• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 23/08/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 29/05/2015
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 99/2010/TT-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 9 tháng 7 năm 2010

THÔNG TƯ

Quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính

_______________________________________________________

Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu số 45/2005/QH11 ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 78/2006/QH11 ngày 29/11/2006;

Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 149/2005/NĐ-CP ngày 08/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Thuế xuất khẩu, Thuế nhập khẩu;

Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18/8/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính;

Căn cứ Nghị định số 128/2007/NĐ-CP ngày 02/8/2007 của Chính phủ về dịch vụ chuyển phát;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

1. Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (dưới đây gọi tắt là doanh nghiệp).

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính.

3. Cơ quan Hải quan.

Điều 3. Địa điểm làm thủ tục hải quan.

Bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây gọi tắt là hàng hóa) gửi qua dịch vụ bưu chính làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế.

Điều 4. Một số quy định đặc thù.

1. Đối với thư xuất khẩu, nhập khẩu:

1.1. Thư xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính chịu sự giám sát hải quan theo hình thức niêm phong hải quan đối với bao bì chuyên dụng hoặc xe chuyên dụng của doanh nghiệp để đóng chuyến thư quốc tế.

1.2. Thư xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc giám sát thư bằng các biện pháp nghiệp vụ để đảm bảo quy định của pháp luật.

2. Đối với túi ngoại giao, túi lãnh sự xuất khẩu, nhập khẩu:

2.1. Túi ngoại giao, túi lãnh sự khi xuất khẩu, nhập khẩu được miễn làm thủ tục hải quan (bao gồm miễn khai hải quan, miễn kiểm tra hải quan).

2.2. Khi có căn cứ để khẳng định túi ngoại giao, túi lãnh sự vi phạm chế độ ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan quyết định việc kiểm tra, xử lý các đối tượng này theo quy định tại Điều 62 Luật Hải quan.

3. Khai hải quan:

3.1. Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân là người khai hải quan.

3.2. Đối với hàng hoá không có thuế, hàng hoá được miễn thuế thì việc khai hải quan được áp dụng hình thức khai theo từng ca làm việc của doanh nghiệp trên 01 (một) tờ khai hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phi mậu dịch cho nhiều chủ hàng kèm bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu / nhập khẩu không có thuế (theo mẫu HQ 01-BKHBC ban hành kèm theo Thông tư này).

Loại hàng này kiểm tra thực tế 100% qua thiết bị máy soi hàng. Trong trường hợp xét thấy cần thiết thì lãnh đạo Chi cục Hải quan quyết định kiểm tra xác suất theo tỷ lệ từ 3% đến 5% của toàn bộ số hàng đã khai hải quan trên bản kê chi tiết hàng hóa xuất khẩu / nhập khẩu không có thuế và thực hiện kiểm tra thủ công đối với số hàng hóa này.

3.3. Doanh nghiệp thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự), chịu trách nhiệm thực hiện chính sách về quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, chính sách thuế, lệ phí, thu khác theo quy định của pháp luật và thực hiện đầy đủ các quyền, nghĩa vụ sau đây của chủ hàng:

a. Khai hải quan;

b. Xuất trình hàng hoá để công chức hải quan kiểm tra;

c. Nộp thuế, lệ phí, các khoản thu khác theo quy định hiện hành (nếu có);

d. Nhận hàng xuất khẩu để xuất ra nước ngoài, nhận hàng nhập khẩu để chuyển trả cho chủ hàng.

3.4. Trường hợp chủ hàng yêu cầu trực tiếp làm thủ tục hải quan thì chủ hàng trực tiếp khai hải quan trên tờ khai hải quan.

3.5. Trường hợp chủ hàng yêu cầu tờ khai hải quan riêng cho hàng hoá của mình thì doanh nghiệp khai trên tờ khai hải quan riêng.

