• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 03/08/2001
  • Ngày hết hiệu lực: 08/07/2002
BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG
Số: 42/2001/QĐ-BKHCNMT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 18 tháng 7 năm 2001

QUYẾT ĐỊNH CỦA BỘ TRƯỞNG

BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

Về việc ban hành Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng khoa học

và công nghệ tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học

và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005

 

BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ MÔI TRƯỜNG

 

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 09 tháng 06 năm 2000;

Căn cứ Nghị định 22/CP ngày 22 tháng 05 năm 1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường;

Căn cứ Quyết định 82/2001/QĐ-TTg ngày 24 tháng 05 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ khoa học và công nghệ chủ yếu và danh mục các chương trình khoa học và công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 5 năm 2001 - 2005;

Căn cứ Quyết định số 15/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11 tháng 06 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường ban hành "Quy định tạm thời về việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005";

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học xã hội và tự nhiên và Vụ Kế hoạch,

 

QUYẾT ĐỊNH:

 

Điều 1. Ban hành Quy định tạm thời về phương thức làm việc của Hội đồng khoa học và công nghệ tư vấn tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ Quản lý Khoa học và công nghệ công nghiệp, Vụ Quản lý khoa học và công nghệ nông nghiệp, Vụ Quản lý Khoa học xã hội và tự nhiên, Chánh Văn phòng Bộ, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

 

Về phương thức làm việc của Hội đồng Khoa học và công nghệ tư vấn

tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ

cấp Nhà Nước giai đoạn 2001 - 2005

(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 18/07/2001

của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1. Việc đánh giá tuyển chọn căn cứ vào Hồ sơ đã đăng ký.

2. Cá nhân đăng ký chủ trì đề tài và những người tham gia thực hiện đề tài nào thì không được tham gia Hội đồng tuyển chọn tổ chức, cá nhân chủ trì đề tài đó.

3. Hội đồng xem xét đánh giá Hồ sơ theo những tiêu chuẩn và thang điểm thống nhất đã được quy định (Phiếu đánh giá Hồ sơ đăng ký tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì đề tài khoa học và công nghệ, Biểu B2-2-PĐGTC).

4. Tổ chức và cá nhân được đề nghị trúng tuyển là tổ chức và cá nhân có Hồ sơ được xếp hạng cao nhất, nhưng số điểm trung bình của tổng số điểm phải đạt tối thiểu 60/100 điểm, trong đó, điểm trung bình về giá trị khoa học và thực tiễn tối thiểu phải đạt 40/60 điểm.

5. Các chuyên gia đánh giá và các thành viên Hội đồng phải tuân thủ kỷ luật tuyển chọn, giữ bí mật các thông tin liên quan đến quá trình đánh giá tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì đề tài.

6. Kỳ họp xem xét - đánh giá tuyển chọn của Hội đồng phải có ít nhất 2/3 số thành viên có mặt (ý kiến bằng văn bản của thành viên vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo).

7. Chủ tịch Hội đồng chủ trì các phiên họp Hội đồng. Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì phiên họp của Hội đồng.

8. Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cử các chuyên viên làm thư ký giúp việc Hội đồng.

II. QUY TRÌNH VÀ THỦ TỤC LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG

Bước 1: Hội đồng thống nhất phương thức làm việc

1. Thư ký giúp việc Hội đồng đọc Quyết định thành lập Hội đồng, giới thiệu thành phần Hội đồng và các đại biểu tham dự.

2. Đại diện Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường nêu những yêu cầu của đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước đã được quy định tại "Quy định tạm thời về việc xác định các đề tài khoa học và công nghệ của Nhà nước giai đoạn 2001 - 2005" (ban hành kèm theo Quyết định số 06/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/4/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường) và những nội dung chủ yếu của "Quy định tạm thời về việc tuyển chọn tổ chức và cá nhân chủ trì thực hiện đề tài khoa học và công nghệ cấp Nhà nước giai đoạn 2001-2005" (ban hành kèm theo Quyết định số 15/2001/QĐ-BKHCNMT ngày 11/6/2001 của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - sau đây gọi tắt là Quy định số 15) và của Quy định này.

3. Thư ký giúp việc Hội đồng đọc Biên bản mở Hồ sơ đăng ký tuyển chọn (Biểu B2-1-BBHSTC), thông báo số lượng và Danh mục Hồ sơ đủ điều kiện được Hội đồng đưa vào xem xét đánh giá đề tài.

Hồ sơ hợp lệ là Hồ sơ thoả mãn các điều kiện quy định tại Điều 6, 7 và các điều kiện đối với tổ chức và cá nhân tham gia tuyển chọn đã được quy định tại Điều 5 của Quy định số 15.

4. Hội đồng thảo luận trao đổi để quán triệt về nguyên tắc, phương thức xem xét - đánh giá, các tiêu chuẩn đánh giá và cách chấm điểm các Hồ sơ đăng ký tuyển chọn chủ trì thực hiện đề tài theo Quy định số 15 và Quy định này.

