• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 01/06/2012
BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ NỘI VỤ-BỘ TÀI CHÍNH
Số: 08/2012/TTLT-BLĐTBXH-BNV-BTC
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 2012

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành

nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg

ngày 27 tháng 7 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ

________________________

 

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến,
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện chế độ trợ cấp đối với thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến theo Quyết định số 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 1. Thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp

1. Thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp được tính kể từ ngày thanh niên xung phong (sau đây viết tắt là TNXP) tập trung tham gia kháng chiến đến ngày hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương.

2. Trường hợp TNXP có thời gian tập trung tham gia kháng chiến không liên tục, thì thời gian tính hưởng chế độ trợ cấp là tổng thời gian thực tế của các lần tập trung tham gia kháng chiến.

Điều 2. Chế độ trợ cấp một lần

1. Chế độ trợ cấp một lần được tính theo số năm thực tế trực tiếp tham gia kháng chiến theo quy định tại Điều 1 Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Từ đủ 2 năm trở xuống, mức hưởng trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng;

b) Trên 2 năm, thì từ năm thứ 3 trở đi cứ mỗi năm được cộng thêm 800.000 đồng.

Khi tính thời gian thực hiện chế độ trợ cấp một lần, nếu có tháng lẻ thì đủ 6 tháng trở lên được tính tròn một năm, dưới 6 tháng được tính nửa (1/2) năm.

Công thức tính:

Mức hưởng = 2.500.000 đồng + [(số năm tính hưởng - 2 năm) x 800.000 đồng/năm]

Ví dụ 1: Bà Nguyễn Thị A tham gia lực lượng TNXP tháng 10/1960, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tháng 9/1963. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với bà Nguyễn Thị A như sau:

Thời gian từ tháng 10/1960 đến 9/1963 là 03 năm; chế độ được hưởng là:

2.500.000 đồng + [(3 năm - 2 năm) x 800.000 đồng/năm] = 3.300.000 đồng

Ví dụ 2: Ông Trần Văn B tham gia lực lượng TNXP tháng 5/1965, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tháng 8/1968. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Trần Văn D như sau:

Thời gian từ tháng 5/1965 đến tháng 8/1968 là 03 năm 04 tháng, được tính là 3,5 năm; chế độ được hưởng là:

2.500.000 đồng + [(3,5 năm – 2 năm) x 800.000 đồng/năm] = 3.700.000 đồng

Ví dụ 3: Bà Nguyễn Thị C tham gia lực lượng TNXP tháng 5/1955, hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương tháng 11/1958. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với bà Nguyễn Thị C như sau:

Thời gian từ tháng 5/1955 đến tháng 11/1958 là 03 năm 07 tháng, được tính tròn là 04 năm; chế độ được hưởng là:

2.500.000 đồng + [(4 năm - 2 năm) x 800.000 đồng/năm] = 4.100.000 đồng

Ví dụ 4: Ông Trần Văn D tham gia lực lượng TNXP tháng 10/1955, đến tháng 9/1957 hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương; đến tháng 3/1960 ông D tiếp tục tham gia TNXP và đến tháng 02/1962 hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương. Cách tính hưởng chế độ trợ cấp một lần đối với ông Nguyễn Văn D như sau:

Thời gian từ tháng 10/1955 đến tháng 9/1957 là 02 năm; thời gian từ tháng 3/1960 đến tháng 2/1962 là 02 năm. Tổng thời gian tham gia lực lượng TNXP hai đợt của ông D là 04 năm; chế độ được hưởng là:

2.500.000 đồng + [(4 năm – 2 năm) x 800.000 đồng/năm] = 4.100.000 đồng

2. Trường hợp giấy tờ trong hồ sơ đề nghị xét hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP theo quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 4 Thông tư này không thể hiện được cụ thể thời gian tập trung tham gia kháng chiến thì chỉ thực hiện mức trợ cấp một lần bằng 2.500.000 đồng.

3. Trường hợp TNXP đã từ trần trước ngày Thông tư này có hiệu lực mà chưa được hưởng chế độ trợ cấp theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 hoặc Quyết định 40/2011/QĐ-TTg ngày 27/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ thì một trong những người sau đây được hưởng chế độ trợ cấp một lần bằng 3.600.000đồng: vợ hoặc chồng, bố đẻ, mẹ đẻ, con đẻ, con nuôi hoặc người nuôi dưỡng hợp pháp của người từ trần.

Điều 3. Chế độ trợ cấp hàng tháng

1. Đối tượng được xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng là TNXP tập trung tham gia kháng chiến hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương không còn khả năng lao động và sống cô đơn, không nơi nương tựa.