3.6. Đối với hàng hóa phải nộp thuế, hàng hóa thuộc mặt hàng quản lý chuyên ngành, kiểm tra chất lượng nhà nước, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh thì thực hiện khai hải quan riêng trên từng tờ khai hải quan cho từng lô hàng, gói hàng. Biên lai thu tiền thuế được lập riêng cho từng lô hàng, gói hàng (trường hợp nộp tiền mặt).

4. Doanh nghiệp nhận hàng hóa xuất khẩu và phát hàng hóa nhập khẩu:

4.1. Doanh nghiệp tự tổ chức việc nhận hàng hóa xuất khẩu từ chủ hàng và phát hàng hóa nhập khẩu đã được thông quan cho chủ hàng; địa điểm làm thủ tục hải quan để xuất khẩu hàng hóa và thông quan hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo quy định tại Điều 3 Thông tư này.

4.2. Doanh nghiệp căn cứ quy định hiện hành về chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu và lý do mà cơ quan có thẩm quyền đã thông báo bằng văn bản có trách nhiệm thông báo, giải thích cho chủ hàng biết những trường hợp hàng hóa không được xuất khẩu, nhập khẩu và phải xử lý theo quy định của pháp luật.

II. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU

Điều 5. Trách nhiệm của doanh nghiệp.

Thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế:

1. Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự) theo quy định hiện hành.

2. Trường hợp hàng hoá không đủ điều kiện xuất khẩu thì Chi cục Hải quan thông báo lý do để doanh nghiệp làm thủ tục hoàn trả cho chủ hàng (riêng hàng hoá là mặt hàng cấm xuất khẩu phải xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật).

3. Thực hiện xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa và ấn định thuế theo quy định tại mục IV Thông tư này.

4. Niêm phong hải quan đối với bao bì chuyên dụng hoặc xe chuyên dụng chứa hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan để chuyển tới cửa khẩu xuất.

5. Thực hiện xét miễn thuế, thủ tục xét miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu theo thẩm quyền quy định.

III. THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA NHẬP KHẨU

Điều 7. Trách nhiệm của doanh nghiệp.

1. Thực hiện theo quy định tại các khoản 3, 4 Điều 4 Thông tư này.

2. Trường hợp hàng hóa không phát được cho chủ hàng thì trước khi chuyển hoàn nước gốc, doanh nghiệp có trách nhiệm xuất trình hàng hoá đó cho Chi cục Hải quan kiểm tra lại trước khi xuất khẩu hàng hóa.

3. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý hàng hoá và tự tổ chức phát hàng hóa nhập khẩu cho chủ hàng sau khi Chi cục Hải quan quyết định thông quan.

Điều 8. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế:

1. Thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ thư, túi ngoại giao, túi lãnh sự) theo quy định hiện hành.

2. Thực hiện xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa và ấn định thuế theo quy định tại mục IV Thông tư này.

3. Thực hiện xét miễn thuế, thủ tục xét miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu là quà biếu, quà tặng, hàng mẫu theo thẩm quyền quy định.

IV. XỬ LÝ TIỀN THUẾ, TIỀN PHẠT NỘP THỪA VÀ ẤN ĐỊNH THUẾ:

Điều 9. Xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa:

1. Tiền thuế, tiền phạt của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính được coi là nộp thừa trong các trường hợp sau đây:

1.1. Hàng hóa không phát được cho người nhận phải chuyển hoàn nước gốc đã nộp thuế, nộp phạt (nếu có);

1.2. Hàng hoá thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế nhưng khi làm thủ tục hải quan doanh nghiệp khai hải quan theo loại hình phải nộp thuế và thực tế đã nộp thuế, nộp phạt (nếu có);

1.3. Hàng hóa được xác định là hàng hóa vô thừa nhận theo quy định tại Thông tư liên tịch số 03/2004/TTLT-BBCVT-BTC ngày 29/11/2004 của Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ Thông tin và Truyền thông) và Bộ Tài chính hướng dẫn xử lý thư, bưu phẩm, bưu kiện vô thừa nhận đã nộp thuế, nộp phạt (nếu có).

