• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/05/2010
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 56/2010/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2010

THÔNG TƯ

Hướng dẫn việc quản lý và giám sát, sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ phát hành năm 2010

___________________________________

Căn cứ Luật Quản lý nợ công ngày 29 tháng 06 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế năm 2009-2010 của Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam;

Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và giám sát, sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ phát hành năm 2010 như sau:

I.  QUI ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế:

Tiền bán trái phiếu của Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế sau khi khấu trừ các khoản phí và chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu quốc tế được sử dụng để hoàn trả Ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 53/NĐ-CP ngày 02/11/2009 của Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện phát hành trái phiếu quốc tế năm 2009-2010 của Chính phủ, phần còn lại theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Giải thích từ ngữ:

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tổ hợp các ngân hàng bảo lãnh phát hành: Là 3 ngân hàng Barclay’s Capital, Citigroup và Deutsche đồng quản lý sổ đầu tư của đợt phát hành cho Bộ Tài chính theo Hợp đồng mua bán trái phiếu ký ngày 22/01/2010 giữa Bộ Tài chính và ba ngân hàng nói trên.

2. Đại lý thanh toán: Là Ngân hàng Citi (Citibank) được bổ nhiệm làm đại lý thanh toán trái phiếu phát hành năm 2010 theo Thư bổ nhiệm đại lý thanh toán của Bộ Tài chính ngày 14/01/2010.

3. Cơ quan cho vay lại/ngân hàng phục vụ: Là tổ chức tín dụng được Bộ Tài chính uỷ quyền quản lý cho vay lại và thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010 theo Hợp đồng uỷ quyền ký kết giữa Bộ Tài chính và tổ chức tín dụng, đồng thời là ngân hàng phục vụ cho việc mở tài khoản và tiếp nhận khoản tiền trái phiếu Chính phủ.

4. Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại: Là thoả thuận ký giữa Bộ Tài chính và cơ quan cho vay lại theo đó Bộ Tài chính uỷ quyền cho cơ quan cho vay lại quản lý cho vay lại và thu hồi vốn cho vay lại từ nguồn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010 (Phụ lục số 01 đính kèm Thông tư này).

5. Hợp đồng cho vay lại: Là thoả thuận ký giữa cơ quan cho vay lại và đơn vị vay lại về các điều kiệnđiều khoản ràng buộc của khoản vay lại từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010.

6. Tiền bán trái phiếu quốc tế là số tiền thực tế còn lại sau khi khấu trừ các phí và chi phí liên quan tới đợt phát hành.

II. QUI ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Giải ngân nguồn vốn trái phiếu quốc tế:

1. Bộ Tài chính ủy quyền cho Ngân hàng phục vụ mở tài khoản cho Bộ Tài chính tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế và làm cơ quan cho vay lại đối với các khoản cho vay lại từ nguồn vốn trái phiếu quốc tế phát hành năm 2010 theo các mục đích cụ thể quy định tại Điều 1 của Thông tư này.

2. Đối với việc hoàn trả Ngân sách Nhà nước: Sau khi tiền trái phiếu được chuyển vào tài khoản “Bộ Tài chính - Trái phiếu quốc tế” tại ngân hàng phục vụ, Bộ Tài chính sẽ thông báo tài khoản để ngân hàng phục vụ chuyển tiền cho Ngân sách Nhà nước.

Đối với khoản cho vay lại: Đơn vị vay lại phải mở một tài khoản ngoại tệ tại ngân hàng phục vụ để thực hiện việc giải ngân theo đúng kế hoạch do đơn vị vay lại đăng ký theo các quy định tại Điều 12 của Thông tư này.

3. Lãi không kỳ hạn của khoản chưa được giải ngân phát sinh trên tài khoản trái phiếu quốc tế tại ngân hàng phục vụ được phân bổ cho các đơn vị sử dụng tiền trái phiếu hưởng theo số dư chưa sử dụng tương ứng.

