• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 27/09/2012
UBND TỈNH TIỀN GIANG
Số: 25/2012/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 17 tháng 9 năm 2012

CHỈ THỊ

Về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng năm 2013 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang

__________________________

 

Từ năm 2004 đến nay, hàng năm Ủy ban nhân dân tỉnh đều đã ban hành Chỉ thị về việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Việc thực hiện nội dung của các Chỉ thị này đã góp phần tích cực trong việc hạn chế sự lưu hành của mầm bệnh, giảm rủi ro cho các hoạt động nuôi tôm ở khu vực ven biển Gò Công.

Trong vụ nuôi tôm năm 2012, tình hình dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến rất phức tạp, tỷ lệ thiệt hại đến thời điểm hiện tại là 26,78% diện tích thả nuôi, cao gần gấp hai lần so với cùng kỳ năm trước (14,35%). Trong đó, tỷ lệ diện tích tôm sú thâm canh và bán thâm canh bị thiệt hại lên đến 31%; tôm thẻ chân trắng là 41,18%; tôm chết chủ yếu là do “hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS)” chiếm tỷ lệ trên 72,78% diện tích xảy ra bệnh và kéo dài liên tục từ tháng 3/2012 đến nay. Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn bệnh do “hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS)” là một bệnh mới chưa xác định được tác nhân gây bệnh vì thế chưa có các biện pháp phòng, trị hữu hiệu.

Thực hiện Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y và Thông tư số 52/2011/TT-BNNPTNT ngày 28/7/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi. Nhằm hạn chế sự tồn lưu của mầm bệnh trong môi trường, giảm rủi ro cho vụ nuôi tôm trong năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Chỉ thị:

1. Thực hiện thời gian ngắt vụ (không thả tôm giống) trên địa bàn tỉnh từ ngày 01/10/2012 đến ngày 15/01/2013.

a) Trong khoảng thời gian này, tất cả các tổ chức, cá nhân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên địa bàn tỉnh không được thả tôm giống nuôi theo các hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh cải tiến.

b) Tổ chức, cá nhân có hành vi thả nuôi trong thời gian ngắt vụ quy định tại Chỉ thị này ngoài việc bị áp dụng các hình thức xử phạt theo quy định, còn phải chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

2. Đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến sản xuất, thuần dưỡng, buôn bán, vận chuyển giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng:

a) Không được cung cấp giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng cho các tổ chức, cá nhân thả nuôi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian ngắt vụ.

b) Đăng ký với Trạm Thú y các địa phương để thực hiện việc giám sát tình hình dịch bệnh, chấp hành nghiêm quy định về kiểm dịch giống, kiểm tra vệ sinh thú y, thực hiện ghi chép sổ sách theo quy định và chấp hành sự giám sát của các cơ quan chức năng .

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết và thực hiện chương trình giám sát, cảnh báo dịch bệnh đối với tôm nuôi để có thể hướng dẫn, khuyến cáo các tổ chức, cá nhân thả nuôi ở thời điểm phù hợp sau khi kết thúc thời gian ngắt vụ.

b) Chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các đoàn thể và đề nghị Báo Ấp Bắc tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Chỉ thị này đến người nuôi tôm, cơ sở sản xuất, thuần dưỡng, buôn bán, vận chuyển giống tôm sú, tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh.

c) Chủ trì tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm nội dung Chỉ thị này.

4. Công an tỉnh, Sở Công Thương có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các ngành chức năng có liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi:

a) Vận chuyển tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống từ các trại sản xuất đến đầm nuôi trái với Chỉ thị này.

b) Thả tôm sú giống, tôm thẻ chân trắng giống trên địa bàn tỉnh trong thời gian ngắt vụ quy định tại Chỉ thị này.

5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã

a) Tổ chức triển khai, quán triệt nội dung của Chỉ thị cho Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có tổ chức, cá nhân nuôi tôm, các tổ chức đoàn thể trong huyện và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra trường hợp vi phạm Chỉ thị trên địa bàn quản lý.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động các hộ có nuôi tôm và nhân dân chấp hành nghiêm Chỉ thị này.

c) Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn có tổ chức, cá nhân nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng chủ động tổ chức kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này và trực tiếp xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc phối hợp cơ quan chức năng xử lý đối với các trường hợp vi phạm trên địa bàn xã quản lý.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã phối hợp tổ chức triển khai thực hiện chỉ thị này và thường xuyên báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để theo dõi, chỉ đạo kịp thời./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Khang

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.