• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 10/04/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/08/2014
HĐND TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
Số: 3h/2006/NQBT-HĐND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 4 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

Về việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới một số loại phí

thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh

__________________

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

KHÓA V, KỲ HỌP BẤT THƯỜNG LẦN THỨ 3

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 15 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Pháp lệnh phí và lệ phí ngày 28 tháng 08 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 14/2003/NĐ-CP ngày 19/02/2003 của Chính phủ qui định chi tiết thi hành một số điều của Luật giao thông đường bộ;

Căn cứ Nghị định số 57/2002/NĐ-CP ngày 03 tháng 06 năm 2002 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Phí và lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 63/2002/TT-BTC ngày 24/07/2002 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về phí, lệ phí;

Căn cứ Thông tư số 71/2003/TT-BTC ngày 30/07/2003 của Bộ Tài chính về hướng dẫn về phí thuộc thẩm quyền quyết định của hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

Căn cứ các Nghị quyết số 8c/NQ/HĐND4 ngày 27 tháng 01 năm 2003 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thu và quản lý, sử dụng các loại phí; Nghị quyết số 1e/2004/NQBT-HĐND5 ngày 07 tháng 09 năm 2004 về việc thu phí cảng cá Thuận An; Nghị quyết số 3g/2004/NQ-HĐND5 ngày 10 tháng 12 năm 2004 về phí vệ sinh môi trường;

Sau khi xem xét báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 775  /TT-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2006 về việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới một số loại phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Tán thành và thông qua việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới danh mục, khung mức thu và một số chế độ quản lý, sử dụng đối với các loại phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh do Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị tại Tờ trình số 775 /TT-UBND ngày 16 tháng 3 năm 2006 về việc điều chỉnh, bổ sung và ban hành mới một số loại phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh gồm:

1. Điều chỉnh, bổ sung một số loại phí:

1.1. Điều chỉnh mức thu phí giữ xe ô tô tại các địa điểm đỗ xe công cộng theo phụ lục đính kèm.

1.2. Điều chỉnh và bổ sung một số loại phí tại cảng cá Thuận An theo phụ lục đính kèm.

1.3. Điều chỉnh và bổ sung phí vệ sinh môi trường tại Nghị quyết số 3g/2004/NQ-HĐND5 ngày 10/12/2004 của HĐND tỉnh như sau:

a. Điều chỉnh mức thu phí vệ sinh môi trường theo tháng đối với các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp  như sau: các hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp có rác thải độc hại, nguy hiểm, hoặc rác thải gây ô nhiễm môi trường cao, mức thu phí vệ sinh tối đa là 200.000đ/tháng. Giao UBND tỉnh quy định mức cụ thể.

b. Bổ sung việc thu phí vệ sinh môi trường đối với xe ô tô, tàu thuyền chở hàng thủy sản vào bến cá Bãi Dâu thành phố Huế vào danh mục phí vệ sinh môi trường theo Nghị quyết số 3g/2004/NQ-HĐND5 ngày 10/12/2004 của Hội đồng nhân dân tỉnh về phí vệ sinh môi trường. Mức thu theo phụ lục đính kèm.

2. Ban hành mới một số loại phí:

2.1. Phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat:

a. Đối tượng thu phí:

Các hộ gia đình, tổ chức sử dụng nước sạch (kể cả các hộ gia đình tự khai thác nước để sử dụng).

Các đối tượng sau không phải nộp phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh hoạt: Các hộ gia đình ở địa bàn đang được Nhà nước thực hiện chế độ bù giá để có giá nước phù hợp với đời sống kinh tế- xã hội; hộ gia đình ở những nơi chưa có hệ thống cấp nước sạch; hộ gia đình ở các xã thuộc vùng nông thôn, bao gồm các xã biên giới, miền núi, vùng cao, vùng sâu, vùng xa (theo quy định của Chính phủ về xã biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa) các xã không thuộc đô thị loại I, II, III, IV và V theo quy định tại Nghị định số 72/2001/NĐ-CP ngày 5/10/2001 của Chính phủ về phân loại đô thị và cấp quản lý đô thị.

b. Mức thu phí môi trường đối với nước thải sinh họat tối đa là 9% (chín phần trăm) trên giá bán bình quân 1m³ nước sạch chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng.

c. Tỷ lệ để lại các đơn vị để chi phí cho công tác tổ chức thu:

Trường hợp thu phí qua các tổ chức kinh doanh nước sạch tập trung thì tỷ lệ được để lại tối đa không quá 5% (Năm phần trăm) trên số phí thu được.

