• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/02/2019
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 26/2018/TT-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2018

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA CÓ KHẢ NĂNG GÂY MẤT AN TOÀN THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định s 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Cht lượng sản phm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 5 năm 2008 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sn phm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 78/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, b sung một số điều của Nghị định số 127/2007/NĐ-CP ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật;

Căn cứ Nghị định số 154/2018/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành;

Căn cứ Nghị định số 14/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục An toàn lao động;

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư quy định về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước ca Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa có khả năng mất an toàn (sau đây gọi chung là sản phẩm, hàng hóa nhóm 2) thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp Giấy chứng nhận, chỉ định hoặc thừa nhận theo quy định của pháp luật;

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

3. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ và quy định tại Thông tư này.

2. Cục An toàn lao động và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 4. Hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa

1. Tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là tổ chức được Bộ Lao động - Thương binh và xã hội chỉ định, thừa nhận hoặc đã đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp.

2. Phương thức đánh giá sự phù hợp

a) Việc đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội được thực hiện theo phương thức 5, 7 và 8 quy định tại Điều 5 Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

b) Đối với các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực, không quy định phương thức chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 thì thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.

Điều 5. Công bố hợp quy

1. Các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải được công bố hợp quy theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

2. Nguyên tắc, trình tự, thủ tục công bố hợp quy, trách nhiệm của tổ chức công bố hợp quy được thực theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31 tháng 3 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

3. Các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 đăng ký công bố hợp quy tại Cục An toàn lao động.

4. Các tổ chức, cá nhân nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 công bố hợp quy thông qua hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu.

5. Dấu hợp quy do tổ chức chứng nhận hợp quy cấp cho sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận hợp quy hoặc do tổ chức, cá nhân công bố hợp quy gắn cho sản phẩm, hàng hóa được công bố hợp quy sau khi đã đăng ký công bố hợp quy, Dấu hợp quy có hình dạng, kích thước và thông tin theo quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này,

Điều 6. Thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp

1. Trường hợp công bố hợp quy sử dụng kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài thì tổ chức đánh giá sự phù hợp nước ngoài phải được thừa nhận theo quy định của pháp luật hoặc được quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

2. Đối với các phép thử mà chưa có điều kiện để thử nghiệm tại phòng thử nghiệm ở Việt Nam, tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được chỉ định, cấp Giấy chứng nhận có thể xem xét thừa nhận, sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm tại nước ngoài.

3. Việc thừa nhận, sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm tại nước ngoài thực hiện theo quy định của pháp luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

4. Trong trường hợp phải áp dụng thừa nhận, sử dụng kết quả thử nghiệm của phòng thử nghiệm tại nước ngoài, tổ chức đánh giá sự phù hợp phải thực hiện giám sát và chịu trách nhiệm về kết quả chứng nhận, giám định của mình. Trong trường hợp cần thiết, Cục An toàn lao động tổ chức kiểm tra việc thừa nhận, sử dụng kết quả thử nghiệm của các tổ chức đánh giá sự phù hợp.

Chương 2

KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRONG SẢN XUẤT

Điều 7. Căn cứ để cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa xem xét, tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

1. Thông tin, cảnh báo về hàng hóa xuất khẩu không phù hợp với các điều kiện quy định tại Điều 32 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

2. Kết quả khảo sát hoặc kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của cơ quan kiểm tra phát hiện hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

3. Thông tin xác thực của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước phản ánh về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

4. Theo kế hoạch kiểm tra hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 8. Nguyên tắc kiểm tra

1. Nghiêm chỉnh thực thi các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa từ cơ sở sản xuất; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.

2. Bảo đảm minh bạch, khách quan, tuân theo quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các thỏa thuận, điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

3. Thực hiện kiểm tra trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy định về nhãn và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất.

4. Thực hiện kiểm tra theo kế hoạch kiểm tra đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt hoặc kiểm tra đột xuất nếu có căn cứ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 7 Thông tư này.

5. Việc kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa được tiến hành dưới hình thức đoàn kiểm tra do cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa quyết định thành lập.

Điều 9. Nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất

1. Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất, bao gồm:

a) Kiểm tra hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy (đối với các sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy); hồ sơ công bố hợp chuẩn (đối với các sản phẩm, hàng hóa công bố hợp chuẩn); hồ sơ chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng phù hợp tiêu chuẩn (đối với sản phẩm áp dụng hệ thống Quản lý chất lượng); Kiểm tra việc thực hiện công bố tiêu chuẩn áp dụng theo Điều 23 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

b) Kiểm tra việc ghi nhãn, nội dung thông tin cảnh báo (đối với các sản phẩm, hàng hóa có quy định về thể hiện thông tin cảnh báo); thể hiện dấu hợp quy (đối với sản phẩm, hàng hóa phải chứng nhận và công bố hợp quy), dấu hợp chuẩn (đối với sản phẩm, hàng hóa được chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn) và các tài liệu đi kèm sản phẩm cần kiểm tra;

c) Trường hợp trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng có quy định liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất thì kiểm tra việc thực hiện các quy định này trong quá trình sản xuất sản phẩm;

d) Kiểm tra việc thực hiện các biện pháp khác của quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trong sản xuất do cơ quan có thẩm quyền quy định.

