THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04/12/2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ vành
đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược,
vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý
Căn cứ Nghị định số 148/2006/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ do Bộ Quốc phòng quản lý (sau đây gọi tắt là Nghị định số 148/2006/NĐ-CP), Bộ Quốc phòng hướng dẫn thực hiện một số điều như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Phạm vi điều chỉnh:
Các kho đạn dược, vật liệu nổ, nhà máy sản xuất đạn dược, vật liệu nổ (gọi tắt là kho đạn dược) thực hiện theo quy định tại Điều 1 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP bao gồm: Kho đạn dược lục quân, kho tên lửa phòng không và phương tiện sát thương hàng không, kho đạn dược hải quân được phân ra các cấp:
a) Các kho đạn dược cấp Bộ Quốc phòng;
b) Các kho đạn dược cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng;
c) Các kho đạn dược cấp sư đoàn, Vùng Hải quân, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
d) Các kho nguyên liệu, sản phẩm và dây chuyền sản xuất vật liệu nổ, sản xuất, sửa chữa đạn dược của các nhà máy quốc phòng.
đ) Các kho cấp lữ đoàn, trung đoàn, căn cứ sân bay huyện, thị và tương đương.
2. Đối tượng áp dụng:
Thông tư này áp dụng đối với mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động, sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam.
3. Nguyên tắc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ vành đai an toàn kho
Nguyên tắc quy hoạch, xây dựng, quản lý, bảo vệ vành đai an toàn kho thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Các kho đạn dược nêu tại điểm a, b, c, d, đ Mục 1 phần I Thông tư này đóng quân trên địa bàn của các địa phương trong cả nước và mọi tổ chức, cá nhân có liên quan phải có trách nhiệm xây dựng, quản lý, bảo vệ vành đai an toàn kho.
b) Mọi tổ chức, cá nhân khi quy hoạch, xây dựng công trình, khai thác, sử dụng vùng đất, khoảng không thuộc Vành đai an toàn kho trong phạm vi cho phép quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP phải có ý kiến của thủ trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý kho đạn dược và chấp hành các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ vành đai an toàn kho. Ngoài phạm vi cho phép quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 7 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP phải có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
II. QUY ĐỊNH VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO
1. Vành đai an toàn kho thực hiện theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, bao gồm:
a) Tất cả các kho đạn dược nêu tại điểm a, b, c, d, đ Mục 1 phần I Thông tư này phải xác định Vành đai an toàn kho. Vành đai an toàn kho phải bảo đảm ngăn chặn được các yếu tố xâm hại, gây mất an toàn cho kho đạn dược và phải bảo đảm an toàn cho tính mạng, tài sản của các tổ chức, cá nhân nằm ngoài Vành đai an toàn kho nếu kho đạn dược xảy ra sự cố cháy, nổ.
b) Vành đai an toàn kho được xác định trên thực địa bằng hàng rào, cột mốc, biển báo và có bản đồ địa chính, trong đó xác định rõ vị trí, diện tích chiếm đất của kho đạn dược và Vành đai an toàn kho.
c) Các kho đạn dược, ngoài hồ sơ quản lý công trình quốc phòng và khu quân sự phải có hồ sơ quản lý Vành đai an toàn kho. Nếu Vành đai an toàn kho hiện tại không thuộc phạm vi đất quốc phòng quản lý, đơn vị quản lý trực tiếp kho đạn dược phối hợp với cơ quan chức năng của địa phương lập và quản lý hồ sơ Vành đai an toàn kho. Khi có quyết định chuyển giao mục đích sử dụng thành đất quốc phòng thì thực hiện việc lập và quản lý hồ sơ theo quy định quản lý đất quốc phòng và pháp luật về đất đai.
