• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/02/2022
BỘ CÔNG AN
Số: 124/2021/TT-BCA
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2021

THÔNG TƯ

Quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp,

cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2020;

Căn cứ Luật Công an nhân dân năm 2018;

Căn cứ Nghị định số 01/2018/NĐ-CP ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an;

Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư quy định khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về nguyên tắc, tiêu chí, trình tự, thủ tục, thẩm quyền xét duyệt, công nhận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

2. Đối tượng áp dụng

a) Khu dân cư, xã, phường, thị trấn;

b) Cơ quan (trừ cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang), doanh nghiệp (trừ doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ), cơ sở giáo dục (trừ cơ sở giáo dục tiểu học, mầm non, nhà trẻ);

c) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc xét duyệt, công nhận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. “Khu dân cư” là nơi người dân, hộ gia đình cư trú tập trung trong phạm vi một khu vực nhất định, là tên gọi chung của thôn, làng, bản, ấp, buôn, phum, sóc, khóm, tổ dân phố, khu phố và đơn vị dân cư tương đương.

2. “Cơ quan” gồm: Cơ quan nhà nước, cơ quan hành chính nhà nước, các đơn vị sự nghiệp công lập, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp được thành lập, hoạt động theo quy định của cấp có thẩm quyền và có trụ sở làm việc, được đảm bảo hoạt động từ ngân sách Nhà nước.

3. “Doanh nghiệp” là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích sản xuất, kinh doanh.

4. “Cơ sở giáo dục” là tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân gồm nhà trường và cơ sở giáo dục khác.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Việc xét duyệt, công nhận khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” được thực hiện mỗi năm một lần.

2. Việc xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” phải bảo đảm chính xác, công khai, dân chủ và đúng quy định.

3. Kết quả công nhận “An toàn về an ninh, trật tự” là căn cứ đánh giá, xét khen thưởng hằng năm về phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; xét khen thưởng, công nhận các danh hiệu có liên quan đến an ninh, trật tự.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí công nhận khu dân cư đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Khu dân cư được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” khi đạt đủ các tiêu chí sau:

1. Quý I hằng năm, chi bộ có nghị quyết, khu dân cư có đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; 100% hộ gia đình đang cư trú trên địa bàn đăng ký tham gia xây dựng khu dân cư “An toàn về an ninh, trật tự”.

2. Triển khai, thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Không để xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Hoạt động chống Đảng, chống chính quyền, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc;

b) Hoạt động phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng;

c) Tuyên truyền, phát triển tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật;

d) Hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự;

đ) Hoạt động ly khai, đòi tự trị;

e) Mâu thuẫn, tranh chấp phức tạp, kéo dài trong nội bộ Nhân dân;

g) Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo.

4. Tham gia, phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phòng ngừa tội phạm, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật khác ở khu dân cư, bao gồm:

a) Kiềm chế, kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, các hành vi vi phạm pháp luật khác so với năm trước;

b) Không để xảy ra tội phạm nghiêm trọng trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng) hoặc nếu có phải kịp thời phát hiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu hậu quả và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý;

c) Không phát sinh tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; không phát sinh người mắc tệ nạn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác quản lý, giáo dục, giúp đỡ các loại đối tượng đang cư trú trên địa bàn theo quy định của pháp luật;

d) Không để xảy ra cháy, nổ nghiêm trọng; tai nạn lao động chết người; sự cố nghiêm trọng theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp bất khả kháng).

5. Lực lượng tham gia bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở được đánh giá hoàn thành nhiệm vụ trở lên và không có cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật.

Điều 5. Tiêu chí công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Xã, phường, thị trấn được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” khi đạt đủ các tiêu chí sau:

1. Quý I hằng năm, Đảng ủy có nghị quyết; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; xây dựng, củng cố hoặc duy trì ít nhất 01 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở hoạt động hiệu quả.

2. Đạt các tiêu chí quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều 4 Thông tư này.

3. Công an xã, phường, thị trấn chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu, đề xuất cấp ủy đảng, chính quyền các chủ trương, biện pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn; không có cá nhân vi phạm bị xử lý kỷ luật.