2. Kiểm tra việc thực hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp của quá trình sản xuất sản phẩm.

Kiểm tra công tác kiểm soát quá trình sản xuất của cơ sở sản xuất liên quan đến việc tạo thành sản phẩm và duy trì sự đảm bảo chất lượng bao gồm:

a) Kiểm tra hồ sơ kỹ thuật của sản phẩm (tài liệu thiết kế, tiêu chuẩn kỹ thuật của sản phẩm);

b) Kiểm tra toàn bộ hoặc một trong các giai đoạn của quá trình sản xuất (từ đầu vào, qua các giai đoạn trung gian cho đến khi hình thành sản phẩm bao gồm cả quá trình bao gói, xếp dỡ, lưu kho và vận chuyển sản phẩm);

c) Kiểm tra chất lượng nguyên vật liệu (theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, việc sử dụng nguyên liệu bị cấm, nguyên vật liệu quá hạn sử dụng);

d) Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu về trang thiết bị công nghệ và trang thiết bị đo lường, kiểm tra, thử nghiệm;

e) Kiểm tra hồ sơ tay nghề công nhân và cán bộ kỹ thuật;

g) Các nội dung kỹ thuật cần thiết khác.

Trong trường hợp cần thiết, cơ quan kiểm tra có thể sử dụng chuyên gia thực hiện việc đánh giá theo các yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Chuyên gia đánh giá phải độc lập, khách quan và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả đánh giá của mình.

3. Thử nghiệm mẫu để kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Trong quá trình kiểm tra tại cơ sở sản xuất, khi phát hiện sản phẩm có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng thì lấy mẫu sản phẩm để thử nghiệm. Việc lấy mẫu phục vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm được thực hiện như sau:

a) Mẫu được lấy theo phương pháp lấy mẫu quy định tại tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Trường hợp không có quy định về phương pháp lấy mẫu thì lấy mẫu theo nguyên tắc ngẫu nhiên, đảm bảo mẫu là đại diện cho lô sản phẩm; Mỗi mẫu được chia làm hai đơn vị mẫu, một đơn vị đưa đi thử nghiệm và một đơn vị lưu tại cơ quan kiểm tra; Mẫu lưu sẽ được cơ quan kiểm tra thanh lý sau 03 tháng kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, xử lý và không có khiếu nại;

b) Căn cứ phương pháp thử đối với sản phẩm, đoàn kiểm tra lấy mẫu đảm bảo số lượng sản phẩm để thử nghiệm các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng và yêu cầu kiểm tra;

c) Mẫu sản phẩm sau khi lấy phải được niêm phong (Tem niêm phong theo mẫu số 01 Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư này), lập biên bản (theo mẫu số 02 Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư này) có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu. Trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký vào biên bản lấy mẫu và niêm phong mẫu thì đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản: “đại diện cơ sở không ký vào biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu”, biên bản lấy mẫu, niêm phong mẫu có chữ ký của người lấy mẫu, Trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý;

d) Thử nghiệm mẫu

Trong thời hạn tối đa 07 ngày làm việc kể từ ngày lấy mẫu, đoàn kiểm tra phải gửi mẫu sản phẩm đến tổ chức thử nghiệm được chỉ định để thử nghiệm.

Điều 10. Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm mẫu

Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm mẫu thực hiện theo Thông tư liên tịch số 28/2010/TTLT-BTC-BKHCN ngày 03 tháng 3 năm 2010 của Liên bộ Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đối với hoạt động kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Điều 11. Trình tự và thủ tục kiểm tra

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:

1. Xuất trình quyết định kiểm tra trước khi kiểm tra;

2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại Điều 9 Thông tư này;

3. Lập biên bản kiểm tra, biên bản lập xong phải có chữ ký của đại diện cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì đoàn kiểm tra ghi rõ trong biên bản “đại diện cơ sở không ký biên bản kèm theo lý do không ký biên bản”, biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý. Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư này;

4. Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra và kiến nghị cơ quan kiểm tra thông báo kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm không đảm bảo chất lượng (theo Mẫu 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này) cho cơ sở sản xuất được kiểm tra trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm mẫu;

5. Trường hợp phát hiện vi phạm, đoàn kiểm tra, cơ quan kiểm tra thực hiện xử lý vi phạm theo quy định tại Điều 12 Thông tư này.

Điều 12. Xử lý vi phạm trong quá trình kiểm tra

1. Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, khi phát hiện cơ sở sản xuất không thực hiện đúng các yêu cầu của ghi nhãn, tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đối với sản phẩm và điều kiện liên quan đến quá trình sản xuất thì xử lý như sau:

a) Đoàn kiểm tra lập biên bản, yêu cầu cơ sở sản xuất thực hiện các biện pháp khắc phục trong thời hạn quy định ghi rõ trong biên bản. Trong thời gian thực hiện các biện pháp khắc phục, cơ sở sản xuất không được đưa sản phẩm không phù hợp ra lưu thông trên thị trường.

