• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/11/2006
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 07/2006/QĐ-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 2 tháng 10 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

Phê duyệt “Quy hoạch phát triển mạng lưới

trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề,

 trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020”

_________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

Căn cứ Bộ luật Lao động ngày 23/6/1994; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ngày 02/4/2002;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31/3/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 33/1998/NĐ-CP ngày 23/5/1998 của Chính phủ về việc thành lập Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;

Trên cơ sở tổng hợp ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và các địa phương về dự thảo quy hoạch;

Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề tại Tờ trình số 73/TTr-TCDN ngày 02/10/2006 và đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt "Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020" với các nội dung cơ bản sau:

1. Quan điểm quy hoạch

- Quy hoạch phát triển mạng lưới trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề (sau đây gọi chung là cơ sở dạy nghề) đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 phải phù hợp, đồng bộ với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của từng ngành, vùng, địa phương và phát huy hiệu quả của các cơ sở dạy nghề hiện có.

- Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp cả nước, đa dạng các hình thức dạy nghề, tạo điều kiện cho người lao động, thanh niên, nông dân, người dân tộc thiểu số học nghề, lập nghiệp. Xây dựng một số cơ sở dạy nghề chất lượng cao, một số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới.

- Mở rộng quy mô, đồng thời nâng cao chất lượng dạy nghề; điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và những tiến bộ về kỹ thuật, công nghệ.

- Đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề; khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân đầu tư cho dạy nghề, phát triển các cơ sở dạy nghề tư thục và cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư của nước ngoài; mở rộng hội nhập quốc tế về dạy nghề.

2. Mục tiêu quy hoạch

2.1. Mục tiêu chung

Phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề để đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp sản xuất, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động về số lượng, chất lượng, cơ cấu vùng, miền, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 26% vào năm 2010; đạt tối thiểu 40% vào năm 2020.

- Cơ cấu đào tạo nghề theo ba cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề trong tổng số tuyển sinh đào tạo nghề như sau:

Các cấp trình độ

Đến 2010

Đến 2020

Cao đẳng nghề (%)

7,5

15

Trung cấp nghề (%)

22,5

35

Sơ cấp nghề (%)

70

50

- Quy mô tuyển sinh đạt 7,5 triệu người giai đoạn 2006-2010; đạt 21 triệu người giai đoạn 2011-2020. Cụ thể quy mô tuyển sinh giai đoạn 2006-2010 là:

Các cấp trình độ

2006

2007

2008

2009

2010

Giai đoạn 2006-2010

Tổng số

1.340.000

1.405.000

1.482.000

1.573.000

1.700.000

7.500.000

Cao đẳng nghề

260.000

29.500

55.000

88.000

126.000

298.500

Trung cấp nghề

275.500

305.000

335.000

380.000

1.555.500

Sơ cấp nghề

1.080.000

1.100.000

1.122.000

1.150.000

1.194.000

5.646.000

3. Phương hướng phát triển

3.1. Phân bố cơ sở dạy nghề

- Từng bước nâng cấp, phát triển cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa để tăng năng lực, chất lượng và hiệu quả đào tạo; tập trung đầu tư các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề chất lượng cao ở các vùng kinh tế trọng điểm và các khu công nghiệp tập trung cho một số ngành kinh tế mũi nhọn.

- Đến năm 2010: có 90 trường cao đẳng nghề, 270 trường trung cấp nghề (trong đó có 40 trường chất lượng cao, 03 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới) và 750 trung tâm dạy nghề. Mỗi tỉnh (thành phố) có ít nhất một trường trung cấp nghề hoặc trường cao đẳng nghề; mỗi quận, huyện, thị xã có ít nhất một trung tâm dạy nghề hoặc cụm huyện có trường trung cấp nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động học nghề nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, hải đảo, người dân tộc thiểu số và vùng nông thôn.

- Đến năm 2020: Có 250 trường cao đẳng nghề, 400 trường trung cấp nghề và 900 trung tâm dạy nghề (trong đó có 80 trường chất lượng cao, 10 trường tiếp cận trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới).

