THÔNG TƯ
Hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh nước sạch,
nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình
__________________
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn ngành: Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống;
Căn cứ Quyết định số 08/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn ngành: Tiêu chuẩn vệ sinh đối với các loại nhà tiêu;
Bộ Y tế hướng dẫn việc kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình như sau.
I. PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH, ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
1. Đối tượng kiểm tra
Thông tư này hướng dẫn về việc kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình bao gồm: chế độ kiểm tra, nội dung kiểm tra và chế độ thông tin, báo cáo về vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình.
2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân tham gia cung cấp hoặc sử dụng nước sạch, nước ăn uống và các hộ gia đình sử dụng nhà tiêu.
II. CHẾ ĐỘ KIỂM TRA
1. Kiểm tra định kỳ
1.1. Kiểm tra định kỳ hàng tháng đối với các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư từ 500 người trở lên.
1.2. Kiểm tra định kỳ 6 tháng một lần đối với:
a) Các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người;
b) Các hình thức cấp nước hộ gia đình;
c) Nhà tiêu hộ gia đình.
2. Kiểm tra đột xuất
Kiểm tra đột xuất được thực hiện trong những trường hợp sau:
2.1. Khi bắt đầu khai thác, sử dụng nguồn nước;
2.2. Khi nguồn nước được khai thác có nguy cơ ô nhiễm;
2.3. Khi có yêu cầu của các cơ quan chức năng.
3. Phạm vi kiểm tra và lấy mẫu xét nghiệm
3.1. Kiểm tra định kỳ:
a) Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung 100% số nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung, các hình thức cấp nước hộ gia đình và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn;
b) Lấy mẫu nước làm xét nghiệm 100% số nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung. Tỷ lệ lấy mẫu nước làm xét nghiệm đối với các hình thức cấp nước hộ gia đình dựa vào kế hoạch và điều kiện thực tế của từng địa phương.
3.2. Kiểm tra đột xuất:
Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung và lấy mẫu nước làm xét nghiệm của nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung hoặc các hình thức cấp nước hộ gia đình được kiểm tra.
4. Thẩm quyền kiểm tra: Theo quy định tại các khoản 2, 4, 6, 7 và 8 phần V của Thông tư này.
III. NỘI DUNG KIỂM TRA VỆ SINH NƯỚC SẠCH, NƯỚC ĂN UỐNG VÀ NHÀ TIÊU HỘ GIA ĐÌNH
A. Đối với các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung
1. Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung nguồn nước nguyên liệu
1.1. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước sử dụng nguồn nước ngầm:
a) Giới hạn kiểm tra: Trong bán kính 330m đối với các giếng khoan ở nơi có tầng chứa nước đã được bảo vệ tốt và 350m đối với các giếng khoan ở nơi có tầng chứa nước không được bảo vệ hoặc bảo vệ không tốt tính từ giếng khai thác (theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCXD-33: 1995).
b) Nội dung kiểm tra:
- Tường rào bảo vệ xung quanh giếng khoan;
- Các công trình xây dựng (kể cả công trình của nhà máy nước);
- Các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải chạy qua;
- Gia súc, gia cầm hoặc các loại vật nuôi khác;
- Rác thải, phân người, phân gia súc, xác súc vật.
c) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.2. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước sử dụng nguồn nước sông:
a) Giới hạn kiểm tra: Trong bán kính 200m từ điểm lấy nước lên thượng nguồn, 100m từ điểm lấy nước xuống hạ nguồn và 100m về phía hai bên bờ sông tính từ mực nước cao nhất (theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCXD-33: 1995).
b) Nội dung kiểm tra:
- Biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước;
- Bộ phận chắn rác;
- Các công trình xây dựng (kể cả công trình của nhà máy nước);
- Các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải xuống sông;
- Bến đò, bến phà hoặc thuyền bè neo đậu trên sông;
- Các hoạt động tắm giặt, sản xuất, khai thác tài nguyên của con người;
- Các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản;
- Gia súc, gia cầm hoặc loại vật nuôi khác đến tắm, uống nước;
- Rác thải, phân người, phân gia súc, xác súc vật.
c) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.3. Đối với nhà máy nước, trạm cấp nước sử dụng nguồn nước từ hồ chứa nước:
a) Giới hạn kiểm tra: Trong bán kính 300m từ điểm lấy nước.
b) Nội dung kiểm tra:
- Biển báo giới hạn khu vực bảo vệ nguồn nước;
- Bộ phận chắn rác;
- Các công trình xây dựng (kể cả công trình của nhà máy nước);
- Các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải xuống hồ chứa;
- Thuyền bè neo đậu trên hồ chứa;
- Các hoạt động tắm giặt của con người, hoạt động du lịch;
- Các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản;
- Gia súc, gia cầm hoặc vật nuôi khác đến tắm, uống nước;
- Rác thải, phân người, phân gia súc, xác súc vật.
c) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Kiểm tra quy trình xử lý nước bao gồm:
2.1. Bể, hồ chứa nước ban đầu;
2.2. Bộ phận khử sắt, mangan;
2.3. Bể keo tụ và lắng;
2.4. Bể lọc;
2.5. Hệ thống (bể) khử trùng;
2.6. Bể chứa sau xử lý;
2.7. Hoá chất để xử lý nước (loại, tên, nguồn gốc, tình hình bảo quản, hạn sử dụng, cách sử dụng, số lượng dự trữ);
2.8. Bộ phận pha chế hoá chất xử lý;
2.9. Kho hoá chất xử lý;
2.10. Thiết bị phòng hộ khi có sự cố (đối với các nhà máy nước);
2.11. Bộ phận kiểm soát chất lượng nước;
2.12. Kiểm tra các kết quả xét nghiệm chất lượng nước của nhà máy trong khoảng thời gian từ lần kiểm tra trước đến thời điểm hiện tại và các hồ sơ lưu trữ liên quan đến chất lượng nước.
3. Kiểm tra chất lượng nước
3.1. Đối với các nhà máy nước và trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư từ 500 người trở lên:
a) Số lượng mẫu xét nghiệm và vị trí lấy mẫu: Thực hiện theo Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Kỹ thuật lấy mẫu và bảo quản mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5992-1995.
c) Các chỉ tiêu lý học, hóa học, vi sinh vật được kiểm tra và đánh giá theo Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống ban hành kèm theo Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3.2. Đối với các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người:
a) Số lượng mẫu xét nghiệm và vị trí lấy mẫu: Lấy ít nhất 02 mẫu nước để xét nghiệm (mỗi mẫu xét nghiệm gồm các chỉ tiêu lý hoá và vi sinh) tại các vị trí:
- 01 mẫu nước sau xử lý tại trạm cấp nước;
- 01 mẫu nước ngẫu nhiên ở vòi nước của 01 hộ gia đình ở cuối hệ thống đường ống cấp nước;
b) Kỹ thuật lấy mẫu và bảo quản mẫu theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5992-1995;
c) Các chỉ tiêu lý học, hóa học, vi sinh vật được kiểm tra và đánh giá theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
B. Đối với các hình thức cấp nước hộ gia đình
1. Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung
1.1. Đối với nước máng lần, nước tự chảy:
a) Giới hạn kiểm tra: Trong khoảng cách 100m từ nơi lấy nước lên thượng nguồn.
b) Nội dung kiểm tra:
- Các hoạt động tắm giặt, sản xuất khai thác tài nguyên của con người;
- Các đường ống cống, kênh mương, rãnh nước thải;
- Các hoạt động nuôi trồng thuỷ sản;
- Gia súc, gia cầm hoặcloại vật nuôi khác đến tắm, uống nước;
- Rác thải, phân người, phân gia súc, xác súc vật;
- Dụng cụ dẫn nước;
- Dụng cụ chứa nước, múc nước.
c) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.2. Đối với giếng đào:
a) Giới hạn kiểm tra: Trong khoảng cách 10m tính từ tâm giếng.
b) Nội dung kiểm tra:
- Nắp đậy;
- Thành giếng;
- Vách giếng (thân giếng);
- Sân giếng;
- Dụng cụ lấy nước;
- Rãnh thoát nước thải và điểm đổ nước thải;
- Nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi;
- Bãi rác và các nguồn gây ô nhiễm khác.
c) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.3. Đối với giếng khoan có độ sâu mực nước từ đủ 25m trở lên:
a) Nội dung kiểm tra gồm:
- Cổ giếng;
- Sân giếng;
- Dụng cụ lấy nước.
b) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.4. Đối với giếng khoan có độ sâu mực nước dưới 25m:
a) Nội dung kiểm tra gồm:
- Cổ giếng;
- Sân giếng;
- Dụng cụ lấy nước;
- Rãnh thoát nước thải ra khỏi giếng và điểm đổ nước thải.
b) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.5. Đối với bể chứa nước mưa:
a) Nội dung kiểm tra gồm:
- Bề mặt hứng nước và máng dẫn nước;
- Hộp hoặc ga ngăn rác;
- Nắp đậy bể;
- Thành bể;
- Dụng cụ lấy nước.
b) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
1.6. Đối với các hình thức cung cấp nước khác như bể, chum, vại chứa nước:
a) Nội dung kiểm tra gồm:
- Nắp đậy;
- Dụng cụ chứa nước;
- Tình trạng vệ sinh bên trong dụng cụ chứa.
b) Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp chấm điểm nguy cơ quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Kiểm tra chất lượng nước
2.1. Số lượng mẫu xét nghiệm và vị trí lấy mẫu: Lấy 01 mẫu nước để xét nghiệm tại vị trí:
a) Đối với giếng đào: lấy ở trong giếng;
b) Đối với giếng khoan: lấy ở vòi ra của bơm hoặc vòi ra của bể chứa nước (nếu có);
c) Đối với bể chứa nước mưa: lấy ở vòi ra của bể chứa hoặc trong bể nếu không có vòi;
d) Đối với các dụng cụ chứa nước khác: lấy ở trong dụng cụ chứa; các hộ gia đình có hệ thống xử lý nước thì lấy nước sau xử lý;
2.2. Kỹ thuật lấy mẫu và bảo quản mẫu: Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 5992-1995.
Phương pháp đánh giá: Các chỉ tiêu lý học, hóa học, vi sinh vật được kiểm tra và đánh giá theo tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
3. Kiểm tra tình trạng vệ sinh khu vực xử lý nước (nếu có)
Kiểm tra tình trạng vệ sinh chung khu vực xử lý nước hiện có của các hộ gia đình như: giàn mưa; bể lọc; vật liệu trong bể lọc; dụng cụ chứa nước và lấy nước sau xử lý.
C. Đối với nhà tiêu hộ gia đình
1. Nội dung kiểm tra gồm:
1.1. Vị trí xây dựng nhà tiêu;
1.2. Vệ sinh xung quanh nhà tiêu;
1.3. Số lượng bể xử lý phân, tình trạng của bể xử lý phân, phần tiếp giáp giữa nắp miệng bể xử lý phân với thành bể đối với nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước hoặc ngăn chứa phân đối với nhà tiêu hai ngăn;
1.4. Nước chảy ra từ bể xử lý phân đối với nhà tiêu tự hoại hoặc cửa lấy phân đối với nhà tiêu hai ngăn;
1.5. Mặt sàn nhà tiêu;
1.6. Bệ xí, nút nước của bệ xí đối với nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước; nắp đậy lỗ tiêu đối với nhà tiêu hai ngăn và nhà tiêu chìm có ống thông hơi;
1.7. Nước dội, dụng cụ chứa nước dội;
1.8. Chất độn đối với nhà tiêu hai ngăn và nhà tiêu chìm có ống thông hơi;
1.9. Dụng cụ chứa giấy bẩn;
1.10. Ống thông hơi;
