• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 24/09/2002
  • Ngày hết hiệu lực: 30/09/2020
UBND TỈNH AN GIANG
Số: 2304/2002/QĐ.UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
An Giang, ngày 24 tháng 9 năm 2002

QUYẾT ĐỊNH CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

V/v ban hành bản Quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương

trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

_______________

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) được Quốc Hội thông qua ngày 21/6/1994;

  - Căn cứ  Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/6/1996;

            - Căn cứ Thông tư liên bộ số 07/LB/TT ngày 24/4/1996 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy và biên chế của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- Xét Tờ trình số 366/TT-TCCQ ngày 19 tháng 7 năm 2002 của Trưởng Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

QUYẾT  ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các văn bản về trách nhiệm quản lý nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã ban hành trước đây, có nội dung trái với bản Quy định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh; Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; thủ trưởng các Sở, Ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                        ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

                                                           CHỦ TỊCH

Nơi nhận:

- Như điều 3;                                                            

- TV Tỉnh uỷ;                                                                                   (Đã ký)

- TT.HĐND tỉnh;                                                       

- Lưu VP.                                                               Nguyễn Minh Nhị

 

 

 

 

 

 

 

 

ỦY BAN NHÂN DÂN       CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

     TỈNH AN GIANG                           Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

        

 

QUY ĐỊNH

Trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực

nông nghiệp và phát triển nông thôn.

(Ban hành kèm theo Quyết định số 2304/2002/QĐ.UB ngày 24.9.2002

của UBND tỉnh An Giang)

 

 

            Để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, đổi mới cơ chế phối hợp và phân định trách nhiệm quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; giữa Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (viết tắt là Sở Nông nghiệp) với Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện). UBND tỉnh quy định:

 

CHƯƠNG I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

            Điều 1: Quy định này điều chỉnh mối quan hệ giữa Giám đốc Sở Nông nghiệp với Chủ tịch UBND cấp huyện trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; phân định chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở Nông nghiệp và của Chủ tịch UBND cấp huyện trong việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ về phát triển nông nghiệp, phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh An Giang.           

            Điều 2: Giám đốc Sở Nông nghiệp là người chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh và HĐND tỉnh về toàn bộ kết quả, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn; được quyền quyết định và trực tiếp giải quyết các vấn đề do Chủ tịch UBND tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

            Điều 3: Chủ tịch UBND cấp huyện là người chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch UBND tỉnh và HĐND huyện về toàn bộ kết quả, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc địa bàn huyện; được quyền quyết định và trực tiếp giải quyết và các vấn đề do Chủ tịch UBND tỉnh phân công, phân cấp quản lý.

 

CHƯƠNG II

CHỨC NĂNG VÀ NHIỆM VỤ CỦA SỞ NÔNG NGHIỆP

VÀ UBND CẤP HUYỆN

 

            Điều 4: Chức năng và nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp:

1. Sở Nông nghiệp là cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND tỉnh, có nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh và tổ chức thực hiện chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

2. Căn cứ chiến lược, các quy hoạch, kế hoạch của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên cơ sở tình hình thực tế của địa phương, Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm dự báo chiến lược phát triển dài hạn và xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn từng năm, 5 năm, 10 năm trình UBND tỉnh phê duyệt.

3. Để tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Nông nghiệp xây dựng các Đề án, Dự án, các giải pháp và hệ thống các chính sách cụ thể làm cơ sở cho các ngành, các cấp triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch của tỉnh đúng mục tiêu.

4. Nghiên cứu xây dựng các văn bản (dự thảo) quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trình UBND tỉnh xem xét ban hành.

