• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 30/09/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 04/09/2009
UBND TỈNH TIỀN GIANG
Số: 47/2006/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiền Giang, ngày 20 tháng 9 năm 2006

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH, HUYỆN ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG; CHÍNH SÁCH THU HÚT VÀ ĐÀO TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ TRÌNH ĐỘ CAO

___________________

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ- TTg ngày 15/02/2006 của Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này "Quy định về chế độ chính sách trợ cấp đối với cán bộ, công chức, viên chức tỉnh, huyện được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; Chính sách thu hút và đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức có trình độ cao".

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 22/5/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chính sách thu hút và đào tạo nguồn cán bộ, công chức có trình độ cao; Quyết định số 13/2004/QĐ-UB ngày 24/3/2004 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 22/5/2003.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

QUY ĐỊNH

VỀ CHẾ ĐỘ CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC TỈNH, HUYỆN ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG; CHÍNH SÁCH THU HÚT VÀ ĐÀO TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC CÓ TRÌNH ĐỘ CAO
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 47/2006/QĐ-UBND  ngày 20/9/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

_______________

Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các trường hợp cử đi đào tạo, bồi dưỡng được cấp có thẩm quyền phê duyệt gồm: Sau đại học trong nuớc (chuyên khoa I, chuyên khoa II, cao học, nghiên cứu sinh), đại học và sau đại học ở nước ngoài, các chương trình cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, cử nhân hành chính, tin học, ngoại ngữ và chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và các trường hợp thuộc chính sách thu hút, đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cán bộ, công chức đang công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, các cơ quan Đoàn thể từ cấp huyện trở lên;

2. Viên chức đang công tác tại các đơn vị sự nghiệp, các Hội được giao biên chế từ cấp huyện trở lên;

3. Cán bộ lực lượng vũ trang, cán bộ đang công tác tại các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc ngành dọc Trung ương gồm: Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh.

4. Đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, huyện;

5. Sinh viên tốt nghiệp đại học và trúng tuyển học tiếp chương trình sau đại học trong nước (gọi là đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức);

6. Sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) từ loại khá trở lên về tỉnh công tác;

7. Sinh viên đại học (hệ chính quy) có học lực giỏi, xuất sắc và sinh viên thuộc gia đình diện chính sách.

Điều 3. Điều kiện, tiêu chuẩn được cử đi đào tạo, bồi dưỡng

1. Điều kiện:

- Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ;

- Có tên trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức do Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hàng năm, 5 năm. Trong trường hợp cần thiết, cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học sau đại học ngoài kế hoạch đã được duyệt hàng năm phải do Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

- Có cam kết phục vụ lâu dài của bản thân, có xác nhận của thủ trưởng cơ quan nơi đang công tác;

- Có quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng theo thẩm quyền:

+ Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cử đi đào tạo sau đại học; bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên chính, đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài;

+ Ban Tổ chức Tỉnh ủy quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị;

+ Giám đốc Sở Nội vụ quyết định cử đi bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chương trình chuyên viên, tin học, ngoại ngữ; bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ có thời gian từ 1 tháng trở lên; chấp thuận cử đi ôn tập và dự thi sau đại học;

+ Giám đốc các sở, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công quyết định cử đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ có thời gian dưới 1 tháng.

- Việc cử đi đào tạo nguồn cán bộ, công chức, viên chức (sau đại học ở trong nước, đại học và sau đại học ở nước ngoài) phải phù hợp với danh mục ngành nghề của tỉnh cần thu hút, có cam kết của bản thân, bảo lãnh của gia đình và xác nhận của chính quyền địa phương nơi cư trú và phải được cơ quan hành chính, cơ quan đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập đồng ý tiếp nhận sau khi tốt nghiệp.     