2. Bán kính an toàn của các kho đạn dược thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, được xác định cụ thể như sau:
a) Tất cả các loại đạn dược cất chứa trong từng nhà kho phải tính toán, quy đổi ra đương lượng TNT (DTNT);
b) Trên cơ sở DTNT, căn cứ vào Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 4586 : 1997 “Vật liệu nổ công nghiệp - Yêu cầu an toàn về bảo quản, vận chuyển và sử dụng”; Quyết định số 338/QĐ-QP ngày 16/9/1991 ban hành “Quy định về kho đạn dược (Lục quân) của QĐNDVN” và các tài liệu kỹ thuật về tên lửa phòng không, phương tiện sát thương hàng không, vũ khí hải quân để tính toán các khoảng cách an toàn:
- Khoảng cách an toàn về chấn động;
- Khoảng cách an toàn về tác động của sóng không khí;
- Khoảng cách an toàn về tác động của mảnh văng.
c) Sau khi tính toán các khoảng cách an toàn nêu ở điểm b, giá trị lớn nhất trong các khoảng cách an toàn tính toán được chọn làm bán kính an toàn cho từng nhà kho. Bán kính an toàn lớn nhất của các nhà kho được chọn làm bán kính an toàn của kho.
d) Vành đai an toàn kho là phạm vi vùng bao quanh các nhà kho thuộc kho đạn dược, gồm trên mặt đất và trong lòng đất, nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài với khoảng cách bằng bán kính an toàn lớn nhất của các nhà kho. Giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược là hàng rào hoặc tường rào khép kín khu vực kho đạn dược. Nếu có nhiều lớp hàng rào hoặc tường rào khép kín khu vực kho đạn dược thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược là lớp hàng rào hoặc tường rào gần nhà kho nhất. Đối với kho cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và tương đương thì giới hạn trong của Vành đai an toàn kho đạn dược là mép ngoài của nền nhà kho.
đ) Bán kính an toàn của từng cấp kho phụ thuộc vào chủng loại đạn dược, DTNT nhưng phải nằm trong giới hạn sau:
- Kho cấp Bộ Quốc phòng, kho cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, vùng hải quân và tương đương: Bán kính an toàn không được vượt quá 1500 mét.
- Kho cấp sư đoàn, kho cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương: Bán kính an toàn không được vượt quá 1000 mét.
- Đối với các kho cấp lữ đoàn, trung đoàn và tương đương; căn cứ sân bay, các kho nguyên liệu, sản phẩm và dây chuyền sản xuất vật liệu nổ, sản xuất, sửa chữa đạn dược của các nhà máy quốc phòng: Bán kính an toàn không được vượt quá 1000 mét.
- Đối với các kho đạn dược cấp huyện, thị và tương đương: Bán kính an toàn không dưới 14 mét. Nếu nhà kho có tường xung quanh bằng bê tông cốt thép dày từ 200mm đến 300mm, trần nhà bằng bê tông cốt thép và xung quanh nhà kho có tường rào hoặc hàng rào cách mép ngoài của nền nhà kho không dưới 2 mét thì bán kính an toàn kho cấp huyện, thị không dưới 7 mét.
e) Trường hợp các nhà kho đạn dược xây dựng kiên cố, có ụ chắn nổ lấy đúng quy cách theo Tiêu chuẩn ngành 06 TCN 584 : 1996 “Nhà kho đạn dược cấp chiến lược, chiến dịch” hoặc xung quanh sát hàng rào khu vực các nhà kho có đồi, núi che chắn, nếu lấy đỉnh núi thấp nhất kéo một đường thẳng tới chân tường của nhà kho xa nhất tạo với mặt bằng nền nhà kho một góc lớn hơn 45o thì bán kính an toàn của từng nhà kho hoặc của kho đạn dược về phía có đồi, núi che chắn được phép giảm đi 50% nhưng vẫn phải bảo đảm đỉnh của đồi, núi nằm giữa giới hạn trong và giới hạn ngoài của Vành đai an toàn kho.
f) Các kho đạn dược nếu không bảo đảm yêu cầu tại điểm đ Mục này, các đầu mối trực thuộc Bộ tổng hợp báo cáo Bộ Tổng tham mưu để điều chỉnh phù hợp với nhiệm vụ tác chiến phòng thủ và Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
3. Bảo vệ Vành đai an toàn kho thực hiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Trong Vành đai an toàn kho, nghiêm cấm:
- Người không có trách nhiệm vào Vành đai an toàn kho;
- Xây dựng nhà ở, công trình kinh tế, dân sinh;
- Sử dụng lửa, vật liệu nổ, thiết bị, các vật liệu dễ gây cháy, gây nổ, vật thể bay mang lửa;
- Canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp trong phạm vi 50 mét tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh;
- Thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản;
- Săn bắn, nổ mìn;
- Neo đậu các phương tiện vận chuyển;
- Tham quan du lịch, các hoạt động tập thể (trừ các hoạt động phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn).