            5. Xây dựng kế hoạch phát triển các hình thức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp và kết hợp với UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

6. Tổ chức và quản lý việc thử nghiệm, sản xuất, xuất nhập khẩu các loại giống cây trồng và vật nuôi.

7. Tổ chức và quản lý công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ thông qua các Chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; các Đề án, Dự án và các đề tài nghiên cứu khoa học chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

8. Tổ chức và chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi; công tác thú y và kiểm dịch; công tác quản lý việc sử dụng hoá chất trong sản xuất và bảo quản nông - thủy sản thực phẩm; công tác quản lý chất lượng hàng hoá nông - lâm - thủy sản.

9. Tổ chức việc xây dựng, quản lý chất lượng và bảo vệ các công trình thủy lợi, phòng chống bão lụt.

10. Thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ  trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo phân cấp của UBND tỉnh.

11. Lập quy hoạch các cụm, tuyến dân cư vượt lũ; quy hoạch phân bố lao động và công tác định canh, định cư trên địa bàn tỉnh.   

12. Là cơ quan đầu mối điều hành sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức và UBND cấp huyện trong việc triển khai thực hiện những vấn đề về phát triển nông thôn.

13. Thành lập các đơn vị chuyên môn hành chính và sự nghiệp trực thuộc Sở để thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của ngành.

14. Chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ chuyên môn ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các Phòng Kinh tế thuộc UBND thành phố - thị xã, Phòng Xây dựng và Phát triển nông thôn thuộc UBND huyện.

15. Tổ chức thực hiện việc quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực chuyên ngành từ cấp tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn.

16. Tổ chức và quản lý công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

17. Thực hiện công tác kiểm tra, thanh tra chuyên ngành.

Điều 5: Chức năng và nhiệm vụ của UBND cấp huyện:

            1. UBND cấp huyện là cơ quan hành chính nhà nước ở đơn vị, có nhiệm vụ thực hiện chức năng về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc địa bàn huyện.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn của huyện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch phát triển của tỉnh trong từng giai đoạn.

            3. Tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện.

            4. Tổ chức triển khai và thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn.

            5. Tổ chức và quản lý các hình thức kinh tế hợp tác trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

            6. Kết hợp với Sở Nông nghiệp thực hiện các công tác liên quan đến phát triển nông nghiệp - nông thôn, như: Ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, phòng trừ dịch bệnh, an toàn lương thực thực phẩm....

            7. Tổ chức và quản lý, bảo vệ các công trình thủy lợi, mạng lưới thủy nông, đê bao, cụm, tuyến dân cư và các cơ sở hạ tầng khác trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

            8. Xây dựng và tổ chức thực hiện việc quy hoạch, kế hoạch phân bổ lao động và dân cư trên địa bàn thuộc cấp huyện quản lý.

9. Xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương. Thực hiện việc giao đất, thu hồi đất, cho thuê đất và giải quyết các tranh chấp đất đai, thanh tra đất đai và các nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của UBND tỉnh.

            10. Thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định của pháp luật và sự phân cấp của UBND tỉnh.

 

CHƯƠNG III

QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA GIÁM ĐỐC

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN

 

Điều 6: Quyền hạn và trách nhiệm của Giám đốc Sở  Nông nghiệp:

  1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về  công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 4 của bản Quy định này.

  2. Chủ động kết hợp với Chủ tịch UBND cấp huyện triển khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các công việc của ngành trên địa bàn huyện.

3. Tổ chức chỉ đạo và triển khai cho các ngành, các cấp thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh liên quan đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả, kết quả và thực trạng của việc chấp hành pháp luật, chủ trương chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4. Tổng hợp tình hình, báo cáo và đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách, giải pháp với Chủ tịch UBND tỉnh trong việc triển khai và thực hiện các nhiệm vụ đã được phân công, phân định trách nhiệm tại bản Quy định này.

5. Là chủ nhiệm các Chương trình, Đề án có liên quan đến ngành. Phân công người phụ trách và chỉ đạo điều hành các Dự án liên quan đến các Chương trình, Đề án thuộc ngành. Đồng thời là Phó ban thường trực của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiến cứu nạn của tỉnh.

