• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 29/12/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
UBND TỈNH PHÚ THỌ
Số: 21/2005/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 19 tháng 12 năm 2005

CHỈ THỊ

Về việc tăng cường công tác bảo trợ,

chăm sóc người tàn tật và trẻ em mồ côi

_____________________

Trong những năm qua, công tác bảo trợ, chăm sóc người tàn tật và trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể, thể hiện tinh thần trách nhiệm của Đảng, chính quyền và lòng nhân ái của nhân dân trong tỉnh đối với những người có hoàn cảnh khó khăn nói chung, người tàn tật và trẻ em mồ côi nói riêng.

Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, một số địa phương cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đúng mức tới công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc, giúp đỡ về vật chất và tinh thần cho người tàn tật, trẻ em mồ côi mà phần đông trong số những người này chưa tự lo liệu được cho bản thân và hàng ngày phải đối mặt với bệnh tật, nghèo đói cần được giúp đỡ.

Để thực hiện có hiệu quả Pháp lệnh về người tàn tật và tăng cường công tác bảo trợ, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật và trẻ em mồ côi cũng như các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn trong những năm tiếp theo. Ủy ban nhân dân yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị; các tổ chức, đơn vị có liên quan thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau đây:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước về người tàn tật và trẻ em mồ côi. Đặc biệt tuyên truyền sâu rộng những chính sách, ưu đãi của nhà nước đối với người tàn tật, người lao động là người tàn tật, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người tàn tật và trẻ em mồ côi.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh, Ủy ban dân số, Gia đình và trẻ em tỉnh, Sở Văn hóa - Thông tin, Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh, Báo Phú Thọ, Đài phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức hội nghị tôn vinh người bảo trợ điển hình tiên tiến, người tàn tật, trẻ em mồ côi có thành tích xuất sắc bằng nghị lực của bản thân khắc phục khó khăn vươn lên trong cuộc sống giúp ích cho gia đình và xã hội (thời gian tiến hành qúi IV năm 2006).

2. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện chính sách đối với người tàn tật, trẻ em mồ côi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người già yếu không nơi nương tựa, người cao tuổi; hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện và tạo điều kiện cho các hội có chức năng xã hội - từ thiện bảo trợ người tàn tật, trẻ em mồ côi trên địa bàn tỉnh hoạt động theo đúng các quy định của nhà nước, điều lệ của Hội và được pháp luật cho phép.

Chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành thị điều tra số đối tượng người tàn tật, trẻ em mồ côi và các đối tượng xã hội khác trên địa bàn toàn tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách xã hội theo quy định; tranh thủ nguồn lực của Trung ương, sự trợ giúp của các tổ chức, cá nhân hỗ trợ công cụ phục hồi chức năng, dạy chữ, dạy nghề cho các đối tượng.

3. Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành, thị hướng dẫn thành lập và kịp thời thẩm định Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi cấp huyện theo đúng các quy định của pháp luật.

4. Sở Tài chính xem xét đề nghị dự toán kinh phí của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi trình UBND tỉnh quyết định mức hỗ trợ kinh phí theo Quyết định số 21/2003/QĐ-TTg ngày 29/01/2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp đối với những hoạt động gắn với nhiệm vụ của nhà nước.

5. Sở Văn hóa - Thông tin, Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh thường xuyên tuyên truyền, đưa tin về các hoạt động bảo trợ xã hội trong tỉnh.

6. Đề nghị các doanh nghiệp trong và ngoài quốc doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh thu nhận người tàn tật vào học nghề, làm việc và tạo việc làm cho người tàn tật, thực hiện các chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật lao động và các quy định riêng đối với lao động là người tàn tật.

7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh, Hội nông dân các cấp tuyên truyền vận động đoàn viên, hội viên, chi đoàn, chi hội phát huy truyền thống tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách tham gia ủng hộ dưới nhiều hình thức động viên người tàn tật, trẻ em mồ côi vươn lên hòa nhập cộng đồng.

8. Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi tỉnh chủ động, phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, mọi tổ chức cá nhân trong, ngoài tỉnh, trong và ngoài nước tranh thủ, vận động tập hợp sự giúp đỡ, đóng góp về vật chất và tinh thần đảm bảo thực hiện có hiệu quả đúng mục đích, tôn chỉ của Hội góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.

UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, đơn vị; Chủ tịch UBND các huyện, thành thị tổ chức triển khai thi hành Chỉ thị này. Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.

 

 

 

 

 

 

 

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Ngô Đức Vượng

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.