CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
V/v Tăng cường quản lý các doanh nghiệp ngoài quốc doanh
________________________
Mấy năm gần đây, các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở tỉnh ta phát triển đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, thu hút lao động, có lợi ích doanh nghiệp và đóng góp cho ngân sách. Việc cấp giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh được cải tiến một bước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp; công tác quản lý sau đăng ký được chấn chỉnh tiến bộ hơn.
Tuy vậy các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ở tỉnh ta còn nhỏ, ít vốn, công nghệ thiết bị, trình độ quản lý và trình độ chuyên môn kém, hiệu quả sản xuất kinh doanh và nộp ngân sách thấp. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh không đúng nội dung đăng ký, không đăng ký nộp thuế, trốn lậu thuế, không mở sổ sách kế toán, số doanh nghiệp không hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng lớn, quản lý theo ngành và theo lãnh thổ đều lúng túng và còn tồn tại.
Nhằm thực hiện Chỉ thị 657/TTg ngày 13/9/1996 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý các cơ sở sản xuất kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, cần tiếp tục tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh ra đời và phát triển, đồng thời chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý sau đăng ký kinh doanh.
UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị số 657/TTg trên đây của Thủ tướng Chính phủ và quyết định số 418/QĐ-UB ngày 28/4/1997 của UBND tỉnh; chú ý một số điểm cụ thể dưới đây:
1- Trước khi đăng ký kinh doanh, toàn bộ số vốn pháp định (phần bằng tiền) của doanh nghiệp phải được gửi vào tài khoản tại Ngân hàng. Ngành ngân hàng có trách nhiệm quản lý và hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tăng cường tác động của Ngân hàng tới doanh nghiệp thông qua sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thể hiện ở việc thanh toán qua tài khoản tại Ngân hàng, từ đó mở rộng quan hệ khách hàng tạo độ tin cậy, tín nhiệm lẫn nhau, bảo đảm an toàn vốn, bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp trong vay vốn Ngân hàng theo luật định.
2- Việc xét duyệt dự án đầu tư đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh là cần thiết, nhưng chỉ xét duyệt một số chỉ tiêu cơ bản nhất (Cụ thể do sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trình UBND tỉnh quyết định).
Hiệu quả kinh tế, trách nhiệm vật chất của dự án do doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm.
Các tổ chức tín dụng tự thẩm định có kết luận về hiệu quả; khả thi và chịu trách nhiệm về khả năng hoàn trả tiền vay của dự án cùng các điều kiện thế chấp vay vốn và các quy định khác của pháp luật.
3- Việc cho thuê đất đối với dự án đầu tư của doanh nghiệp được khuyến khích theo luật khuyến khích đầu tư trong nước, trên nguyên tắc dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đất thuộc khu quy hoạch cho công nghiệp hoặc thuộc các khu phát triển công nghiệp (đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và phù hợp với các quy định khác của pháp luật.
4- Về các ngành kinh doanh thực hiện theo danh mục kèm theo các Nghị định 221/HĐBT, 222/HĐBT ngày 23/7/1991 của Chính phủ và các quy định khác của pháp luật. Khi thay đổi ngành nghề kinh doanh phải đăng ký lại, thủ thục theo Điều 8 Quyết định 418/QĐ-UB ngày 28/4/1997 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hưng Yên. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các doanh nghiệp ngoài quốc doanh đăng ký lại các ngành nghê kinh doanh, trên cơ sở đó soát lại không để các doanh nghiệp đăng ký lại.
5- Chú ý phối kết hợp chặt chẽ giữa quản lý theo ngành và theo lãnh thổ đối với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Các sở chuyên ngành quản lý theo ngành kinh tế kỹ thuật trong phạm vi toàn tỉnh, thông qua hệ thống ngành mình tại huyện, thị xã quản lý trên lãnh thổ theo quy định của pháp luật, thông qua các cơ quan chuyên môn của mình.
Nếu doanh nghiệp vi phạm luật pháp mà không được phát hiện, xử lý thì trách nhiệm trực tiếp thuộc UBND huyện, thị xã; Nếu vi phạm về nghiệp vụ chuyên môn và các quy định theo ngành kinh tế kỹ thuật thì các sở chuyên ngành chịu trách nhiệm chính.
6- Sở kế hoạch và Đầu tư, Sở tài chính Vật giá chịu trách nhiệm về xem xét tư cách đối với kế toán trưởng cũng như chủ doanh nghiệp, các sáng lập viên khi cấp giấy phép thành lập và đăng ký kinh doanh.
7- Việc giải thể, thu hồi giấy phép thành lập đối với các doanh nghiệp thực hiện theo quy định trong Quyết định số 418/QĐ-UB ngày 28/4/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Các Sở, Ngành, ủy ban nhân dân các huyện, thị xã đều có quyền và có trách nhiệm kiến nghị việc thu hồi giấy phép thành lập đối với các doanh nghiệp vi phạm; Sở kế hoạch và Đầu tư tổng hợp trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định.
8- Hàng năm các Sở, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã phải sinh hoạt với các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc ngành mình, lãnh thổ mình để đánh giá tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn, truyền đạt những chế độ chính sách mới của Nhà nước tới doanh nghiệp.
Uỷ ban nhân dân tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chấn chỉnh lại ngay việc quản lý các doanh nghiệp ngoài quốc doanh thuộc ngành mình, cấp mình theo đúng chức năng nhiệm vụ quy định, Chỉ thị 657/TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định 418/QĐ-UB ngày 28/4/1997 của Ủy ban nhân dân tỉnh và nội dung Chỉ thị này.