6. Chỉ đạo hoạt động của các đơn vị hành chính và sự nghiệp trực thuộc Sở và chịu trách nhiệm về hoạt động của các đơn vị này.

7. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ và thực hiện kế hoạch của ngành đối với  Phòng Kinh tế của UBND thành phố - thị xã, Phòng Xây dựng và Phát triển nông thôn của UBND huyện.

8. Kết hợp với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông - thủy sản hàng hoá cho nông, ngư dân.

9. Tổ chức tiếp dân định kỳ và trực tiếp giải quyết các khiếu nại, tố cáo  thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở.

10. Trả lời chất vấn trước HĐND tỉnh những vấn đề về quản lý Nhà nước trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 7: Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện:

1. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về  công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các nội dung quy định tại Điều 5 của bản Quy định này.

2. Chủ động kết hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp, triển khai và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, các Chương trình, Đề án, Dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn cấp huyện.

3. Tổ chức chỉ đạo và triển khai thực hiện các văn bản pháp luật, các chủ trương chính sách của TW và của tỉnh liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn. Tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá hiệu quả, kết quả và thực trạng của việc chấp hành pháp luật, chủ trương chính sách về nông nghiệp và phát triển nông thôn.

4. Thực hiện việc tổ chức và quản lý hoạt động của Phòng Kinh tế (cấp thị xã, thành phố), Phòng Xây dựng và Phát triển nông thôn (cấp huyện) và những vấn đề liên quan đến lĩnh vực phát triển nông nghiệp - nông thôn.

5. Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện và UBND cấp xã thực hiện các nhiệm vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn.

6. Kết hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp quản lý đội ngũ kỹ thuật viên nông nghiệp ở cấp xã và kết hợp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đang công tác trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, các Ban quản lý các hợp tác xã nông nghiệp.

7. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo của công dân trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn.

 

CHƯƠNG IV

PHÂN ĐỊNH CÔNG VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA

GIÁM ĐỐC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ CHỦ TỊCH UBND CẤP HUYỆN

 

Điều 8: Nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với Chủ tịch UBND cấp huyện, chịu trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn ngắn hạn và dài hạn trong phạm vi toàn tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

2. Để phát huy tính năng động, sáng tạo và khai thác tiềm năng, ưu thế của địa phương, Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn ngắn hạn, dài hạn trên địa bàn huyện. Khi xây dựng quy hoạch, kế hoạch nếu có sự khác biệt với quy hoạch, kế hoạch của Sở Nông nghiệp thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải bàn bạc thống nhất với Giám đốc Sở Nông nghiệp để cùng phối hợp thực hiện.

Điều 9: Nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn ở cấp huyện:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp có nhiệm vụ:

a/ Chỉ đạo các khâu chuyên môn thuộc chức năng nhiệm vụ của Sở, như: Giống cây con, phòng trừ dịch bệnh, an toàn lương thực - thực phẩm, thú y, nghiên cứu ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ.... Chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc thực hiện các khâu chuyên môn thuộc Sở trên phạm vi toàn tỉnh;

b/ Chịu trách nhiệm về các chỉ tiêu năng suất, chất lượng đã ghi trong kế hoạch và những thiệt hại do điều hành để xảy ra mất mùa, dịch bệch bộc phát gây thiệt hại nghiêm trọng trên diện rộng ở nhiều huyện trong tỉnh; trừ trường hợp bất khả kháng, vượt khả năng xử lý và khắc phục của Sở.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện có nhiệm vụ:

a/ Chỉ đạo thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn và đảm bảo về các chỉ tiêu nêu ra trong kế hoạch như: diện tích, số đầu con, sản lượng cây trồng, vật nuôi....

b/ Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu các chỉ tiêu kế hoạch không đạt hoặc để xảy ra mất mùa, dịch bệch bộc phát gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện, trừ trường hợp bất khả kháng, vượt khả năng xử lý và khắc phục của cấp huyện.

