• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 28/12/2000
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Số: 151/2000/QĐ-TTg
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2000
chính phủ

QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Về việc phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Nghị quyết số 05/CP ngày 29 tháng 01 năm 1993 của Chính phủ về ngăn chặn và phòng, chống mại dâm;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,

 

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Phê duyệt Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 (kèm theo Quyết định này).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chủ tịch y ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này ./.

 

CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM GIAI ĐOẠN 2001 - 2005

(Ban hành kèm theo Quyết định số : 151/2000/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH TỆ NẠN MẠI DÂM VÀ KẾT QUẢ PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM

I. Kết quả phòng, chống tệ nạn mại dâm 1994 - 2000.

Thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết và các văn bản pháp quy của Đảng và Chính phủ về phòng, chống tệ nạn xã hội và tệ nạn mại dâm (Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 01 tháng 3 năm 1994 của Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng về lãnh đạo phòng, chống các tệ nạn xã hội; Nghị quyết số 05/CP ngày 29 tháng 01 năm 1993 của Chính phủ về ngăn chặn và chống tệ nạn mại dâm; Nghị định số 87/CP ngày 12 tháng 12 năm 1995 của Chính phủ về tăng cường quản lý các hoạt động văn hoá và dịch vụ văn hoá, đẩy mạnh bài trừ một số tệ nạn xã hội nghiêm trọng...), do sự cố gắng của các Bộ, ngành và địa phương cùng với sự tham gia của nhân dân nên đã hạn chế sự gia tăng của tệ nạn mại dâm, nhất là ở những địa bàn trọng điểm.

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm đã đạt được những kết quả cụ thể :

- Bước đầu đã gắn được công tác phòng, chống tệ nạn xã hội với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hoá; xây dựng được gần 1.000 xã, phường lành mạnh không có tệ nạn ma tuý, mại dâm; phát động quần chúng tham gia phòng, chống, ngăn ngừa tội phạm mại dâm.

- Triệt phá hơn 11.000 ổ nhóm tổ chức chứa mại dâm; bắt giữ hơn 40.000 đối tượng (trong đó hơn 10.000 chủ chứa, môi giới mại dâm).

- Xét xử trên 6.000 vụ với gần 9.000 bị cáo về tội chứa, môi giới mại dâm; đã xử lý hành chính hàng trăm nghìn cơ sở kinh doanh dịch vụ (khách sạn, nhà trọ, nhà hàng, cơ sở massage, vũ trường...) và nhiều người vi phạm Nghị định số 87/CP.

- Giáo dục, chữa trị cho hơn 30.000 lượt gái mại dâm, dạy nghề và tạo việc làm cho gần 14.000 đối tượng.

II. Những tồn tại:

Những năm gần đây, nền kinh tế đất nước đã có bước tăng trưởng, nhưng một số tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn mại dâm có nguy cơ phát triển trở lại trên diện rộng. Tình hình tệ nạn mại dâm ở nhiều địa phương còn nghiêm trọng cả về quy mô, tính chất và thủ đoạn hoạt động :

1. Tệ nạn mại dâm đã lan rộng tới 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể cả vùng nông thôn.

2. Hoạt động mại dâm trá hình trong các cơ sở kinh doanh, dịch vụ (trong số gái mại dâm bị xử lý thu gom về các cơ sở xã hội thì 70% - 80% là các tiếp viên, nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh), có vụ nhiều đối tượng ở tuổi vị thành niên, có đường dây cung cấp gái mại dâm cho 30 đến 40 cơ sở, trong đó có cả cơ sở Nhà nước quản lý; mại dâm công khai tại một số tụ điểm ở các thành phố lớn và ở các địa bàn giáp ranh giữa các tỉnh, các huyện, các phường, xã.