b) Trong Vành đai an toàn kho, cho phép những hoạt động sau:
- Ngoài phạm vi bán kính 50 mét tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh, được phép: Xây dựng các công trình phục vụ các hoạt động trực tiếp của kho; canh tác nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp; xây dựng các công trình thủy nông quy mô vừa và nhỏ, các công trình phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn; xây dựng công trình hạ tầng giao thông quy mô vừa và nhỏ để phục vụ hoạt động trực tiếp của kho và phục vụ phòng, chống cháy, nổ, cứu hộ, cứu nạn;
- Ngoài phạm vi bán kính 500 mét tính từ giới hạn trong của Vành đai an toàn kho trở ra xung quanh, được xây dựng đường điện cao thế dưới 110KV;
c) Ngoài các điều cấm tại điểm a nêu trên, các hoạt động trong Vành đai an toàn kho phải tuân theo pháp luật về bảo vệ các công trình quốc phòng và khu quân sự.
d) Các hoạt động cho phép trong Vành đai an toàn kho tại điểm a nêu trên phải có sự thỏa thuận với đơn vị cấp trên trực tiếp quản lý kho đạn dược về chấp hành các quy định xây dựng, quản lý, bảo vệ vành đai an toàn kho.
đ) Mọi tổ chức, cá nhân có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến Vành đai an toàn kho khi phát hiện các biểu hiện, hành vi vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý kịp thời.
e) Mọi hành vi xâm hại đến Vành đai an toàn kho phải được xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Quy hoạch, xây dựng các kho đạn dược thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Quy hoạch, xây dựng hệ thống kho đạn dược trong toàn quân phải căn cứ vào nhiệm vụ tác chiến phòng thủ từng vùng, từng khu vực do Bộ Tổng tham mưu quy định. Phải quy hoạch, xây dựng đồng bộ Vành đai an toàn kho phù hợp các quy định tại Điều 6 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, đồng thời phải đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tuân theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Khi quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng mới kho đạn dược và sắp xếp, bố trí các nhà kho phải ưu tiên lựa chọn vị trí có địa hình, địa vật che chắn; bảo đảm bán kính an toàn nêu tại Mục 2 phần II Thông tư này đối với khu vực dân cư và các công trình kinh tế dân sinh xung quanh; phải tính toán đến sự ảnh hưởng của động đất, lũ lụt, sụt lở đất và các hiện tượng tự nhiên khác.
c) Việc xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho phải gắn liền với việc bảo vệ tài nguyên khoáng sản, môi trường, di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và phải tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.
d) Các loại đạn hỏa lực, thuốc nổ không được để ở các nhà kho gần khu dân cư. Các kho đạn dược hiện đang nằm gần các khu tập trung đông dân cư, khu đô thị, khu công nghiệp, đường quốc lộ, lưới điện quốc gia và các công trình quan trọng khác phải điều chỉnh trữ lượng, chủng loại đạn dược phù hợp, bảo đảm bán kính an toàn quy định tại điểm đ Mục 2 phần II Thông tư này; trường hợp không điều chỉnh được phải báo cáo Bộ Tổng tham mưu di dời đến vị trí khác để bảo đảm quy định về phạm vi Vành đai an toàn kho. Các nhà kho đạn dược không bảo đảm đủ tiêu chuẩn phòng, chống cháy, nổ, phòng chống nổ lây phải củng cố bổ sung, sửa chữa hoặc xây mới.
