. Nguyên tắc phân bổ vốn:
a) Việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn nhằm thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch phát triển KT-XH cấp huyện; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; ưu tiên bố trí vốn thực hiện các Nghị quyết, Quyết định của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và các Chương trình, đề án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
b) Việc phân bổ vốn tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
c) Phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.
d) Bố trí vốn đầu tư tập trung, khắc phục tình trạng phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ phân bổ vốn chi tiết cho các dự án đã đủ thủ tục theo đúng quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật có liên quan. Các dự án khởi công mới sẽ phân bổ chi tiết kế hoạch hàng năm khi có đủ thủ tục theo quy định.
e) Bảo đảm công khai, minh bạch trong việc phân bổ vốn đầu tư công, góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
g) Bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.
h) Thứ tự ưu tiên bố trí vốn như sau:
- Trả nợ vay Ngân hàng Phát triển theo khế ước vay và cam kết trả nợ hàng năm; trả nợ vay Kho bạc Nhà nước (nếu có); bố trí vốn đầu tư cho lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo và Khoa học - Công nghệ theo mức vốn Trung ương giao.
Trong từng lĩnh vực bố trí vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên: Trả nợ xây dựng cơ bản, các công trình quyết toán hoàn thành, chuyển tiếp theo tiến độ dự án, các dự án khởi công mới có đủ thủ tục theo quy định.
- Số vốn còn lại phân bổ theo tỷ lệ: ngân sách tỉnh 70%, ngân sách huyện, thành phố 30%.
- Ngân sách tỉnh phân bổ để đầu tư các công trình do tỉnh quản lý cho các mục tiêu sau:
+ Hỗ trợ đầu tư theo chính sách và các nhiệm vụ khác của tỉnh.
+ Bố trí một phần vốn chuẩn bị đầu tư.
+ Bố trí vốn đối ứng các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương, vốn ODA và các nguồn vốn khác mà tỉnh có cam kết đối ứng.
+ Bố trí vốn cho các dự án theo thứ tự ưu tiên: Trả nợ xây dựng cơ bản, các công trình quyết toán, hoàn thành, chuyển tiếp theo tiến độ dự án, các dự án khởi công mới.
i) Đối với nguồn thu xổ số kiến thiết: Chỉ thực hiện đầu tư xây dựng trạm y tế xã hoặc trường mầm non, tiểu học. Mức vốn mỗi năm phân bổ cho mỗi huyện, thành phố là 03 (ba) tỷ đồng. Số còn lại do ngân sách tỉnh quyết định theo quy định.
k) Mức vốn bố trí cho từng dự án:
- Đối với các dự án hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án đã quyết toán bố trí đủ kế hoạch vốn cho từng dự án theo số đã quyết toán hoặc khối lượng hoàn thành đã nghiệm thu, nhưng không vượt quá tổng mức đầu tư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đối với các dự án dở dang và các dự án khởi công mới, thực hiện tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng đối với các dự án thực hiện Đề án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2016-2020 bố trí đủ 100% mức hỗ trợ từ NSNN.
2. Tổng nguồn vốn và phương án phân bổ
Tổng vốn Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn Ngân sách địa phương là: 3.645.886 triệu đồng, để lại dự phòng chưa phân bổ: 363.284 triệu đồng, số vốn phân bổ: 3.282.602 triệu đồng, cụ thể:
a) Vốn trung ương cân đối theo thời kỳ ổn định:
Số vốn được phân bổ: 3.045.102 triệu đồng.
- Trả nợ vay tín dụng ưu đãi, giảm chi để tạo nguồn thu trả nợ gốc theo quy định: 503.000 triệu đồng.
- Phân bổ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo: 495.066 triệu đồng.
- Phân bổ cho lĩnh vực khoa học công nghệ: 89.346 triệu đồng.
- Số còn lại phân bổ ngân sách tỉnh 70%, cấp huyện 30%:
+ Thực hiện các dự án ngân sách tỉnh quản lý: 1.376.665 triệu đồng.
+ Cân đối ngân sách huyện, thành phố: 581.025 triệu đồng.
b) Vốn thu xổ số kiến thiết
Tổng số vốn phân bổ: 125.000 triệu đồng.
c) Vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất
Tổng số vốn phân bổ: 112.500 triệu đồng. Các huyện, thành phố quyết định chi đầu tư vào các nhiệm vụ chi khác theo quy định của pháp luật từ nguồn thu tiền sử dụng đất, sau khi đã trích nộp về ngân sách tỉnh theo tỷ lệ quy định và đảm bảo kinh phí đo đạc địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lập cơ sở dữ liệu đất đai.
(Có Phụ lục I, II kèm theo)
Điều 2. Hội đồng nhân dân tỉnh giao
1. Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện.
Hàng năm trên cơ sở danh mục các dự án dự kiến khởi công mới trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và khả năng cân đối nguồn vốn, UBND tỉnh đề xuất danh mục các dự án chuẩn bị đầu tư để khởi công mới trong năm, thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi thực hiện các bước tiếp theo. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, giao Ủy ban dân nhân tỉnh báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh để xem xét, điều chỉnh theo quy định của Chính phủ và phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp gần nhất.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân và các đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Điều 3. Hiệu lực thi hành
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Khóa XIV, Kỳ họp thứ tư thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2016 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2017./.