• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 17/12/2007
  • Ngày hết hiệu lực: 30/03/2016
UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
Số: 22/2007/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 7 tháng 12 năm 2007

CHỈ THỊ

V/v Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định số 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

________________________

Trong thời gian qua, UBND thành phố Đà Nẵng đã đề ra nhiều biện pháp quản lý các hoạt động đánh giày, bán sách, báo dạo, bán hàng rong, quản lý và sử dụng tạm thời vỉa hè ngoài mục đích giao thông trên các tuyến đường thuộc địa bàn thành phố, nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội và xây dựng nếp sống văn hoá văn minh đô thị của thành phố, bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đạt được vẫn còn những tồn tại như: tình trạng đeo bám, chèo kéo, tranh giành khách, sử dụng lời nói, cử chỉ thiếu văn hoá trong việc giao tiếp với khách…, ảnh hưởng đến nếp sống văn hoá, văn minh đô thị của thành phố;

Ngày 16 tháng 3 năm 2007 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2007/NĐ-CP về Cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên không phải đăng ký kinh doanh (sau đây gọi tắt là Nghị định 39), theo đó giao nhiệm vụ cho UBND các cấp trong việc tổ chức thực hiện quản lý nhà nước đối với các cá nhận hoạt động thương mại;

Để khắc phục các tình trạng nêu trên, đồng thời để tổ chức triển khai tốt Nghị định 39/2007/NĐ-CP ngày 16 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ, Ủy ban nhân dân thành phố chỉ thị:

1. Sở Thương mại:

a) Làm nhiệm vụ thường trực, giúp Ủy ban nhân dân thành phố hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc triển khai và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố về kết quả thực hiện Chỉ thị này;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành địa phương liên quan:

- Đề xuất quy hoạch cụ thể các khu vực, tuyến đường, phần vỉa hè được hoạt động thương mại, trình UBND thành phố phê duyệt, triển khai thực hiện;

- Tiến hành kiểm tra, rà soát và đề xuất UBND thành phố sửa đổi, bổ sung kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật pháp luật của thành phố có liên quan đến Nghị định 39/2007/NĐ-CP nhằm mang tính đồng bộ;

c) Chủ trì phối hợp với UBND quận Hải Châu và các cơ quan có liên quan khảo sát, xây dựng mô hình quản lý thí điểm hoạt động kinh doanh bán hàng ăn uống trên địa bàn quận Hải Châu để rút kinh nghiệm triển khai trên địa bàn thành phố.

2. Sở Du lịch:

a) Có kế hoạch phổ biến Nghị định 39/2007/NĐ-CP của Chính phủ đến các đơn vị trong toàn ngành;

b) Hướng dẫn các khách sạn, khu tham quan, du lịch… sắp xếp, bố trí các địa điểm phù hợp, thuận lợi cho người đánh giày, bán sách dạo, bán báo dạo, bán hàng rong hoạt động, nhằm làm lành mạnh môi trường du lịch, giữ gìn mỹ quan đô thị, không bu bám, chèo kéo gây phiền hà cho du khách;

b) Phối hợp các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi bu bám, chèo kéo, tranh dành khách, gây phiền hà cho du khách tại các khu vực tham quan du lịch.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan, các địa phương liên quan trong việc tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 39/2007/NĐ-CP và Chỉ thị này;

b) Có kế hoạch hỗ trợ về đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, tạo việc làm cho số người thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP, có hộ khẩu hoặc đăng ký tạm trú dài hạn tại thành phố Đà Nẵng;

c) Phối hợp với các ngành, các địa phương kiểm tra và xử lý đối với các đối tượng đánh giày, bán sách, báo dạo, bán hàng rong không đúng quy định.

4. Sở Giao thông-Công chính:

a) Chủ trì, phối hợp các sở: Thương mại, Du lịch, Văn hoá - Thông tin, Công an và UBND các quận, huyện tổ chức việc lắp đặt các bảng “nghiêm cấm mọi hoạt động đánh giày, bán sách dạo, bán báo dạo, bán hàng rong, tụ họp mua bán” tại các khu vực, tuyến đường, địa điểm đã được quy định tại khoản 1 điều 5 Quyết định số 53/2006/QĐ-UBND ngày 26 tháng 5 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng;

b) Phối hợp với các ban, ngành liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm theo quy định.

5. Công an thành phố:

a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, Lực lượng Thanh niên xung kích và UBND các quận, huyện làm tốt công tác quản lý địa bàn, đặc biệt là các khu vực trọng điểm;

b) Kịp thời điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi  dắt mối, bắt ép khách hàng, lợi dụng trẻ em, người tàn tật để thực hiện các hoạt động thương mại và các hành vi vi phạm Nghị định 39/2007/NĐ-CP.

