QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 11/1998/QĐ-UB ngày 30/5/1998 của UBND thành phố về việc thành lập Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục Pháp luật của thành phố Hà nội;
Xét đề nghị của đồng chí Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. - Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục Pháp luật Thành phố Hà nội".
Điều 2. - Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. - Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành, thành viên Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục Pháp luật của thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành theo Quyết định số 22/1998/QĐ-UB ngày 2/7/1998 của UBND Thành phố Hà Nội)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Chức năng nhiệm vụ của Hội đồng
1. Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Thành phố Hà nội (gọi tắt là Hội đồng), trực thuộc UBND thành phố Hà Nội là tổ chức phối hợp sự chỉ đạo của các Cơ quan, tổ chức về công tác phổ biến giáo dục pháp luật; duy trì hoạt động phối hợp giữa các Cơ quan quản lý Nhà nước với các tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, các Cơ quan, tổ chức đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
2. Hội đồng thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại điều 2 Quyết định số 11/1998/QĐ-UB ngày 30/5/1998 của ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội.
Điều 2: Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
1. Hội đồng làm việc tập thể, quyết định các vấn đề theo nguyên tắc đa số nhất trí.
2. Các thành viên của Hội đồng là đại diện của Cơ quan, tổ chức được cử tham gia Hội đồng, có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở ngành, Cơ quan, tổ chức mình theo kế hoạch của UBND Thành phố, kế hoạch của Hội đồng, và hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương.
3. Hội đồng làm việc theo nguyên tắc vừa phát huy tính chủ động của mỗi thành viên, mỗi Ban của Hội đồng, vừa bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các thành viên, giữa các Ban, các Cơ quan tổ chức khác có liên quan.
Điều 3: Phương thức hoạt động của Hội đồng
1. Hội đồng hoạt động theo chương trình, kế hoạch công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Hội đồng Trung ương và Hội đồng Thành phố.
2. Hoạt động của Hội đồng được triển khai theo phương thức vừa bao quát, toàn diện các mặt phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, vừa phân công phụ trách từng công việc theo đối tượng, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật.
Điều 4: Kết luận của Hội đồng
1. Các kết luận của Hội đồng phải được thông qua tại phiên họp toàn thể. Trong trường hợp đặc biệt Hội đồng không họp được, kết luận của Hội đồng được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch của Hội đồng (sau khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền) ban hành, trên cơ sở lấy ý kiến bằng văn bản của các thành viên Hội đồng.
2. Các kết luận của Hội đồng là căn cứ để các thành viên của Hội đồng thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Chương 2:
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 5: Cơ cấu tổ chức của Hội đồng gồm:
1. Hội nghị toàn thể Hội đồng
2. Chủ tịch Hội đồng và Phó Chủ tịch Hội đồng
3. Các Ban của Hội đồng
4. Cơ quan thường trực và Ban thư ký của Hội đồng
Điều 6: Hội nghị toàn thể Hội đồng
Hội nghị toàn thể các thành viên của Hội đồng là Cơ quan cao nhất của Hội đồng được tiến hành thường kỳ hoặc đột xuất do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch triệu tập và chủ trì, để giải quyết các công việc được quy định tại điều 11 của Quy chế này.
Điều 7: Lãnh đạo Hội đồng
1. Lãnh đạo Hội đồng gồm Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng, ủy viên Hội đồng.
2. Theo Quyết định của Chủ tịch UBND Thành phố, Chủ tịch Hội đồng do một Phó Chủ tịch UBND Thành phố đảm nhiệm.
- Phó Chủ tịch của Hội đồng là Giám đốc Sở Tư pháp Thành phố.
- Các ủy viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các Cơ quan, ban ngành của Thành phố.
- ủy viên thường trực của Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Tư pháp.
3. Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng có nhiệm vụ:
a. Điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của Hội đồng.
b. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên của Hội đồng, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ được giao.
c. Thay mặt Hội đồng ban hành kế hoạch phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật hàng qúi, hàng năm và các kết luận của Hội đồng.
d. Duyệt kế hoạch tài chính, hàng năm cho hoạt động của Hội đồng; quyết định việc huy động và phân bố sử dụng tài chính từ các nguồn có được cho hoạt động giáo dục pháp luật của các ngành đoàn thể.
e. Định kỳ báo cáo với Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của Trung ương (viết tắt: Hội đồng Trung ương) - Bộ Tư pháp, Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND, Chủ tịch UBND Thành phố về tình hình thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các ngành, các cấp; Quyết định khen thưởng các tập thể cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo đề nghị của các Ban, Ngành thành viên, UBND quận huyện và Cơ quan thường trực của Hội đồng.
g. Giải quyết các công việc khác thuộc nhiệm vụ quyền hạn.