2. Tiêu chuẩn:

a) Về độ tuổi:   

- Đào tạo Nghiên cứu sinh: không quá 45 tuổi;

- Đào tạo Cao học: không quá 40 tuổi;

- Đào tạo chuyên khoa II: không quá 45 tuổi;

- Đào tạo chuyên khoa I: không quá 40 tuổi;

Tùy tình hình thực tế ở mỗi ngành, địa phương, cơ quan thẩm quyền có thể xem xét từng trường hợp cụ thể.

b) Về trình độ ngoại ngữ: Theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

Điều 4. Nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên thuộc diện đào tạo nguồn được quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng

1. Cán bộ, công chức, viên chức khi được cử đi đào tạo sau đại học, lý luận chính trị và bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ phải:

- Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập;

- Có ý thức trách nhiệm, thực hiện đúng quy định của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng;

- Thanh quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đúng quy định;

- Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, bồi dưỡng chấp hành tốt sự phân công của tổ chức cũng như của cơ quan cử đi đào tạo, phát huy tính năng động, sáng tạo trong công tác;

- Thời gian công tác ổn định ít nhất gấp 3 lần thời gian được cử đi đào tạo,

- Trong thời gian đào tạo, bồi dưỡng mà tự ý bỏ học, bỏ việc hay đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc thì phải bồi thường kinh phí toàn bộ trong quá trình đào tạo, đồng thời phải chịu xử lý kỷ luật theo quy định hiện hành.

 2. Đối với cán bộ, công chức, viên chức và sinh viên thuộc diện đào tạo nguồn được cử đi đào tạo sau đại học ở trong nước; đại học và sau đại học ở nước ngoài:

- Ngoài những nghĩa vụ thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều 4, người được cử đi đào tạo sau đại học làm luận văn, luận án tốt nghiệp phải phù hợp với định hướng phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của tỉnh;

- Tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học, đề xuất biện pháp có tính khả thi để triển khai ứng dụng vào thực tế tại địa phương;

Điều 5. Quy định về hồ sơ thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, thu hút sinh viên

1. Hồ sơ thanh toán kinh phí đào tạo và trợ cấp làm luận văn, luận án tốt nghiệp sau đại học gồm:

- Công văn chấp thuận cử đi ôn tập và dự thi sau đại học của Sở Nội vụ;

- Quyết định cử đi đào tạo của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Giấy báo trúng tuyển của người được cử đi đào tạo;

- Biên lai thu học phí (hoặc phiếu thu) của cơ sở đào tạo;

- Bảng kê đề nghị thanh toán của cá nhân được cử đi đào tạo;

- Kết quả học tập của năm quyết toán;

- Bản sao bằng thạc sĩ hoặc tiến sĩ (có công chứng).

2. Hồ sơ thanh toán kinh phí bồi dưỡng gồm:

- Công văn thống nhất hoặc quyết định cử đi bồi dưỡng của Sở Nội vụ;

- Thông báo mở lớp của cơ sở đào tạo;

- Giấy triệu tập của cơ sở đào tạo;

- Phiếu thu hoặc biên lai thu tiền tài liệu (nếu có) của cơ sở đào tạo;

- Bảng kê đề nghị thanh toán của cá nhân được cử đi bồi dưỡng.

3. Hồ sơ thanh toán kinh phí khen thưởng sinh viên đại học có học lực giỏi, xuất sắc và sinh viên thuộc gia đình diện chính sách gồm:

- Danh sách sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc và sinh viên thuộc gia đình diện chính sách (theo mẫu) do Sở Giáo dục và Đào tạo lập danh sách;

- Kết quả học tập (bảng điểm) của năm thanh toán;

- Giấy xác nhận gia đình thuộc diện chính sách (nếu có).

4. Hồ sơ thanh toán kinh phí thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại khá trở lên về tỉnh công tác:

- Quyết định tuyển dụng công chức hành chính của Sở Nội vụ hoặc Quyết định tuyển dụng viên chức của Giám đốc các sở khác;

- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học (có công chứng);

- Bản cam kết theo quy định.

5. Hồ sơ thanh toán kinh phí đi học đại học, sau đại học ở nước ngoài

- Quyết định cử đi đào tạo đại học (hoặc sau đại học) của Ủy ban nhân dân tỉnh;

- Bảng kê đề nghị thanh toán của cá nhân được cử đi đào tạo (kèm theo chứng từ gốc).

Điều 6. Quy định nguồn và các khoản thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng sinh viên

Nguồn thanh toán và nội dung thanh toán:

1. Đào tạo sau đại học ở trong nước:

Thanh toán từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh các khoản:

- Hỗ trợ chi phí ôn thi sau khi thi đậu đầu vào;

- Tiền học phí;

- Tiền tài liệu;

- Hỗ trợ sinh hoạt phí;

- Trợ cấp tiền làm luận văn, luận án;

- Thưởng văn bằng sau đại học đạt loại xuất sắc.

