• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 02/06/2008
  • Ngày hết hiệu lực: 25/03/2014
BỘ CÔNG AN-BỘ QUỐC PHÒNG-BỘ NGOẠI GIAO-BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
Số: 03/2008/TTLT-BCA-BQP-BNG-BLĐTBXH
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2008

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về

Căn cứ Nghị định số 86/2002/NĐ-CP ngày 05/11/2002 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Quyết định số 130/2004/QĐ-TTg ngày 14/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em từ năm 2004 – 2010;

Căn cứ Quyết định số 17/2007/QĐ-TTg ngày 29/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về,

Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận phụ nữ, trẻ em là công dân Việt Nam bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi tắt là nạn nhân) để thực hiện Quy chế tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về (sau đây gọi tắt là Quy chế), như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Về tổ chức xác minh, tiếp nhận nạn nhân

a) Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Cục QLXNC) – Bộ Công an chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo lực lượng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi tắt là Công an tỉnh) tổ chức việc xác minh, tiếp nhận đối với:

- Nạn nhân do nước ngoài trao trả theo khuôn khổ thỏa thuận song phương giữa Chính phủ Việt Nam với Chính phủ nước ngoài; giữa Bộ Công an Việt Nam với cơ quan chức năng của nước ngoài về việc nhận trở lại công dân (sau đây gọi tắt là thỏa thuận song phương).

- Nạn nhân do cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài (sau đây gọi chung là cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài) tiếp nhận thông tin, tài liệu và đề nghị Cục QLXNC xác minh.

b) Bộ Tham mưu Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng của các Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức việc xác minh, tiếp nhận nạn nhân được giải cứu trở về hoặc tự trở về qua biên giới đường bộ không qua thủ tục nêu tại điểm a khoản 1 mục này.

2. Về việc xác định nạn nhân

a) Phụ nữ, trẻ em được xác định là nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài nhằm mục đích bóc lột (cưỡng bức bán dâm hoặc các hình thức bóc lột tình dục khác, lao động hoặc dịch vụ cưỡng bức, nô lệ hoặc làm việc như tình trạng nô lệ hoặc lấy đi các bộ phận trên cơ thể) nếu thuộc một trong các trường hợp sau:

- Bị sử dụng vũ lực, đe dọa sử dụng vũ lực; bị bắt cóc, bị ép buộc dưới nhiều hình thức để bán ra nước ngoài.

- Bị lừa gạt, lợi dụng tình trạng dễ bị tổn thương để bán ra nước ngoài hoặc đưa ra nước ngoài để nhận một lợi ích vật chất khác.

b) Xác định nạn nhân là công việc của các cơ quan chức năng được quy định tại điểm c khoản 2 mục này nhằm xác minh, kết luận phụ nữ, trẻ em từ nước ngoài trở về là nạn nhân thuộc đối tượng điều chỉnh của Quy chế. Việc xác định nạn nhân dựa trên các căn cứ sau:

- Tài liệu, bằng chứng do phía nước ngoài cung cấp.

- Lời khai và bằng chứng do nạn nhân cung cấp.

- Kết quả xác minh của Công an tỉnh nơi nạn nhân thường trú.

- Kết quả xác minh của Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Lời khai của tội phạm thực hiện hành vi buôn bán nạn nhân.

- Các nguồn cung cấp thông tin khác.

c) Trách nhiệm xác định nạn nhân:

- Cục QLXNC, cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới chịu trách nhiệm xác định đối với nạn nhân được tiếp nhận theo thỏa thuận song phương.

- Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài chịu trách nhiệm xác định đối với nạn nhân đang ở nước ngoài, do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin, tài liệu.

- Bộ đội Biên phòng tỉnh biên giới chịu trách nhiệm xác định đối với nạn nhân được giải cứu trở về hoặc tự trở về qua biên giới đường bộ.

- Cơ quan QLXNC – Công an tỉnh nơi nạn nhân thường trú chịu trách nhiệm xác định đối với nạn nhân đã trở về địa phương không qua tiếp nhận.

