• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/12/2012
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 24/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV- BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 22 tháng 10 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

QUY ĐỊNH VỀ THÀNH LẬP, GIẢI THỂ, TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỐI ĐỘI CÔNG TÁC XÃ HỘI TÌNH NGUYỆN TẠI XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

n cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 61/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị định số 61/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 135/2004/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ quy định về chế độ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh, tổ chức hoạt động của cơ sở chữa bệnh theo Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và chế độ áp dụng đối với người chưa thành niên, người tự nguyện vào cơ sở chữa bệnh;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch quy định về thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn,

MỤC 1. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư liên tịch này quy định việc thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và chế độ, chính sách đối với Đội công tác xã hội tình nguyện tại xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Đội tình nguyện).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư liên tịch này, một số từ ngữ sau đây được hiểu như sau:

1. Đội tình nguyện là một tổ chức tự nguyện gồm những người tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Thông tư liên tịch này và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

2. Thành viên của Đội tình nguyện là những công dân đang cư trú hoặc làm việc trên địa bàn xã, phường, thị trấn tự nguyện tham gia công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Đội tình nguyện, thành viên của Đội tình nguyện.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thành lập, tổ chức, hoạt động của Đội tình nguyện.

Điều 4. Tiêu chuẩn đối với thành viên Đội tình nguyện

1. Người từ đủ 18 (mười tám) tuổi trở lên, đảm bảo sức khoẻ, có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật. Có thời gian cư trú tại xã, phường, thị trấn từ 06 (sáu) tháng trở lên hoặc đang làm việc trong các cơ quan, tổ chức có trụ sở đóng trên địa bàn cấp xã nơi Đội tình nguyện hoạt động (không bao gồm công chức).

2. Tự nguyện tham gia Đội tình nguyện.

Điều 5. Kinh phí hoạt động của Đội tình nguyện và chế độ, chính sách đối với thành viên Đội tình nguyện

1. Kinh phí đảm bảo cho hoạt động của Đội tình nguyện và thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên của Đội tình nguyện được bố trí trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách địa phương theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

2. Tài trợ, huy động của các tổ chức, cá nhân và nguồn khác theo quy định của pháp luật.

MỤC 2. THÀNH LẬP, GIẢI THỂ; TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG CỦA ĐỘI TÌNH NGUYỆN VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THÀNH VIÊN CỦA ĐỘI TÌNH NGUYỆN

Điều 6. Thẩm quyền thành lập, giải thể Đội tình nguyện

Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) quyết định thành lập, giải thể Đội tình nguyện.

Điều 7. Thủ tục thành lập Đội tình nguyện

1. Căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tiễn của công tác phòng, chống tệ nạn xã hội tại xã, phường, thị trấn, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) lập hồ sơ đề nghị thành lập Đội tình nguyện theo quy định tại khoản 3 Điều này gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện.

2. Trong thời hạn 10 (mười) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định thành lập Đội tình nguyện. Trường hợp không được thành lập, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phải có văn bản nêu rõ lý do gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

3. Hồ sơ (01 bộ) đề nghị thành lập Đội tình nguyện gồm:

a) Tờ trình đề nghị thành lập Đội tình nguyện của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, nội dung nêu rõ sự cần thiết của việc thành lập Đội tình nguyện, số lượng và cơ cấu thành viên của Đội tình nguyện.

b) Dự thảo Quy chế hoạt động của Đội tình nguyện.

Điều 8. Thủ tục giải thể Độinh nguyện:

1. Đội tình nguyện giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã;

b) Có sự vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc quản lý, tổ chức và hoạt động của Đội tình nguyện. Có 2/3 (hai phần ba) số thành viên của Đội tình nguyện vi phạm pháp luật bị xử lý vi phạm hành chính, bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc hoạt động của Đội không đúng với chức năng, nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 của Thông tư liên tịch này.

2. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo có sự vi phạm pháp luật của thành viên Đội tình nguyện, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm xem xét đề nghị giải thể của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này, hoặc kiểm tra, đánh giá mức độ vi phạm theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này làm văn bản (01 bộ) trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.

3. Trong thời hạn 05 (năm) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định giải thể Đội tình nguyện.

Điều 9. Tổ chức của đội tình nguyện

1. Mỗi xã phường, thị trấn chỉ thành lập 01 (một) Đội tình nguyện; số lượng thành viên tối thiểu là 05 (năm) người, tối đa không quá 10 (mười) người.

2. Cơ cấu Đội tình nguyện gồm: 01 (một) Đội trưởng, 01 (một) hoặc 02 (hai) Đội phó và các thành viên.

Điều 10. Chức năng, nhiệm vụ của Đội tình nguyện

1. Đội tình nguyện hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn xã hội trên địa bàn; hoạt động theo Quy chế được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

2. Nhiệm vụ cụ thể của Đội tình nguyện:

a) Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền, giáo dục phòng ngừa, ngăn chặn tệ nạn ma túy, mại dâm, giảm lây nhiễm và tác hại của HIV/AIDS, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán tại cộng đồng;

b) Tham gia quản lý, tư vấn, giáo dục, cảm hóa, vận động, hỗ trợ người nghiện ma tuý cai nghiện; người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng;

c) Phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, HIV/AIDS, mua bán người để báo cho các cơ quan chức năng xử lý và có biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm;

d) Tham gia thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội trên địa bàn như xóa đói giảm nghèo, dạy nghề, tạo việc làm, bình đẳng giới, giảm kỳ thị và phân biệt đối xử, tiếp cận các dịch vụ y tế, xã hội, giúp đỡ người nghiện ma túy sau cai nghiện, người bán dâm hoàn lương, nạn nhân bị mua bán trở về ổn định đời sống, hòa nhập cộng đồng;

đ) Tham gia thực hiện lồng ghép công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội và các phong trào khác trên địa bàn.

Điều 11. Chính sách hỗ trợ đối với thành viên của Đội tình nguyện

1. Căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của địa phương, thành viên của Đội tình nguyện được hưởng các chính sách hỗ trợ sau:

a) Tham dự các khoá tập huấn, đào tạo bồi dưỡng kiến thức, hội nghị, hội thảo, tham quan học tập, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về phòng chống HIV/AIDS, phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, phòng chống mua bán người do các cấp, các ngành tổ chức;

b) Cung cấp tài liệu và thông tin liên quan đến phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm và phòng, chống mua bán người;

c) Tham gia các chương trình, dự án thực hiện trên địa bàn liên quan đến nhiệm vụ.

2. Thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn khi làm nhiệm vụ dẫn đến thiệt hại về sức khỏe thì được hỗ trợ về chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất hoặc giảm sút như sau:

a) Trường hợp thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn có tham gia bảo hiểm y tế được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

b) Trường hợp thành viên của Đội tình nguyện bị tai nạn không tham gia bảo hiểm y tế: kinh phí hỗ trợ chi phí y tế cho việc cứu chữa, phục hồi chức năng bị mất hoặc giảm sút đối với người tham gia Đội tình nguyện bị tai nạn do ngân sách nhà nước đảm bảo trong dự toán chi thường xuyên của ngân sách cấp xã.

3. Thành viên của Đội tình nguyện nếu bị thương hoặc hy sinh thuộc một trong những trường hợp quy định tại Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thì được công nhận là thương binh hoặc liệt sĩ.

4. Thành viên của Đội tình nguyện tham gia hoạt động trong Đội liên tục từ 03 (ba) năm trở lên, trong đó có ít nhất 01 (một) năm được cấp giấy khen hoặc bằng khen của các ban, ngành, đoàn thể hoặc chính quyền thì được ưu tiên học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh từ các chương trình, đề án, dự án dạy nghề hoặc phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.