Thanh toán từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị các khoản:

- Tiền nghỉ;

- Tiền tàu xe.

2. Đào tạo đại học và sau đại học ở nước ngoài:

Thanh toán từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh các khoản:

- Vé máy bay lượt đi và về (khứ hồi);

- Sinh hoạt phí;

- 70% mức học phí (áp dụng đối với đào tạo sau đại học).

3. Bồi dưỡng trong và ngoài tỉnh: Hỗ trợ tiền ăn; tiền tài liệu (nếu có); tiền nghỉ; tiền tàu xe từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị.

4. Khen thưởng và thu hút sinh viên

 a) Thanh toán từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh:

+ Đối với học viên sau đại học được thanh toán các khoản tiền học phí, tiền tài liệu, hỗ trợ sinh hoạt phí, trợ cấp chi phí làm luận văn, luận án;

+ Đối với sinh viên đại học:

- Khen thưởng sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc;

- Sinh viên thuộc gia đình diện chính sách.

b) Thu hút sinh viên:

Trợ cấp thêm 15% cho đủ 100% bậc lương khởi điểm trong thời gian tập sự, kể từ ngày nhận công tác đối với sinh viên tốt nghiệp (hệ chính quy) loại khá, giỏi và xuất sắc chi từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị.

Chương 2

CHÍNH SÁCH TRỢ CẤP ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG CHỨC ĐƯỢC CỬ ĐI ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG

Điều 7. Đào tạo cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, cử nhân hành chính

Các đối tượng được cử đi đào tạo theo chương trình cao cấp lý luận chính trị, cử nhân chính trị, cử nhân hành chính được tổ chức tại Học viện Chính trị Quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh (hệ chính quy) thì đuợc hưởng các khoản trợ cấp sau:

1.Tiền học phí: Được thanh toán tiền học phí theo chương trình đào tạo chính khoá của cơ sở đào tạo.

2.Tiền tài liệu: được thanh toán theo mức khoán

- Cử nhân chính trị, cử nhân hành chính: 500.000đ/người/năm.

- Cao cấp lý luận chính trị: 400.000đ/người/năm.

3.Hỗ trợ sinh hoạt phí: được thanh toán theo mức khoán

- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung dài hạn ở các tỉnh phía Nam được trợ cấp 550.000đ/người/tháng đối với nam, 650.000đ/người/tháng đối với nữ.

- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung dài hạn ở các tỉnh phía Bắc được trợ cấp 700.000đ/người/tháng đối với nam, 800.000đ/người/tháng đối với nữ.

3.Tiền nghỉ: được thanh toán theo mức khoán 360.000đ/người/tháng.

4.Tiền tàu xe: Được thanh toán lượt đi và về khi kết thúc khoá học; các trường hợp đi học ở các tỉnh phía Bắc còn được thanh toán lượt đi và về trong dịp nghỉ tết, nghỉ hè.

Điều 8. Trợ cấp đào tạo sau đại học

1. Tiền ôn thi và học phí:

- Được hổ trợ chi phí ôn thi sau khi thi đậu đầu vào một lần với mức: 1.000.000đ/người.

- Được thanh toán tiền học phí theo chương trình đào tạo chính khoá của cơ sở đào tạo.

2. Tiền tài liệu: được thanh toán theo mức khoán

- Nghiên cứu sinh: 800.000đ/người/năm.

- Cao học, chuyên khoa cấp II:   500.000đ/người/năm.

- Chuyên khoa cấp I: 400.000đ/người/năm.

3. Hỗ trợ sinh hoạt phí: được thanh toán theo mức khoán

- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung dài hạn hoặc tại chức ở các tỉnh phía Nam được trợ cấp 550.000đ/người/tháng đối với nam, 650.000đ/người/tháng đối với nữ.

- Cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học tập trung dài hạn hoặc tại chức ở các tỉnh phía Bắc được trợ cấp 700.000đ/người/tháng đối với nam, 800.000đ/người/tháng đối với nữ.

