• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/05/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 10/08/2009
BỘ XÂY DỰNG
Số: 15/2005/QĐ-BXD
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 25 tháng 4 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Về việc ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề

Kiến trúc sư, Kỹ sư hoạt động xây dựng

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

 

Căn cứ Nghị định số 36/2003/NĐ-CP ngày 04/04/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

 

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề Kiến trúc sư, Kỹ sư hoạt động xây dựng".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 91/BXD-ĐT ngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế hành nghề kiến trúc sư và Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình.

Điều 3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan Trung ương của các đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện Quyết định này./.

 

QUY CHẾ CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

KIẾN TRÚC SƯ, KỸ SƯ HOẠT ĐỘNG XÂY DỰNG

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 15/2005/QĐ-BXD ngày 25/04/2005

của Bộ trưởng Bộ Xây dựng)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về cấp chứng chỉ hành nghề cho kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng theo quy định tại Điều 49, Điều 50 và Điều 51 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07/02/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng, chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng cấp cho cá nhân là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài hoạt động xây dựng hợp pháp tại Việt Nam có nhu cầu được cấp chứng chỉ, có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 7 và có hồ sơ theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này.

2. Cá nhân phải có chứng chỉ hành nghề phù hợp khi đảm nhận các chức danh: Chủ nhiệm thiết kế đồ án quy hoạch xây dựng, chủ trì thiết kế chuyên ngành thuộc đồ án quy hoạch xây dựng; chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng công trình, chủ trì thiết kế các chuyên môn thuộc đồ án thiết kế xây dựng công trình; chủ nhiệm khảo sát xây dựng; cá nhân hành nghề độc lập thiết kế quy hoạch xây dựng, tư vấn khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng công trình.

3. Cá nhân là công chức đang làm việc trong các cơ quan hành chính Nhà nước thì không được cấp chứng chỉ hành nghề theo Quy chế này; trường hợp những cá nhân này trước đây đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì trong thời gian làm việc trong cơ quan hành chính nhà nước không được sử dụng chứng chỉ đó để hành nghề.

4. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu đã có chứng chỉ hành nghề do cơ quan, tổ chức nước ngoài cấp thì được công nhận để hành nghề. Tổ chức thuê hoặc quản lý trực tiếp các cá nhân này có trách nhiệm kiểm tra và căn cứ nội dung ghi trong chứng chỉ hành nghề của họ để thuê hoặc giao thực hiện các công việc hoạt động xây dựng đảm bảo về điều kiện năng lực theo đúng quy định của pháp luật. Cá nhân người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài nếu chưa có chứng chỉ hành nghề thì phải xin cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Quy chế này mới được đảm nhận các chức danh nêu tại khoản 2 Điều này.

Chương II

TỔ CHỨC CẤP CHỨNG CHỈ HÀNH NGHỀ

KIẾN TRÚC SƯ, KỸ SƯ HOAT ĐỘNG XÂY DỰNG

Điều 3. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Chứng chỉ hành nghề được cấp theo Quy chế này gồm 2 loại:

a) Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng;

b) Chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng.

2. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng gồm các nội dung sau:

a) Các thông tin về nhân thân của người được cấp chứng chỉ;

b) Trình độ chuyên môn được đào tạo;

c) Lĩnh vực và phạm vi được phép hành nghề;

d) Thời hạn có giá trị của chứng chỉ;

d) Các chỉ dẫn khác.

3. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng do Bộ Xây dựng thống nhất phát hành, quy cách của chứng chỉ theo mẫu tại Phụ lục số 3A và 3B của Quy chế này. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư có kích thước 85mmx125mm, bìa cứng, màu xanh, ruột gồm 4 trang màu trắng; Chứng chỉ hành nghề kỹ sư có kích thước 85mmx125mm, bìa cứng, màu nâu, ruột gồm 4 trang màu trắng.