Điều 8: Các Ban của Hội đồng
1. Các Ban của Hội đồng gồm:
a. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các Cơ quan Nhà nước (Ban 1) gồm: đại diện Ban Tổ chức chính quyền Thành phố, Ban Nội chính Thành ủy, Sở Tư pháp Hà Nội do đ/c Phó Trưởng Ban Tổ chức chính quyền Thành phố làm Trưởng ban.
b. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các Cơ quan Đảng (Ban 2) gồm đại diện Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Tổ chức Thành ủy, Trường đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong, Sở Tư pháp do đ/c Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy làm Trưởng ban.
c. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các đoàn thể, các tầng lớp nhân (Ban 3) gồm ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, Ban dân vận Thành ủy, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Thành phố, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố, Hội Nông dân Thành phố, Hội Luật gia Thành phố, Sở Tư pháp do đ/c Phó Chủ tịch ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố làm Trưởng ban.
d. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các Doanh nghiệp (Ban 4) gồm đại diện Văn phòng UBND Thành phố, Liên đoàn Lao động Thành phố, Sở Tư pháp do đ/c Chánh văn phòng UBND Thành phố làm Trưởng ban.
e. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các trường học (Ban 5) gồm đại diện các Sở Giáo dục và Đào tạo, ủy ban Bảo vệ và chăm sóc trẻ em Thành phố, Sở Tư pháp do đ/c Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo làm Trưởng ban.
g. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trong các lực lượng vũ trang (Ban 6) gồm đại diện Quân khu Thủ đô, Công an Thành phố, Sở Tư pháp do đ/c Phó Giám đốc Công an Thành phố làm Trưởng ban.
h. Ban phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng (Ban 7) gồm đại diện Sở Văn hóa Thông tin, Báo Hà Nội mới, Đài PT và TH Hà Nội, Sở Tư pháp do đ/c Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin làm Trưởng ban.
i. Ban Thư ký của Hội đồng (Ban 8) gồm cán bộ chuyên viên của Sở Tư Pháp Thành phố và một số Cơ quan thành viên Hội đồng, do ủy viên thường trực Hội đồng là Trưởng ban.
2. Các Ban của Hội đồng giải quyết những công việc theo đối tượng, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật được phân công tại điều 12 của Quy chế này.
3. Căn cứ vào đối tượng, lĩnh vực phổ biến giáo dục pháp luật được giao, các Ban của Hội đồng phân công các thành viên phụ trách về từng loại đối tượng, lĩnh vực hoặc về từng hình thức phổ biến giáo dục pháp luật để phát huy tính chủ động và chuyên sâu của từng thành viên.
4. Các Ban khi cần thiết mời đại diện của các Cơ quan, tổ chức có liên quan tham gia hoạt động của Ban để tăng cường sự phối hợp đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo đối tượng, lĩnh vực phổ biến, giáo dục pháp luật đã được phân công. Hoạt động của các đại diện này do Trưởng ban quyết định.
Điều 9: Các ủy viên của Hội đồng
Các ủy viên của Hội đồng là những người đại diện cho các Cơ quan ban ngành đoàn thể của Thành phố theo Quyết định của UBND thành phố hoặc được Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng mời tham gia bằng văn bản; Các ủy viên của Hội đồng có các nhiệm vụ quyền hạn sau đây:
a. Tham gia hoạt động của một hoặc nhiều Ban của Hội đồng
b. Dự các phiên họp của Hội đồng và các Ban của Hội đồng; trong trường hợp không thể tham dự phiên họp, thành viên của Hội đồng thông báo cho Trưởng ban Thư ký Hội đồng, cử cán bộ chuyên viên dự họp thay, gửi ý kiến của mình về vấn đề có liên quan (theo yêu cầu của Hội đồng) để Ban Thư ký tổng hợp báo cáo lãnh đạo Hội đồng.
c. Thực hiện các công việc được Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch hoặc Trưởng ban của Hội đồng phân công.
d. Đề xuất với Hội đồng, với các Ban của Hội đồng các biện pháp phối hợp bảo đảm hiệu qủa phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố; đề nghị Hội đồng, các Ban của Hội đồng hỗ trợ, tạo điều kiện để đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở Cơ quan tổ chức mình.
e. Được cung cấp các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật.
g. Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị được phụ trách về việc thực hiện kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật của UBND Thành phố và của Hội đồng, thường xuyên thông tin cho Ban Thư ký Hội đồng về tình hình và kết qủa thực hiện nhiệm vụ được giao.