3. Nạn buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích mại dâm, mại dâm vị thành niên vẫn gia tăng.

4. Đối tượng hoạt động mại dâm đáng lưu ý là :

a) Đối tượng bán dâm : qua điều tra, gần 50% có mức sống trung bình trở lên nhưng sa đọa về đạo đức, lười lao động, vì mục đích kiếm tiền đã tự nguyện bán dâm; số còn lại là do nghèo, không có việc làm, hoặc bị lừa gạt.

b) Đối tượng mua dâm và tiếp tay cho mại dâm :

Hoạt động mua dâm chủ yếu là những đối tượng làm giầu bất chính, tha hoá về lối sống, trong đó có cả một số cán bộ, công chức.

c) Đối tượng chứa và môi giới mại dâm : Chủ yếu là một số nhà hàng, nhà trọ..., trong đó một số cơ sở kinh doanh của Nhà nước cũng chứa mại dâm hoặc tiếp tay cho hoạt động mại dâm.

III. Nguyên nhân của những tồn tại.

1. Nguyên nhân chủ quan.

a) Do siêu lợi nhuận, những chủ chứa, môi giới mại dâm bất chấp pháp luật, tìm mọi thủ đoạn để tổ chức, chứa, môi giới mại dâm, mua chuộc và lôi kéo một số cán bộ thoái hoá, biến chất đứng ra bao che hoặc làm ngơ. Cũng do siêu lợi nhuận, một bộ phận nữ thanh niên lười lao động, tham vọng làm giàu nhanh, đã bị tha hoá và tự nguyện bán dâm.

b) Về nhận thức : Một số cán bộ, viên chức thường đổ lỗi do quy luật "cung cầu" của cơ chế thị trường, do đói nghèo, do thiếu việc làm, nên tất yếu tồn tại tệ nạn mại dâm. Có nơi chính quyền còn đứng ngoài cuộc, "giao khoán" cho ngành chức năng.

c) Về quản lý :

- Quản lý địa bàn và hộ khẩu chưa chặt chẽ; cấp phép kinh doanh cho các dịch vụ dễ có điều kiện phát sinh mại dâm (khách sạn, nhà hàng, vũ trường, nhà trọ...) còn tràn lan, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ, dẫn đến mại dâm trá hình.

- Buông lỏng quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống; chưa phát huy được những giá trị đạo đức, văn hoá, thuần phong mỹ tục của dân tộc.

- Trong công tác chỉ đạo : phân công chưa rõ ràng, sự phối hợp liên ngành chưa chặt chẽ.

- Cán bộ và cơ sở vật chất của các trung tâm chữa trị cho người mại dâm chưa được đầu tư thích đáng.

d) Về luật pháp và xử lý vi phạm :

- Một số quy định trong văn bản pháp luật chưa phù hợp như : Trong Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, việc quy định về tuổi đời bắt buộc tập trung chữa bệnh, quy định về thủ tục còn phức tạp..., nên đã gây nhiều trở ngại cho việc đưa đối tượng mại dâm vào cơ sở chữa bệnh.

- Xử lý người vi phạm, đặc biệt là người mua dâm chưa kịp thời, chưa nghiêm.

2. Nguyên nhân khách quan.

a) Trước sức ép về việc làm ngày càng cao, tình trạng thiếu việc làm ở thành thị và nông thôn trở nên bức xúc; chính sách và cơ chế của Nhà nước chưa đủ mạnh để đáp ứng nhu cầu về việc làm của người lao động.

b) một số nước trong khu vực, mại dâm được hoạt động, vì vậy tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em từ nước ta ra nước ngoài gia tăng.

Phần thứ hai

CHỦ TRƯƠNG - GIẢI PHÁP PHÒNG, CHỐNG TỆ NẠN MẠI DÂM 2001 - 2005

I. Quan điểm và phương châm.

1. Quan điểm.

a) Mại dâm là một tệ nạn xã hội nghiêm trọng, gây hậu quả xấu về nhiều mặt : tha hóa đạo đức, lối sống; lây truyền hiểm họa HIV/AIDS; ảnh hưởng xấu đến nòi giống; phá vỡ hạnh phúc gia đình, từ đó tác động xấu đến trật tự an toàn của xã hội. Vì vậy phải nghiêm cấm mại dâm dưới mọi hình thức.