đ) Không xây dựng mới kho đạn dược ở khu vực đô thị, nơi tập trung đông dân cư. Trong trường hợp thật cần thiết để phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, khi quyết định xây dựng phải tính toán, thiết kế bảo đảm khoảng cách an toàn với khu dân cư, các công trình kinh tế dân sinh xung quanh và đối với các kho đạn dược cấp huyện, thị phải được tư lệnh quân khu phê duyệt; các kho nguyên liệu, sản phẩm và dây chuyền sản xuất vật liệu nổ, sản xuất, sửa chữa đạn dược của các nhà máy quốc phòng, kho cấp lữ đoàn, trung đoàn và tương đương phải được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt; các kho đạn dược cấp Bộ Quốc phòng, cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, sư đoàn, vùng hải quân, căn cứ sân bay, cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
III. TRÁCH NHIỆM QUY HOẠCH, XÂY DỰNG, QUẢN LÝ, BẢO VỆ VÀNH ĐAI AN TOÀN KHO
1. Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Trách nhiệm của Bộ Tổng tham mưu:
- Chủ trì phối hợp với Tổng cục Kỹ thuật rà soát lại quy hoạch hệ thống kho đạn dược trong toàn quân; điều chỉnh sắp xếp phù hợp với nhiệm vụ tác chiến phòng thủ và các quy định về xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho theo Nghị định số 148/2006/NĐ-CP báo cáo Bộ phê duyệt.
- Trên cơ sở quy hoạch hệ thống các kho đạn dược trong toàn quân đã được Bộ phê duyệt, xây dựng đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược và Vành đai an toàn cho từng kho trên phạm vi toàn quốc. Phần đề án quy hoạch Vành đai an toàn của hệ thống kho đạn dược cấp Bộ Quốc phòng, cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, sư đoàn, vùng hải quân, căn cứ sân bay, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Phần đề án quy hoạch Vành đai an toàn của hệ thống kho đạn dược còn lại báo cáo Bộ phê duyệt.
- Chỉ đạo hướng dẫn toàn quân quy hoạch, xây dựng, quản lý Vành đai an toàn kho đạn dược theo quy định quản lý đất quốc phòng và pháp luật về đất đai.
b) Trách nhiệm của Tổng cục Kỹ thuật:
- Phối hợp với Bộ Tổng tham mưu rà soát lại quy hoạch hệ thống kho đạn dược trong toàn quân; đề xuất điều chỉnh sắp xếp phù hợp với nhiệm vụ tác chiến phòng thủ và các quy định về xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho theo Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
- Chỉ đạo hướng dẫn ngành kỹ thuật toàn quân tính toán xác định và quy hoạch xây dựng Vành đai an toàn các kho đạn dược theo quy định của Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
- Tính toán xác định và quy hoạch xây dựng Vành đai an toàn của các kho đạn dược cấp Bộ Quốc phòng báo cáo Bộ Tổng tham mưu.
c) Trách nhiệm của ngành kỹ thuật các đơn vị: Việc tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn, tính toán xác định bán kính an toàn, vành đai an toàn kho đạn dược phân cấp như sau:
- Đối với các kho đạn dược cấp Bộ Quốc phòng do Cục Quân khí thực hiện, chủ nhiệm TCKT phê duyệt;
- Đối với các kho đạn dược cấp quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng, do ngành kỹ thuật các đầu mối thực hiện, tư lệnh quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng phê duyệt;
- Đối với các kho đạn dược cấp sư đoàn, vùng Hải quân, trung đoàn và tương đương trực thuộc sư đoàn, vùng Hải quân do ngành kỹ thuật sư đoàn, vùng Hải quân thực hiện, chỉ huy trưởng sư đoàn, vùng Hải quân phê duyệt;
- Đối với các kho đạn dược ở căn cứ sân bay, kho đạn dược cấp trung đoàn và tương đương độc lập do ngành kỹ thuật đơn vị thực hiện, chỉ huy trưởng đơn vị cấp trên trực tiếp phê duyệt;
- Đối với các kho tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, huyện thị do ngành kỹ thuật Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố thực hiện, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh phê duyệt;
- Đối với các kho nguyên liệu, sản phẩm và dây chuyền sản xuất vật liệu nổ, sản xuất, sửa chữa đạn dược của các nhà máy quốc phòng do ngành kỹ thuật Tổng cục Công nghiệp quốc phòng thực hiện, Chủ nhiệm Tổng cục phê duyệt.
d) Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng có kho đạn dược:
- Quy hoạch tổng thể Vành đai an toàn kho đạn dược thuộc phạm vi quản lý, tổng hợp báo cáo về Bộ Tổng tham mưu và phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để xây dựng đề án quy hoạch hệ thống kho và vành đai an toàn kho đạn dược trên toàn quốc.
