• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 14/09/1974
HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
Số: 201-CP
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 30 tháng 8 năm 1974

QUYẾT ĐỊNH

Về sắp xếp việc làm cho những người có khả năng làm việc

_________________________

 Hiện nay, do thiếu tổ chức và quản lý nên trong xã hội, nhất là các thành phố, thị xã, khu công nghiệp, còn nhiều người chưa có việc làm trong lúc có nhiều việc có thể thu hút nhiều lao động mà chưa huy động được người làm; cũng có những người chưa có việc làm lại muốn tìm những việc làm dễ dàng mà thu nhập lại cao, trong khi đó thì nhiều người chỉ mong có việc làm nhưng chưa được các ngành, các địa phương tìm cách sử dụng .

Để thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 22 của Trung ương Đảng, Nghị quyết 228-NQ/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 96-CP của Hội đồng Chính phủ về cuộc vận động  lao động sản xuất, thực hiện tiết kiệm nhằm thúc đẩy mọi người đều làm việc, tăng năng suất lao động, tăng sản phẩm xã hội, tăng thu nhập, và cải thiện đời sống nhân dân, góp phần ngăn chặn và xóa bỏ tệ nạn làm ăn phi pháp, bài trừ tận gốc tệ nạn xã hội, Hội đồng Chính phủ sơ bộ quyết định một số chủ trương và biện pháp sau nhằm sắp xếp việc làm cho những người có khả năng làm việc mà chưa có việc làm.

I. NHỮNG LOẠI VIỆC CÓ THỂ SẮP XẾP ĐỂ THU NHẬN LAO ĐỘNG VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH, CÁC CẤP ĐỐI VỚI VIỆC SẮP XẾP ĐÓ

Ở các thành phố, thị xã, khu công nghiệp bị chiến tranh tàn phá hiện nay có biết bao nhiêu công việc phải làm: dọn dẹp các nhà cửa bị đổ nát, sửa chữa đường sá, lấp hố bom, san mặt bằng xây dựng, bốc xếp hàng hoá, thu nhặt sắt thép hư hỏng v.v… Công việc sản xuất và tổ chức đời sống trong điều kiện hòa bình cũng đòi hỏi rất nhiều loại lao động khác nhau như: sửa chữa nhà, quét vôi, sơn cửa, sản xuất đồ dùng gia đình, giữ trẻ, phục vụ, chế biến bột mì, tận dụng các nguồn nước gạo, thức ăn thừa… để chăn nuôi, phát triển các ngành thủ công v.v… Vì vậy, việc động viên và tổ chức các loại lao động vào những công việc nói trên nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động và làm lợi ích chung cho xã hội là cần thiết.

Trong việc tổ chức và sắp xếp việc làm cho những người có sức lao động mà chưa làm việc, cần coi trọng những việc làm tại chỗ. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, các ngành  sản xuất và kinh doanh, các cơ quan chức năng của Nhà nước như lao động, tài chính, ngân hàng… từ trung ương đền địa phương cần phát huy sáng kiến, đề ra những chủ trương thiết thực giải quyết những khó khăn về vật tư và tiền vốn, ra tay tổ chức sản xuất và kinh doanh để thu hút ngày càng nhiều lao động. Các Ủy ban  Hành chính tỉnh, thành phố, các Ủy ban  Hành chính khu phố, các hợp tác xã, các tổ sản xuất cũng phải góp sức mình một cách tích cực vào chủ trương nói trên.

II. MỘT SỐ BIỆN PHÁP CHÍNH ĐỂ SẮP XẾP VIỆC LÀM CHO NHỮNG NGƯỜI CHƯA LÀM VIỆC NHẤT LÀ Ở CÁC THÀNH PHỐ, THỊ XÃ, KHU CÔNG NGHIỆP.

1. Dựa vào kết quả cuộc tổng điều tra dân số vừa qua, kết hợp với việc đăng ký lao động và đăng ký kinh doanh, các ngành, các cấp cần nắm cụ thể nguồn lao động và tình hình công ăn việc làm của nhân dân: số người có việc làm, số người chưa có việc làm, số người làm ăn không chính đánh, số người có thể điều động đi xa,  số người cần phải sắp xếp việc làm tại chỗ, v.v..; sóat lại những công việc phải làm và có thể làm đuợc, những chính sách cần đề  ra và những điều kiện có thể giải quyết.

2. Trên cơ sở tình hình đã nắm được, các cấp chính quyền phải phối hợp mật thiết với các ngành sản xuất và kinh doanh tiến hành sắp xếp việc làm cho nhân dân theo hướng: ai đã có việc làm chính đáng thì tiếp tục làm việc đó, ai chưa có việc thì được sắp xếp việc làm. Việc sắp xếp này sẽ tiến hành từng bước: người có khó khăn thì giải quyết trước, người chưa thật khó khăn thì giải quyết sau; thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội, bộ đội và thành niên xung phong phục viên được ưu tiên sắp xếp; những người làm nghề buôn bán không cần thiết và chuyển sang sản xuất thì phải sắp xếp để chuyển họ sang làm sản xuất, những người làm ăn phi pháp thì buộc phải lao động.

Trong quá trình sắp xếp công việc theo tinh thần trên đây, cần cố gắng hết sức sắp xếp công việc làm thích hợp với nghề nghiệp (nếu có) và sức khỏe của từng người.

