• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 15/08/2024
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 08/2024/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2024

QUYẾT ĐỊNH

 Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao

__________

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 81/2022/NĐ-CP ngày 14 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Căn cứ Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21 tháng 6 năm 2021 của
Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao trực thuộc Bộ Ngoại giao.

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Học viện Ngoại giao là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Ngoại giao, thực hiện chức năng: Nghiên cứu chiến lược;đào tạo đại học và sau đại
học; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; tham mưu và tư vấn cho Bộ Ngoại giao trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế.

2. Học viện Ngoại giao có tư cách pháp nhân và tài khoản riêng, được sử dụng con dấu có hình Quốc huy, trụ sở chính đặt tại thành phố Hà Nội, tên giao dịch tiếng Anh là Diplomatic Academy of Viet Nam, viết tắt là DAV.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Học viện Ngoại giao (sau đây gọi là Học viện) có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:

1. Về nghiên cứu khoa học và tư vấn chính sách:

a) Nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và dự báo chiến lược về các vấn đề khu vực và quốc tế có tác động đến môi trường, hoạt động đối ngoại và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;

b) Thực hiện nhiệm vụ tư vấn, đề xuất, cung cấp luận cứ khoa học cho Bộ Ngoại giao trong việc hoạch định, triển khai đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại và các lĩnh vực khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao và khi được yêu cầu;

c) Nghiên cứu,tuyên truyền, đào tạo về lịch sử và truyền thống ngoại giao Việt Nam;

d) Tổ chức nghiên cứu các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế;

đ) Hợp tác nghiên cứu, trao đổi học thuật với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước về các vấn đề liên quan đến môi trường, hoạt động đối ngoại và lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;

e) Tư vấn, tổng hợp và làm đầu mối trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ Ngoại giao.

2. Về đào tạo đại học và sau đại học:

a) Mở các ngành, chuyên ngành đào tạo đại học, sau đại học phục vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu, rộng và toàn diện của đất nước, đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, phù hợp với định hướng phát triển của Học viện và quy
định của pháp luật;

b) Phát triển các chương trình đào tạo, xây dựng và thực hiện các kế hoạch đào tạo ngắn hạn và dài hạn với quy mô, hình thức và phương pháp đa dạng,
tiên tiến và hiện đại;

c) Áp dụng các chuẩn mực tiên tiến nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng đào tạo; tổ chức thực hiện các quy trình kiểm định chất lượng đào tạo theo các tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Tổ chức tuyển sinh, đào tạo và đánh giá kết quả đào tạo, công nhận và cấp bằng cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ và các văn bằng, chứng chỉ khác trong lĩnh
vực đào tạo, theo quy định của pháp luật;

đ) Liên kết đào tạo theo các hình thức phù hợp với các học viện, trường
đại học, các tổ chức trong nước và quốc tế trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ
và quyền hạn được giao;

e) Tổ chức, quản lý các hoạt động văn hóa, thể thao và thẩm mỹ; giáo dục chính trị - tư tưởng, nâng cao nhận thức của người học về việc chấp hành pháp luật, các chuẩn mực đạo đức chung của xã hội.

3. Về bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ:

a) Xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Ngoại giao thông qua chương trình,kế hoạch hằng năm và tổ chức triển khai các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chứctrong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế trên phạm
vi cả nước theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức nghiên cứu các nội dung phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ trong lĩnh vực đối ngoại và hội nhập quốc tế;

c) Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ và ngoại ngữ trong lĩnh vực đối ngoại, hội nhập quốc tế và nâng cao năng lực làm việc trong môi trường quốc tế cho cán bộ, công chức, viên chức các bộ, ngành, địa phương theo chuyên ngành, lĩnh vực công tác thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Ngoại giao và do cấp có thẩm quyền giao;

d) Bồi dưỡng, kiểm tra, đánh giá trình độ chuyên môn, kỹ năng, nghiệp vụ, ngoại ngữ của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ Ngoại giao;

đ) Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh nghề nghiệp viên chức; bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và vị trí việc làm chuyên môn nghiệp vụ theo phân cấp và quy định của pháp luật;

e) Hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước về đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được cấp có thẩm quyền giao và theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân.