4. Cách đánh số chứng chỉ:

a) Số chứng chỉ bao gồm 2 nhóm số:

- Nhóm số thứ nhất: Mã vùng địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương);

- Nhóm số thứ hai: Số thứ tự của chứng chỉ là một số có 4 chữ số.

Hai nhóm số được nối với nhau bằng dấu gạch ngang (-).

b) Ký hiệu đối với chứng chỉ được cấp lại:

- Trường hợp cấp lại lần thứ nhất thì sau nhóm số thứ hai thêm chữ A;

- Trường hợp cấp lại lần thứ hai thì sau nhóm số thứ hai thêm chữ B.

5. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng có hiệu lực trong thời hạn 5 năm, khi hết hạn phải làm thủ tục cấp lại.

6. Người được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng được hoạt động hành nghề trong phạm vi cả nước theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Các lĩnh vực hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Các lĩnh vực hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng bao gồm:

a) Thiết kế quy hoạch xây dựng;

b) Thiết kế kiến trúc công trình.

2. Các lĩnh vực hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng bao gồm:

a) Khảo sát xây dựng;

b) Thiết kế xây dựng công trình bao gồm: Công trình dân dụng, công trình công nghiệp, công trình giao thông, công trình thuỷ lợi, công trình hạ tầng kỹ thuật (theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng);

c) Thi công xây dựng công trình.

Điều 5. Thẩm quyền cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Bộ Xây dựng thống nhất quản lý về việc cấp chứng chỉ và hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng trong phạm vi cả nước; quy định nội dung và thống nhất phát hành chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng; quản lý vận hành trang Web về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng; kiểm tra, thanh tra việc cấp chứng chỉ theo Quy chế này.

2. Giám đốc Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng và quản lý hoạt động hành nghề tại địa phương theo quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan; phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra hoạt động hành nghề; phối hợp với Bộ Xây dựng quản lý, vận hành trang Web về cấp chứng chỉ và hành nghề hoạt động xây dựng.

3. Giám đốc Sở Xây dựng quyết định thành lập Hội đồng tư vấn và ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn với những nội dung quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này.

Điều 6. Trình tự, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Người xin cấp chứng chỉ hành nghề gửi 03 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này tới Sở Xây dựng nơi xin cấp chứng chỉ.

2. Sở Xây dựng tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ, yêu cầu bổ sung hồ sơ nếu thiếu hoặc không hợp lệ; giao Hội đồng tư vấn nghiên cứu và xem xét hồ sơ.

3. Trong thời hạn 30 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng tổ chức xét, cấp chứng chỉ hành nghề theo đúng quy định tại Quy chế này.

4. Giám đốc Sở Xây dựng quyết định cấp chứng chỉ cho các cá nhân có đủ các điều kiện quy định tại Điều 7 của Quy chế này; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Xây dựng và trước pháp luật về quyết định của mình.

5. Việc thu và sử dụng lệ phí cấp chứng chỉ hành nghề thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 7. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng.

Người được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có quyền công dân và có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Đối với công dân Việt Nam phải có chứng minh thư nhân dân, đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có hộ chiếu và giấy phép cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kiến trúc hoặc quy hoạch xây dựng do tổ chức hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp;

c) Có kinh nghiệm trong công tác thiết kế ít nhất 5 năm và đã tham gia thiết kế kiến trúc ít nhất 5 công trình hoặc 5 đồ án quy hoạch xây dựng được phê duyệt;

d) Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp không có vi phạm gây ra sự cố công trình;

đ) Có hồ sơ xin cấp chứng chỉ theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này và đã nộp lệ phí theo quy định.

2. Điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng.

Người được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng phải có đủ các điều kiện sau:

a) Có quyền công dân và có đủ năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật; Đối với công dân Việt Nam phải có chứng minh thư nhân dân, đối với người nước ngoài và người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có hộ chiếu và giấy phép cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật;

b) Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên do tổ chức hợp pháp của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp. Chuyên ngành được đào tạo phải phù hợp với nội dung xin đăng ký hành nghề;

c) Có ít nhất 5 năm kinh nghiệm về nội dung xin đăng ký hành nghề và đã tham gia thực hiện thiết kế hoặc khảo sát ít nhất 5 công trình;

d) Trong quá trình hoạt động nghề nghiệp thiết kế hoặc khảo sát không có vi phạm gây ra sự cố công trình;

đ) Có hồ sơ xin cấp chứng chỉ theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này và đã nộp lệ phí theo quy định.