3. Các ngành sản xuất và kinh doanh sử dụng lao động cần chú ý đến việc tổ chức dạy nghề cho những người có sức lao động mà chưa có nghề. Trường hợp nhân dân tự tổ chức lớp học nghề thì các cơ quan có thẩm quyền cần hướng dẫn, giúp đỡ và quản lý.

4. Các cơ quan quản lý kinh tế, các xí nghiệp quốc doanh công nghiệp và thương nghiệp, phải có sáng kiến mở rộng sản xuất và kinh doanh, nhằm thu hút thêm lao động hiện nay không có việc làm, tăng thêm sản phẩm xã hội, phục vụ đời sống nhân dân.

5. Các cấp chính quyền và đoàn thể cần giáo dục nhân dân ý thức cần cù lao động, làm việc có năng suất, làm ăn chính đáng, sản xuất mặt hàng tốt, không lấy cắp nguyên liêu, chấp hành đúng chính sách và luật pháp, đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, làm ăn phi pháp.

III. BIỆN PHÁP XỬ LÝ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI TRONG ĐỘ TUỔI LAO ĐỘNG CÓ SỨC LAO ĐỘNG MÀ KHÔNG CHỊU LAO ĐỘNG.

Các cấp chính quyền phải đề cao trách nhiệm trong việc sắp xếp cho mọi người có việc làm thích hợp, tạo điều kiện cho họ vừa có nguồn sinh sống, vừa đóng góp cho xã hội. Đối với những người không chịu lao động theo sự sắp xếp của cơ quan có thẩm quyền và những người làm ăn phi pháp, thì tùy theo từng trường hợp cụ thể mà xử lý như sau:

1. Những người đang làm việc ở cơ quan, xí nghiệp Nhà nước, mà bỏ ra ngoài làm ăn thì cơ quan, xí nghiệp có trách nhiệm quản lý người đó tùy theo lỗi nặng, nhẹ mà xử lý:

- Nếu bỏ việc ra ngoài làm ăn để kiếm thêm thu nhập cao thì bị kiểm điểm, khiển trách, cảnh cáo, hạ chức, hạ lương trước khi giao việc trở lại.

Trường hợp cơ quan, xí nghiệp đã gọi nhưng đương sự không trở lại thì buộc thôi việc và báo cáo cho Ủy ban  Hành chính cơ sở họ đang cư trú để Ủy ban  Hành chính đó quản lý  theo chế độ chung.

- Nếu bỏ việc ra ngoài làm ăn phi pháp, đầu cơ trục lợi…  thì bị buộc thôi việc. Cơ quan hoặc xí nghiệp sẽ báo cáo cho Ủy ban  Hành chính cơ sở nơi họ đang cư trú để Ủy ban  Hành chính đó quản lý và điều họ đi lao động, hoặc xử lý theo pháp luật hiện hành.

2. Những học sinh tốt nghiệp các trường dạy nghề, các trường đại học và trung học chuyên nghiệp ở trong nước và ngoài nước không tuân thủ theo sự điều động của Nhà nước, thì các cơ quan có thẩm quyền không cấp bằng, thu lại bằng (nếu đã cấp), báo cho Ủy ban  Hành chính nơi họ đang cư trú để quản lý và điều họ làm các việc sản xuất và xây dựng.

3. Những đối tượng sau đây thì Chủ tịch Ủy ban  Hành chính tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ra lệnh buộc phải lao động theo chế độ bắt buộc lao động từ 6 tháng đến 2 năm:

a) Những người nói ở điểm 1 và 2 trên đây đã được Ủy ban  Hành chính cơ sở điều động đi lao động, nhưng vẫn không chịu đi lao động;

b) Những người không chịu làm việc (ngoài những đối tượng đã nói ở trên điểm a), mặc dầu đã được cơ quan lao động sắp xếp và nhân dân ở địa phương giáo dục, giúp đỡ mà không chịu lao động.

4. Đối với những đối tượng nói ở điểm 3 (gồm a, b) nếu không thi hành lệnh bắt buộc lao động, những người chuyên mộ người phi pháp (cai đầu dài) thì đối xử theo quyết định số 154-CP ngày 1-10-1973 của Hội đồng Chính phủ, kiên quyết tập trung lại để cải tạo.

IV. TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH VÀ CÁC ĐỊA PHƯƠNG

Dưới sự lãnh đạo của Thường vụ Hội đồng Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm  tích cực cùng các Bộ sản xuất và kinh doanh phối hợp với các cơ quan chức năng: tài chính, ngân hàng có kế hoạch cụ thể để thực hiện quyết định này; phải thông qua các Ủy ban  Hành chính tỉnh và thành phố truyền đạt kế hoạch đó cho các cơ quan và đơn vị thuộc mình phụ trách để tổ chức thực hiện.

Các Ủy ban Hành chính tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm trước Hội đồng Chính phủ phối hợp và chỉ đạo các ngành ở địa phương thực hiện nghiêm chỉnh các biện pháp nói trên và thường xuyên báo cáo kết quả công việc với Hội đồng Chính phủ.

Trong phạm vi cả nước, Ủy ban kế hoạch Nhà nước phải cùng các ngành quản lý kinh tế, trước hết là ngành lao động và các cơ quan  chức năng khác nghiên cứu một kế hoạch toàn diện giải quyết công ăn việc làm cho các loại lao động khác nhau trong kế hoạch năm 1975.

Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Văn Đồng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.