Điều 4. Thanh toán các khoản gốc, lãi của trái phiếu:

1. Bộ Tài chính trực tiếp thực hiện việc thanh toán cho đại lý thanh toán toàn bộ nghĩa vụ nợ trái phiếu (gồm nợ lãi, nợ gốc) phát sinh khi đến hạn theo trình tự thủ tục quy định về việc trả nợ nước ngoài trên cơ sở các chứng từ đòi tiền (gồm gốc, lãi) do đại lý thanh toán hoặc các đại lý khác cung cấp, sau khi đã kiểm tra sự chính xác của các chứng từ.

2. Nguồn thanh toán các khoản lãi, gốc là từ NSNN và số tiền thu hồi từ phần cho vay lại.

Điều 5. Các khoản phí và chi phí liên quan đến đợt phát hành:

1. Những khoản chi phí phát sinh một lần liên quan đến đợt phát hành được tính bằng USD, gồm:

a) Phí  tư vấn bảo lãnh phát hành;

b) Phí các tư vấn luật trong nước và ngoài nước cho người phát hành và tổ hợp bảo lãnh phát hành;

c) Chi phí phải trả cho các đại lý niêm yết, in ấn, đại diện tiếp nhận hồ sơ tố tụng;

d) Chi phí trả cho các công ty đánh giá hệ số tín nhiệm trong đợt phát hành (không bao gồm phí thường niên phải trả cho các công ty xếp hạng tín nhiệm quốc gia, chi phí này do Bộ Tài chính trả trực tiếp cho các công ty này  hàng năm);

đ) Chi phí trong nước liên quan đến chuẩn bị phát hành (chi phí làm phim tư liệu quảng bá về Việt Nam). 

2. Các khoản phí thường niên: là các khoản phí chuyển tiền, phí trả cho đại lý thanh toán và Sở giao dịch chứng khoán Singapore hàng năm căn cứ vào thông báo và hoá đơn đòi tiền của đại lý thanh toán và Sở giao dịch chứng khoán Singapore.

Điều 6. Phương thức thanh toán đối với phí và chi phí:

1. Toàn bộ phí, chi phí phát sinh 1 lần liên quan đến phát hành trái phiếu quốc tế do đơn vị sử dụng tiền bán trái phiếu chịu theo tỷ trọng phân bổ vốn tính theo giá trị danh nghĩa và được khấu trừ ngay vào số tiền thực thu.

2. Các khoản phí thường niên sẽ được Bộ Tài chính ứng trả khi phát sinh sau đó phân bổ cho Ngân sách Nhà nước và đơn vị vay lại chịu theo tỷ trọng vốn sử dụng. Bộ Tài chính sẽ thông báo cho cơ quan cho vay lại để thu hồi từ đơn vị vay lại và hoàn trả cho Bộ Tài chính.

3. Các phí khác liên quan tới việc chuyển tiền trong và ngoài nước trong quá trình giải ngân từ khoản tiền phát hành trái phiếu, trả nợ cho khoản phát hành trái phiếu (nếu có) sẽ do Ngân sách Nhà nước và/hoặc đơn vị vay lại chịu theo từng khoản thực tế phát sinh. Ngân hàng phục vụ có trách nhiệm tính toán và thu các khoản phí này đối với từng đối tượng trong từng trường hợp cụ thể.

Điều 7. Các điều kiện cho vay lại:

Việc cho vay lại được thực hiện theo các điều kiện sau:

1. Giá trị cho vay lại (nhận nợ): là trị giá của trái phiếu tính theo mệnh giá.

2. Thời hạn cho vay lại: Bằng thời hạn trái phiếu.

3. Lãi suất cho vay lại: Bằng lãi suất danh nghĩa của trái phiếu là 6,75%/năm.

4. Đồng tiền cho vay lại: Là đồng đô la Mỹ (USD).