b) Đặt công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm là một nhiệm vụ bức xúc, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu : xây dựng xã hội tiến bộ, công bằng, văn minh; xây dựng con người mới, gia đình văn hoá và cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm trong sạch đội ngũ cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

2. Phương châm.

a) Lấy phòng ngừa là chính, phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết tốt các vấn đề xã hội : việc làm, đào tạo nghề, xoá đói giảm nghèo, phòng, chống HIV/AIDS, phòng, chống ma tuý...

b) Làm rõ trách nhiệm của từng ngành, từng cấp và mỗi người dân. Phòng, chống mại dâm từ gia đình, cơ quan, đơn vị, trường học, tổ chức xã hội đến xã, phường. Phát động phong trào quần chúng liên tục, sâu rộng. Công tác phòng, chống mại dâm phải được triển khai đồng bộ ở các cấp, các ngành.

c) Lồng ghép Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội, với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá.

II. Mục tiêu.

1. Mục tiêu chung.

Phòng ngừa, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tệ nạn mại dâm. Đối với những địa bàn chưa có tệ nạn mại dâm thì không để phát sinh tệ nạn mại dâm; đối với những địa bàn có tệ nạn mại dâm nhưng chưa nghiêm trọng thì tích cực đấu tranh xoá bỏ tệ nạn mại dâm; đối với những địa bàn có tệ nạn mại dâm nghiêm trọng thì kiên quyết đấu tranh để giảm cơ bản tệ nạn mại dâm.

2. Mục tiêu cụ thể.

a) Từ 2001 - 2003 :

- Ngăn chặn phát sinh, giảm dần số đối tượng mại dâm hiện có. Trước mắt đến năm 2003 cơ bản xoá bỏ tệ nạn mại dâm trong tuổi vị thành niên, học sinh và sinh viên.

- Giảm cơ bản cơ sở kinh doanh, dịch vụ (khách sạn, nhà hàng, nhà nghỉ...) vi phạm tệ nạn mại dâm, tổ chức các dịch vụ mại dâm trá hình, trước hết là cơ sở thuộc doanh nghiệp Nhà nước.

- Chặn đứng tình trạng cán bộ, viên chức vi phạm tệ nạn mại dâm.

b) Từ 2004 đến 2005 :

Giảm cơ bản tệ nạn mại dâm ở các đô thị, khu du lịch, địa bàn trọng điểm, các tụ điểm mại dâm có tổ chức, các đường dây đưa phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài vì mục đích mại dâm.

III. Nội dung của chương trình hành động phòng, chống mại dâm bao gồm các hoạt động chủ yếu.

1. Tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Điều tra, thống kê, dự báo, phân tích đặc trưng cơ bản của nhóm đối tượng nguy cơ cao về tệ nạn mại dâm làm cơ sở hoạch định giải pháp phòng ngừa.

3. Xây dựng xã phường, cơ quan, đơn vị không có tệ nạn xã hội gắn với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá; xây dựng đời sống văn hóa ở cộng đồng.

4. Kiểm tra, thanh tra, truy quét và xử lý nghiêm các tội phạm mại dâm.

5. Phòng ngừa tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em vì mục đích mại dâm.

6. Dạy nghề, tạo việc làm, xoá đói giảm nghèo cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

7. Giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm, hoà nhập cộng đồng cho đối tượng bán dâm.

8. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm của các ngành và địa phương. Đầu tư nâng cấp hợp lý các cơ sở chữa trị cho đối tượng mại dâm.

9. Tăng cường hợp tác quốc tế về phòng, chống tệ nạn mại dâm, phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em vì mục đích mại dâm.