Điều 8. Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

Hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng gồm các tài liệu sau:

1. Đơn xin cấp chứng chỉ hành nghề theo mẫu tại Phụ lục số 1 của Quy chế này, kèm theo 03 ảnh mầu cỡ 3 x 4 chụp trong năm xin đăng ký;

2. Giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý người xin cấp chứng chỉ hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) nơi cư trú đối với người không làm việc trong cơ quan, tổ chức;

3. Bản sao các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến nội dung xin cấp chứng chỉ hành nghề;

4. Bản khai kinh nghiệm công tác chuyên môn về hoạt động xây dựng theo mẫu tại Phụ lục số 2 của Quy chế này, có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp hoặc Hội nghề nghiệp; Người ký xác nhận chịu trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận.

Điều 9. Thành phần Hội đồng tư vấn cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng có số lượng từ 5 đến 7 thành viên, bao gồm các thành phần sau:

a) Đại diện Sở Xây dựng;

b) Đại diện Hội kiến trúc sư Việt Nam;

c) Đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam;

d) Cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư hoạt động xây dựng, hành nghề có uy tín do Hội Kiến trúc sư Việt Nam hoặc Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam giới thiệu.

2. Hội đồng tư vấn xét cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng có số lượng từ 5 đến 7 thành viên, bao gồm các thành phần sau:

a) Đại diện Sở Xây dựng;

b) Đại diện Hội Xây dựng;

c) Đại diện Hiệp Hội tư vấn xây dựng Việt Nam;

d) Đại diện Hội nghề nghiệp chuyên ngành có liên quan đến lĩnh vực xét cấp chứng chỉ hành nghề;

đ) Cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề kỹ sư hoạt động xây dựng, hành nghề có uy tín do Hội Xây dựng hoặc Hội nghề nghiệp chuyên ngành giới thiệu;

e) Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Giám đốc Sở Xây dựng có thể mời thêm đại diện các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành có liên quan tham gia Hội đồng tư vấn.

3. Hội đồng tư vấn có nhiệm kỳ trong thời hạn 3 năm. Quy chế hoạt động của Hội đồng tư vấn theo mẫu tại Phụ lục số 4 của Quy chế này.

Điều 10. Cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng được cấp lại trong các trường hợp sau:

a) Chứng chỉ cũ hết hạn sử dụng;

b) Bổ sung nội dung hành nghề;

c) Chứng chỉ cũ bị rách, nát;

d) Chứng chỉ bị mất.

2. Điều kiện để được cấp lại chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng:

a) Có đơn xin cấp lại chứng chỉ hành nghề;

b) Có chứng chỉ cũ, trường hợp mất chứng chỉ thì phải có giấy xác minh của cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương;

c) Có bản khai kết quả hành nghề theo chứng chỉ đã được cấp;

d) Không vi phạm các quy định tại Quy chế này và pháp luật có liên quan;

đ) Đối với trường hợp xin bổ sung nội dung hành nghề thì ngoài các yêu cầu nêu trên phải có thêm bản sao các văn bằng, chứng chỉ liên quan đến nội dung xin bổ sung chứng chỉ.

3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Xây dựng có trách nhiệm xem xét để cấp lại chứng chỉ cho các đối tượng có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Trường hợp chứng chỉ bị mất hoặc rách nát cần cấp lại thì nội dung và thời hạn của chứng chỉ mới phải ghi theo đúng nội dung và thời hạn của chứng chỉ cũ.

