THÔNG TƯ
Quy định việc công nhận đối với văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp
Căn cứ Luật Giáo dục nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1981/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân;
Căn cứ Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18 tháng 10 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Khung trình độ quốc gia Việt Nam;
Theo đề nghị của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định việc công nhận đối với văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc công nhận tương đương đối với văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp so với các trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam (sơ cấp, trung cấp, cao đẳng).
2. Thông tư này không áp dụng đối với giấy chứng nhận kết quả học tập do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp cho người học sau khi hoàn thành một phần trong chương trình đào tạo.
Điều 2. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp
Văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp (sau đây gọi chung là văn bằng, chứng chỉ), bao gồm:
1. Bằng tốt nghiệp cao đẳng (bậc 5 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam). Tên gọi tiếng Anh là Advanced Diploma.
2. Bằng tốt nghiệp trung cấp (bậc 4 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam). Tên gọi tiếng Anh là Diploma.
3. Chứng chỉ sơ cấp I, II và III (tương ứng với bậc 1, 2 và 3 của Khung trình độ quốc gia Việt Nam). Tên gọi tiếng Anh tương ứng là Certificate I, Certificate II, Certificate III.
Điều 3. Công nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp
Văn bằng, chứng chỉ của người học do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp được công nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ thuộc giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong các trường hợp sau đây:
1. Văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài thuộc phạm vi áp dụng của Hiệp định về tương đương văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ hoặc Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng, chứng chỉ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
2. Văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, thực hiện hoạt động giáo dục nghề nghiệp theo quy định trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền về giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cấp.
3. Đối với những người được cấp văn bằng, chứng chỉ không thuộc khoản 1 và khoản 2 của Điều này, nhưng văn bằng, chứng chỉ được cấp bởi cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động hợp pháp ở nước ngoài mà các chương trình đào tạo đã được cơ quan, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục của nước đó công nhận và được phép cấp văn bằng, chứng chỉ, đồng thời phải tuân theo các nguyên tắc sau đây:
a) Đảm bảo tương đương về điều kiện trình độ tuyển đầu vào đối với trình độ trung cấp, cao đẳng;
b) Tương thích với chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo tương ứng với trình độ đào tạo;
c) Tương thích về thời lượng học tập tính theo năm học hoặc theo số tín chỉ tích lũy ở cuối khóa học.
Chương II
TRÁCH NHIỆM TRONG VIỆC CÔNG NHẬN TƯƠNG ĐƯƠNG ĐỐI VỚI VĂN BẰNG, CHỨNG CHỈ
Điều 4. Trách nhiệm của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp
1. Công bố công khai và cập nhật trên Trang thông tin điện tử Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp về:
a) Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, các chương trình hợp tác quốc tế của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp Việt Nam cấp bằng, chứng chỉ nước ngoài;
b) Các Hiệp định về tương đương văn bằng, chứng chỉ hoặc công nhận lẫn nhau về văn bằng, chứng chỉ, các Điều ước quốc tế có liên quan đến văn bằng, chứng chỉ mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký kết hoặc là thành viên.
2. Xác định sự tương đương đối với văn bằng, chứng chỉ của người Việt Nam do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp so với văn bằng, chứng chỉ thuộc các trình độ của giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.
3. Cung cấp thông tin cho tổ chức, cá nhân liên quan khi có yêu cầu xác minh về các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài để làm căn cứ cho các bên liên quan xác định tính hợp pháp của văn bằng, chứng chỉ do các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp.
4. Quyết định về việc không công nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ của cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài hoạt động không hợp pháp tại Việt Nam và nước ngoài.
Điều 5. Quyền và trách nhiệm của người có văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục nghề nghiệp nước ngoài cấp
1. Người có văn bằng, chứng chỉ thuộc các trường hợp nêu tại Điều 3 của Thông tư này không phải làm thủ tục công nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ.
2. Người được công nhận tương đương văn bằng, chứng chỉ trong giáo dục nghề nghiệp được miễn trừ nội dung đã học khi học liên thông giữa các trình độ trong giáo dục nghề nghiệp do người đứng đầu cơ sở giáo dục nghề nghiệp xác định.
3. Người có văn bằng, chứng chỉ do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp có trách nhiệm tập hợp và cung cấp các minh chứng theo quy định tại khoản 3 Điều 3 của Thông tư này chỉ khi có yêu cầu hợp pháp từ các bên liên quan.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 12 tháng 02 năm 2018.
2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổ chức chính trị - xã hội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường trung cấp, trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.