1.11. Ruồi, côn trùng trong nhà tiêu;
1.12. Mùi hôi thối;
1.13. Phần che chắn của nhà tiêu.
2. Phương pháp đánh giá: Theo phương pháp bảng kiểm quy định tại các Mẫu số 1, 2, 3, 4 của Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN, BÁO CÁO
1.Chế độ thông tin
1.1. Kết quả kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình được thông báo cho:
a) Đối tượng được kiểm tra;
b) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
1.2. Kết quả tự kiểm tra vệ sinh nước ăn uống của các nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư từ 500 người trở lên phải thông báo cho Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Trung tâm y tế dự phòng tỉnh), nơi nhà máy nước, trạm cấp nước tập trung đặt trụ sở.
1.3. Kết quả tự kiểm tra vệ sinh nước sạch của các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người phải thông báo cho Trung tâm y tế dự phòng huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Trung tâm y tế dự phòng huyện), nơi trạm cấp nước tập trung đặt trụ sở.
2. Chế độ báo cáo
2.1. Thời gian khoá sổ: Số liệu báo cáo được tính đến hết ngày cuối cùng của kỳ báo cáo, cụ thể như sau:
a) Báo cáo hàng tháng được tính từ ngày 01 đến ngày cuối cùng của tháng;
b) Báo cáo 6 tháng được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 30 tháng 6 hàng năm;
c) Báo cáo năm được tính từ ngày 01 tháng 01 đến hết ngày 31 tháng 12 hàng năm.
2.2. Thời hạn gửi báo cáo:
a) Thời hạn gửi báo cáo định kỳ hàng tháng:
- Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng Việt Nam), đồng thời gửi một bản cho Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Sở Y tế tỉnh), một bản cho Viện chuyên ngành phụ trách khu vực để báo cáo.
b) Thời hạn gửi báo cáo định kỳ 6 tháng, báo cáo năm:
- Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ, Trạm y tế xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Trạm y tế xã) gửi báo cáo định kỳ về Trung tâm y tế dự phòng huyện, đồng thời gửi một bản cho Phòng y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi tắt là Phòng y tế huyện) để báo cáo;
- Chậm nhất sau 10 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ, Trung tâm y tế dự phòng huyện gửi báo cáo về Trung tâm y tế dự phòng tỉnh, đồng thời gửi một bản cho Phòng y tế huyện để báo cáo;
- Chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng Việt Nam), đồng thời gửi một bản cho Sở Y tế tỉnh, một bản cho Viện chuyên ngành phụ trách khu vực để báo cáo;
- Chậm nhất sau 20 ngày làm việc kể từ ngày khoá sổ, Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh gửi báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng Việt Nam).
c) Thời gian gửi báo cáo đột xuất:
Báo cáo bằng điện thoại trong vòng 24 giờ và bằng văn bản trong vòng 72 giờ kể từ khi có vấn đề đột xuất xảy ra. Trường hợp báo cáo theo yêu cầu của cấp trên, thực hiện theo đúng thời gian mà cấp trên yêu cầu phải báo cáo;
2.3. Nội dung báo cáo:
a) Trạm y tế xã thực hiện báo cáo theo các nội dung quy định tại Mẫu số 1 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
b) Trung tâm y tế dự phòng huyện thực hiện báo cáo theo các nội dung quy định tại Mẫu số 2 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Trung tâm y tế dự phòng tỉnh thực hiện báo cáo theo các nội dung quy định tại Mẫu số 3, 4 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này;
d) Các Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh thực hiện báo cáo theo các nội dung quy định tại Mẫu số 5 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cục Y tế dự phòng Việt Nam chịu trách nhiệm:
1.1. Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các hoạt động kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình trên phạm vi toàn quốc.