4. 100% khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền quản lý trên địa bàn đăng ký, trong đó có từ 70% trở lên được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Điều 6. Tiêu chí công nhận cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Cơ quan, doanh nghiệp được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” khi đạt đủ các tiêu chí sau:

1. Quý I hằng năm, tổ chức Đảng có nghị quyết chuyên đề riêng hoặc lồng ghép công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm (đối với nơi có tổ chức Đảng); cơ quan, doanh nghiệp có kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có nội quy, quy định bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo vệ chính trị nội bộ, an toàn lao động, phòng, chống cháy nổ, bảo vệ môi trường phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định của pháp luật; 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phổ biến quán triệt các nội quy, quy định nêu trên và tiêu chí xây dựng cơ quan, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có ít nhất 01 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả.

2. Triển khai, thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an (nếu có) và các quy định của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Không để xảy ra một trong các trường hợp sau:

a) Tuyên truyền, phát triển tín ngưỡng, tôn giáo trái pháp luật;

b) Hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo, dân tộc, tranh chấp, khiếu kiện gây phức tạp về an ninh, trật tự;

c) Kích động, xúi giục, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo người khác tập trung đông người khiếu nại, gây rối an ninh, trật tự công cộng hoặc lợi dụng việc khiếu nại để tuyên truyền chống Nhà nước; xâm phạm lợi ích của Nhà nước; xuyên tạc, vu khống, đe dọa, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm được phân công giải quyết khiếu nại, tố cáo;

d) Đình công, lãn công trái pháp luật;

đ) Tội phạm nghiêm trọng trở lên (trừ trường hợp bất khả kháng) hoặc nếu có, kịp thời phát hiện, sử dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu hậu quả và báo cáo ngay cấp có thẩm quyền để xử lý;

e) Vi phạm các quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước;

g) Cháy, nổ nghiêm trọng; tai nạn lao động chết người; sự cố nghiêm trọng; vi phạm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm gây hậu quả nghiêm trọng trở lên theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp bất khả kháng);

h) Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự hoặc mắc tệ nạn xã hội bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

4. Lực lượng bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

5. 70% trở lên số đầu mối trực thuộc (phòng, ban, tổ, đội) đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Điều 7. Tiêu chí công nhận cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

Cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” khi đạt đủ các tiêu chí sau:

1. Quý I hằng năm, tổ chức Đảng có nghị quyết chuyên đề riêng hoặc lồng ghép công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo hằng năm (đối với nơi có tổ chức Đảng), cơ sở giáo dục có kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự và đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có nội quy, quy định bảo vệ cơ sở giáo dục, bảo vệ chính trị nội bộ, quản lý giáo dục người học, phòng, chống cháy nổ phù hợp với tình hình thực tiễn; 100% cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dạy, người học được phổ biến quán triệt các nội quy, quy định nêu trên và tiêu chí xây dựng cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”; có ít nhất 01 mô hình phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động hiệu quả.

2. Triển khai, thực hiện đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an (nếu có), các quy định của địa phương về công tác bảo đảm an ninh, trật tự; có hình thức, biện pháp phối hợp quản lý học sinh giữa cơ sở giáo dục và Ban Đại diện cha mẹ học sinh (đối với cấp học phổ thông) trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự.

3. Không để xảy ra một trong các trường hợp quy định tại điểm a, b, c, đ, e và g khoản 3 Điều 6 Thông tư này.

4. Không để xảy ra bạo lực học đường, cán bộ, công nhân viên, người lao động, người dạy, người học phạm tội hoặc mắc tệ nạn xã hội bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

5. Lực lượng bảo vệ cơ sở giáo dục (nếu có) đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

6. 70% trở lên số đầu mối trực thuộc (khoa, phòng, ban, tổ chuyên môn) đạt danh hiệu “Tập thể lao động tiên tiến” hoặc được đánh giá “Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên (đối với những nơi đủ điều kiện bình xét danh hiệu thi đua), không có cá nhân bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

Điều 8. Mốc thời gian đánh giá, kết quả phân loại đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

1. Căn cứ vào mức độ đạt các tiêu chí “An toàn về an ninh, trật tự” quy định tại Thông tư này và các tiêu chí khác do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định (nếu có) để phân loại khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt hoặc chưa đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

2. Mốc thời gian đánh giá

a) Đối với khu dân cư: Mốc thời gian đánh giá từ ngày 01 tháng 11 năm trước đến ngày 31 tháng 10 năm sau;

b) Đối với xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục: Mốc thời gian đánh giá từ ngày 16 tháng 11 năm trước đến ngày 15 tháng 11 năm sau.

