CHỈ THỊ
Về công tác thi hành án hình sự
___________
Thực hiện Nghị quyết số 50/2005/QH11 ngày 19/11/2005 của Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2006, Ủy ban pháp luật của Quốc hội đã tiến hành giám sát hoạt động ban hành văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án hình sự và việc chấp hành pháp luật trong công tác thi hành án hình sự của ngành Tòa án nhân dân và đã có Báo cáo giám sát số 1910/UBPL11 ngày 27/09/2006 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 28/09/2006, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đánh giá về công tác thi hành án hình sự của ngành Tòa án. Theo Báo cáo giám sát và ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì về cơ bản Tòa án các cấp đã thi hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng một số Tòa án chậm hoặc chưa ra quyết định thi hành án đối với người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật hoặc chưa chủ động trong việc theo dõi các trường hợp người bị kết án được tạm hoãn, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù để ra quyết định thi hành án... Những tồn tại đó đã ít nhiều có ảnh hưởng không tốt đến hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án hình sự.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác thi hành án hình sự, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân địa phương và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình thực hiện ngay các công việc sau đây:
1. Chỉ đạo, quán triệt các Thẩm phán trong đơn vị mình sau khi kết thúc việc xét xử các vụ án hình sự phải khẩn trương hoàn thiện bản án, quyết định để tiến hành giao bản án. Đối với các trường hợp xét xử sơ thẩm, việc giao bản án hình sự sơ thẩm phải được thực hiện theo đúng quy định tại Điều 229 của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại tiểu mục 5 mục IV Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 05/11/2004 "Hướng dẫn thi hành một số quy định trong Phần thứ ba "Xét xử sơ thẩm" của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003" để trên cơ sở đó có căn cứ xác định ngày có hiệu lực của bản án, quyết định sơ thẩm và ra quyết định thi hành án hoặc ủy thác thi hành án theo quy định tại Điều 255 và Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với các trường hợp xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn quy định tại Điều 254 của Bộ luật Tố tụng hình sự, bản án, quyết định phúc thẩm phải được gửi cho Tòa án đã xét xử sơ thẩm để ra quyết định thi hành án hoặc quyết định ủy thác thi hành án theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
2. Chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát, thống kê các trường hợp cụ thể những người bị kết án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng Tòa án chưa ra quyết định thi hành án để ra ngay quyết định thi hành án đối với họ. Cần lưu ý là đối với trường hợp trong một vụ án hình sự có nhiều bị cáo bị Tòa án cấp sơ thẩm kết án mà trong thời hạn kháng cáo, kháng nghị chỉ có một hoặc một số bị cáo có kháng cáo hoặc bị kháng cáo, kháng nghị thì phần của bản án hình sự sơ thẩm đối với những bị cáo không kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật được thi hành. Tòa án cần căn cứ vào các quy định tại Điều 240 và điểm a khoản 1 Điều 255 của Bộ luật Tố tụng hình sự để ra quyết định thi hành án đối với những người bị kết án đó.
3. Chỉ đạo tiến hành ngay việc rà soát, thống kê cụ thể các trường hợp người bị kết án phạt tù được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt nhưng đã hết thời hạn được hoãn hoặc được tạm đình chỉ. Đối với trường hợp người bị kết án có đủ các điều kiện quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Bộ luật Hình sự và xét thấy cần tiếp tục cho họ được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Tòa án phải ra quyết định tiếp về việc hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt đối với người bị kết án. Đối với trường hợp người bị kết án không có các điều kiện để được xem xét cho tiếp tục hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù thì Tòa án phải ra quyết định thi hành án đối với họ theo đúng quy định tại Điều 261 và Điều 262 của Bộ luật Tố tụng hình sự.
4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an cùng cấp tiến hành rà soát các trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại, đã có quyết định thi hành án nhưng đã bỏ trốn để yêu cầu cơ quan công an ra lệnh (quyết định) truy nã bắt họ đi chấp hành hình phạt tù. Đối với những trường hợp bị cáo bỏ trốn trước khi xét xử, cơ quan công an đã ra lệnh (quyết định) truy nã nhưng không có kết quả và Tòa án đã xét xử vắng mặt bị cáo theo đúng quy luật của Bộ luật Tố tụng hình sự thì khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án phải ra quyết định thi hành án đồng thời yêu cầu cơ quan công an tiếp tục thực hiện lệnh (quyết định) truy nã đối với họ và thông báo kết quả cho Tòa án biết để theo dõi việc thi hành án.
5. Tiến hành tổng kết, tìm ra nguyên nhân của những hạn chế, sai sót trong công tác thi hành án hình sự ở đơn vị mình để kịp thời rút kinh nghiệm và có biện pháp xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm pháp luật về thi hành án hình sự. Nếu có vấn đề gì vướng mắc trong công tác thi hành án hình sự thì kịp thời báo cáo cho Tòa án nhân dân tối cao để Tòa án nhân dân tối cao xem xét và có những hướng dẫn bổ sung kịp thời.
Thủ trưởng các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quán triệt nội dung Chỉ thị này đến toàn thể Thẩm phán, cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý; đồng thời chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chỉ thị này và báo kết quả cho Tòa án nhân dân tối cao./.