IV. Các giải pháp cấp bách :

1. Công tác thông tin tuyên truyền :

a) Thường xuyên tuyên truyền trên các phương tiện thông tin với hình thức, nội dung phù hợp từng loại đối tượng để nâng cao nhận thức về tệ nạn mại dâm để mỗi người, mỗi gia đình giữ gìn đạo đức, lối sống lành mạnh; biểu dương người tốt việc tốt, phổ biến các kinh nghiệm hay về phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đồng thời, công luận lên án mạnh mẽ những cá nhân, tập thể, vi phạm hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm, năng lực quản lý yếu kém để tệ nạn mại dâm tồn tại và phát triển.

b) Đưa nội dung phòng, chống tệ nạn mại dâm vào chương trình công tác của các tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức chuyên môn theo tinh thần Nghị quyết của Đảng, Pháp lệnh Cán bộ công chức, Pháp lệnh Chống tham nhũng. Thường xuyên tự phê bình và phê bình về phẩm chất đạo đức, lối sống.

c) Kết hợp chặt chẽ việc tuyên truyền giáo dục với cuộc vận động xây dựng gia đình văn hoá, xây dựng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; củng cố thiết chế gia đình, nâng cao hiểu biết cho mọi người về tình yêu, hôn nhân và quan hệ tình dục nhằm xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững.

d) Phát động toàn dân đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm. Đặt công tác này là một trong những nội dung để đánh giá sự chỉ đạo hàng năm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể. Kịp thời khuyến khích động viên, khen thưởng các tập thể và cá nhân làm tốt.

2. Tăng cường quản lý Nhà nước.

a) Chính quyền địa phương tăng cường quản lý chặt chẽ, có biện pháp giám sát, kiểm tra các hoạt động kinh doanh, dịch vụ, nhà hàng, nhà trọ, khách sạn, karaoke, massage... trên địa bàn, không để xảy ra hoạt động mại dâm.

b) Tất cả các cơ sở kinh doanh, dịch vụ phải ký cam kết không để xẩy ra hoạt động mại dâm và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các vi phạm.

c) Các cơ sở sử dụng tiếp viên, nhân viên, vũ nữ... phải ký hợp đồng lao động, kèm theo chứng minh nhân dân và đăng ký danh sách với công an cấp phường sở tại.

d) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc lưu hành văn hoá phẩm và các hoạt động văn hoá, phát hiện xử lý kịp thời hành vi sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm văn hoá và các hoạt động văn hoá có nội dung đồi trụy, khiêu dâm trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

3. Tăng cường pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

a) Trình y ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Phòng, chống tệ nạn mại dâm và sửa đổi, bổ sung một số điểm của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

b) Xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm tệ nạn mại dâm.

- Đối với chủ chứa, môi giới, bảo kê : Nghiêm trị mọi hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, môi giới, chứa chấp, dụ dỗ lừa gạt trẻ em vào con đường mại dâm; những kẻ tổ chức hoạt động mại dâm, những kẻ tái phạm trong việc chứa, môi giới mại dâm.

- Đối với người mua dâm : Phải lập hồ sơ và kiên quyết xử lý theo pháp luật. Nếu là cán bộ, viên chức phải thông báo về cơ quan quản lý, giáo dục, xử lý nghiêm khắc theo Chỉ thị số 33/CT-TW và Pháp lệnh Cán bộ, công chức. Nếu không phải là cán bộ, viên chức thì thông báo về chính quyền xã, phường nơi cư trú để quản lý, giáo dục, xử lý.

- Đối với người bán dâm :

+ Phải phân loại mức độ, nguyên nhân vi phạm để có biện pháp giáo dục, phục hồi phù hợp :

Với người do đói nghèo, không có việc làm, bị lừa gạt thì có biện pháp giáo dục, tổ chức dạy nghề, hỗ trợ tìm kiếm việc làm, giúp đỡ tại gia đình và cộng đồng để hoàn lương.

Với những người có lối sống buông thả, lười lao động, vì tiền mà bán dâm; thì phải tập trung giáo dục bằng lao động, học tập pháp luật, tu dưỡng nhân cách, học nghề, để giúp họ điều chỉnh hành vi, hoà nhập cộng đồng.