Đối tượng được xét hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng thì không hưởng chế độ trợ cấp một lần quy định tại Điều 2 Thông tư này.

2. Mức trợ cấp hàng tháng bằng 360.000 đồng. Mức trợ cấp này sẽ được điều chỉnh tương ứng khi Chính phủ điều chỉnh mức trợ cấp hàng tháng đối với đối tượng quy định tại Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27/02/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.

3. Thời điểm hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng được thực hiện kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) ký Quyết định về giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng đối với TNXP.

4. Đối với đối tượng đang hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến được điều chỉnh để hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại khoản 2 Điều này, kể từ ngày 01/10/2011 (không phải làm lại hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp).

Điều 4. Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp

Hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp gồm:

1. Một trong các giấy tờ sau đây chứng minh là TNXP (là bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã):

a) Lý lịch cán bộ hoặc lý lịch đảng viên khai trước ngày Quyết định số 104/1999/QĐ-TTg ngày 14/4/1999 có hiệu lực thi hành.

b) Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp trước khi TNXP trở về địa phương như: Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị quản lý TNXP; Giấy chuyển thương, chuyển viện, phiếu sức khoẻ; Giấy khen trong thời gian tham gia lực lượng TNXP; Giấy chứng nhận tham gia TNXP; Giấy điều động công tác, bổ nhiệm, giao nhiệm vụ.

c) Trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ quy định tại điểm a và b khoản này thì phải nộp bản khai có chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi tham gia TNXP (bản chính). Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận bản khai đối với đối tượng là người địa phương đi TNXP nhưng hiện đang đăng ký hộ khẩu thường trú ở địa phương khác (nội dung xác nhận theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Bản khai cá nhân (lập theo mẫu số 1A hoặc 1B hoặc 1C ban hành kèm theo Thông tư này), cụ thể:

a) Trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp một lần thì lập theo mẫu số 1A đối với TNXP còn sống; nếu đã từ trần thì thân nhân TNXP lập theo mẫu số 1B.

b) Trường hợp đề nghị hưởng trợ cấp hàng tháng thì lập theo mẫu số 1C.

3. Đối với đối tượng đủ điều kiện hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng, ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 và 2 Điều này, phải có giấy chứng nhận sức khỏe của cơ sở y tế cấp huyện trở lên (bản chính).

Điều 5. Trình tự, thời hạn giải quyết chế độ trợ cấp

1. Đối tượng TNXP hoặc thân nhân của TNXP (trường hợp TNXP đã từ trần) thực hiện nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 4 Thông tư này cho Ủy ban nhân dân cấp nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Ủy ban nhân dân cấp xã hoàn thành việc:

a) Tổ chức hội nghị và lập biên bản xác nhận hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp (lập theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này). Thành phần hội nghị gồm đại diện lãnh đạo cấp xã (Ủy ban nhân dân, Đảng ủy, Mặt trận Tổ quốc, Hội cựu TNXP hoặc Ban liên lạc cựu TNXP), Trưởng thôn có đối tượng TNXP đề nghị giải quyết chế độ trợ cấp.

b) Tổng hợp hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp đối với TNXP báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện (gửi qua Phòng Nội vụ).

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Phòng Nội vụ hoàn thành việc kiểm tra hồ sơ và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gửi qua Sở Nội vụ).

4. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Chỉ đạo Sở Nội vụ:

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định (theo từng đợt), Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc xét duyệt, thẩm định, tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hưởng chế độ trợ cấp (lập theo mẫu số 3A, 3B, 3C kèm theo biểu tổng hợp danh sách TNXP đề nghị hưởng chế độ trợ cấp lập theo mẫu số 4A, 4B, 4C ban hành kèm theo Thông tư này).

Đối với trường hợp TNXP không còn một trong các giấy tờ chứng minh là TNXP quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 4 Thông tư này, Sở Nội vụ tổng hợp, chuyển danh sách đối tượng đến Hội cựu TNXP cấp tỉnh đề nghị kiểm tra, xác nhận cho ý kiến trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định.

Sau khi có Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Sở Nội vụ chuyển quyết định kèm theo hồ sơ xét hưởng chế độ trợ cấp của đối tượng cho Sở Lao động-Thương binh và Xã hội quản lý.

b) Chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được Quyết định về giải quyết chế độ trợ cấp đối với TNXP (theo từng đợt), Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoàn thành việc tổng hợp danh sách đối tượng được hưởng trợ cấp một lần (lập theo mẫu số 05 ban hành kèm theo Thông tư này) kèm theo công văn đề nghị bổ sung dự toán chi chế độ trợ cấp một lần, gửi 02 bản về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội. Đồng thời, tổ chức thực hiện việc chi trả chế độ trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng được hưởng theo quy định hiện hành.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định.