5. Các thành viên Hội đồng nhận Hồ sơ đăng ký tuyển chọn để chuẩn bị ý kiến đánh giá nhận xét bằng văn bản.

Hội đồng phân công 2 thành viên am hiểu sâu lĩnh vực nghiên cứu của đề tài làm phản biện nhận xét và đánh giá tất cả các Hồ sơ đăng ký tuyển chọn chủ trì thực hiện đề tài.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường mời các chuyên gia ngoài Hội đồng làm phản biện nhận xét và đánh giá Hồ sơ.

Chuyên gia hoặc thành viên Hội đồng phản biện có trách nhiệm nghiên cứu, phân tích từng nội dung thông tin đã kê khai trong Hồ sơ đăng ký, viết nhận xét - đánh giá, luận giải về việc đánh giá bằng điểm từng chỉ tiêu và chấm điểm từng Hồ sơ theo thang điểm đã nêu tại Phiếu đánh giá của Quy định này và gửi văn bản nhận xét đánh giá cho thư ký giúp việc Hội đồng.

6. Hội đồng thống nhất ngày làm việc để xem xét - đánh giá tuyển chọn các Hồ sơ đăng ký chủ trì thực hiện đề tài (được tổ chức sau khi nhận Bản nhận xét - đánh giá các Hồ sơ thuộc đề tài đó của 2 chuyên gia/thành viên Hội đồng phản biện).

Bước 2: Hội đồng đánh giá tuyển chọn Hồ sơ

1. Hội đồng nghe các chuyên gia/thành viên Hội đồng phản biện đọc bản nhận xét - đánh giá, phân tích từng Hồ sơ của đề tài.

Hội đồng có thể nêu câu hỏi đối với các chuyên gia/thành viên Hội đồng phản biện về từng chỉ tiêu đánh giá liên quan đến từng Hồ sơ.

Sau khi trả lời các câu hỏi của các thành viên Hội đồng, các chuyên gia phản biện không là thành viên Hội đồng hoàn thành nhiệm vụ của mình và không tiếp tục dự phiên họp đánh giá tuyển chọn của Hội đồng.

2. Hội đồng thảo luận đánh giá

Hội đồng trao đổi, thảo luận từng Hồ sơ theo từng chỉ tiêu đã được quy định và bỏ phiếu đánh giá.

3. Hội đồng bầu Ban kiểm phiếu và bỏ phiếu

Ban kiểm phiếu gồm 3 thành viên Hội đồng (trong đó bầu một trưởng ban).

Hội đồng bỏ phiếu đánh giá từng Hồ sơ theo Biểu B2-2-PĐGTC.

Mỗi thành viên Hội đồng đánh giá từng Hồ sơ bằng cách cho điểm theo thang điểm đã quy định được ghi trên phiếu.

Những phiếu hợp lệ là những phiếu cho điểm bằng hoặc thấp hơn điểm tối đa đã ghi trên phiếu tương ứng cho từng chỉ tiêu đánh giá.

4. Tổng hợp kết quả đánh giá tuyển chọn

Ban kiểm phiếu báo cáo Hội đồng kết quả kiểm phiếu theo Biểu B2-3-KPTVHĐ và B2-4- KPĐGTC.

Trường hợp có từ 2 Hồ sơ đạt số điểm trung bình của tổng số điểm từ 60/100 điểm trở lên và trong đó, điểm trung bình về giá trị khoa học và thực tiễn tối thiểu đạt 40/60 điểm, Hội đồng xếp thứ tự ưu tiên các Hồ sơ đó theo các nguyên tắc đã nêu tại Điều 13 của Quy định số 15, cụ thể như sau:

Điểm trung bình của tổng số điểm theo thứ tự từ cao xuống thấp;

Ưu tiên điểm trung bình về giá trị khoa học và thực tiễn cao hơn đối với các Hồ sơ có cùng số điểm trung bình của tổng số điểm;

Ưu tiên điểm của Chủ tịch Hội đồng (hoặc điểm của Phó Chủ tịch, trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng vắng mặt) đối với các Hồ sơ có cùng số điểm trung bình của tổng số điểm và cùng số điểm trung bình về giá trị khoa học và thực tiễn;

Đối với các Hồ sơ có cùng số điểm trung bình của tổng số điểm, cùng điểm trung bình về giá trị khoa học và thực tiễn, cùng điểm của Chủ tịch Hội đồng, Hội đồng kiến nghị Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường xem xét quyết định.

5. Hội đồng thông qua Biên bản về kết quả làm việc của Hội đồng, kiến nghị tổ chức và cá nhân trúng tuyển.

Hội đồng thảo luận để kiến nghị những điểm bổ sung, sửa đổi cần thiết về những nội dung đã nêu trong Thuyết minh đề tài và khuyến nghị về kinh phí cho việc thực hiện đề tài, hoặc nêu những điểm cần lưu ý trong quá trình hoàn thiện Hồ sơ của tổ chức và cá nhân được lựa chọn.

Biên bản làm việc của Hội đồng xây dựng theo Biểu B2-5-BBHĐTC./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Chu Tuấn Nhạ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.