Cơ sở sản xuất chỉ được đưa sản phẩm ra lưu thông sau khi đã khắc phục theo đúng các yêu cầu của đoàn kiểm tra, báo cáo việc khắc phục bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra;

b) Trường hợp sau khi có yêu cầu của đoàn kiểm tra mà cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mức độ và quy mô ảnh hưởng, cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 07 ngày làm việc (kể từ ngày có kết luận về sự tiếp tục vi phạm của cơ sở sản xuất), thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài phát thanh, đài truyền hình) địa phương hoặc trung ương tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất, tên sản phẩm không phù hợp và mức độ không phù hợp của sản phẩm (theo Mẫu 04 Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư này);

c) Sau khi có thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng mà cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm thì cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong thời hạn 05 ngày làm việc (kể từ ngày có thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng), lập biên bản vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này, kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất, mà kết quả thử nghiệm hoặc có bằng chứng khẳng định sản phẩm không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng đe dọa đến sự an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường thì xử lý như sau:

a) Trưởng đoàn kiểm tra lập biên bản vi phạm hành chính, lập biên bản niêm phong và niêm phong lô sản phẩm không phù hợp tại nơi sản xuất, kho hàng (Mẫu tem niêm phong theo Mẫu 05 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này, Biên bản niêm phong theo mẫu số 06 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này); Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa ra thông báo tạm đình chỉ sản xuất, lưu thông sản phẩm không phù hợp (theo Mẫu 07 Phụ lục II, ban hành kèm theo Thông tư này), yêu cầu cơ sở sản xuất thu hồi sản phẩm không phù hợp đã được đưa ra thị trường, thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời chuyển hồ sơ theo quy định tại Khoản 3 Điều này và kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật;

b) Cơ sở sản xuất chỉ được tiếp tục sản xuất sản phẩm sau khi đã thực hiện khắc phục, chấp hành việc xử lý, đồng thời báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra để cơ quan kiểm tra tiến hành tái kiểm tra và ra thông báo sản phẩm được tiếp tục sản xuất, lưu thông (theo Mẫu 08 Phụ lục II kèm theo Thông tư này).

3. Hồ sơ chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm, bao gồm: Quyết định kiểm tra, biên bản kiểm tra, thông báo kết quả thử nghiệm Mẫu hoặc bằng chứng khẳng định sản phẩm không phù hợp, biên bản vi phạm hành chính, biên bản niêm phong, thông báo tạm đình chỉ sản xuất, công văn của cơ quan kiểm tra đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành các thủ tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm có trách nhiệm xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và thông báo cho cơ quan kiểm tra biết kết quả xử lý để theo dõi, tổng hợp.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Trách nhiệm của Cục An toàn lao động

Cục An toàn lao động là cơ quan giúp Bộ trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa ở Trung ương có trách nhiệm:

1. Tiếp nhận hồ sơ đăng ký và quản lý hồ sơ công bố hợp quy; hủy bỏ, đình chỉ kết quả tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy đối với các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Cập nhật, công bố thông tin về các tổ chức, doanh nghiệp công bố hợp quy cho sản phẩm, hàng hóa;

2. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu đối với các mặt hàng được giao theo quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lập sổ theo dõi tình hình đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu theo mẫu 01 Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

3. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Cơ quan hải quan xử lý các sản phẩm, hàng hóa không đạt yêu cầu chất lượng;

4. Định kỳ hàng năm, đột xuất tổng hợp báo cáo Bộ về tình hình và kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tình hình tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy;

5. Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, đánh giá sự phù hợp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và các tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật;

6. Căn cứ tình hình thực hiện kiểm tra chất lượng hàng hóa trên thị trường, chất lượng sản phẩm trong sản xuất, cơ quan kiểm tra xây dựng kế hoạch dự toán kinh phí kiểm tra chất lượng sản phẩm trong sản xuất cho năm sau, tổng hợp chung trong kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 14. Trách nhiệm của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng, sản phẩm, hàng hóa ở địa phương có trách nhiệm:

1. Tiếp nhận, xử lý hồ sơ đăng ký kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu đối với các mặt hàng được giao theo quy định tại Thông tư số 22/2018/TT-BLĐTBXH ngày 06 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Lập sổ theo dõi tình hình đăng ký kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu theo mẫu số 01 tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Phối hợp với Cục An toàn lao động và Cơ quan hải quan xử lý các sản phẩm, hàng hóa không đạt yêu cầu chất lượng;

3. Thực hiện việc kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, đánh giá sự phù hợp của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và các tổ chức đánh giá sự phù hợp sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định của pháp luật;

4. Định kỳ hàng năm, đột xuất tổng hợp báo cáo Cục An toàn lao động về tình hình và kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo Mẫu số 02 Phụ lục III, ban hành kèm theo Thông tư này.

Chương 4

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 02 năm 2019, thay thế Thông tư số 35/2012/TT-BLĐTBXH ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội quy định thủ tục chỉ định tổ chức chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Thông tư số 03/2010/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 01 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và hướng dẫn trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật trích dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật khác thì áp dụng các điều, khoản, điểm tương ứng tại văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Lê Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.