Trường hợp tự khai thác nước để sử dụng, giao Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thu, tỷ lệ được để lại cho Uỷ ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chi phí cho công tác thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat tối đa không quá 15% (Mười lăm phần trăm) trên số phí thu được.

d. Về quản lý và sử dụng:

Toàn bộ số tiền thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat sau khi trừ chi phí để lại cho các tổ chức thu được nộp vào ngân sách nhà nước và phân chia cho ngân sách các cấp theo quy định. Số tiền phí thu được nộp ngân sách được sử dụng để chi cho công tác phòng ngừa, khắc phục và xử lý ô nhiễm, suy thoái và sự cố môi trường; đầu tư mới, nạo vét cống rãnh, duy tu, bảo dưỡng hệ thống thoát nước của tỉnh.

2.2. Phí sử dụng lề đường, vỉa hè, bến bãi, mặt nước trên địa bàn:

a. Phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường, vỉa hè:

- Đối tượng thu: Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần diện tích lòng, lề đường, vĩa hè, trong một khoảng thời gian nhất định vào mục đích không phải kinh doanh như: trung chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng, giữ xe trong các dịp lễ hội, tết…

- Mức thu phí: Theo phụ lục đính kèm.

b. Phí sử dụng đất công cộng, bến bãi, mặt nước (không thuộc trường hợp Nhà nước giao đất thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất):

- Đối tượng thu: Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân khi có nhu cầu sử dụng bến bãi, mặt nước, đất công cộng vào mục đích kinh doanh, dịch vụ, đặt biển quảng cáo…và các mục đích khác.

- Mức thu phí: Theo phụ lục đính kèm.

c. Cơ quan thu: Giao Uỷ ban nhân dân thành phố Huế tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng, lề đường, vỉa hè, phí sử dụng bến bãi, mặt nước và đất công cộng theo quy định.

d. Quản lý và sử dụng: Toàn bộ số phí thu được nộp vào ngân sách và được để lại cho ngân sách thành phố Huế 100% để chi cho việc tổ chức thu, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, xử lý vệ sinh môi trường, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng đô thị. Căn cứ nhiệm vụ chi đã được phân cấp, Uỷ ban nhân dân thành phố Huế xem xét bổ sung cân đối cho ngân sách các xã, phường trên địa bàn một phần từ nguồn thu này.

đ. Đối với các thị trấn, thị tứ, các điểm du lịch, dịch vụ thuộc các huyện quản lý, nếu xét thấy đủ điều kiện, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét giao cho Uỷ ban nhân dân các huyện tổ chức thu loại phí này.

Điều 2. Giao cho Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào đối tượng, khung mức thu, một số chế độ quản lý, sử dụng để quy định cụ thể và tổ chức thực hiện các loại phí đã được Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Trường hợp có biến động về giá cả thị trường hoặc có chính sách chế độ mới ảnh hưởng đến mức thu phí với phí bảo vệ môi trường đối với nước thải sinh họat; phí sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè, bến bãi, mặt nước trên địa bàn tỉnh, Hội đồng nhân dân tỉnh giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét điều chỉnh nhưng không được vượt quá 20% mức thu do Hội đồng nhân dân tỉnh quy định theo Nghị quyết này và không được vượt mức thu do Bộ Tài chính quy định.

Điều 3. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể nhân dân tuyên truyền phổ biến, giám sát và đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa V, kỳ họp bất thường lần thứ 3 thông qua./. 

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Mễ

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.