Điều 9. Trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

1. Trình tự, thủ tục đề nghị công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

a) Trưởng khu dân cư chủ trì cuộc họp cùng Bí thư chi bộ, đại diện Ban Công tác Mặt trận, đại diện các tổ chức đoàn thể quần chúng (nếu có) và đại diện Công an cấp cơ sở để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện khu dân cư “An toàn về an ninh, trật tự” và hoàn tất thủ tục hồ sơ gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) để thẩm định và báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xét duyệt, quyết định công nhận khu dân cư đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” trước ngày 15 tháng 11 hằng năm;

b) Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc cấp xã kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện việc xây dựng xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” và hoàn tất thủ tục hồ sơ gửi về Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (gọi chung là cấp huyện) để thẩm định và báo cáo, đề xuất Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện xét duyệt, quyết định công nhận xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” trước ngày 20 tháng 11 hằng năm;

c) Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục chủ trì cuộc họp gồm đại diện cấp ủy Đảng, các tổ chức đoàn thể, lực lượng bảo vệ (nếu có), đại diện Công an cơ sở, đại diện cơ quan có thẩm quyền quản lý để kiểm điểm, đánh giá tình hình, kết quả việc xây dựng cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” và hoàn tất thủ tục hồ sơ báo cáo cấp có thẩm quyền (qua Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc) để thẩm định, xét duyệt, quyết định công nhận trước ngày 20 tháng 11 hằng năm;

d) Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an thẩm định hồ sơ và báo cáo đề xuất Bộ trưởng Bộ Công an xét duyệt, quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” đối với cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục do các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trước ngày 20 tháng 11 hằng năm.

2. Hồ sơ đăng ký và đề nghị xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

a) Hồ sơ đăng ký

- Nghị quyết của cấp ủy Đảng lãnh đạo về công tác bảo đảm an ninh, trật tự (nơi có tổ chức Đảng);

- Kế hoạch về bảo đảm an ninh, trật tự của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục;

- Bản đăng ký phấn đấu đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

b) Hồ sơ đề nghị xét duyệt, công nhận

- Tờ trình đề nghị xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

- Báo cáo kết quả xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

- Biên bản cuộc họp đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các tiêu chí xây dựng khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”;

- Các tài liệu khác có liên quan.

Điều 10. Thẩm quyền xét duyệt, quyết định công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”

1. Ủy ban nhân dân cấp xã xét duyệt, ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” đối với các khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện xét duyệt, ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” đối với các xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền quản lý.

3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xét duyệt, ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền hoặc được ủy quyền quản lý.

4. Bộ Công an xét duyệt, ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” đối với các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục do các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an theo dõi, hướng dẫn về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

5. Tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp trên có thể ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp dưới một cấp xét duyệt, công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” cho Cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 10/02/2022 và thay thế Thông tư số 23/2012/TT-BCA ngày 27/4/2012 của Bộ Công an quy định về khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự”.

Điều 12. Trách nhiệm thi hành

1. Thủ trưởng Công an các cấp có trách nhiệm tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện Thông tư này. Đồng thời, căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc trong lực lượng Công an nhân dân.

2. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định và cấp Giấy công nhận đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” cho từng đơn vị đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh, trật tự” theo mẫu (có phụ lục kèm theo).

3. Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc, Bộ Công an có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Thông tư này.

Quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, Công an các đơn vị, địa phương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan báo cáo hoặc phản ánh về Bộ Công an (qua Cục Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc) để được hướng dẫn kịp thời./.

 

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Đại tướng Tô Lâm

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.