Điều 6. Chi công tác quản lý

1. Nội dung và mức chi cho công tác quản lý:

a) Chi trả thù lao cho cán bộ trực tiếp chi trả trợ cấp. Mức chi cụ thể do Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quy định phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương và hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

b) Chi phổ biến chính sách ưu đãi đối với TNXP. Mức chi theo quy định hiện hành về phổ biến, giáo dục pháp luật.

c) Chi thông tin, tuyên truyền về chế độ, chính sách đối với TNXP trên các phương tiện thông tin đại chúng. Mức chi thực hiện theo hình thức Hợp đồng giữa cơ quan tuyên truyền và cơ quan thông tin đại chúng.

d) Chi văn phòng phẩm, in ấn biểu mẫu dùng cho chuyên môn. Mức chi thanh toán theo thực tế trên cơ sở dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

đ) Chi các hội nghị tập huấn nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết; chi công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với TNXP. Nội dung và mức chi theo quy định về chế độ chi tiêu hội nghị và công tác phí hiện hành.

e) Chi xét duyệt, thẩm định hồ sơ. Mức chi 10.000 đồng/hồ sơ.

g) Chi họp Hội đồng xét duyệt cấp xã. Mức chi bồi dưỡng cho thành phần Hội đồng xét duyệt tối đa 20.000 đồng/người/buổi.

2. Nguồn kinh phí chi công tác quản lý:

a) Kinh phí chi công tác quản lý đối tượng trợ cấp một lần tại địa phương được tổng hợp cùng với kinh phí trợ cấp cho đối tượng và do ngân sách trung ương đảm bảo từ nguồn kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, mức trích bằng 1,7% tổng kinh phí thực hiện trợ cấp một lần cho đối tượng theo quy định tại Thông tư liên tịch số 47/2009/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 11/03/2009 của liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người trực tiếp tham gia kháng chiến do ngành Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ thống nhất việc phân bổ kinh phí chi công tác quản lý cho các cơ quan, đơn vị liên quan sử dụng. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tổng hợp quyết toán kinh phí chi công tác quản lý theo quy định hiện hành.

b) Kinh phí chi công tác quản lý đối tượng trợ cấp hàng tháng do ngân sách địa phương đảm bảo từ nguồn chi phí quản lý đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18/8/2010 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội- Bộ Tài chính.

c) Kinh phí chi công tác quản lý tại Trung ương (bao gồm: chi tập huấn nghiệp vụ; chi công tác kiểm tra, giám sát và chi khác phục vụ công tác quản lý) của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ được phân bổ, sử dụng và quyết toán trong chi thường xuyên hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm bố trí ngân sách địa phương để thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng theo quy định tại Thông tư này; chỉ đạo thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với TNXP đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội: Trong thời gian không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn đề nghị bổ sung dự toán kinh phí chi chế độ trợ cấp một lần của địa phương có trách nhiệm bổ sung dự toán để địa phương thực hiện chi trả trợ cấp và thanh quyết toán theo quy định.

3. Bộ Nội vụ có trách nhiệm chỉ đạo Sở Nội vụ chủ động phối hợp với các Sở, ngành liên quan giải quyết kịp thời những vướng mắc phát sinh trong việc lập hồ sơ, xác nhận hồ sơ, xét duyệt và thẩm định hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Thông tư này.

4. Bộ Tài chính có trách nhiệm bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện chế độ trợ cấp một lần cho TNXP theo quy định tại Thông tư này.

5. Đề nghị Hội Cựu TNXP Việt Nam: Tổ chức tuyên truyền phổ biến về chế độ, chính sách đối với TNXP theo quy định tại Thông tư này; hướng dẫn Hội cựu TNXP các cấp phối hợp với cơ quan, đoàn thể địa phương thực hiện việc xác nhận, cam kết đúng đối tượng được hưởng chính sách tránh hiện tượng man khai, lợi dụng để hưởng chế độ chính sách.

Điều 8. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2012.

Thông tư này bãi bỏ Thông tư Liên tịch số 17/2003/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 09/6/2003 và Thông tư Liên tịch số 26/2007/TTLT-LĐTBXH-TWĐTNCSHCM ngày 21/11/2007 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính để xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Nội vụ
Thứ trưởng

KT. BỘ TRƯỞNG Bộ Tài chính
Thứ trưởng

(Đã ký)

(Đã ký)

(Đã ký)

   

Bùi Hồng Lĩnh

Nguyễn Tiến Dĩnh

Nguyễn Thị Minh

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.