5. Thời điểm nhận nợ: Tính từ ngày phát hành trái phiếu quốc tế là ngày 29/01/2010.

6. Thanh toán gốc và lãi trái phiếu:

- Lãi trái phiếu được thanh toán định kỳ 2 lần một năm vào ngày 29 tháng 01 và ngày 29 tháng 07 hàng năm, bắt đầu từ ngày 29/07/2010.

- Gốc trái phiếu được thanh toán một lần khi đáo hạn vào ngày 29/01/2020.

Điều 8. Phí cho vay lại:

1. Đơn vị vay lại phải trả khoản phí cho vay lại cho cơ quan cho vay lại theo mức 0,25%/năm trên số dư nợ gốc.

2. Phí cho vay lại được trả theo định kỳ vào thời điểm thanh toán lãi, gốc.

Điều 9. Kiểm soát và giải ngân nguồn vốn vay lại:

1. Khi thực hiện giải ngân, đơn vị vay lại phải cung cấp các chứng từ cần thiết liên quan tới mục đích sử dụng vốn như các hợp đồng vay kèm theo lịch trả nợ, giấy đòi nợ cho từng lần đề nghị rút vốn, các hồ sơ liên quan khác phục vụ cho việc giải ngân khoản tiền tương ứng theo yêu cầu, lệnh chi (hoặc uỷ nhiệm chi) để cơ quan cho vay lại kiểm tra tính chính xác phù hợp với kế hoạch và mục đích đơn vị vay lại đã đăng ký thực hiện.

2. Sau khi kiểm tra, cơ quan cho vay lại chuyển tiền vào tài khoản của đơn vị vay lại và thực hiện lệnh chuyển tiền hoặc lệnh chi của đơn vị vay lại.

Điều 10. Thu hồi nợ cho vay lại:  

1. Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm đôn đốc và yêu cầu đơn vị vay lại chuyển trả toàn bộ gốc, lãi trái phiếu khi đến hạn và các khoản phí và chi phí phát sinh vào tài khoản của Quỹ tích luỹ trả nợ của Bộ Tài chính theo hợp đồng ủy quyền cho vay lại đã ký giữa Bộ Tài chính và ngân hàng phục vụ để Bộ Tài chính chuyển trả cho đại lý thanh toán.

2. Trình tự thu hồi nợ và hoàn trả nợ được thực hiện như sau:

- Khi nhận được chứng từ đòi tiền của các đại lý chuyển đến, Bộ Tài chính phân chia các khoản phải trả cho từng hợp phần giữa ngân sách và cho vay lại. Đối với khoản cho vay lại, Bộ Tài chính thông báo cho cơ quan cho vay lại số tiền phải trả trong đó chi tiết từng khoản nợ gốc, lãi và phí.

- Thời hạn thông báo: Bộ Tài chính thông báo trước kỳ hạn thanh toán tối thiểu là 10 (mười) ngày làm việc để cơ quan cho vay lại yêu cầu đơn vị vay lại thanh toán các khoản phải thanh toán trên cơ sở chứng từ đòi tiền mà Bộ Tài chính thông báo và cung cấp.

- Căn cứ yêu cầu thanh toán của cơ quan cho vay lại, đơn vị vay lại hoàn trả trực tiếp vào tài khoản của Quỹ tích luỹ trả nợ trước kỳ hạn thanh toán tối thiểu 01 (một) ngày làm việc để Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết chuyển trả cho các đại lý.

3. Đồng tiền thu hồi nợ: Là đồng đôla Mỹ (USD).

Điều 11. Trường hợp ứng vốn:

1. Trường hợp ứng vốn: Đối với khoản cho vay lại, trong trường hợp đơn vị vay lại chưa thu xếp đủ tiền để thanh toán một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ phải trả đến hạn (lãi, gốc trái phiếu quốc tế), đơn vị vay lại phải có công văn gửi cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính để cơ quan cho vay lại thẩm định khả năng trả nợ của đơn vị vay lại. Thời hạn gửi công văn cho cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính là trước ngày đến hạn trả lãi và phí một (01) tháng, và trước ngày đến hạn trả gốc (03) tháng. Sau khi cơ quan cho vay lại thẩm định khả năng trả nợ đơn vị vay lại và xác nhận khả năng chưa trả nợ của đơn vị vay lại thì cơ quan cho vay lại báo cáo Bộ Tài chính để ứng vốn trả nợ. Trường hợp được Bộ Tài chính chấp thuận ứng vốn thanh toán, đơn vị vay lại phải ký hợp đồng cho vay bắt buộc với Bộ Tài chính.