- Các cơ quan chức năng nhất thiết phải lập đầy đủ hồ sơ người mua dâm, bán dâm ngay sau khi phát hiện, triệt phá các ổ chứa mại dâm. Trường hợp người mua dâm và bán dâm không có giấy tờ tùy thân làm căn cứ lập hồ sơ, có thể tạm giữ hành chính theo quy định để xác minh.

c) Nắm chắc tình hình, tập trung triệt phá các ổ mại dâm tại các cơ sở dịch vụ, kinh doanh, các tụ điểm mại dâm trá hình :

- Kiểm soát chặt chẽ các tụ điểm có biểu hiện mại dâm, dẫn dắt gái mại dâm ở các tuyến biên giới, cửa khẩu, cảng biển, cảng sông, đặc biệt là biên giới phía Bắc và phía Tây - Nam.

- Ngành Công an phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án để thúc đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử kịp thời các tội về mại dâm.

4. Phòng, chống tệ nạn mại dâm gắn kết chặt chẽ với cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá và việc thực hiện các chương trình kinh tế - xã hội : xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao trình độ dân trí, bằng cơ chế, chính sách và biện pháp cụ thể ở từng địa phương để giải quyết nguyên nhân sâu xa của loại tệ nạn này.

5. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm, đặc biệt là cán bộ xã, phường và cán bộ công tác tại cơ sở chữa bệnh; bố trí cán bộ, ngân sách và có cơ chế, chính sách, chế độ cho cán bộ làm công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp xã; huy động các nguồn lực của cộng đồng ở cấp xã tham gia tích cực vào nhiệm vụ phòng, chống tệ nạn mại dâm.

6. Tăng cường đầu tư cho một số trung tâm ở các địa bàn trọng điểm để đủ điều kiện giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm và hoàn lương cho đối tượng mại dâm.

Phần thứ ba

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Tổ chức thực hiện - điều hành

Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 là một Chương trình hành động bao gồm nhiều nội dung phải được tổ chức thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ thường xuyên giữa các Bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, v.v...

Để thực hiện tốt các mục tiêu của Chương trình, từng Bộ, ngành, đoàn thể, theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ cụ thể như sau :

1. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội :

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng chương trình kế hoạch phòng, chống tệ nạn mại dâm hàng năm và từng giai đoạn, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tổng hợp kết quả thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương báo cáo Chính phủ.

b) Quản lý Nhà nước công tác giáo dục, chữa trị, dạy nghề, tái hoà nhập cộng đồng cho người bán dâm; trước mắt chỉ đạo việc xây dựng một số trung tâm ở các địa bàn trọng điểm để giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề, tạo việc làm cho đối tượng này.

c) Hướng dẫn và phối hợp triển khai kế hoạch nhằm thực hiện chương trình và việc tổ chức lồng ghép thực hiện Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với các Chương trình xoá đói giảm nghèo, Chương trình dạy nghề, tạo việc làm, Chương trình phòng, chống HIV/AIDS, Chương trình phòng, chống ma túy và các chương trình kinh tế - xã hội khác.

d) Phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ và các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách về Đội hoạt động xã hội tình nguyện ở cấp xã.

đ) Thực hiện hợp tác quốc tế phòng, chống tệ nạn mại dâm.

2. Bộ Văn hoá - Thông tin :

- Chủ trì chỉ đạo thực hiện công tác giáo dục, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phòng, chống tệ nạn mại dâm, xây dựng con người mới, nếp sống lành mạnh, xây dựng gia đình văn hoá, làng xã văn hoá; biểu dương người tốt việc tốt; chỉ đạo và phát động sáng tác văn học, nghệ thuật sâu sắc về đề tài phòng, chống tệ nạn mại dâm; tạo công luận lên án mạnh mẽ, bài trừ tệ nạn mại dâm.

- Lồng ghép Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm với các chương trình truyền thông phòng, chống tệ nạn ma tuý; phòng, chống HIV/AIDS.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan, kiểm tra, chấn chỉnh các cơ sở hoạt động dịch vụ văn hoá. Xử lý kịp thời các cơ sở vi phạm. Quản lý và ngăn chặn các ấn phẩm văn hoá độc hại, đồi trụy ngoài luồng. Xây dựng quy chế phối hợp trong việc quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ văn hoá.

