THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020
_______________________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020.
Liên tịch Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, như sau:
I- QUY ĐỊNH CHUNG
1. Thông tư này hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 theo nội dung quy định tại Quyết định số 11/2006/QĐ-TTg ngày 12/01/2006 của Thủ tướng Chính phủ.
2. Nguồn vốn thực hiện Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, gồm: Vốn ngân sách Nhà nước hàng năm; vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và ngoài nước; vốn hợp tác quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác.
3. Các đơn vị có sử dụng kinh phí Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn phải đảm bảo đúng mục đích, đúng chế độ; chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng có thẩm quyền; cuối năm hoặc kết thúc dự án thực hiện quyết toán kinh phí đã sử dụng theo quy định hiện hành.
II- NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Nguồn kinh phí và nội dung chi của Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020, gồm:
a) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp nghiên cứu khoa học:
- Thực hiện các đề tài nghiên cứu công nghệ nền áp dụng công nghệ gen, công nghệ tế bào, công nghệ vi sinh, công nghệ enzym và protein cung cấp vật liệu và phương pháp cho các nghiên cứu tiếp theo về chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi và vi sinh vật;
- Thực hiện các đề tài, dự án áp dụng công nghệ sinh học chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi, vi sinh vật mới và chế phẩm sinh học;
- Thực hiện các đề tài, dự án áp dụng công nghệ sinh học để nghiên cứu các chế phẩm bảo vệ thực vật có hiệu quả trên quy mô công nghiệp; ổn định và nâng cao độ phì của đất; làm sạch và xử lý môi trường nông nghiệp nông thôn; sản xuất các chế phẩm dùng trong bảo quản, chế biến;
- Hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm. Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% kinh phí dự án (không bao gồm giá trị nhà xưởng, thiết bị có trong dự án);
- Nhập vật liệu, công nghệ mới trong nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học của các đơn vị sự nghiệp;
- Mua sắm bổ sung trang thiết bị nghiên cứu khoa học công nghệ sinh học nông nghiệp.
b) Chi từ nguồn vốn đầu tư phát triển, theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt:
- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện các phòng thí nghiệm trọng điểm về công nghệ tế bào động vật, thực vật, công nghệ gen theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
- Đầu tư chiều sâu, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị tiên tiến và hiện đại hóa các phòng thí nghiệm công nghệ sinh học nông nghiệp theo dự án được cấp thẩm quyền phê duyệt.
- Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp để cung cấp các thông tin về công nghệ sinh học nông nghiệp và sản phẩm hàng hóa chủ lực công nghệ sinh học nông nghiệp.
c) Chi từ nguồn kinh phí sự nghiệp đào tạo:
- Đào tạo ở nước ngoài: Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ; đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm đối với cán bộ khoa học về công nghệ sinh học nông nghiệp đã có học vị tiến sĩ, thạc sĩ;
- Đào tạo trong nước: Đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân, kỹ thuật viên công nghệ sinh học, bồi dưỡng cán bộ khoa học và giảng viên về công nghệ sinh học nông nghiệp.
d) Chi sự nghiệp kinh tế:
- Hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn ngân hàng cho doanh nghiệp nhập công nghệ tiên tiến từ nước ngoài về công nghệ sinh học nông nghiệp để sản xuất hàng hóa. Thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 12 tháng.
Việc lựa chọn doanh nghiệp nhập công nghệ được hỗ trợ và mức hỗ trợ cụ thể đối với từng dự án do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định;
- Chi hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin quốc gia về công nghệ sinh học nông nghiệp, để cung cấp thông tin về công nghệ sinh học nông nghiệp;
- Chi hoạt động của Văn phòng Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp: Mua sắm trang thiết bị; thông tin, tuyên truyền; khảo sát, hợp tác quốc tế với các nước có nền công nghệ sinh học phát triển; hội thảo, hội nghị, sơ kết, tổng kết chương trình; xác định tuyển chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ sinh học nông nghiệp; kiểm tra, nghiệm thu, đánh giá các đề tài, dự án thuộc chương trình; chi cho hoạt động tạo lập thị trường để hình thành và phát triển ngành công nghệ sinh học nông nghiệp Việt Nam của Ban chỉ đạo chương trình và các khoản chi khác.
e) Chi từ nguồn vốn của các tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước và ngoài nước; vốn hợp tác quốc tế và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện theo quy định của pháp luật.
2. Mức chi:
Các nội dung chi, mức chi thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp thực hiện theo định mức, chế độ chi tiêu tài chính hiện hành.