2. Lãi suất ứng vốn thanh toán: Bằng lãi suất cho vay lại.

3. Thủ tục thanh toán: Bộ Tài chính thực hiện trả nợ trực tiếp vào tài khoản của đại lý thanh toán từ nguồn Quỹ Tích lũy trả nợ. Sau khi thực hiện, Bộ Tài chính sẽ thông báo chính thức số tiền đã ứng cộng với phí chuyển tiền thanh toán để ghi vào hợp đồng ứng vốn.

4. Thời hạn ứng vốn: Bộ Tài chính chỉ ứng vốn để thanh toán cho một kỳ hạn lãi và các lần ứng tiếp theo chỉ được thực hiện khi lần ứng trước đã được hoàn trả đầy đủ.

5. Lãi chậm trả: Trường hợp đơn vị vay lại chậm trả so với các cam kết trong hợp đồng ứng vốn ký với Bộ Tài chính và cơ quan cho vay lại, đơn vị được ứng vốn phải chịu lãi suất chậm trả bằng 150% của lãi suất ứng vốn tính trên số ngày quá hạn thực tế.

6. Toàn bộ thủ tục ứng vốn được thực hiện theo các quy định tại Quy chế lập, sử dụng và quản lý Quỹ tích lũy trả nợ hiện hành.

Điều 12. Sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của khoản cho vay lại:

1. Lập kế hoạch giải ngân: Đơn vị vay lại lập kế hoạch tổng thể về việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế cho các mục đích cụ thể làm căn cứ thực hiện giải ngân. Kế hoạch này được gửi cho Bộ Tài chính để phê duyệt tổng thể. Sau khi phê duyệt, Bộ Tài chính thông báo cho Cơ quan cho vay lại để giám sát việc giải ngân và sử dụng vốn của đơn vị cho vay lại.

2. Sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi: Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, đơn vị vay lại được phép sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi chưa giải ngân theo nguyên tắc:

- Việc sử dụng nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi phải đảm bảo an toàn, hiệu quả và không làm ảnh hưởng đến kế hoạch sử dụng nguồn vốn trái phiếu theo mục đích sử dụng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và kế hoạch tổng thể đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

- Khi vốn tạm thời nhàn rỗi do chưa sử dụng theo kế hoạch tổng thể đã được duyệt, đơn vị vay lại gửi công văn cho Bộ Tài chính và cơ quan cho vay lại nêu rõ kế hoạch và phương án chi tiết dự kiến sử dụng (số tiền, thời gian và phương thức dự kiến sử dụng) khoản tiền nhàn rỗi. Sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt phương án sử dụng, đơn vị vay lại gửi công văn kèm các hồ sơ cần thiết đề nghị Cơ quan cho vay lại chuyển số tiền dự kiến tạm thời sử dụng theo các mục đích đã được duyệt. Khi hết hạn sử dụng, đơn vị vay lại có trách nhiệm hoàn trả lại khoản tiền gốc đã tạm thời sử dụng cho tài khoản trái phiếu của Bộ Tài chính để thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo như kế hoạch tổng thể đã được duyệt. Cơ quan cho vay lại có trách nhiệm đôn đốc, giám sát việc hoàn trả này.

Điều 13. Thời hạn báo cáo:

1. Đơn vị vay lại có trách nhiệm lập và gửi cho cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính các báo cáo về kế hoạch sử dụng vốn qui định tại Điều 12 của  Thông tư này.