3. Bộ Công an :

a) Điều tra, truy quét, triệt phá các ổ nhóm, đường dây và các tụ điểm mại dâm.

b) Lập hồ sơ đưa người vào cơ sở chữa bệnh hoặc quản lý giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

c) Phối hợp với Bộ đội Biên phòng đấu tranh ngăn chặn các hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài làm mại dâm; gắn Chương trình phòng, chống tệ nạn mại dâm với Chương trình phòng, chống tội phạm.

d) Cùng với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xây dựng các văn bản pháp luật phòng, chống tệ nạn mại dâm; xây dựng chương trình, kế hoạch phòng, chống mại dâm từng thời kỳ; cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp bảo vệ các cơ sở chữa bệnh khi có yêu cầu.

4. Bộ Tư pháp : Phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm (Pháp lệnh Phòng, chống tệ nạn mại dâm; Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, v.v...); tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tệ nạn mại dâm.

5. Bộ Y tế : Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khám chữa bệnh, điều trị cho người mại dâm tại cơ sở chữa bệnh; tăng cường kiểm tra việc cấp giấy phép và xử lý kịp thời các vi phạm của các cơ sở dịch vụ massage, tắm hơi.

6. Bộ Giáo dục và Đào tạo : Nghiên cứu xây dựng chương trình giáo dục về giới trong nhà trường. Có biện pháp phòng ngừa tệ nạn mại dâm trong học sinh, sinh viên; phối hợp xây dựng các tài liệu giáo dục, hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ phòng, chống tệ nạn xã hội.

7. Bộ Thương mại, Bộ Y tế, Tổng cục Du lịch : Chấn chỉnh việc đăng ký kinh doanh, giấy phép hành nghề của các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm. Xây dựng quy chế phối hợp giữa ngành chủ quản và chính quyền cơ sở trong việc quản lý, kiểm tra các cơ sở kinh doanh, dịch vụ.

8. Bộ Kế hoạch và Đầu tư : Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính bố trí ngân sách hàng năm cho Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tham gia với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình hàng năm. Tổ chức huy động các nguồn lực khác ở trong nước và ngoài nước cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm.

9. Bộ Tài chính :

- Chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan tài chính các cấp đảm bảo đầy đủ và kịp thời thanh quyết toán kinh phí phòng, chống tệ nạn mại dâm từ ngân sách nhà nước theo kế hoạch hàng năm cho các Bộ, ngành, địa phương và theo các quy định hiện hành của Nhà nước; phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn sử dụng nguồn kinh phí thu được do phạt vi phạm tệ nạn mại dâm và huy động từ các nguồn khác.

- Chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng trình Chính phủ cơ chế bố trí, huy động ngân sách cho công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã.

10. y ban Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em Việt Nam : Chỉ đạo và phối hợp với các Bộ, ngành, đoàn thể có liên quan thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa tình trạng trẻ em bị xâm phạm nhân phẩm, danh dự, trẻ em bị xâm phạm tình dục, đặc biệt vì mục đích thương mại.

11. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ : Có kế hoạch chỉ đạo việc thực hiện các biện pháp đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm trong phạm vi trách nhiệm quyền hạn của mình.

12. y ban nhân dân các cấp :

- Chủ tịch y ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đồng bộ và lồng ghép việc thực hiện công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm với các chương trình kinh tế - xã hội khác tại địa phương. Căn cứ vào kế hoạch của Chính phủ, tình hình thực tế ở địa phương, xây dựng kế hoạch hành động, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá hoạt động và kết quả phòng, chống tệ nạn mại dâm của y ban nhân dân cấp dưới. Đặc biệt đề cao vai trò trách nhiệm của Chủ tịch y ban nhân dân cấp xã trong việc nắm tình hình mại dâm ở địa bàn quản lý, trước mắt thực hiện ngay các biện pháp cấp bách để ngăn chặn tệ nạn mại dâm phát triển và thực hiện mục tiêu của chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm ở cấp xã.