- Phân bố trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề theo 8 vùng kinh tế đến năm 2010 như sau:

+ Vùng Đông Bắc: có 15 trường cao đẳng nghề; 24 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Tây Bắc: có 3 trường cao đẳng nghề; 6 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Đồng bằng Sông Hồng: có 23 trường cao đẳng nghề; 97 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Bắc Trung bộ: có 8 trường cao đẳng nghề; 31 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Duyên hải Nam Trung bộ: có 9 trường cao đẳng nghề; 30 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Tây Nguyên: có 3 trường cao đẳng nghề; 7 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Đông Nam bộ: có 18 trường cao đẳng nghề; 55 trường trung cấp nghề;

+ Vùng Đồng bằng Sông Cửu Long: có 11 trường cao đẳng nghề; 20 trường trung cấp nghề.

3.2. Chương trình, giáo trình dạy nghề

- Xây dựng và đổi mới nội dung, chương trình, giáo trình dạy nghề theo tiêu chuẩn kỹ năng nghề phù hợp với tiên bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và tiếp cận với trình độ tiên tiến trong khu vực và thế giới, đảm bảo đào tạo liên thông.

- Xây dựng chương trình dạy nghề theo phương pháp phân tích nghề; từng bước chuyển sang chương trình dạy nghề theo môđun.

- Đến năm 2010: các trường cao đẳng nghề và trường trung cấp nghề có chương trình, giáo trình dạy nghề phù hợp với chương trình khung. Đến năm 2020: các trường cao đẳng nghề và trường trung cấp nghề có chương trình, giáo trình dạy nghề được xây dựng theo phương pháp tiên tiến.

3.3. Đội ngũ giáo viên

- Phát triển đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, có phẩm chất đạo đức và lương tâm nghề nghiệp; đạt chuẩn trình độ đào tạo về lý thuyết, thực hành, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề, có trình độ tin học, ngoại ngữ để áp dụng vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

- Thực hiện chế độ định kỳ bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề.

- Đến năm 2010: đảm bảo tỷ lệ giáo viên/học sinh đạt khoảng 1/20, có 100% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo; 10% giáo viên trong các trường trung cấp nghề và các trường cao đẳng nghề có trình độ sau đại học.

- Đến năm 2020: 30% giáo viên trong các trường trung cấp nghề và các trường cao đẳng nghề có trình độ sau đại học.

3.4. Cơ sở vật chất trang thiết bị

- Đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật và trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa; đảm bảo phân khu chức năng các hạng mục công trình đáp ứng cho hoạt động dạy, học và giáo dục toàn diện.

- Đến năm 2010: 60% số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề đạt chuẩn về đất đai, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và khu rèn luyện thể chất.

- Đến năm 2020: 100% số trường cao đẳng nghề, trường trung cấp nghề đạt chuẩn về đất đai, trang thiết bị, nhà xưởng, phòng học, ký túc xá và khu rèn luyện thể chất.

4. Các giải pháp chủ yếu

4.1. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ để phát triển dạy nghề, tạo động lực cho các cơ sở dạy nghề, giáo viên dạy nghề và người học nghề.

- Đổi mới cơ chế chính sách về kế hoạch, tài chính dạy nghề, từng bước thực hiện cơ chế đấu thầu, đặt hàng chỉ tiêu dạy nghề từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước.

- Phân cấp triệt để và hợp lý nhằm phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cấp và các cơ sở dạy nghề; cải cách các thủ tục, quy trình thành lập và hoạt động của các cơ sở dạy nghề theo hướng đơn giản, hợp lý.

- Thực hiện kiểm định chất lượng dạy nghề: Đến năm 2010, 50% số trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề được kiểm định và công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng; đến năm 2020, tất cả cơ sở dạy nghề được kiểm định và công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng.

- Tổ chức thực hiện đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho ít nhất 20 nghề đến năm 2010 và 150 nghề đến năm 2020.

4.2. Giải pháp về huy động tài chính

- Thực hiện Đề án phát triển xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010 theo Quyết định số 1000/2005/QĐ-BLĐTBXH ngày 07 tháng 6 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư thành lập cơ sở dạy nghề tư thục, cơ sở dạy nghề có vốn đầu tư của nước ngoài; mở rộng hình thức hợp đồng liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ giữa cơ sở dạy nghề của Việt Nam với cơ sở dạy nghề của nước ngoài.