4. Tiền nghỉ: được thanh toán theo mức khoán 360.000đ/người/tháng.

5. Tiền tàu xe:

- Học hệ chính quy tập trung: Được thanh toán lượt đi và về khi kết thúc khoá học; các trường hợp đi học ở các tỉnh phía Bắc còn được thanh toán lượt đi và về trong dịp nghỉ tết, nghỉ hè.

- Học hệ tại chức: Được thanh toán lượt đi và về cho mỗi đợt tập trung theo chế độ công tác phí hiện hành.

Điều 9. Trợ cấp làm luận văn, luận án sau đại học và thưởng khi có văn bằng đạt loại xuất sắc

Được hỗ trợ kinh phí làm luận văn, luận án sau khi có bằng tốt nghiệp:

Chuyên khoa cấp I: 10.000.000đ/lần/người

Chuyên khoa cấp II: 20.000.000đ/lần/người

Thạc sĩ: 20.000.000đ/lần/người

Tiến sĩ: 40.000.000đ/lần/người

Mức thưởng đối với các văn bằng loại xuất sắc:

Chuyên khoa cấp I: 2.000.000đ/người

Chuyên khoa cấp II: 3.000.000đ/người

Thạc sĩ: 3.000.000đ/người

Tiến sĩ: 5.000.000đ/người

Điều 10. Tập huấn và bồi dưỡng ngắn hạn

1. Học trong tỉnh:

Các đối tượng được cử đi tập huấn, bồi dưỡng ngắn hạn trong kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tổ chức tại các cơ sở đào tạo trong tỉnh và có khoảng cách từ cơ quan đến cơ sở đào tạo là 10 km trở lên thì được hỗ trợ tiền ăn từ ngày khai giảng đến ngày kết thúc khoá học với mức: 15.000đ/người/ngày.

2. Học ngoài tỉnh:

Các đối tượng được cử đi tập huấn, bồi dưỡng do Giám đốc các sở ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công cử đi theo giấy triệu tập của Bộ, ngành và tương đương được thanh toán:

-Tiền nghỉ:

+ Nếu đi tập huấn, bồi dưỡng trong thời gian 7 ngày trở lại thì được thanh toán theo số ngày thực tế, vận dụng theo chế độ công tác phí của Quyết định số 43/2005/QĐ-UBND ngày 15/9/2005 của Ủy ban nhân dân tỉnh. (Nếu có thay đổi chế độ công tác phí thì thực hiện theo Quyết định mới).

+ Nếu đi tập huấn, bồi dưỡng trên 7 ngày (từ ngày thứ 8 trở lên) được khoán tiền nghỉ với mức 360.000 đồng/người/tháng.

- Tiền tài liệu (nếu có): Được thanh toán theo phiếu thu của nơi tổ chức

- Tiền tàu xe: Được thanh toán lượt đi và về khi kết thúc khoá học

- Trợ cấp tiền ăn: 25.000đ/người/ngày.

Điều 11. Chính sách hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học ở nước ngoài

Đối tượng được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cử đi đào tạo đại học ở nước ngoài theo các chương trình hợp tác hoặc đề án của Bộ Giáo dục Đào tạo hoặc đề án của tỉnh; đào tạo sau đại học ở nước ngoài tại các cơ sở đào tạo có uy tín hoặc được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, thuộc các ngành và lĩnh vực có nhu cầu cần thu hút của tỉnh, và phải được cơ quan hành chính, cơ quan đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp công lập đồng ý tiếp nhận sau khi tốt nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ như sau:

Học Đại học được hỗ trợ:

100% chi phí vé máy bay lượt đi và về;

Sinh hoạt phí: được hỗ trợ 100USD/tháng

(các trường hợp học tại Nhật, Mỹ được hỗ trợ: 150USD/tháng).

Học Cao học (thạc sĩ) được hỗ trợ:

100% chi phí vé máy bay lượt đi và về;

Học phí: được hỗ trợ 70% mức học phí của cơ sở đào tạo trong suốt thời gian đào tạo;

Sinh hoạt phí: được hỗ trợ 300USD/tháng

(các trường hợp học tại Nhật, Mỹ được hỗ trợ: 400USD/tháng);

Các khoản chi phí phát sinh khác: cá nhân tự lực;

Tổng chi phí cho cả khóa học tối đa không quá 20.000 USD (không tính chi phí vé máy bay).