Đối với các đề tài, dự án công nghệ sinh học nông nghiệp: Căn cứ mức độ cần thiết triển khai các nhiệm vụ và khả năng kinh phí, Thủ trưởng đơn vị được giao thực hiện đề tài, dự án và chủ nhiệm đề tài, dự án lựa chọn quyết định việc thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài; hình thức thuê (theo thời gian hoặc theo sản phẩm) cho phù hợp; mức chi theo hợp đồng thực tế thoả thuận với chuyên gia bảo đảm chất lượng và hiệu quả (đối với mức thuê chuyên gia từ 1.000 USD/tháng trở lên được sự thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Trường hợp phải thuê chuyên gia có kinh nghiệm trong nước và nước ngoài để tư vấn cho Ban Điều hành chương trình. Căn cứ mức độ cần thiết triển khai các nhiệm vụ và khả năng kinh phí, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn quyết định việc thuê chuyên gia, hình thức thuê (theo thời gian hoặc theo sản phẩm) cho phù hợp; mức chi theo hợp đồng thực tế thoả thuận với chuyên gia bảo đảm chất lượng và hiệu quả.
3. Thu hồi sản phẩm:
- Đối với các đề tài, dự án thực hiện từ nguồn kinh phí nghiên cứu khoa học có sản phẩm thu hồi thực hiện theo quy định hiện hành đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
- Đối với các dự án sản xuất thử nghiệm sản phẩm thuộc lĩnh vực công nghệ sinh học, kinh phí thu hồi đối với các dự án là 60% mức kinh phí ngân sách Nhà nước hỗ trợ. Thời gian thu hồi kinh phí của từng dự án do cơ quan phê duyệt dự án xem xét quyết định, nhưng không quá 24 tháng sau khi dự án kết thúc.
Trường hợp dự án phải ngừng triển khai do nguyên nhân khách quan gây thiệt hại cho dự án, như: bão, lụt, hoả hoạn, thì được xem xét miễn giảm kinh phí thu hồi theo quy định hiện hành đối với đề tài, dự án khoa học công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước. Khi gặp các trường hợp nêu trên, các đơn vị chủ trì dự án có báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý cấp trên để kiểm tra, xác nhận về quá trình triển khai thực hiện và lý do phải ngừng triển khai dự án; khả năng hoàn trả kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ. Sau khi kiểm tra, xác nhận, các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét quyết định mức miễn, giảm kinh phí thu hồi trên cơ sở thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm theo dõi và đôn đốc việc thu hồi sản phẩm; hàng năm tổng hợp cùng với thời gian báo cáo quyết toán kinh phí chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp.
4. Lập, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước:
Việc lập, chấp hành và quyết toán kinh phí nghiên cứu khoa học, kinh phí sự nghiệp đào tạo, kinh phí sự nghiệp kinh tế, vốn đầu tư của Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp thực hiện theo quy định hiện hành. Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm, như sau:
Căn cứ vào nội dung chương trình, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp có nhu cầu tham gia thực hiện các nội dung của Chương trình xây dựng nhiệm vụ (đề tài, dự án...) đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, thẩm định.
Hàng năm căn cứ nhiệm vụ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định, các đơn vị lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình gửi cơ quan chủ quản cấp trên để tổng hợp vào dự toán của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định hiện hành; đồng gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách hàng năm, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định; cụ thể:
- Đối với kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xác định các nhiệm vụ khoa học và công nghệ và dự toán chi sự nghiệp khoa học trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định, để giao cho các Bộ, ngành thực hiện; đối với kinh phí của các đề tài, dự án do các địa phương và các tổ chức thực hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện ký hợp đồng theo quy định.
- Đối với kinh phí sự nghiệp đào tạo:
+ Đối với đào tạo trong nước: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực và kinh phí thực hiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
+ Đối với đào tạo ở nước ngoài thực hiện theo Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 28/04/2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Đào tạo cán bộ tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách nhà nước”.
- Đối với vốn đầu tư, kinh phí chi sự nghiệp kinh tế: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập dự toán cùng với thời điểm lập dự toán năm, gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Công tác báo cáo, thanh tra, kiểm tra:
- Định kỳ các đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ của Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất về tình hình thực hiện nội dung và sử dụng kinh phí Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp đảm bảo sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.
Định kỳ hàng năm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp tình hình thực hiện chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đồng gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm chỉ đạo Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp; thẩm định các nhiệm vụ các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp đăng ký thực hiện Chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.