1.2. Tổ chức xây dựng, sửa đổi, bổ sung và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình.
1.3. Tổng hợp báo cáo công tác kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình của các địa phương hàng năm để báo cáo Lãnh đạo Bộ Y tế.
2. Các Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên, Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh Y tế công cộng thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm:
2.1. Tổng hợp, phân tích và báo cáo tình hình vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình của các tỉnh trong địa bàn phụ trách để có kế hoạch hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật.
2.2. Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp kỹ thuật trong công tác kiểm tra nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình; các giải pháp bảo đảm an toàn vệ sinh nguồn nước, nhà tiêu hộ gia đình.
2.3. Hướng dẫn các địa phương về chuyên môn kỹ thuật kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình.
2.4. Thực hiện kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình khi xảy ra thiên tai, thảm họa, dịch bệnh hoặc khi có yêu cầu.
3. Sở Y tế tỉnh chịu trách nhiệm:
3.1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, thành phố.
3.2. Bảo đảm nhân lực, trang thiết bị và bố trí kinh phí (trong ngân sách hàng năm) cho cho việc thực hiện kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, thành phố.
4. Trung tâm y tế dự phòng tỉnh chịu trách nhiệm:
4.1. Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình trạng vệ sinh chung, lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm và đánh giá kết quả đối với các nhà máy nước, các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư từ 500 người trở lên trên địa bàn tỉnh, thành phố.
4.2. Phối hợp với các Trung tâm y tế dự phòng huyện kiểm tra đột xuất về vệ sinh, lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm và đánh giá kết quả đối với trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người, các hình thức cấp nước và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, thành phố.
4.3. Xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí hàng năm cho việc thực hiện các hoạt động kiểm tra vệ sinh nước sạch, nước ăn uống và nhà tiêu hộ gia đình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
5. Phòng Y tế huyện chịu trách nhiệm:
Chỉ đạo các Trạm y tế xã thực hiện kiểm tra tình trạng vệ sinh chung đối với các hình thức cấp nước và nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn quản lý.
6. Trung tâm y tế dự phòng huyện chịu trách nhiệm:
6.1. Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình trạng vệ sinh chung, lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm hoặc gửi mẫu lên tuyến tỉnh để làm xét nghiệm và đánh giá kết quả đối với các trạm cấp nước tập trung cho cụm dân cư dưới 500 người.
6.2. Định kỳ lấy mẫu nước, tiến hành xét nghiệm hoặc gửi mẫu lên tuyến trên để làm xét nghiệm và đánh giá kết quả đối với các hình thức cấp nước hộ gia đình trên địa bàn quản lý.
6.3. Phối hợp với các Trạm y tế xã kiểm tra đột xuất về vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn quản lý.
6.4. Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra vệ sinh nước sạch và nhà tiêu hộ gia đình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
7. Trạm y tế xã chịu trách nhiệm:
7.1. Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình trạng vệ sinh chung đối với các hình thức cấp nước hộ gia đình trên địa bàn quản lý.
7.2. Kiểm tra định kỳ và đột xuất tình trạng vệ sinh nhà tiêu hộ gia đình trên địa bàn xã, phường, thị trấn.
7.3. Hàng năm xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động kiểm tra tình trạng vệ sinh chung đối với các hình thức cấp nước và nhà tiêu hộ gia đình trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
8. Nhà máy nước, trạm cấp nước chịu trách nhiệm:
8.1. Bảo đảm cung cấp nước sạch, nước ăn uống đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn ngành: Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch và Quyết định số 1329/2002/BYT-QĐ ngày 18/4/2002 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống.
8.2. Tự kiểm tra chất lượng nước theo định kỳ hàng tuần để bảo đảm nước cung cấp đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.
VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ Y tế (Cục Y tế dự phòng Việt Nam) để xem xét, giải quyết./.