3. Giải thích từ ngữ

a) Giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam là một trong các giấy tờ sau đây dùng để làm căn cứ xác định nạn nhân có quốc tịch Việt Nam: Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam; Quyết định cho trở lại quốc tịch Việt Nam; Quyết định công nhận con nuôi đối với trẻ em là người nước ngoài; Xác nhận đăng ký công dân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp; Hộ khẩu; Thẻ cử tri; Giấy khai sinh; Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu Việt Nam hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp.

b) Tờ khai dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là giấy dành cho nạn nhân khai về lý lịch cá nhân và những vấn đề liên quan tới việc bị buôn bán ra nước ngoài.

c) Giấy chứng nhận về nước dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về là giấy cấp cho nạn nhân sau khi được tiếp nhận để sử dụng đi đường, làm thủ tục đăng ký lại hộ khẩu và làm cơ sở cho các cơ quan chức năng thực hiện chế độ, chính sách với nạn nhân khi về địa phương.

d) Cơ sở tiếp nhận nạn nhân là nơi tiếp nhận, giải quyết các thủ tục ban đầu và thực hiện các hỗ trợ cần thiết cho nạn nhân khi tiếp nhận.

- Cục Quản lý xuất nhập cảnh lập cơ sở tiếp nhận nạn nhân tại cửa khẩu sân bay quốc tế.

- Công an tỉnh biên giới chỉ đạo Công an huyện biên giới lựa chọn xây dựng cơ sở tiếp nhận nạn nhân tại những nơi cần thiết trong khu vực biên giới.

- Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng chỉ đạo Biên phòng tỉnh biên giới lập cơ sở tiếp nhận nạn nhân tại các đồn Biên phòng.

II. TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÁC MINH, XÁC ĐỊNH, TIẾP NHẬN NẠN NHÂN

1. Trình tự, thủ tục xác minh, xác định, tiếp nhận nạn nhân theo khuôn khổ thỏa thuận song phương

a) Đối với nạn nhân đang cư trú tại một nước không tiếp giáp với Việt Nam

a.1) Tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân

- Cục QLXNC tiếp nhận đề nghị của cơ quan chức năng nước ngoài về việc nhận trở lại công dân và thông tin, tài liệu về nạn nhân như: giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam; thông tin, tài liệu liên quan đến việc nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài….

- Sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân, Cục QLXNC gửi văn bản đề nghị Công an địa phương nơi nạn nhân khai thường trú xác minh về nhân thân của nạn nhân và các căn cứ xác định nạn nhân. Thời hạn xác minh, trả lời không quá 20 ngày làm việc.

- Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Cục QLXNC có văn bản trả lời phía nước ngoài. Trường hợp xác định đúng là nạn nhân và đồng ý nhận trở lại và thì cấp giấy thông hành về nước cho nạn nhân gửi kèm theo văn bản trả lời đồng y tiếp nhận.

- Trường hợp nạn nhân có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và đủ điều kiện nhận trở lại theo thỏa thuận song phương thì trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của phía nước ngoài, Cục QLXNC cấp giấy thông hành về nước cho nạn nhân gửi kèm theo văn bản trả lời phía nước ngoài đồng ý tiếp nhận hoặc thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cấp giấy thông hành về nước cho nạn nhân.

a.2) Tổ chức tiếp nhận nạn nhân

- Cục QLXNC thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Hội Phụ nữ tỉnh nơi nạn nhân về thường trú về kế hoạch tiếp nhận và danh sách nạn nhân trước khi nạn nhân về đến cửa khẩu ít nhất 03 ngày làm việc để phối hợp.

- Cục QLXNC tiếp nhận nạn nhân do cơ quan chức năng của nước ngoài giao tại cửa khẩu sân bay quốc tế, làm thủ tục nhập cảnh và đưa nạn nhân về cơ sở tiếp nhận.

- Tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân: Cục QLXNC chủ trì và phối hợp với Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Hội Phụ nữ tỉnh nơi nạn nhân về thường trú thực hiện những việc sau:

+ Phỏng vấn nhanh nạn nhân để phân loại và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân gồm: hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cần thiết; tư vấn về tâm lý, pháp lý; khám sức khỏe.

+ Hướng dẫn nạn nhân kê khai vào tờ khai dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Trường hợp nạn nhân là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ của cơ sở tiếp nhận giúp kê khai theo lời khai của nạn nhân; khai thác thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán người mà nạn nhân biết và thông báo cho cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội tỉnh có liên quan các thông tin, tài liệu thu thập được.

+ Cấp giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân.

+ Trường hợp nạn nhân có nguyện vọng được trở về gia đình ngay thì hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để họ tự trở về; đồng thời có văn bản thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi nạn nhân thường trú để thực hiện chế độ, chính sách cho nạn nhân.

Đối với nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân là trẻ em thì bàn giao nạn nhân cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi nạn nhân về thường trú trong thời gian không quá 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận; trong Biên bản bàn giao xác định rõ người trở về là nạn nhân.

b) Đối với nạn nhân đang cư trú tại một nước tiếp giáp với Việt Nam

b.1) Tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân

- Cơ quan QLXNC Công an tỉnh biên giới tiếp nhận đề nghị của cơ quan chức năng nước ngoài về việc nhận trở lại công dân và thông tin, tài liệu về nạn nhân.

Trường hợp đề nghị của cơ quan chức năng nước ngoài và thông tin, tài liệu gửi qua Biên phòng cửa khẩu thì Biên phòng cửa khẩu chuyển ngay cho cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới để xử lý.

- Sau khi tiếp nhận thông tin, tài liệu về nạn nhân, cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới gửi văn bản đề nghị Công an tỉnh nơi nạn nhân khai thường trú xác minh về nhân thân và căn cứ xác định nạn nhân. Thời hạn xác minh, trả lời không quá 20 ngày làm việc.

Nếu nạn nhân khai thường trú ở địa phương mình thì Công an tỉnh biên giới xác minh; nếu nạn nhân khai thường trú tại xã biên giới thì gửi văn bản đề nghị Bộ đội Biên phòng tỉnh nơi nạn nhân khai thường trú xác minh. Thời hạn xác minh không quá 10 ngày làm việc.

- Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới có văn bản trả lời cơ quan chức năng nước ngoài đồng ý hoặc không tiếp nhận.

- Trường hợp nạn nhân có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và thuộc diện Việt Nam đồng ý nhận trở lại theo thỏa thuận song phương thì trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Công an tỉnh biên giới gửi văn bản trả lời cơ quan chức năng nước ngoài đồng ý hoặc không đồng ý tiếp nhận.

b.2) Tổ chức tiếp nhận nạn nhân

- Cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới thống nhất với cơ quan chức năng nước ngoài về danh sách, thời gian, phương tiện và cửa khẩu tiếp nhận nạn nhân; thông báo cho Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Hội Phụ nữ tỉnh nơi tiếp nhận trước 03 ngày làm việc để phối hợp tiếp nhận và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân.

- Bộ đội Biên phòng cửa khẩu nhận bàn giao nạn nhân do cơ quan chức năng của nước ngoài trao tại cửa khẩu đường bộ; bàn giao nạn nhân cho cơ quan QLXNC Công an tỉnh biên giới để đưa về cơ sở tiếp nhận.

- Tại cơ sở tiếp nhận nạn nhân, cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan nơi tiếp nhận thực hiện như quy định tại tiết 3 điểm a.2 khoản 1 mục II.

2. Trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận thông tin, tài liệu và đề nghị Cục QLXNC xác minh

a) Tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài

a.1) Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tiếp nhận và xử lý thông tin, tài liệu về nạn nhân do cơ quan chức năng nước ngoài, do cơ quan chức năng của Việt Nam trao đổi hoặc do nạn nhân trực tiếp đến khai báo, xin về nước.

a.2) Phối hợp với cơ quan thẩm quyền của nước sở tại nhanh chóng tiếp xúc với nạn nhân để kiểm tra, xác minh thông tin và thu thập, kiểm tra giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam (nếu có); hướng dẫn nạn nhân kê khai tờ khai dành cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Trường hợp là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài giúp kê khai theo lời khai của nạn nhân.

a.3) Gửi văn bản đề nghị Cục QLXNC xác minh về nhân thân của nạn nhân và các căn cứ xác định nạn nhân. Thời hạn xác minh, trả lời không quá 30 ngày làm việc.

Đối với trường hợp đặc biệt như: trẻ em không có người lớn đi kèm; phụ nữ, trẻ em không có năng lực hành vi; phụ nữ; trẻ em là nhân chứng cần được bảo vệ; phụ nữ, trẻ em đang ốm đau, bệnh nặng thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần nêu rõ tình trạng của nạn nhân và đề nghị Cục QLXNC xác minh, trả lời trong thời gian sớm nhất.

a.4) Căn cứ kết quả xác minh của Cục QLXNC và các thông tin, tài liệu thu thập được, trường hợp xác định là nạn nhân thì cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cung cấp giấy thông hành, thu xếp cho nạn nhân về nước và thông báo cho Cục QLXNC trước 03 ngày làm việc về thời gian, cửa khẩu nhập cảnh của nạn nhân để tiếp nhận. Trong nội dung thông báo cho Cục QLXNC cần xác định rõ người trở về là nạn nhân.

a.5) Trường hợp qua kiểm tra thông tin, tài liệu thu thập được có thể xác định ngay nạn nhân là công dân Việt Nam thì khẩn trương thực hiện: các biện pháp bảo hộ công dân; hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân có khó khăn về chỗ ở, vật dụng sinh hoạt cần thiết; cấp giấy thông hành, thu xếp cho nạn nhân được về nước trong thời gian sớm nhất.

b) Tổ chức tiếp nhận nạn nhân

Sau khi nhận được thông báo của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về kế hoạch trở về của nạn nhân, Cục QLXNC tổ chức tiếp nhận (nếu nạn nhân về nước qua cửa khẩu sân bay quốc tế) như quy định tại điểm a.2 khoản 1 mục II hoặc thông báo cho cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới và Bộ đội Biên phòng tỉnh phối hợp tiếp nhận (nếu nạn nhân về nước qua cửa khẩu đường bộ) như quy định tại điểm b.2 khoản 1 mục II.

3. Trình tự, thủ tục xác minh, tiếp nhận nạn nhân được giải cứu trở về hoặc tự trở về qua biên giới đường bộ

Đơn vị Bộ đội Biên phòng tiếp nhận nạn nhân, đưa về cơ sở tiếp nhận tại đồn Biên phòng cửa khẩu và thực hiện những việc sau:

a) Phỏng vấn nhanh nạn nhân để phân loại và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân, gồm: hỗ trợ vật dụng sinh hoạt cần thiết; tư vấn tâm lý, tư vấn pháp lý; khám sức khỏe.

b) Thu thập và kiểm tra giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam, hướng dẫn nạn nhân kê khai tờ khai dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về. Trường hợp là trẻ em, người dân tộc thiểu số, người không có khả năng tự kê khai thì cán bộ cơ sở tiếp nhận giúp kê khai theo lời khai của nạn nhân; khai thác để thu thập thông tin, tài liệu về tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi buôn bán người mà nạn nhân biết và thông báo cho cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Công an tỉnh có liên quan các thông tin, tài liệu đã thu thập được.

c) Tiến hành xác minh về nạn nhân như sau:

Trường hợp nạn nhân khai thường trú tại xã biên giới thì chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng tổ chức xác minh trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc. Nếu nạn nhân khai thường trú ở khu vực khác thì có văn bản đề nghị Công an địa phương nơi nạn nhân khai thường trú xác minh; thời hạn xác minh, trả lời không quá 20 ngày làm việc.

d) Căn cứ kết quả xác minh và thông tin, tài liệu thu thập được, nếu xác định là nạn nhân thì Bộ đội Biên phòng tỉnh gửi văn bản đề nghị cơ quan QLXNC – Công an tỉnh biên giới cấp giấy chứng nhận về nước cho nạn nhân, kèm theo tờ khai của nạn nhân. Trong văn bản nêu rõ người trở về là nạn nhân.