- Tăng mức đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho dạy nghề để vào năm 2010 đạt tỷ lệ là 11% trong tổng chi ngân sách Nhà nước cho giáo dục, đào tạo và dạy nghề; sử dụng có hiệu quả dự án "Tăng cường năng lực đào tạo nghề" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giáo dục – Đào tạo giai đoạn 2006-2010 với mức kinh phí khoảng 6.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở dạy nghề, trong đó: tập trung đầu tư để hình thành 40 trường chất lượng cao, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trung tâm dạy nghề cấp huyện; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình dạy nghề; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ. Mở rộng sản xuất gắn với việc thực tập của học sinh trong các cơ sở dạy nghề nhằm nâng cao kỹ năng thực hành cho học sinh và tạo nguồn thu để bổ sung kinh phí đào tạo. Đến năm 2020 nguồn thu từ sản xuất dịch vụ, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật công nghệ mới đạt khoảng 25% trong tổng số thu của cơ sở dạy nghề; 100% số trường trung cấp nghề, trường cao đẳng nghề thực hiện hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động dạy nghề, phục vụ xã hội.

- Thí điểm và từng bước mở rộng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà nước và doanh nghiệp (mô hình đào tạo kép).

- Tranh thủ nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi Chính phủ; vốn vay với lãi suất ưu đãi của các nước và các ngân hàng quốc tế để đầu tư cho dạy nghề.

4.3. Giải pháp về xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề

- Thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW ngày 15 tháng 6 năm 2004 của Ban Bí thư, Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2005-2010. Tập trung đầu tư cho các trường đại học sư phạm kỹ thuật hiện có; nâng cấp trường cao đẳng sư phạm Vĩnh Long thành trường đại học sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long; phát triển thêm 1 đến 2 trường cao đẳng sư phạm kỹ thuật ở khu vực Duyên hải – Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; phát triển khoa Sư phạm kỹ thuật ở một số trường cao đẳng, đại học.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy đáp ứng nhu cầu thực hiện quy hoạch về số lượng, trình độ đào tạo và cơ cấu ngành nghề.

- Mở rộng hình thức hợp đồng với chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp, viện nghiên cứu làm giáo viên thỉnh giảng cho các cơ sở dạy nghề.

- Ưu tiên đào tạo giáo viên dạy nghề cho các tỉnh vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và Duyên hải Nam Trung bộ.

- Xây dựng trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý dạy nghề; đến năm 2010, 50% cán bộ quản lý dạy nghề đạt chuẩn; đến 2020 đạt 100%.

4.4. Giải pháp về khoa học công nghệ

- Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động dạy nghề và quản lý dạy nghề: xây dựng các phần mềm phục vụ cho việc giảng dạy, học tập và quản lý dạy nghề; xây dựng giáo án điện tử; hệ thống mạng thông tin về dạy nghề.

- Khuyến khích các cơ sở dạy nghề nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy nghề.

- Phát triển các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và sản xuất trong các cơ sở dạy nghề để gắn liền việc học với thực tập.

4.5. Giải pháp về tổ chức thực hiện

a) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ, ngành có cơ sở dạy nghề thực hiện các công việc sau:

- Rà soát, sắp xếp các cơ sở dạy nghề hiện có để xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 thuộc phạm vi, trách nhiệm quản lý của từng Bộ, ngành, địa phương. Hoàn thành việc chuyển các trường dạy nghề hiện có (đủ điều kiện theo quy định) thành trường trung cấp nghề trước 31/12/2006.

- Hàng năm huy động các nguồn lực và ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện quy hoạch.

- Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; thực hiện chế độ báo cáo theo quy định.

b) Giao Tổng cục dạy nghề:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ hướng dẫn các Bộ, ngành và địa phương xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề và đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành và địa phương;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm chi cho dạy nghề; có kế hoạch cụ thể để huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài chính đảm bảo thực hiện quy hoạch;

- Căn cứ vào các nội dung phê duyệt tại Quyết định này, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Bộ theo quy định;

- Tổ chức thẩm định các đề án thành lập các trường cao đẳng nghề (cả công lập và ngoài công lập) trình Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chánh Văn phòng Bộ, Tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Giám đốc các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Thị Hằng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.