Điều 11. Quyền và nghĩa vụ của người xin cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

Người xin cấp chứng chỉ hành nghề có các quyền và nghĩa vụ sau đây:

1. Yêu cầu cung cấp thông tin về việc cấp chứng chỉ hành nghề;

2. Khiếu nại, tố cáo những hành vi vi phạm các quy định của Quy chế này;

3. Khai báo trung thực hồ sơ xin cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định tại Điều 8 của Quy chế này; chịu trách nhiệm trước pháp luật về sự chính xác của hồ sơ; nộp lệ phí theo quy định.

4. Hành nghề đúng với nội dung chứng chỉ được cấp, nhận và thực hiện các công việc hoạt động xây dựng trong phạm vi cho phép của chứng chỉ và tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật khác có liên quan;

5. Không được cho người khác thuê, mượn hoặc sử dụng chứng chỉ để hành nghề;

6. Không được tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ;

7. Không vi phạm các yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp;

8. Xuất trình chứng chỉ và chấp hành các yêu cầu về thanh tra, kiểm tra khi các cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 12. Quyền và nghĩa vụ của Sở Xây dựng trong việc cấp chứng chỉ hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng

1. Thành lập Hội đồng tư vấn để xét duyệt hồ sơ đăng ký cấp chứng chỉ hành nghề.

2. Tiếp nhận hồ sơ, nếu thiếu hoặc không đúng quy định thì phải yêu cầu người xin cấp chứng chỉ bổ sung trong thời hạn 5 ngày.

3. Cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân có đủ điều kiện theo quy định.

4. Không cấp chứng chỉ hành nghề cho cá nhân không đủ điều kiện theo quy định của Quy chế này.

5. Kiểm tra, quản lý hoạt động hành nghề tại địa phương.

6. Xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các vi phạm trong hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng.

7. Cung cấp thông tin cho các đối tượng liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề.

8. Lưu trữ hồ sơ gốc.

9. Định kỳ báo cáo Bộ Xây dựng và quản lý vận hành trang Web tại địa phương.

Chương III

KIỂM TRA, THANH TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Kiểm tra, thanh tra

1. Bộ Xây dựng có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy chế này trong phạm vi cả nước;

b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm Quy chế này.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm:

a) Kiểm tra, thanh tra hoạt động hành nghề kiến trúc sư, kỹ sư hoạt động xây dựng trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý;

b) Giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền.

Điều 14. Xử lý vi phạm

1. Cá nhân được cấp chứng chỉ nếu vi phạm quy định của Quy chế này và pháp luật có liên quan thì sẽ bị thu hồi chứng chỉ hoặc bị phạt cảnh cáo.

a) Các hành vi vi phạm sau đây sẽ bị thu hồi chứng chỉ:

- Khai báo không trung thực trong hồ sơ xin cấp chứng chỉ;

- Tự ý tẩy xoá, sửa chữa chứng chỉ;

- Cho mượn, cho thuê hoặc cho người khác sử dụng chứng chỉ để hành nghề;

- Hành nghề không đúng với nội dung ghi trong chứng chỉ;

- Vi phạm các quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng.

b) Trường hợp vi phạm các nghĩa vụ khác của người được cấp chứng chỉ hành nghề quy định tại Điều 11 của Quy chế này nhưng chưa tới mức phải thu hồi chứng chỉ thì sẽ bị phạt cảnh cáo. Người được cấp chứng chỉ bị phạt cảnh cáo 3 lần sẽ bị thu hồi chứng chỉ.

2. Tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề nếu vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, bồi thường vật chất hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thực hiện thống nhất trong phạm vi cả nước.

Chứng chỉ kiến trúc sư chủ nhiệm đồ án đã cấp theo quy định tại Quyết định số 91/BXD-ĐT ngày 16/4/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế hành nghề kiến trúc sư và chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình đã được cấp theo Quyết định số 23/2000/QĐ-BXD ngày 13/11/2000 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về ban hành Quy chế cấp chứng chỉ hành nghề thiết kế công trình vẫn có giá trị và được tiếp tục sử dụng đến khi hết hạn ghi trên chứng chỉ./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Nguyễn Hồng Quân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.