Nghiên cứu sinh (tiến sĩ) được hỗ trợ:

100% chi phí vé máy bay lượt đi và về;

Học phí: được hỗ trợ 70% mức học phí của cơ sở đào tạo trong suốt thời gian đào tạo;

Sinh hoạt phí: được hỗ trợ 300USD/tháng

(các trường hợp học tại Nhật, Mỹ được hỗ trợ: 400USD/tháng);

Các khoản chi phí phát sinh khác: cá nhân tự lực;

Tổng chi phí cho cả khóa học tối đa không quá 35.000 USD (không tính chi phí vé máy bay).

Chương 3

CHÍNH SÁCH THU HÚT, ĐÀO TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC

Điều 12. Thu hút người có học hàm, học vị

Thu hút người có học hàm, học vị và có năng lực thực tiễn, tuổi đời không quá 50, có đủ sức khoẻ, đến nhận công tác tại các sở, ngành tỉnh, các huyện, thành phố Mỹ Tho và thị xã Gò Công theo nhu cầu của địa phương, cam kết công tác ổn định trong thời gian ít nhất là 5 năm, được trợ cấp một lần như sau:

+ Chuyên khoa cấp I: 10.000.000 đồng/lần/người

+ Chuyên khoa cấp II: 20.000.000 đồng/lần/người

+ Thạc sĩ: 20.000.000 đồng/lần/người

+ Tiến sĩ: 40.000.000 đồng/lần/người

Điều 13. Thực hiện chính sách thăm hỏi, thu hút sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc và thuộc gia đình diện chính sách

Hàng năm tỉnh sẽ trích một khoản kinh phí đào tạo để thăm hỏi, động viên sinh viên đang theo học tại các trường đại học trong nước (hệ chính quy), có học lực giỏi, xuất sắc hoặc thuộc gia đình diện chính sách:

1. Sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc được khen thưởng: 2.000.000đ/sinh viên/năm.

2. Đối với sinh viên thuộc gia đình diện chính sách: gia đình nghèo (có sổ hộ nghèo), con thương binh, con liệt sĩ, được hỗ trợ với mức: 1.500.000đ/sinh viên/năm.

3. Trường hợp sinh viên thuộc gia đình diện chính sách có học lực giỏi, xuất sắc thì được áp dụng mức hỗ trợ theo khoản 1 và 2 điều này.

4. Sinh viên có bằng tốt nghiệp đại học loại khá trở lên về tỉnh nhận công tác, khi có quyết định tuyển dụng được trợ cấp một lần gồm:

- Tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc: 3.000.000đ/lần/người;

- Tốt nghiệp loại khá: 2.000.000đ/lần/người.

Điều 14. Trợ cấp đào tạo sau đại học cho sinh viên

Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học (hệ chính quy) đạt loại khá trở lên đủ điều kiện theo học tiếp lên cao học, nghiên cứu sinh trong nước, được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cử đi học thì được hỗ trợ từ nguồn kinh phí đào tạo của tỉnh gồm các khoản như sau:

1. Tiền học phí:

- Được hỗ trợ chi phí ôn thi sau khi thi đậu đầu vào một lần với mức: 1.000.000đ/người.

- Được thanh toán tiền học phí theo chương trình đào tạo chính khoá của cơ sở đào tạo.

2. Tiền tài liệu: thanh toán theo mức khoán:

- Nghiên cứu sinh: 800.000đ/người/năm.

- Cao học, chuyên khoa cấp II: 500.000đ/người/năm.

- Chuyên khoa cấp I: 400.000đ/người/năm.

3. Hỗ trợ sinh hoạt phí: thanh toán theo mức khoán: 600.000đ/người/tháng.

4. Trợ cấp chi phí làm luận văn, luận án tốt nghiệp:

Được trợ cấp kinh phí làm luận văn, luận án tốt nghiệp sau khi có văn bằng gồm:

- Chuyên khoa cấp I: 10.000.000đ/lần/người

- Chuyên khoa cấp II: 20.000.000đ/lần/người

- Thạc sĩ:  20.000.000đ/lần/người

- Tiến sĩ:  40.000.000đ/lần/người

Chương 4

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng

Trước ngày 31/8 hàng năm:

1. Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công, thủ trưởng các đơn vị (Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ đội biên phòng tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Cục Thống kê tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh). hàng năm có trách nhiệm xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của đơn vị mình (ngoài diện ban Thường vụ quản lý), gồm: đào tạo sau đại học, lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, chuyên môn, nghiệp vụ gửi Sở Nội vụ tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xét duyệt.