4. Tổ chức các hoạt động đối ngoạitheo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước, bao gồm:

a) Triển khai các hoạt động ngoại giao với các đoàn chính phủ nước ngoài, tổ chức quốc tế thăm Việt Nam và ngoại giao đoàn tại Việt Nam theo phân công của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

b) Phát triển mạng lưới đối tác là các viện nghiên cứu, trường đại học, học giả, nhà báo, chính khách, doanh nghiệp, cá nhân… có uy tín, ảnh hưởng trong nước và quốc tế; thúc đẩy quan hệ với mạng lưới đối tác này phục vụ nhiệm vụ đối ngoại chung của Đảng và Nhà nước;

c) Đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao;

d) Triển khai các hoạt động ngoại giao song phương, đa phương tại Việt Nam và ở nước ngoài trong phạm vi lĩnh vực phụ trách và theo phân công của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao;

đ) Tổ chức, điều phối các hoạt động hợp tác, trao đổi vềhọc thuật của Việt Nam trong Mạng lưới hợp tácvề học thuật của khu vực và quốc tế;

e) Tổ chức các hoạt động đối ngoại đặc thù khác theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao.

5. Công tác thông tin, tư liệu:

a) Xây dựng, trình cấp có thẩm quyền thông qua và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hoạt động hằng năm của Tạp chí Nghiên cứu quốc tế;

b) Biên soạn, biên tập, xuất bản và phát hành sách, tạp chí, công trình nghiên cứu khoa học, giáo trình, tài liệu giảng dạy và các ấn phẩm khác về đối ngoại, lịch sử ngoại giao Việt Nam và thế giới, quan hệ quốc tế, nghiệp vụ, kỹ năng đối ngoại và các lĩnh vực khác liên quan đến chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Tham gia thực hiện công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, lịch sử, truyền thống ngoại giao và các vấn đề liên quan đến lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam;

d) Lưu trữ, bảo quản, quản lý và khai thác thông tin, tư liệu thuộc phạm vi quản lý và theo phân cấp của Bộ Ngoại giao;

đ) Quản lý, sưu tầm, lưu giữ, trưng bày hiện vật về lịch sử và truyền thống ngoại giao;

e) Quản lý, khai thác, duy tu, bảo trì di tích ngoại giao do Bộ Ngoại giao ủy quyền.

6. Thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật và của Bộ Ngoại giao.

7. Tuyển dụng, quản lý tổ chức bộ máy, biên chế viên chức và số người làm việc; thực hiện các chế độ, chính sách; đào tạo, bồi dưỡng; thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với viên chức và người lao động của Học viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Ngoại giao.

8. Tổ chức tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện phòng, chống tham nhũng trong hoạt động của Học viện theo quy định của pháp luật và của Bộ Ngoại giao.

9. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số theo chương trình, kế hoạch và sự phân công của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; thực hiện các chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và của Bộ Ngoại giao.

10. Thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác hành chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động; bảo vệ, sử dụng tài liệu, tài sản được giao theo quy định.

11. Thực hiện các dịch vụ sự nghiệp công và các hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao theo quy định của pháp luật.

12. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công hoặc ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Điều 3. Cơ cấu tổ chức

1. Các đơn vị trực thuộc Học viện Ngoại giao bao gồm:

a) Viện Nghiên cứu chiến lược ngoại giao;

b) Viện Biển Đông;

c) Ban Đào tạo đại học và sau đại học;

d) Ban Đào tạo, Bồi dưỡng cán bộ đối ngoại;

đ) Ban Khoa học, Thông tin và Tạp chí Nghiên cứu quốc tế;

e) Văn phòng;

g) Khoa Chính trị quốc tế và Ngoại giao;

h) Khoa Luật quốc tế;

i) Khoa Kinh tế quốc tế;

k) Khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại;

l) Khoa Ngoại ngữ.

2. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu của các đơn vị tạikhoản 1 Điều này.

Điều 4. Lãnh đạo Học viện

1. Hội đồng Học viện là tổ chức quản trị của Học viện Ngoại giao, thực hiện quyền đại diện của Bộ Ngoại giao, được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của pháp luật. Hội đồng Học viện và Chủ tịch Hội đồng Học viện do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao quyết định công nhận và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và trước pháp luật về việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

2. Ban Giám đốc Học viện gồm Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc được bổ nhiệm, miễn nhiệm theo quy định.

3. Ban Giám đốc xây dựng và trình Hội đồng Học viện thông qua Quy chế làm việc của Học viện; quyết định theo thẩm quyền việc thành lập, sáp nhập, tổ chức lại và bổ nhiệm, miễn nhiệm viên chức lãnh đạo, quản lý của các phòng, trung tâm và tổ chức cấu thành các đơn vị thuộc Học viện theo quy định pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Ngoại giao.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024 và thay thế Quyết định số 07/2019/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Học viện Ngoại giao.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc Học viện Ngoại giao chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng Chính phủ

(Đã ký)

 

Trần Lưu Quang

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.