• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 10/03/2011
CHÍNH PHỦ
Số: 04/2011/NĐ-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

Thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ,

làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng

__________________

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 20 tháng 5 năm 1998;

Căn cứ Luật Đê điều ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 08 tháng 3 năm 1993 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão ngày 24 tháng 8 năm 2000;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương,

NGHỊ ĐỊNH:

Điều 1. Bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng

1. Bãi bỏ việc sử dụng các khu chậm lũ Tam Thanh thuộc tỉnh Phú Thọ, Lập Thạch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì thuộc thành phố Hà Nội và hệ thống phân lũ sông Đáy (được quy định tại Quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội ban hành theo Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999) kể từ khi công trình thủy điện Sơn La chính thức tham gia cắt lũ cho hạ du.

2. Các giải pháp phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng phải được điều chỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho Thủ đô Hà Nội và đồng bằng sông Hồng theo quy hoạch phòng, chống lũ phù hợp với quy định tại khoản 1.

Điều 2. Những giải pháp để thực hiện bãi bỏ việc sử dụng các khu phân lũ, làm chậm lũ

1. Sử dụng công trình thủy điện Sơn La, phối hợp với các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà tham gia điều tiết liên hồ cắt lũ cho hạ du.

2. Dành dung tích phòng lũ của các hồ để điều tiết, cắt giảm lũ cho hạ du: hồ Sơn La và hồ Hòa Bình trên sông Đà là 07 tỷ m3, hồ Tuyên Quang là 01 tỷ m3, hồ Thác Bà là 450 triệu m3. Vận hành điều tiết liên hồ, đảm bảo lưu lượng lũ trên sông Hồng tại trạm Thủy văn Sơn Tây nhỏ hơn hoặc bằng 28.000 m3/s; tại trạm thủy văn Hà Nội nhỏ hơn hoặc bằng 20.000 m3/s và mực nước sông Hồng tại trạm thủy văn Hà Nội không vượt quá 13,40 m. Trường hợp xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều hoặc dự báo xuất hiện trận lũ lớn hơn lũ 500 năm xuất hiện một lần, nhưng nhỏ hơn lũ thiết kế công trình hồ Sơn La (lũ 10.000 năm xuất hiện một lần) được sử dụng một phần dung tích chống lũ cho công trình để cắt giảm lũ cho hạ du nhưng phải đảm bảo an toàn công trình.

3. Quy hoạch xây dựng mới, cải tạo nâng cấp các công trình đầu mối, hệ thống đê sông Đáy, nạo vét lòng dẫn sông Đáy để chủ động đưa nước sông Hồng vào sông Đáy với lưu lượng mùa kiệt từ 30 m3/s đến 100 m3/s, mùa lũ từ 600 m3/s đến 800 m3/s phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và góp phần cải thiện môi trường. Đồng thời, đảm bảo sông Đáy thoát được lưu lượng tối đa 2.500 m3/s để dự phòng khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội.

4. Củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông Hồng – sông Thái Bình, đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì đạt tiêu chuẩn thiết kế theo quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều.

Điều 3. Trách nhiệm của Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các Bộ, ngành, địa phương

1. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương:

a) Chỉ đạo theo dõi chặt chẽ diễn biến của lũ; chỉ đạo thực hiện Quy trình vận hành liên hồ chống lũ theo phân công của Thủ tướng Chính phủ.

b) Khi xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội: trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công bố lệnh vận hành công trình đầu mối sông Đáy theo quy định tại khoản 3 Điều 2.

2. Bộ Công thương:

a) Kiểm tra, đôn đốc việc đảm bảo tiến độ xây dựng công trình thủy điện Sơn La; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, công bố thời điểm công trình thủy điện Sơn La chính thức hoàn thành, tham gia cắt lũ cho hạ du.

b) Kiểm tra, giám sát đơn vị quản lý vận hành các công trình thủy điện: Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang thực hiện vận hành công trình theo Quy trình vận hành liên hồ chứa Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà và Tuyên Quang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Chỉ đạo công tác dự báo, cảnh báo và cung cấp kịp thời số liệu về mưa, lũ (theo giờ) cho Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương và các cơ quan liên quan để tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ra lệnh vận hành công trình đầu mối sông Đáy khi dự báo xuất hiện lũ có chu kỳ lặp lại lớn hơn 500 năm trên hệ thống sông Hồng, hoặc xảy ra sự cố nghiêm trọng đối với hệ thống đê điều khu vực nội thành Hà Nội.

4. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương lập điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống đê sông Đáy, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

c) Chỉ đạo khảo sát, đánh giá các công trình đầu mối phân lũ sông Đáy hiện có; quyết định phương án cải tạo hoặc xây dựng mới và quản lý thực hiện đầu tư các công trình đầu mối đáp ứng mục tiêu, nhiệm vụ được quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này.

d) Chỉ đạo, kiểm tra việc củng cố, nâng cấp các tuyến đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì, công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch phòng chống lũ và quy hoạch đê điều sông Đáy.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình xây dựng cơ chế đầu tư tạo nguồn vốn thực hiện các giải pháp quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 2 của Nghị định này, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định và Ninh Bình:

a) Tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết, quy hoạch đê điều sông Đáy thuộc phạm vi quản lý của địa phương phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ sông Hồng – sông Thái Bình, quy hoạch tổng thể hệ thống đê sông Đáy.

b) Chỉ đạo việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, bố trí sắp xếp lại dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp với quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch chi tiết đê điều sông Đáy.

c) Tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch theo quy định; triển khai thực hiện đầu tư các dự án theo quy hoạch.

7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Vĩnh Phúc chỉ đạo, tổ chức thực hiện củng cố, nâng cấp các tuyến đê bảo vệ khu vực Tam Thanh, Lập Thạch, Lương Phú – Quảng Oai, Ba Vì theo tiêu chuẩn thiết kế.

8. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có đê thuộc hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình chỉ đạo, tổ chức thực hiện củng cố, nâng cấp các tuyến đê sông theo Chương trình nâng cấp hệ thống đê sông đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 4. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 3 năm 2011 và thay thế Nghị định số 62/1999/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 1999 ban hành quy chế về phân lũ, chậm lũ thuộc hệ thống sông Hồng để bảo vệ an toàn cho Thủ đô Hà Nội.

2. Bãi bỏ quy định tại khoản 1 Điều 8 Nghị định số 08/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Phòng, chống lụt, bão được sửa đổi bổ sung ngày 24 tháng 8 năm 2000.

3. Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt, bão Trung ương, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

TM. CHÍNH PHỦ

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Nguyễn Tấn Dũng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.