• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/06/1998
  • Ngày hết hiệu lực: 29/08/2018
UBND TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
Số: 43/1998/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Vũng Tàu, ngày 10 tháng 6 năm 1998

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH BÀ RỊA – VŨNG TÀU

Về việc triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở xã

________

 

Thực hiện Chỉ thị của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, Chính phủ đã ra Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11-5-1998 ban hành quy chế thực hiện dân chủ ở xã, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị số 22/1998/CT-TTg ngày 15-5-1998 về việc triển khai quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

Để triển khai thực hiện Nghị định của Chính phủ và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã nêu ở trên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thị:

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các đoàn thể, chỉ đạo các ngành tổ chức triển quy Quy chế thực hiện dân chủ ở xã của Chính phủ tại địa phương mình.

Mỗi huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn đều phải có chương trình triển khai thực hiện cụ thể. Trước hết, phải làm cho mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân hiểu, nắm vững tinh thần nội dung Chỉ thị số 30/CT.TW ngày 18-2-1998 của Ban Chấp hành TW Đảng và nội dung bản quy chế của Chính phủ, tạo ra sự đồng tình và nhất trí trong nhận thức và hành động của cán bộ, nhân dân để thực hiện tốt quy chế này ở địa phương. Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu đi đầu trong việc thực hiện chủ trương này của Đảng và quy định của Chính phủ về dân chủ ở cơ sở. Kế hoạch triển khai phải được chuẩn bị kỹ và cụ thể; khi triển khai phải nghiêm túc, vững chắc, không làm ồ ạt hoặc qua loa, chiếu lệ.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới phải trực tiếp chỉ đạo, triển khai thực hiện Quy chế và chịu trách nhiệm với Ủy ban nhân dân cấp trên về việc thực hiện Quy chế trên địa bàn của mình. Cơ quan tổ chức chính quyền ở địa phương là đầu mối giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân, đồng thời phối hợp với các đoàn thể, các tổ chức ở địa phương để giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân chỉ đạo thực hiện tốt quy chế này trên địa phương mình.

2. Tổ chức chỉ đạo điểm để rút kinh nghiệm.

Mỗi huyện chọn 1-2 xã, thị xã và thành phố chọn 1-2 phường để chỉ đạo điểm, sơ kết để rút kinh nghiệm và phổ biến ra diện rộng, đồng thời qua đó để xem xét việc điều chỉnh, bổ sung các nội dung của quy chế.

Các xã, phường được chọn làm điểm phải căn cứ vào nội dung của bản quy chế để triển khai thực hiện và cần chú ý xem xét rút ra một số điểm sau đây:

a) Nội dung của quy chế có gì chưa phù hợp cần sửa đổi, bổ sung, trong đó chú trọng đến việc dân cần bàn và quyết định trực tiếp, những việc dân tham gia ý kiến để Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định hoặc cấp trên quyết định, những việc cần công khai với dân, những việc dân giám sát kiểm tra và những nội dung về xây dựng cộng đồng dân cư ở thôn, ấp, tổ dân phố, khu phố.

b) Các hình thức và phương pháp thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn.

c) Quan hệ phối hợp giữa chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các Hội trong việc thực hiện quy chế.

3. Quy chế của Chính phủ quy định khá cụ thể việc làm và cách làm ở cơ sở. Vì vậy, những vấn đề gì không phù hợp với cơ sở cần sửa đổi, bổ sung thì kịp thời báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết, những vấn đề gì vướng mắc do các quy định của địa phương thuộc cấp nào, cấp đó phải giải quyết kịp thời và báo cáo cho cấp trên biết kết quả về việc giải quyết của mình.

Trong kiểm điểm công tác 6 tháng và cả năm, Ủy ban nhân dân các cấp cần kiểm điểm đánh giá kết quả việc thực hiện phát huy dân chủ của nhân dân ở cơ sở tại địa phương mình, phát huy những việc làm, cách làm tốt, uốn nắn những lệch lạc, làm cho quyền dân chủ chính đáng của nhân dân được tôn trọng, trở thành nề nếp là việc làm bình thường trong mọi hoạt động, giải quyết công việc ở cơ sở có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân.

4. Các sở, ban, ngành cần xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ những quy định của ngành không còn phù hợp với yêu cầu thực hiện dân chủ ở cơ sở, giải quyết kịp thời các đề nghị của địa phương có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thuộc thẩm quyền của mình và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh những vấn đề thuộc trách nhiệm Ủy ban nhân dân tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giải quyết.

Những kiến nghị ngoài thẩm quyền giải quyết của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội giải quyết.

5. Ban Tổ chức chính quyền có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện Quy chế này trong toàn tỉnh, có nhiệm vụ hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế, hướng dẫn việc áp dụng Quy chế đối với phường và thị trấn, phối hợp với các ngành để giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với Ủy ban nhân dân tỉnh việc thực hiện quy chế.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chấp hành và thực hiện tốt chỉ thị này. Báo, đài và các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nội dung Quy chế thực hiện dân chủ ở xã.

Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể trong tỉnh phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh và chỉ đạo tổ chức cấp dưới phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện tốt quy chế thực hiện dân chủ ở xã do Chính phủ ban hành./.

 

Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Tuấn Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.