- Hàng năm, chính quyền địa phương phải chủ động bố trí ngân sách để thực hiện các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm ngoài phần ngân sách Trung ương hỗ trợ, đồng thời huy động đóng góp từ cộng đồng.

- Xây dựng và quản lý các cơ sở chữa trị, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm cho các đối tượng mại dâm.

13. Đề nghị Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao :

Tăng cường chỉ đạo hệ thống các cơ quan thuộc ngành ở các địa phương trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án về mại dâm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các Bộ, ngành liên quan nhanh chóng đưa ra truy tố và xét xử các vụ án liên quan đến tội phạm mại dâm, xử lý kịp thời và nghiêm minh các đối tượng vi phạm để giáo dục, răn đe tội phạm, tạo lòng tin cho quần chúng trong đấu tranh phòng, chống tệ nạn mại dâm.

14. Đề nghị y ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và các Bộ, ngành chỉ đạo tổ chức Mặt trận và đoàn thể ở các cấp tổ chức thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 23/1998/CT-TTg ngày 20 tháng 5 năm 1998 về tăng cường sự phối hợp với y ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá, kết hợp với phong trào xây dựng xã phường lành mạnh, không có tệ nạn xã hội, chú trọng tập trung chỉ đạo các địa bàn trọng điểm, phức tạp về tệ nạn mại dâm. Phát động phong trào toàn dân lên án, phát hiện, tố giác tội phạm mại dâm, giáo dục các đối tượng mại dâm tại cộng đồng dân cư, hợp lực với cơ quan chính quyền tiến hành hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm một cách có hiệu quả.

II. Kinh phí thực hiện :

Để đảm bảo kinh phí thực hiện các hoạt động của Chương trình, cần huy động và kết hợp khai thác những nguồn kinh phí sau :

1. Kinh phí của Trung ương : Hàng năm, ngân sách Trung ương dành một khoản kinh phí hỗ trợ có mục tiêu cho các nhiệm vụ trọng tâm, nhằm hoàn thành mục tiêu, kế hoạch của Chương trình (hỗ trợ có mục tiêu).

2. Ngân sách địa phương (bao gồm cả tiền phạt về tệ nạn mại dâm) : Hàng năm địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí ngân sách cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm trên địa bàn. Chú trọng đầu tư xây dựng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội, nâng cấp các trung tâm giáo dục, chữa bệnh, hoàn lương cho các đối tượng mại dâm. Các xã, phường phải bố trí kinh phí và huy động sự đóng góp của các tổ chức kinh tế - xã hội trên địa bàn để góp phần giải quyết tệ nạn mại dâm. Ngân sách địa phương là nguồn kinh phí quan trọng, phối hợp với nguồn kinh phí Trung ương và các nguồn kinh phí khác chi cho hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm theo kế hoạch hàng năm của các địa phương.

3. Kinh phí huy động từ cộng đồng : Là kinh phí huy động từ các cơ quan, tổ chức kinh tế - xã hội, cá nhân, nhà hảo tâm, nhân dân, gia đình và bản thân đối tượng... Đây là nguồn kinh phí quan trọng. Cần có cơ chế và biện pháp tốt để huy động tối đa và sử dụng hợp lý, hiệu quả.

4. Tài trợ quốc tế : Tranh thủ tối đa sự hỗ trợ và giúp đỡ quốc tế cho các hoạt động phòng, chống tệ nạn mại dâm. Tập trung nguồn lực này cho công tác nghiên cứu, đào tạo, trau dồi kinh nghiệm và hợp tác quốc tế trong việc ngăn ngừa hoạt động mại dâm có tính quốc tế.

Các Bộ, ngành, y ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ vào Chương trình hành động phòng, chống tệ nạn mại dâm giai đoạn 2001 - 2005 để xây dựng Chương trình công tác phòng, chống tệ nạn mại dâm của Bộ, ngành và địa phương mình ./.

KT. THỦ TƯỚNG

Phó Thủ tướng

(Đã ký)

 

Phạm Gia Khiêm

 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.