đ) Trường hợp nạn nhân có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam và có nguyện vọng được trở về gia đình ngay thì Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn đường để họ tự trở về đồng thời có văn bản thông báo cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi nạn nhân về thường trú biết. Trong văn bản nêu rõ người trở về là nạn nhân để Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thực hiện chế độ, chính sách cho người đó. Văn bản này được đồng gửi cho Công an tỉnh nơi nạn nhân về thường trú và Công an tỉnh biên giới để phối hợp. Công an tỉnh nơi nạn nhân về thường trú căn cứ văn bản thông báo nêu trên để hướng dẫn nạn nhân các thủ tục cần thiết.

Đối với nạn nhân cần chăm sóc về sức khỏe, tâm lý trước khi tái hòa nhập cộng đồng, nạn nhân là trẻ em thì bàn giao cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh nơi tiếp nhận trong vòng 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận.

4. Trình tự, thủ tục xác minh nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận

a) Ủy ban nhân dân xã (UBND xã) nơi nạn nhân thường trú thu thập và xử lý thông tin về nạn nhân tự trở về không qua tiếp nhận theo phản ảnh của người dân, các đoàn thể, tổ chức xã hội và do nạn nhân trình báo.

- Hướng dẫn người tự trở về kê khai tờ khai dành cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về, tiếp xúc để thu thập thông tin, bằng chứng về việc nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài.

- Trường hợp có dấu hiệu hoặc bằng chứng là nạn nhân thì lập hồ sơ và có văn bản gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh (thông qua phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện) trong thời gian không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận tờ khai của nạn nhân. Hồ sơ gồm: tờ khai dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; tài liệu, bằng chứng thu thập được có liên quan đến việc xác định nạn nhân.

b) Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ của người tự trở về do UBND xã chuyển đến, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh gửi văn bản đề nghị cơ quan QLXNC – Công an tỉnh xác minh, xác định nạn nhân.

c) Cơ quan QLXNC – Công an tỉnh xác minh, trả lời trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh. Văn bản trả lời có nội dung xác định là nạn nhân hoặc kết luận không phải là nạn nhân.

d) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh căn cứ vào văn bản trả lời của cơ quan QLXNC – Công an tỉnh để hướng dẫn và xem xét, quyết định việc chi hỗ trợ cho nạn nhân theo chế độ quy định.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ quan chức năng tại các tỉnh trực tiếp phối hợp để thực hiện công tác xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân và giải quyết các vấn đề khác liên quan đến nạn nhân gồm: cơ quan QLXNC – Công an tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh.

2. Cục trưởng Cục QLXNC – Công an chủ trì, phối hợp với Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng – Bộ Quốc phòng, Cục trưởng Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội – Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành các mẫu giấy tờ sau: Tờ khai dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Giấy chứng nhận về nước dùng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; Biên bản giao, nhận phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về.

3. Định kỳ 6 tháng, Bộ Tham mưu – Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng có văn bản thông báo Cục QLXNC về tình hình và số liệu nạn nhân được giải cứu trở về hoặc tự trở về qua biên giới đường bộ do Bộ đội Biên phòng tiếp nhận để tập hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trình Thủ tướng Chính phủ.

4. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Công an
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Quốc phòng
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Thượng tướng Lê Thế Tiệm

Thượng tướng Phan Trung Kiên

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Ngoại giao
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

  

Lê Bạch Hồng

Đào Việt Trung

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.