THÔNG TƯ
Quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa
_______________
Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông và Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Thông tư quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, đầu tư xây dựng, bảo trì và khai thác vận tải đường thủy nội địa.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Kích thước đường thủy nội địa là độ sâu, chiều rộng, bán kính cong của luồng chạy tàu tương ứng với mỗi cấp kỹ thuật của đường thủy nội địa.
2. Đường thủy nội địa cấp kỹ thuật đặc biệt là đường thủy nội địa có cấp kỹ thuật được tính toán căn cứ vào tàu thiết kế và trên cấp I.
3. Đường thủy nội địa cấp kỹ thuật hạn chế là đường thủy nội địa có một trong các kích thước đường thủy nội địa thực tế nhỏ hơn trị số tối thiểu của cấp kỹ thuật tương ứng theo quy định.
Điều 4. Xác định cấp kỹ thuật và khai thác vận tải đường thủy nội địa
1. Cấp kỹ thuật đường thủy nội địa được xác định căn cứ:
a) Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5664:2009 về Phân cấp kỹ thuật đường thủy nội địa;
b) Quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Hiện trạng đường thủy nội địa (độ sâu, chiều rộng, bán kính cong).
2. Kích thước đường thủy nội địa tương ứng với mỗi cấp kỹ thuật đường thủy nội địa quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.
3. Cấp kỹ thuật các tuyến đường thủy nội địa quốc gia quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư số 15/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Giao thông vận tải quy định về quản lý đường thủy nội địa.
4. Tổ chức, cá nhân khai thác vận tải đường thủy nội địa căn cứ cấp kỹ thuật và thông báo luồng đường thủy nội địa do cơ quan quản lý đường thủy nội địa có thẩm quyền theo quy định tại Thông tư số 19/2016/TT-BGTVT ngày 30 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về khảo sát luồng phục vụ quản lý và thông báo luồng đường thủy nội địa công bố để quyết định đưa phương tiện vào hoạt động trên đường thủy nội địa.
Điều 5. Trách nhiệm các cơ quan, tổ chức
1. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm cập nhật, bổ sung, tổng hợp trình Bộ Giao thông vận tải quyết định cấp và điều chỉnh cấp kỹ thuật đường thủy nội địa quốc gia đảm bảo phù hợp với thực tế.
2. Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cập nhật, bổ sung, tổng hợp trình Ủy ban nhân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cấp và điều chỉnh cấp kỹ thuật đường thủy nội địa địa phương đảm bảo phù hợp với thực tế.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 02 năm 2017.
2. Bãi bỏ Thông tư số 36/2012/TT-BGTVT ngày 13 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định cấp kỹ thuật đường thủy nội địa.
3. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này có sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các quy định tại các văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Điều 7. Tổ chức thực hiện
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.