Điều 12. Kinh phí hỗ trợ đối với hoạt động của Đội tình nguyện và chế độ thù lao đối với thành viên Đội tình nguyện

1. Đội tình nguyện được hỗ trợ kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên để chi cho công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn, tham vấn cho đối tượng, văn phòng phẩm, sơ kết, tổng kết.

2. Thành viên của Đội tình nguyện được hưởng các chế độ sau:

a) Được hưởng thù lao hàng tháng. Mức thù lao hàng tháng tối đa đối với: đội trưởng là 0,6 (không phẩy sáu) lần mức lương tối thiểu chung của Nhà nước; đội phó là 0,5 (không phẩy năm) lần; thành viên của Đội tình nguyện là 0,4 (không phẩy bốn) lần. Mức cụ thể do Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định phù hợp với khả năng ngân sách và tình hình thực tế của từng địa phương;

b) Được hỗ trợ 01 (một) lần tiền mua trang phục với mức tối đa là 500.000 (năm trăm nghìn) đồng.

3. Căn cứ vào kế hoạch hoạt động và dự toán kinh phí của Đội tình nguyện, chế độ hỗ trợ đối với Đội tình nguyện, thành viên của Đội tình nguyện quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã lập dự toán cùng với dự toán chi ngân sách xã hàng năm để trình cấp có thẩm quyền quyết định.

MỤC 3. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương quyết định chủ trương, kế hoạch thành lập mạng lưới Đội tình nguyện trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá hoạt động của mạng lưới Đội tình nguyện tại địa bàn; đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội tình nguyện; định kỳ 06 (sáu) tháng, 01 (một) năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về kết quả hoạt động của Đội tình nguyện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chỉ đạo việc xây dựng kế hoạch hoạt động của Đội tình nguyện;

b) Hỗ trợ kinh phí đảm bảo hoạt động thường xuyên của Đội tình nguyện và thực hiện chi trả chế độ đối với thành viên của Đội tình nguyện theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch này;

c) Định kỳ 06 (sáu) tháng, 01 (một) năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về kết quả hoạt động của Đội tình nguyện.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính xây dựng quy hoạch mạng lưới Đội tình nguyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

2. Chủ trì phối hợp với các ban ngành liên quan, chỉ đạo cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện triển khai các hoạt động: tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho thành viên của Đội tình nguyện; định kỳ kiểm tra, đánh giá hoạt động của mạng lưới Đội tình nguyện, đề xuất các giải pháp nhằm kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của Đội tình nguyện.

3. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá việc thành lập, giải thể, tổ chức hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với thành viên của Đội tình nguyện.

4. Định kỳ 06 (sáu) tháng, 01 (một) năm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình và kết quả hoạt động của Đội tình nguyện và báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Thông tư liên tịch này có hiệu lực kể từ ngày 07 tháng 12 năm 2012.

2. Thông tư liên tịch này thay thế Thông tư liên tịch số 27/2003/TTLT-BLĐTBXH-BTC-UBTƯMTTQVN ngày 18 tháng 12 năm 2003 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Đội hoạt động xã hội tình nguyện cấp xã.

3. Ban hành kèm theo Thông tư liên tịch này các mẫu sau:

a) Mẫu tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện (Phụ lục 1);

b) Mẫu Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc thành lập Đội công tác xã hội tình nguyện (Phụ lục 2);

c) Mẫu Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về việc giải thể Đội công tác xã hội tình nguyện (Phụ lục 3);

d) Mẫu Quy chế về tổ chức và hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã (Phụ lục 4);

đ) Mẫu Báo cáo định kỳ về kết quả hoạt động của Đội công tác xã hội tình nguyện cấp xã (Phụ lục 5).

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị kiến nghị về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng Bộ Tài chính

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Nguyễn Trọng Đàm

Nguyễn Thị Minh

Nguyễn Duy Thăng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.