NGHỊ QUYẾT
Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007
____________________________
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ vào Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ vào Nghị quyết số 68/2006/QH11 ngày 31/10/2006 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2007 và Nghị quyết số 69/2006/QH11 ngày 03/11/2006 của Quốc hội về phân bổ ngân sách nhà nước trung ương năm 2007;
Sau khi xem xét Báo cáo số 81/BC-CP ngày 16/5/2009 của Chính phủ về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007, Báo cáo thẩm tra số 816/UBTCNS12 ngày 15/5/2009 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Báo cáo kết quả kiểm toán số 96/BC-KTNN ngày 15/5/2009 của Kiểm toán Nhà nước, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và Báo cáo tiếp thu, giải trình số 232/BC-UBTVQH12 ngày 05/6/2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007:
1. Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 431.057 tỷ đồng (bốn trăm ba mươi mốt nghìn, không trăm năm mươi bảy tỷ đồng), bao gồm cả số thu chuyển nguồn từ năm 2006 sang năm 2007 là 81.336 tỷ đồng, số thu từ quỹ dự trữ tài chính là 90 tỷ đồng, số thu từ huy động vốn đầu tư của ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật ngân sách nhà nước là 8.272 tỷ đồng và số chênh lệch thu chi ngân sách địa phương năm 2006 là 13.448 tỷ đồng.
2. Tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 469.606 tỷ đồng (bốn trăm sáu mươi chín nghìn, sáu trăm linh sáu tỷ đồng), bao gồm cả số chi chuyển nguồn từ năm 2007 sang năm 2008 là 88.821 tỷ đồng.
3. Mức bội chi ngân sách nhà nước (không bao gồm 26.018 tỷ đồng chênh lệch thu lớn hơn chi của ngân sách địa phương) là 64.567 tỷ đồng (sáu mươi tư nghìn, năm trăm sáu mươi bảy tỷ đồng), bằng 5,64% GDP.
4. Nguồn bù đắp bội chi ngân sách nhà nước:
a) Vay trong nước: 51.572 tỷ đồng (năm mốt nghìn, năm trăm bảy mươi hai tỷ đồng);
b) Vay ngoài nước: 12.995 tỷ đồng (mười hai nghìn, chín trăm chín mươi lăm tỷ đồng).
(Theo các phụ lục số 1, 2, 3, 4 và 5 đính kèm).
Điều 2. Giao Chính phủ:
1. Tăng cường quản lý tài chính – ngân sách theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm sử dụng ngân sách nhà nước tiết kiệm, có hiệu quả. Có biện pháp tích cực, bảo đảm phân giao dự toán ngân sách sát thực tế, đúng Nghị quyết Quốc hội; khắc phục tình trạng phân giao dự toán ngân sách và giải ngân chậm, phải chuyển nguồn lớn sang năm sau. Tăng cường kiểm tra và thu hồi vào ngân sách nhà nước những khoản chi sai quy định; đôn đốc, truy thu và nộp đầy đủ các khoản nợ đọng thuế vào ngân sách nhà nước; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
2. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở trung ương và địa phương rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những khuyết điểm, tồn tại trong quản lý thu, chi ngân sách, sử dụng dự phòng ngân sách, nhất là các khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới cơ chế chính sách, cải cách hành chính trong quản lý để nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước.
3. Chỉ đạo các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và địa phương tiếp thu và xử lý những kiến nghị hợp lý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội tại Báo cáo thẩm tra số 816/UBTCNS12 ngày 15/5/2009 và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại Báo cáo kết quả kiểm toán số 96/BC-KTNN ngày 15/5/2009 về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện những kiến nghị này với Quốc hội khi trình Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước năm 2008.
Điều 3. Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan theo chức năng và nhiệm vụ của mình giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2007.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ năm thông qua ngày 09 tháng 6 năm 2009./.