Điều 10: ủy viên thường trực - Cơ quan thường trực và Ban thư ký của Hội đồng.
1. ủy viên thường trực của Hội đồng là Phó Giám đốc Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
ủy viên thường trực của Hội đồng thực hiện quy định của điều 9 bản Quy chế này, đồng thời có nhiệm vụ:
a. Phối hợp với các Trưởng ban của Hội đồng để đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các kết luận của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
b. Trực tiếp chỉ đạo Ban thư ký hoạt động theo nhiệm vụ quyền hạn được quy hoạch tại khoản 3 điều 10 của Quy chế này.
c. Phối hợp chỉ đạo với Cơ quan thường trực của Hội đồng trong việc tổng hợp tình hình triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND các quận huyện, chuẩn bị tổ chức các phiên họp và các hoạt động khác của Hội đồng, định kỳ báo cáo Hội đồng.
2. Cơ quan thường trực của Hội đồng là Sở Tư pháp thành phố Hà Nội. Cơ quan thường trực của Hội đồng có các nhiệm vụ quyền hạn sau đây:
a. Phối hợp với các Cơ quan, tổ chức hữu quan chuẩn bị các dự thảo chương trình hoạt động của Hội đồng; dự kiến kế hoạch huy động kinh phí từ các nguồn khác để hỗ trợ công tác phổ biến giáo dục pháp luật trình Hội đồng quyết định.
b. Phối hợp tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, hội nghị sơ kết, tổng kết công tác phổ biến, giáo dục pháp luật theo Quyết định của Hội đồng.
c. Theo dõi, tổng hợp tình hình phối hợp triển khai thực hiện công tác phổ biến giáo dục pháp luật của các Sở, Ban, ngành, đoàn thể, UBND quận huyện trình Hội đồng thông qua, báo cáo với Hội đồng TW, Bộ Tư pháp, Thường trực thành ủy, Thường trực HĐND, UBND thành phố.
d. Chuẩn bị các phiên họp và các hoạt động của Hội đồng, theo dõi việc thực hiện các kết luận của Hội đồng, báo cáo theo chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch Hội đồng.
e. Thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất do Chủ tịch, Phó Chủ tịch và Hội đồng giao.
2. Ban thư ký của Hội đồng là một nhóm cán bộ, chuyên viên của Sở Tư pháp, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Nội chính Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy, Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Thường trực Hội đồng thi đua thành phố, Sở Tài chính vật giá và một số Cơ quan khác, do ủy viên thường trực Hội đồng làm Trưởng ban.
Ban Thư ký có các nhiệm vụ quyền hạn sau đây:
a. Phối hợp với các Cơ quan, tổ chức thành viên Hội đồng và các Cơ quan tổ chức khác soạn thảo các văn bản và đề xuất các biện pháp về việc đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố để Hội đồng thông qua.
b. Phối hợp, theo dõi thực hiện các kết luận của Hội đồng, chuẩn bị nội dung các cuộc họp của Hội đồng, tập hợp ý kiến các thành viên về những vấn đề có liên quan theo yêu cầu, chỉ đạo của Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
c. Tổ chức biên soạn các tài liệu phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố theo kế hoạch đã được đề ra.
d. Thường xuyên giữ mối liên hệ trao đổi thông tin, công việc có liên quan đến hoạt động của các Ban và Hội đồng.
đ. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Hội đồng giao.
Trưởng Ban Thư ký của Hội đồng tổ chức hoạt động của Ban Thư ký, phân công nhiệm vụ cho các thành viên và chịu trách nhiệm trước Hội đồng về việc thực hiện nhiệm vụ của Ban.
Chương 3:
HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 11: Phiên họp toàn thể của Hội đồng
Hội đồng họp phiên toàn thể 3 tháng 1 lần để giải quyết các vấn đề chủ yếu sau:
1. Đề ra kế hoạch phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật 3 tháng, 6 tháng, hàng năm để các cấp các ngành phối hợp thực hiện; thông qua chương trình hoạt động thường kỳ của Hội đồng.