2. Thủ trưởng các cơ quan khối đảng, đoàn thể, thủ trưởng các đơn vị hàng năm có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của đơn vị mình, gồm: đào tạo sau đại học, lý luận chính trị, bồi dưỡng quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính, chuyên viên, chuyên môn, nghiệp vụ gửi Ban Tổ chức Tỉnh ủy tổng hợp trình Thường trực Tỉnh ủy xét duyệt.

3. Giao Sở Nội vụ phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Tài chính tổng hợp kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức theo quy định và dự toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

Điều 16. Tạo nguồn, phân bổ và quản lý kinh phí đào tạo

1. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tạo nguồn kinh phí đào tạo và có kế hoạch phân bổ kinh phí đào tạo hàng năm theo kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng được duyệt.

2. Sở Nội vụ tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh.

Điều 17. Cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí đào tạo

Việc cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh được thực hiện như sau:

1. Căn cứ vào kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm được Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt; cơ sở đào tạo tổ chức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng theo kế hoạch.

- Các trường hợp đào tạo, bồi dưỡng trong tỉnh: Sở Nội vụ chuyển kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cho cơ sở đào tạo theo hợp đồng mở lớp.

- Các trường hợp đào tạo, bồi dưỡng ngoài tỉnh: cá nhân được cử đi đào tạo, bồi dưỡng liên hệ thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng tại Sở Nội vụ theo quy định.

- Sở Nội vụ có trách nhiệm thẩm định nội dung hợp đồng mở lớp theo Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức hiện hành đối với các lớp đào tạo, bồi dưỡng tổ chức trong tỉnh.

2. Cá nhân được cử đi đào tạo, bồi dưỡng và cơ sở đào tạo phải thanh toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng kịp thời trong niên độ ngân sách; hồ sơ thanh toán, kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phải đầy đủ chứng từ đúng theo quy định tài chính hiện hành.

3. Sở Nội vụ phối hợp với Ban Thi đua - Khen thưởng đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét khen thưởng kịp thời các cá nhân có thành tích học tập theo quy định này.

4. Định kỳ hàng quý, Sở Nội vụ và cơ sở đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm tổng hợp, quyết toán kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức với Sở Tài chính.

5. Đối với các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức (kể cả lực lượng vũ trang; các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc ngành dọc Trung ương đóng tại đại phương và sinh viên diện tạo nguồn) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định cử đi đào tạo sau đại học trước ngày quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo theo quy định này cho đến khi kết thúc khóa học.

Riêng các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đã được Sở Nội vụ ra quyết định cử đi đào tạo đại học trước ngày quyết định này có hiệu lực thì tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo theo Quyết định số 37/2003/QĐ-UB ngày 22/5/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh về chính sách đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; chính sách thu hút và đào tạo nguồn cán bộ, công chức có trình độ cao cho đến khi kết thúc khóa học.

Điều 18. Lập danh mục ngành nghề thu hút và tạo nguồn công chức từ sinh viên

Giám đốc Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Khoa học - Công nghệ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật tỉnh và các ngành có liên quan thực hiện vào quý 3 hàng năm như sau:

1. Lập danh mục ngành nghề cần thu hút theo định hướng phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội của tỉnh;

2. Lập danh sách sinh viên có học lực giỏi tại các trường Đại học để chọn đào tạo nguồn cán bộ, công chức có trình độ sau đại học;

3. Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thăm hỏi, động viên sinh viên hàng năm.

Điều 19. Tổ chức thực hiện

Giao cho Giám đốc các sở, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công triển khai quy định này đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc cấp mình quản lý để tổ chức thực hiện.

Các đơn vị doanh nghiệp, công ty cổ phần hoạt động trên địa bàn tỉnh có thể vận dụng các nội dung của quy định này để áp dụng khi cử cán bộ đơn vị mình đi đào tạo, bồi dưỡng.

Trong quá trình thực hiện, nếu có gì vướng mắc phản ánh bằng văn bản thông qua Sở Nội vụ để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Trần Thanh Trung

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.