6.  Sở Văn hoá - Thông tin:

a) Chịu trách nhiệm lập kế hoạch tuyên truyền Nghị định 39/2007/NĐ-CP và in ấn tài liệu hướng dẫn, panô, áp phích để cung cấp cho các đoàn thể, các ngành và các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị này; nghiên cứu, đưa nội dung Nghị định 39/2007/NĐ-CP vào chỉ tiêu đánh giá xã, phường đạt chuẩn văn hoá;

b) Chỉ đạo các phòng Văn hoá - Thể thao các quận, huyện lồng ghép việc tuyên truyền vận động vào các chương trình thông tin cổ động, văn nghệ ở địa phương;

c) Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí tuyên truyền, phổ biến nội dung của Nghị định 39/2007/NĐ-CP và Chỉ thị này góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng xanh, sạch, đẹp, văn minh và lịch sự;

d) Dự thảo Quy chế quản lý các đối tượng bán sách dạo, bán báo dạo  trình UBND thành phố phê duyệt;

e) Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật các hành vi vi phạm quy định tại điểm b, c, d khoản 2 điều 7 Nghị định 39/2007/NĐ-CP.

7. Sở Tài chính:

a) Tổng hợp đề nghị của các ngành, các địa phương và đề xuất UBND thành phố bố trí kinh phí hằng năm để thực hiện Chỉ thị này;

b) Dự thảo, trình Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Quy chế về quản lý hoạt động bán vé số trên địa bàn thành phố. 

8. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện tăng cường quản lý việc bán hàng ăn uống trên vỉa hè đường phố Đà Nẵng phù hợp với các quy định của pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm.

9. Lực lượng Thanh niên xung kích:

Theo nhiệm vụ được phân công tham gia phối hợp quản lý việc kinh doanh trên vỉa hè theo quy định.

10. Cục Thuế thành phố phối hợp với các cơ quan liên quan của thành phố tăng cường quản lý các đối tượng nêu trong Nghị định 39/2007/NĐ-CP có nộp thuế, phí, lệ phí.

11. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Xây dựng kế hoạch, đề xuất quy hoạch, tổ chức chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND xã, phường trực thuộc thực hiện việc quản lý cá nhân hoạt động thương mại tại địa phương theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND thành phố. Năm 2008, tập trung quản lý các cá nhân hoạt động thương mại trên địa bàn các phường nội thành, nội thị; tổng kết rút kinh nghiệm, để tiếp tục triển khai trên diện rộng.

12. Ủy ban nhân dân xã, phường: có trách nhiệm xây dựng phương án, kế hoạch, đề xuất quy hoạch, trực tiếp theo dõi, quản lý các cá nhân hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn, theo đúng quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP và các văn bản pháp luật có liên quan.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể:

Phối hợp với chính quyền các cấp vận động toàn dân tham gia thực hiện Nghị định 39/2007/NĐ-CP, Chỉ thị này, nhằm góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng có nếp sống văn hóa và văn minh đô thị.

14. Đề nghị Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Đà Nẵng:

Xây dựng và bố trí chương trình tuyên truyền thường xuyên, với nội dung giáo dục nhân dân có ý thức thực hiện nghiêm túc các nội dung quy định tại Nghị định 39/2007/NĐ-CP và Chỉ thị này.

15. Chế độ thông tin, báo cáo:

Các sở, ban, ngành và địa phương gửi báo cáo kết quả thực hiện Nghị định 39/CP/2007/NĐ-CP và Chỉ thị này về cơ quan thường trực (Sở Thương mại thành phố Đà Nẵng, 02 Phan Bội Châu, điện thoại 3822525) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố theo định kỳ 6 tháng (vào ngày 15 tháng 6), 01 năm (vào ngày 15 tháng 12) và trong trường hợp phát sinh đột xuất.

16. Kinh phí thực hiện:

a) Ủy ban nhân dân các quận, huyện sử dụng kinh phí trong kế hoạch hằng năm của địa phương để đảm bảo thực hiện Chỉ thị này;

b) Các sở, ban, ngành lập Dự trù kinh phí, kế hoạch triển khai hàng năm (lưu ý lồng ghép với các chương trình mục tiêu nhằm sử dụng kinh phí thực hiện nội dung Chỉ thị một cách tiết kiệm, hiệu quả), báo cáo Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt;

c) Ủy ban nhân dân thành phố khuyến khích vận động sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân, tổ chức, các nguồn lực tài trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ cho việc thực hiện Chỉ thị này;

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Giám đốc các sở, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thủ trưởng các cơ quan, ban, ngành có liên quan căn cứ Chỉ thị thi hành./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Văn Minh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.