2. Định kỳ hàng tháng, quý, năm đơn vị vay lại có trách nhiệm báo cáo tình hình thực hiện rút vốn và bố trí, sử dụng vốn trái phiếu tạm thời nhàn rỗi gửi cho cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính. Đối với báo cáo tháng, thời hạn gửi báo cáo là trước ngày 05 của tháng kế tiếp và trước 15 ngày của tháng đầu quý tiếp theo đối với báo cáo quý; và trước ngày 31/01 của năm tiếp theo đối với báo cáo năm.

3. Trên cơ sở báo cáo tháng, quý, năm của đơn vị vay lại, cơ quan cho vay lại giám sát, kiểm tra chất lượng báo cáo và định kỳ hàng tháng báo cáo Bộ Tài chính về tình hình quản lý vốn trái phiếu cho vay lại. Thời hạn gửi báo cáo sau thời hạn báo cáo của đơn vị vay lại 5 ngày đối với báo cáo tháng và 10 ngày đối với báo cáo quý và 15 ngày đối với báo cáo năm.

Điều 14. Quyền ưu tiên thanh toán nợ:

1. Quyền ưu tiên thanh toán nợ: Quyền ưu tiên cao nhất của các nghĩa vụ nợ phải thanh toán của đơn vị vay lại thuộc về khoản vay từ nguồn trái phiếu quốc tế của Chính phủ. Trong một thời điểm, nếu đơn vị vay lại có các nghĩa vụ nợ đến hạn thì quyền thanh toán trước tiên là thanh toán các nghĩa vụ nợ trái phiếu quốc tế của Chính phủ.

2. Trong trường hợp đơn vị vay lại không thực hiện được các nghĩa vụ của mình, Bộ Tài chính thông qua cơ quan cho vay lại yêu cầu đơn vị vay lại bồi thường theo đúng thoả thuận cam kết. Trong trường hợp đơn vị vay lại không bồi thường theo đúng thoả thuận cam kết, Bộ Tài chính có thể yêu cầu tất cả các ngân hàng phục vụ phong toả các tài khoản của đơn vị vay lại để trả nợ.

Điều 15. Chế độ hạch toán, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán:

1. Đơn vị vay lại có trách nhiệm thực hiện việc hạch toán theo đúng chế độ kế toán hiện hành của Nhà nước.

2. Đơn vị vay lại có trách nhiệm lập và gửi cho cơ quan cho vay lại các báo cáo về kế hoạch sử dụng vốn theo qui định tại Điều 12 của Thông tư này.

3. Kết thúc năm tài chính, đơn vị vay lại lựa chọn công ty kiểm toán để thực hiện kiểm toán các báo cáo tài chính năm và gửi cho cơ quan cho vay lại và Bộ Tài chính chậm nhất là 15 ngày sau khi có Biên bản kiểm toán.

4. Đơn vị vay lại chịu trách nhiệm kiểm tra việc sử dụng vốn ở các dự án có sử dụng nguồn trái phiếu quốc tế đúng mục đích và có hiệu quả của các đơn vị, tổ chức trong hệ thống của mình.

5. Định kỳ hàng quý, cơ quan cho vay lại thực hiện việc kiểm tra tình hình sử dụng vốn tại đơn vị vay lại.

6. Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất, Bộ Tài chính phối hợp với cơ quan cho vay lại kiểm tra tình hình sử dụng, thu hồi nợ của nguồn vốn vay trái phiếu quốc tế tại đơn vị vay lại.

Điều 16. Trách nhiệm của đơn vị vay lại:

1. Hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng nguồn tiền phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ được vay lại theo đúng mục tiêu mà Chính phủ đã phê duyệt. Mọi hành vi sử dụng sai mục đích hoặc không thực hiện nghĩa vụ đã cam kết theo hợp đồng cho vay lại sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật .

2. Ký hợp đồng cho vay lại với cơ quan cho vay lại theo các điều kiện và điều khoản qui định trong Thông tư này, phù hợp với Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại và các quy định của cơ quan cho vay lại nhưng không trái với các quy định của Thông tư này.