1.4. Hàng hóa có số tiền thuế đã nộp lớn hơn số tiền thuế phải nộp;

1.5. Hàng hóa được hoàn thuế theo quy định của pháp luật.

2. Hồ sơ, thủ tục và trình tự xử lý tiền thuế, tiền phạt nộp thừa thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 24 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính. Riêng số tiền thuế, tiền phạt nộp thừa được trừ vào số thuế mà doanh nghiệp thay mặt chủ hàng trực tiếp làm thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp thuế cho lần tiếp theo.

Điều 10. Ấn định thuế:

1. Doanh nghiệp thay mặt chủ hàng, chủ hàng nộp tiền thuế ấn định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

2. Các trường hợp ấn định thuế; thủ tục, trình tự ấn định thuế thực hiện theo hướng dẫn tại Điều 23 Thông tư số 79/2009/TT-BTC.

V. THỦ TỤC ĐỐI VỚI HÀNG HÓA XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHUYỂN CỬA KHẨU

Điều 11. Quy định đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:

1. Hàng hoá xuất khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa xuất khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan được vận chuyển từ Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế đến Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất để xuất khẩu hàng hóa.

2. Hàng hoá nhập khẩu chuyển cửa khẩu là hàng hóa nhập khẩu chưa làm thủ tục hải quan được vận chuyển từ Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập (nơi hàng hóa đến Việt Nam) đến Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế.

3. Hàng hóa nhập khẩu gửi nhầm chuyến (còn gọi là bưu gửi nhập khẩu lạc hướng) chuyển cửa khẩu là hàng hóa được vận chuyển từ Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế nơi bưu gửi nhập khẩu lạc hướng đến Chi cục Hải quan Bưu điện quốc tế, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế theo địa chỉ người nhận ghi trên bao bì chứa hàng hóa.

4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu được vận chuyển đúng tuyến đường, đúng địa điểm, đúng thời gian quy định ghi trong hồ sơ hải quan và chịu sự giám sát hải quan theo hình thức niêm phong hải quan.

Trong quá trình vận chuyển hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu phải đảm bảo nguyên trạng hàng hóa và niêm phong hải quan. Trường hợp xảy ra tai nạn, sự cố bất khả kháng phải báo ngay cho cơ quan Hải quan hoặc Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn nơi gần nhất để lập biên bản xác nhận.

Điều 12. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển cửa khẩu:

1. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi lập phiếu chuyển:

1.1. Lập 02 Phiếu chuyển bưu phẩm, bưu kiện, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (theo mẫu HQ 02-PCCKBC ban hành kèm theo Thông tư này);

 1.2. Giao 02 phiếu chuyển cùng hàng hoá cho doanh nghiệp để chuyển cho Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận phiếu chuyển.

2. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan nơi tiếp nhận phiếu chuyển:

2.1. Tiếp nhận 02 phiếu chuyển và hàng hoá;

2.2. Xác nhận đầy đủ nội dung quy định trên 02 phiếu chuyển;

2.3. Lưu 01 phiếu chuyển; chuyển trả 01 phiếu chuyển (bằng fax) cho Chi cục Hải quan nơi lập phiếu chuyển trong thời hạn chậm nhất 07 (bảy) ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận phiếu.

VI. XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 13. Xử lý vi phạm:

Mọi hành vi vi phạm các quy định tại Thông tư này sẽ bị xử lý vi phạm theo quy định hiện hành của pháp luật.

VII. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Hiệu lực thi hành:

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Bãi bỏ Thông tư số 33/2003/TT-BTC ngày 16/04/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và vật phẩm, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh.

3. Quá trình thực hiện, nếu văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và thực hiện nội dung quy định tại Thông tư này.

Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, người khai hải quan báo cáo và phản ánh cụ thể Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết cụ thể./.

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ trưởng

(Đã ký)

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.