Điều 10: Công tác tổ chức thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn ở cấp huyện:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp xây dựng các Chương trình, Đề án, Dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn và chịu trách nhiểm về các nội dung chuyên môn trong Chương trình, Đề án, Dự án như: Quy hoạch vùng canh tác ở huyện, cung cấp giống, ứng dụng khoa học công nghệ, phòng trừ dịch bệnh, tập huấn đào tạo, chất lượng sản phẩm, hướng dẫn và tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, Dự án phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn huyện; đảm bảo các chỉ tiêu kế hoạch của các Chương trình, Đề án, Dự án đó như: diện tích, số đầu con, sản lượng cây trồng, vật nuôi....

Điều 11: Công tác quản lý kinh tế hợp tác ở cấp huyện:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế hợp tác trong phạm vi toàn tỉnh và tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch. Tổ chức hướng dẫn, đào tạo nghiệp vụ chuyên môn và đào tạo cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp cho các huyện - thị xã - thành phố.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm tổ chức thành lập, quản lý các hợp tác xã nông nghiệp và chịu trách nhiệm về hoạt động, hiệu quả của các hợp tác xã đó.

Điều 12: Công tác phòng chống bão lụt và xử lý sự cố thiên tai, dịch bệnh:

1. Giám đốc Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm phối hợp và cùng với Chủ tịch UBND cấp huyện nơi xảy ra sự cố, huy động mọi nguồn lực kịp thời xử lý các tình huống, ngăn chặn và khắc phục hậu quả. Khi sự cố xảy ra trên diện rộng, vượt ngoài khả năng kiểm soát, giải quyết của Sở thì phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp xử lý.

2. Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm chính trước Chủ tịch UBND tỉnh về việc phát hiện và giải quyết các sự cố xảy ra trên địa bàn huyện; trừ trường hợp sự cố do thiên tai, vượt khỏi khả năng xử lý của cấp huyện. Khi xảy ra sự cố, Chủ tịch UBND huyện thông báo kịp thời cho Chủ tịch UBND tỉnh và Giám đốc Sở Nông nghiệp, đồng thời phải phối hợp với Giám đốc Sở Nông nghiệp huy động mọi nguồn lực, thực hiện các giải pháp để xử lý sự cố, ngăn chặn và khắc phục hậu quả. Nếu sự cố xảy ra trên diện rộng, vượt ngoài khả năng kiểm soát và giải quyết của cấp huyện thì phải báo cáo kịp thời với Chủ tịch UBND tỉnh.

Điều 13: Công tác xây dựng, quản lý các công trình thủy lợi, đê bao, cụm tuyến dân cư ... :

            1. Giám đốc Sở Nông nghiệp lập quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi, đê bao, xây dựng cụm tuyến dân cư... trên địa bàn tỉnh trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt.

            2. Chủ tịch UBND cấp huyện phối hợp các ngành chức năng tổ chức triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình thủy lợi, đê bao, cụm tuyến dân cư... và quản lý các công trình này sau khi được đưa vào sử dụng. Nếu công trình có quy mô lớn, thuộc phạm vi quản lý của nhiều đơn vị thì Chủ tịch UBND cấp huyện có liên quan chịu trách nhiệm phối hợp thực hiện và quản lý.

            Điều 14: Công tác tổ chức và đào tạo:

            1. Giám đốc Sở Nông nghiệp có nhiệm vụ:

a/  Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ chuyên ngành đối với các Phòng Kinh tế thuộc UBND thành phố - thị xã, Phòng Xây dựng và Phát triển nông thôn thuộc UBND huyện, các trạm khuyến nông - khuyến ngư, trạm Bảo vệ thực vật, trạm thú y của cấp huyện.

b/ Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ, công chức trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn từ cấp tỉnh, huyện đến cấp xã - phường - thị trấn. Phân công các đơn vị chuyên môn thuộc ngành quản lý và trả lương cho mạng lưới kỹ thuật viên nông nghiệp cấp xã.

c/ Xây dựng tiêu chuẩn chức danh cán bộ, công chức phụ trách ở các đơn vị chuyên ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ở cấp huyện. Có quyền kiến nghị với Chủ tịch UBND cấp huyện thay đổi nhân sự, nếu xét thấy cán bộ, công chức đang đảm nhiệm chức danh không đáp ứng được yêu cầu. Khi không có sự thống nhất giữa Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện thì báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.