- Căn cứ vào Mục 2 phần II Thông tư này rà soát lại trữ lượng đạn dược ở từng kho. Nếu không bảo đảm Vành đai an toàn đối với khu vực dân cư và các công trình kinh tế dân sinh xung quanh, tổng hợp đề xuất kế hoạch điều chuyển dồn dịch phù hợp báo cáo Bộ Tổng tham mưu để triển khai thực hiện. Nếu Vành đai an toàn vẫn bảo đảm theo quy định nhưng không thuộc phạm vi đất quốc phòng quản lý, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp chặt chẽ với Ủy ban nhân dân địa phương nơi đóng quân rà soát, thống nhất, quản lý hiện trạng khu vực thuộc Vành đai an toàn kho, không để xâm lấn hoặc phát sinh các yếu tố vi phạm Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
- Sau khi đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược và Vành đai an toàn cho từng kho được Thủ tướng Chính phủ và Bộ Quốc phòng phê duyệt, hướng dẫn, chỉ đạo đơn vị trực thuộc phối hợp với cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và Ủy ban nhân dân các cấp nơi đóng quân triển khai cắm mốc giới, hoàn chỉnh thủ tục quyền sở hữu đất đai, lập bản đồ địa chính, giải tỏa di dời nhà ở, các công trình kinh tế dân sinh vi phạm Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, xây dựng quy chế phối hợp quản lý và bảo vệ vành đai an toàn các kho đạn dược thuộc phạm vi quản lý.
đ) Trách nhiệm của Cục Tài chính Bộ Quốc phòng: Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan lập và thực hiện dự toán ngân sách nhà nước bảo đảm cho xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho, trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định của Luật ngân sách nhà nước. Hướng dẫn việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn ngân sách để thực hiện công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn kho đạn dược theo quy định của Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý kho đạn dược xác định Vành đai an toàn kho, lập bản đồ địa chính khu vực và tổ chức cắm mốc giới; quy hoạch xây dựng, quản lý và bảo vệ Vành đai an toàn theo Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
Nếu Vành đai an toàn kho đạn dược không thuộc phạm vi đất quốc phòng quản lý thì Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm phối hợp với đơn vị chủ quản kho đạn dược rà soát, thống nhất, quản lý hiện trạng khu vực thuộc Vành đai an toàn kho, không để xâm lấn hoặc phát sinh các yếu tố vi phạm trái với Nghị định số 148/2006/NĐ-CP.
Sau khi đề án quy hoạch hệ thống kho đạn dược và Vành đai an toàn cho từng kho được Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt và có quyết định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, chỉ đạo cơ quan, ban ngành địa phương tổ chức di dời, tái định cư các hộ dân, các công trình kinh tế dân sinh hiện đang tồn tại trong Vành đai an toàn kho không phù hợp với Nghị định số 148/2006/NĐ-CP để xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng tiến hành các thủ tục giao đất để xây dựng kho, tổ chức quản lý và sử dụng đất thuộc Vành đai an toàn kho theo quy định của pháp luật về đất đai.
b) Chủ trì phối hợp với Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành liên quan rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương gắn với xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho. Chỉ đạo các tổ chức thành viên, giáo dục nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.
c) Xử lý các vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho theo thẩm quyền.
3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm Vành đai an toàn kho thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 148/2006/NĐ-CP, cụ thể như sau:
a) Đơn vị trực tiếp quản lý kho đạn dược chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho; chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương, cơ quan liên quan trên địa bàn tổ chức ngăn chặn và có biện pháp phù hợp để đình chỉ kịp thời các hành vi xâm hại hoặc nguy cơ xâm hại đến kho đạn dược và vi phạm quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.
b) Hàng năm, Thanh tra Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức thanh tra, kiểm tra và báo cáo Bộ trưởng việc thực hiện các quy định về xây dựng, quản lý, bảo vệ Vành đai an toàn kho.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Trong quá trình thực hiện, những vướng mắc các đơn vị phản ảnh về Bộ Quốc phòng để chỉ đạo giải quyết./.