2. Cho ý kiến về chương trình hoạt động của các Ban của Hội đồng, khuyến nghị với các Ban thực hiện các công việc để tăng cường phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật theo đối tượng, lĩnh vực được phân công.
3. Thông qua báo cáo sơ kết, tổng kết về tình hình triển khai công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật và kiến nghị với Hội đồng phố hợp PBGDPL của TW và UBND Thành phố về các biện pháp đẩy mạnh công tác đó.
4. Đề ra kế hoạch, chương trình xây dựng đội ngũ Báo cáo viên về pháp luật của các ngành, đoàn thể.
5. Quyết định tổ chức các hoạt động khảo sát, điều tra xã hội học, kiểm tra để đề ra biện pháp tăng cường phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
6. Thông qua kế hoạch phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật của TW và của UBND Thành phố.
7. Quyết nghị về phương hướng phân bổ, sử dụng kinh phí trong ngân sách và ngoài ngân sách để hỗ trợ công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
8. Quyết định các vấn đề khác theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên khác của Hội đồng.
Điều 12: Hoạt động của các Ban
1. Các Ban của Hội đồng hai tháng họp một lần để giải quyết những vấn đề chính thuộc phạm vi của Ban như sau:
a. Thông qua chương trình, kế hoạch hoạt động hàng tháng, qúi, của Ban; nội dung, biện pháp phối hợp hoạt động phổ biến giáo dục pháp luật theo đối tượng, lĩnh vực được phân công.
b. Tổng hợp kết qủa thực hiện, khảo sát, điều tra xã hội học, kiểm tra đôn đốc thực hiện kế hoạch phổ biến giáo dục pháp luật của các ngành các cấp theo đối tượng lĩnh vực được phân công để báo cáo với Hội đồng.
c. Tham gia ý kiến về đề nghị của ngành, cấp trong việc khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến giáo dục pháp luật để báo cáo đề xuất với Hội đồng quyết định.
d. Giải quyết những công việc khác theo đề nghị của Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội đồng.
2. Các Ban của Hội đồng có thể được triệu tập họp chung để cùng giải quyết các công việc có liên quan. Việc triệu tập họp chung các Ban do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng quyết định.
3. Các Ban của Hội đồng có thể thực hiện nhiệm vụ quyền hạn của mình bằng các phương thức khác theo quyết định của Trưởng ban.
Điều 13: Hoạt động của Lãnh đạo Hội đồng
1. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng điều hành công việc thông qua Cơ quan thường trực, Ban Thư ký và các Trưởng Ban nhằm thực hiện những kết luận của Hội đồng.
2. Theo yêu cầu của Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Trưởng ban, Cơ quan thường trực và Ban Thư ký của Hội đồng tổ chức cuộc họp giữa Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các Trưởng ban để giải quyết những vấn đề liên quan đến sự phối hợp chung của Hội đồng hoặc của các Ban.
3. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng, quyết định gửi văn bản liên quan đến việc giải quyết công việc của Hội đồng để xin ý kiến các thành viên Hội đồng khi không triệu tập được phiên họp toàn thể Hội đồng. Cơ quan thường trực và Ban Thư ký của Hội đồng tập hợp ý kiến để Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng.
Điều 14: Việc ban hành thông báo kết luận của Hội đồng
1. Kết luận của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng, hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng ký ban hành.
2. Kết luận của Hội đồng được Cơ quan thường trực và Ban Thư ký thông báo bằng văn bản đến các thành viên Hội đồng, các Sở, ban ngành đoàn thể liên quan, Chủ tịch UBND quận huyện, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật các quận huyện để chỉ đạo thực hiện.
Chương 3:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 15: Trụ sở và con dấu
1. Trụ sở của Hội đồng đặt tại UBND thành phố Hà Nội. Trụ sở Cơ quan thường trực của Hội đồng đặt tại Sở Tư pháp Thành phố Hà Nội.
2. Trong hoạt động của mình, Hội đồng sử dụng con dấu của UBND thành phố Hà Nội làm con dấu chính thức của Hội đồng. Cơ quan thường trực sử dụng con dấu của Sở Tư pháp thành phố Hà Nội.
Điều 16: Hiệu lực của Qui chế
Quy chế này có hiệu lực từ ngày ký và có thể được sửa đổi, bổ sung theo đề nghị của các thành viên khi được chấp nhận tại phiên họp toàn thể của Hội đồng.