            2. Chủ tịch UBND cấp huyện có nhiệm vụ:

a/ Chỉ đạo toàn diện về hoạt động của các Phòng Kinh tế (cấp thị xã, thành phố), Phòng Xây dựng và phát triển nông thôn (cấp huyện), các trạm khuyến nông - khuyến ngư, trạm Bảo vệ thực vật, trạm Thú y.

b/ Căn cứ vào tiêu chuẩn chức danh do Giám đốc Sở Nông nghiệp xây dựng, thực hiện việc bổ nhiệm cán bộ, công chức phụ trách các Phòng Kinh tế, Phòng Xây dựng và phát triển nông thôn, trạm khuyến nông - khuyến ngư, trạm Bảo vệ thực vật và trạm Thú y.

            Điều 15: Quan hệ công tác giữa Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện:

            1. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp làm việc, thống nhất giải quyết những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Sở Nông nghiệp trên địa bàn huyện. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện có thể phân công cấp phó làm việc và quyết định công việc,  nhưng Giám đốc Sở và chủ tịch UBND cấp huyện là những người chịu trách nhiệm cuối cùng.

            2. Giám đốc Sở Nông nghiệp có trách nhiệm nghiên cứu giải quyết hoặc trả lời các đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện liên quan tới lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn (kể cả khi vấn đề đó không thể giải quyết hoặc vượt thẩm quyền của Sở ).

Trong thời hạn 7 ngày (kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị), Giám đốc Sở Nông nghiệp phải trả lời bằng văn bản cho Chủ tịch UBND cấp huyện. Nếu quá thời hạn 7 ngày mà Giám đốc Sở Nông nghiệp không trả lời thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải báo cáo ngay bằng văn bản với Chủ tịch UBND tỉnh để xử lý giải quyết.

            3. Đối với những vấn đề mang tính liên ngành cần có ý kiến của các Sở, Ban, ngành thì Giám đốc Sở Nông nghiệp làm đầu mối, phải chủ động bàn bạc với các Sở, Ban, ngành có liên quan và trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Sau khi có Quyết định của UBND tỉnh, trong thời hạn 15 ngày Giám đốc Sở Nông nghiệp phải ra văn bản trả lời cho Chủ tịch UBND cấp huyện.

            4. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Chủ tịch UBND cấp huyện phải sắp xếp lịch làm việc thường xuyên với nhau, để phối hợp hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra đôn đốc các cơ quan chuyên môn của cấp huyện trong việc thực hiện pháp luật, chủ trương chính sách của Trung ương và của tỉnh, kịp thời chấn chỉnh những việc làm sai trái của cấp dưới.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

            Điều 16: Giám đốc Sở Nông nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện bản Quy định này đến các cơ quan, đơn vị thuộc Sở.

Điều 17: Chủ tịch UBND cấp huyện phối hợp Giám đốc Sở Nông nghiệp, tổ chức triển khai và thực hiện bản Quy định này đến các cơ quan, đơn vị cấp huyện và UBND cấp xã.

            Điều 18: Trưởng Ban Tổ chức chính quyền tỉnh chịu trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức triển khai thực hiện bản Quy định này và kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quá trình cải cách hành chính.

 

 

                                                       ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

                                                                                 CHỦ TỊCH

 

                                                                                       (Đã ký)

 

 

                                                                                 Nguyễn Minh Nhị

 

 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Minh Nhị

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.