3. Cam kết nhận nợ, hoàn trả cho Bộ Tài chính thông qua cơ quan cho vay lại theo đúng các thoả thuận của hợp đồng cho vay lại và qui định của Thông tư này.

4. Mở và duy trì các sổ sách kế toán, cung cấp cho cơ quan cho vay lại và lưu giữ các tài liệu chứng từ phù hợp về việc rút vốn và sử dụng khoản vay theo các qui định hiện hành.

5. Thực hiện báo cáo định kỳ theo quy định tại Điều 17 của Thông tư này.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan cho vay lại: 

1. Thực hiện tiếp nhận nguồn vốn trái phiếu quốc tế sau khi phát hành và chuyển tiền theo đúng địa chỉ và tài khoản của NSNN và đơn vị vay lại do Bộ Tài chính thông báo.

2. Thực hiện ký hợp đồng vay lại với đơn vị vay lại theo các điều kiện và điều khoản qui định trong Thông tư này, phù hợp với Hợp đồng uỷ quyền cho vay lại và các quy định của cơ quan cho vay lại nhưng không trái với các quy định của Thông tư này.

3. Đôn đốc thu hồi các khoản nợ lãi, nợ gốc khi đến hạn từ đơn vị vay lại và chuyển về tài khoản Quỹ tích lũy trả nợ của Bộ Tài chính đúng hạn qui định.

4. Định kỳ hàng quý và hàng năm, báo cáo Bộ Tài chính về thực trạng sử dụng vốn của đơn vị vay lại theo Phụ lục 02 của Thông tư này và các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được uỷ quyền theo quy định tại Điều 13 của Thông tư này. Trong trường hợp phát sinh những vướng mắc cần xử lý, cơ quan cho vay lại có trách nhiệm báo cáo ngay cho Bộ Tài chính để phối hợp giải quyết theo thẩm quyền.

5. Thực hiện chức năng giám sát việc sử dụng nguồn vốn trái phiếu của đơn vị vay lại. 

Điều 18. Trách nhiệm của Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại):

1. Cung cấp cho cơ quan cho vay lại và đơn vị vay lại các chứng từ, quyết toán các khoản chi phí khấu trừ vào tiền phát hành trái phiếu quốc tế do Bộ Tài chính và Tổ hợp các ngân hàng bảo lãnh phát hành thực hiện.

2. Tổng hợp các chứng từ liên quan đến các khoản phí phát sinh, phân bổ và thông báo cho cơ quan cho vay lại và đơn vị vay lại làm cơ sở hoàn trả Bộ Tài chính.  

3. Kiểm tra toàn bộ số tiền lãi, phí đến hạn kèm theo chứng từ thực tế do đại lý thanh toán cung cấp và chuyển cho cơ quan cho vay lại để thông báo kịp thời cho đơn vị vay lại để thực hiện việc thanh toán.

4. Trong trường hợp cần thiết, thu xếp ngoại tệ (trong trường hợp đơn vị vay lại thanh toán bằng đồng Việt Nam) hoặc thu xếp nguồn vốn ứng trả (trong trường hợp các đơn vị cho vay lại chưa thu xếp được tiền để thanh toán) đảm bảo nguyên tắc thanh toán kịp thời các nghĩa vụ nợ (gốc, lãi, phí của trái phiếu) cho đại lý thanh toán.

5. Phối hợp với cơ quan cho vay lại thực hiện việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tình hình sử dụng vốn trái phiếu quốc tế cũng như khả năng thực hiện nghĩa vụ trả nợ trái phiếu quốc tế của đơn vị vay lại.

Điều 19. Hiệu lực thi hành:

Thông tư này hướng dẫn việc quản lý và giám sát, sử dụng nguồn vốn trái phiếu quốc tế của Chính phủ phát hành năm 2010 và có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị gửi ý kiến về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./. 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Trần Xuân Hà

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.