THÔNG TƯ
Quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí
bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước
________________________
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 06 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 21 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tài chính - Hành chính sự nghiệp;
Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước như sau:
Điều 1. Những quy định chung:
1. Đối tượng áp dụng:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các cấp;
b) Cơ quan thường trực cải cách hành chính của Chính phủ (Bộ Nội vụ);
c) Các cơ quan được giao nhiệm vụ xây dựng, tổ chức thực hiện các Đề án quy định tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011- 2020.
2. Phạm vi áp dụng:
Thông tư này quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác cải cách hành chính của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 được phê duyệt theo Nghị quyết 30c/NQ-CP ngày 8 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ.
3. Nguồn kinh phí:
a) Nguồn kinh phí bảo đảm cho công tác cải cách hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn huy động hợp pháp khác.
b) Kinh phí bảo đảm cho công tác cải cách hành chính thuộc cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và được bố trí trong dự toán của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
4. Kinh phí bảo đảm cho công tác cải cách hành chính phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng chế độ tài chính hiện hành và theo các quy định tại Thông tư này.
Điều 2. Nội dung chi
1. Chi đảm bảo thực hiện nhiệm vụ của cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ; chi quản lý và điều hành thực hiện Chương trình.
2. Chi xây dựng đề cương chương trình; chi tổ chức các cuộc họp góp ý, thẩm định kế hoạch hàng năm, 5 năm, đề cương, chuyên đề cải cách hành chính.
3. Chi xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác cải cách hành chính.
4. Chi nghiên cứu đề tài khoa học phục vụ công tác cải cách hành chính; nghiên cứu xây dựng Bộ chỉ số theo dõi, đánh giá cải cách hành chính của các Bộ, ngành và địa phương: xây dựng các chuyên đề của các Đề án, Dự án về cải cách hành chính.
5. Chi tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn và công nghệ thông tin cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác cải cách hành chính; chi tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao nhận thức và cung cấp thông tin cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên phụ trách các chuyên trang, chuyên mục cải cách hành chính tại các cơ quan báo, đài ở địa phương và trung ương.
6. Chi tổ chức các cuộc điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, tổng hợp số liệu và xử lý dữ liệu thống kê về cải cách hành chính; điều tra, khảo sát sự hài lòng của các cá nhân, tổ chức về cải cách hành chính.
7. Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị sơ kết, tổng kết, hội thảo khoa học, diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm về cải cách hành chính.
8. Chi thông tin, tuyên truyền về cải cách hành chính:
a) Chi xây dựng tin, bài, ấn phẩm, sản phẩm truyền thông về cải cách hành chính; chi thiết kế băng rôn, pano, khẩu hiệu để tuyên truyền về cải cách hành chính;
b) Chi xây dựng, duy trì thường xuyên các chuyên mục về cải cách hành chính trên các phương tiện thông tin đại chúng; chi xây dựng, nâng cấp, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu cải cách hành chính, website cải cách hành chính;
c) Chi tổ chức các cuộc thi về cải cách hành chính.
9. Chi tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện cải cách hành chính, các đoàn đi công tác triển khai các công việc liên quan đến cải cách hành chính; chi cho đoàn công tác khảo sát, học tập kinh nghiệm về cải cách hành chính ở trong nước và nước ngoài.
10. Chi thuê chuyên gia tư vấn trong nước và nước ngoài về cải cách hành chính.
11. Chi mua các ấn phẩm, sách báo, tạp chí phục vụ công tác nghiên cứu về cải cách hành chính.
12. Chi khen thưởng cho các tập thể, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có thành tích trong hoạt động cải cách hành chính.
13. Các địa phương, trong phạm vi ngân sách của mình quan tâm, tạo điều kiện đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất và kinh phí hoạt động thường xuyên hàng năm cho Bộ phận một cửa (bộ phận tiếp nhận và trả kết quả) của từng địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.
14. Chi hỗ trợ cho cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả ở địa phương (một cửa, một cửa liên thông).
15. Một số khoản chi khác phục vụ công tác cải cách hành chính:
a) Chi làm thêm giờ;
b) Chi dịch tài liệu.
c) Chi mua văn phòng phẩm, vật tư, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính.
Điều 3. Mức chi
Mức chi cụ thể theo phụ lục kèm theo Thông tư.
Các mức chi quy định tại Thông tư này là mức chi tối đa. Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất phức tạp của từng nhiệm vụ chi và khả năng ngân sách; Bộ trưởng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức chi cụ thể cho phù hợp, đảm bảo không vượt quá mức chi quy định tại Thông tư này. Khi mức chi tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bằng một văn bản khác thì được áp dụng theo văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định mức chi cụ thể, nhưng cần thiết để phục vụ công việc thì Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định vận dụng các mức chi tương ứng đối với công việc cụ thể nhưng không vượt quá quy định tại Thông tư này, bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, trong phạm vi dự toán được giao.
Điều 4. Lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí
Việc lập, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành, Thông tư này hướng dẫn một số điểm cụ thể như sau:
1. Lập dự toán:
Hàng năm, Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực tổ chức triển khai thực hiện Chương trình cải cách hành chính có trách nhiệm hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch cải cách hành chính để các Bộ, ngành, địa phương làm căn cứ lập dự toán ngân sách hàng năm.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và lập dự toán ngân sách thực hiện các dự án, kế hoạch, nhiệm vụ cải cách hành chính theo kế hoạch 5 năm, hàng năm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định.
Bộ, cơ quan chủ trì đề án, dự án về cải cách hành chính quy mô quốc gia theo quy định tại Phụ lục Nghị quyết số 30c/NQ-CP phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đề án, dự án. Nhiệm vụ thực hiện các đề án, dự án quy mô quốc gia được bố trí trong dự toán hàng năm của Bộ, cơ quan chủ trì đề án, dự án.
Đối với nhiệm vụ cải cách hành chính thường xuyên của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các cấp (như: tăng cường công tác chỉ đạo việc thực hiện cải cách hành chính; tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, cán bộ công chức; kiểm tra đánh giá việc thực hiện công tác cải cách hành chính; tuyên truyền về cải cách hành chính đối với các cán bộ, công chức thuộc phạm vi quản lý...) được bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo phân cấp ngân sách hiện hành.
Bộ Nội vụ có trách nhiệm thẩm tra mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ cải cách hành chính trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Sử dụng và quyết toán kinh phí:
Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc để thực hiện công tác cải cách hành chính sau khi có ý kiến thẩm tra của cơ quan tài chính cùng cấp.
Đối với kinh phí thực hiện các đề án, dự án quy mô quốc gia theo quy định tại Phụ lục Nghị quyết số 30c/NQ-CP được bố trí trong dự toán của cơ quan chủ trì đề án, dự án; cơ quan liên quan, phối hợp thực hiện đề án, dự án thì ký hợp đồng thực hiện nhiệm vụ với cơ quan chủ trì đề án, dự án và nhận kinh phí từ cơ quan chủ trì đề án, dự án. Cơ quan chủ trì đề án, dự án có trách nhiệm quyết toán kinh phí thực hiện đề án, dự án với cơ quan tài chính cùng cấp theo quy dịnh của Luật Ngân sách nhà nước.
Kinh phí thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính chi cho nội dung nào thì hạch toán vào mục chi tương ứng của mục lục ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.
Quyết toán kinh phí cải cách hành chính được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định.
Điều 5. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2012 và thay thế Thông tư số 99/2006/TT-BTC ngày 20/10/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm công tác cải cách hành chính nhà nước.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết./.