BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2017/TT-BVHTTDL
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 07 năm 2017
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN CHUYÊN GIA GIÁM ĐỊNH CỔ VẬT
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18 tháng 6 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 76/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
Căn cứ Nghị định số 61/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Di sản văn hóa;
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Thông tư quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với cá nhân tham gia hoạt động giám định cổ vật trên lãnh thổ Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động giám định cổ vật.
Điều 3. Tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật
Chuyên gia giám định cổ vật là người có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự, không đang trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự và phải đáp ứng một trong các tiêu chuẩn sau:
1. Có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; có ít nhất 05 (năm) năm trực tiếp tham gia hoạt động khảo cổ học, bảo quản, tu sửa cổ vật, thẩm định tài liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa và khoa học tự nhiên có liên quan; có ít nhất 03 (ba) bài báo khoa học về cổ vật được công bố trên tạp chí khoa học chuyên ngành hoặc tham gia biên soạn sách chuyên khảo về cổ vật đã được xuất bản;
2. Là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo quy định tại khoản 1 Điều này, có ít nhất 10 (mười) năm thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật.
Điều 4. Trách nhiệm thi hành
1. Cục trưởng Cục Di sản văn hóa chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.
2. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 8 năm 2017.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát sinh, vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Cục Di sản văn hóa) để xem xét, bổ sung, sửa đổi./.
Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Các Bộ, CQ ngang Bộ, CQ thuộc Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Bộ trưởng và các Thứ trưởng Bộ VHTTDL;
- Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia;
- Sở VHTTDL, VHTT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ VHTTDL:
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Các Tổng cục, VP, Thanh tra, Cục, Vụ, Viện trực thuộc Bộ VHTTDL;
- Lưu: VT, DSVH (03). PC, LQV.450.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Ngọc Thiện
|