• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 05/12/2000
  • Ngày hết hiệu lực: 15/08/2016
UBND TỈNH SÓC TRĂNG
Số: 09/2000/CT-UBNDT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 5 tháng 12 năm 2000

CHỈ THỊ

V/v nâng cao năng lực và quy mô đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng

__________________

 

 

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, địa phương có nhiều cố gắng tổ chức thực hiện tốt công tác đào tạo nghề, góp phần nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật của đội ngũ công nhân lao động, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động trên địa bàn. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo nghề trong tỉnh còn yếu kém, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương; hình thức đào tạo nghề chủ yếu là ngắn hạn, với cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cũ kỹ, lạc hậu, đội ngũ giáo viên còn thiếu và chưa được bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ thường xuyên. Hiện nay, tỷ lệ lao động được đào tạo nghề trong toàn tỉnh chỉ khoảng 5%, trong khi đó thị trường lao động trong và ngoài nước đòi hỏi trình độ tay nghề, kỹ thuật ngày càng cao. Để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao tỷ lệ người lao động được đào tạo nghề và tạo nhiều cơ hội cho người lao động tìm việc làm, tiến tới xuất khẩu lao động, góp phần thực hiện thắng lợi công tác xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh theo mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương thực hiện tốt một số công việc chủ yếu sau đây:

1. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ban Tổ chức Chính quyền tỉnh, các Sở Kế hoạch & Đầu tư, Giáo dục Đào tạo, Công nghiệp và UBND các huyện, thị tổ chức khảo sát hệ thống cơ sở dạy nghề trong toàn tỉnh và trên cơ sở nhu cầu phát triển nguồn nhân lực, nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương để tiến hành quy hoạch hệ thống cơ sở đào tạo nghề trong toàn tỉnh theo hướng sau đây:

- Vận động, khuyến khích mọi thành phần kinh tế thành lập cơ sở dạy nghề, đồng thời nâng cao năng lực quy mô đào tạo nghề của các cơ sở hiện có; tập trung quy hoạch, đầu tư nâng cấp Trung tâm Dịch vụ việc làm của tỉnh thành trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề hoặc trường công nhân kỹ thuật. Về lâu dài sẽ đầu tư thành lập thêm một số trường trung học chuyên nghiệp dạy nghề, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp cấp tỉnh; đối với cấp huyện từng bước hình thành các loại hình dạy nghề như: trung tâm (hoặc chi nhánh tỉnh) dịch vụ việc làm, dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên..v..v...

Trước mắt, sớm xem xét chọn cán bộ có đủ năng lực, trình độ theo yêu cầu nhiệm vụ để bổ nhiệm lãnh đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh; đồng thời chỉ đạo đơn vị lập Đề án đầu tư nâng cấp thành Trường trung học chuyên nghiệp và dạy nghề của tỉnh hoặc Trường Công nhân kỹ thuật, trong đó cần chú ý đến tính khả thi và bước đầu tư thích hợp của dự án, cần xem xét cân đối cụ thể nguồn vốn đầu tư và chú ý đến công tác nhân sự, đặc biệt là có biện pháp thu hút giáo viên có trình độ đại học để đảm bảo đủ biên chế giảng dạy các nghề cần thiết.

- Mở rộng, đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo theo yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà cũng như thị trường lao động trong và ngoài nước; trong đó cần gắn chặt công tác đào tạo nghề với giải quyết việc làm.

- Quy hoạch, đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy đủ về số lượng và chất lượng theo yêu cầu nâng cao năng lực, quy mô đào tạo nghề.

- Đầu tư đổi mới máy móc, thiết bị phục vụ cho công tác dạy nghề và nghiên cứu đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy phù hợp với yêu cầu thực tế.

- Huy động mọi nguồn lực để tập trung đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực dạy nghề, trong đó cần chú ý phát huy năng lực dạy nghề từ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, các đoàn thể, hội quần chúng, hội nghể nghiệp xã hội đặc biệt là tranh thủ tìm đối tác đầu tư hoặc nguồn vốn tài trợ của các tổ chức quốc tế để đầu tư cho các trường dạy nghề trong tỉnh.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo có kế hoạch đưa công tác hướng nghiệp, dạy nghề vào các trường phổ thông phù hợp với yêu cầu thực tế về mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn mới.

Tăng cường theo dõi diễn biến về nhu cầu lao động có nghề nghiệp của xã hội để giới thiệu việc làm, mở rộng thị trường lao động, từng bước thực hiện xuất khẩu lao động.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị phối hợp với ngành Lao động Thương binh & Xã hội và các ngành chức năng có liên quan căn cứ yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương chỉ đạo quy hoạch, chọn địa điểm để sớm đầu tư thành lập trung tâm dịch vụ việc làm và dạy nghề trên địa bàn, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề trong giai đoạn trước mắt của địa phương.

3. Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội chỉ đạo chấn chỉnh công tác quản lý lao động, tăng cường quản lý Nhà nước về công tác dạy nghề, thường xuyên kiểm tra hoạt động của các cơ sở dạy nghề, nhất là các cơ sở dạy nghề tư nhân. Nghiên cứu đề xuất các biện pháp khuyến khích mở rộng trường, lớp, các cơ sở dạy nghề tư nhân theo hướng nâng cao năng lực, quy mô dạy nghề phù hợp với tốc độ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong từng giai đoạn; theo dõi tổng hợp tình hình thực hiện về công tác đào tạo nghề, thường xuyên báo cáo UBND tỉnh.

 

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Duy Tân

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.