• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 20/09/1997
UBND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 39/CT-UB
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 20 tháng 9 năm 1997

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về phát huy dân chủ, giải quyết tốt khiếu nại, tố cáo của công dân; quản lý và sử dụng đúng mục đích các khoản đóng góp của công dân

________________________

  Thời gian gần đây ở một số cơ sở có tình trạng huy động nhân dân đóng góp không đúng quy định của Nhà nước, quá sức dân. Việc sử dụng tiền do nhân dân đóng góp không đúng mục đích, thiếu công khai. Một bộ phận cán bộ mất phẩm chất, tham ô tiền công quỹ và tiền do nhân dân đóng góp. Chính quyền một số nơi chưa chú ý giải quyết theo thẩm quyền một cách kịp thời và nghiêm minh những khiếu nại tố cáo của nhân dân. Trước tình hình đó một số phần tử xấu đã lợi dụng, kích động làm tăng sự bất bình trong nhân dân, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 Để phòng ngừa và kịp thời xử lý những tình huống tương tự kể trên Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ thị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung dưới đây:

 1- Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chủ động cùng Chủ tịch HĐND cùng cấp báo cáo cấp ủy đề xuất kế hoạch kiểm tra một cách có hệ thống những vấn đề phức tạp ở địa phương, có biện pháp giải quyết; đồng thời chủ động có phương án phòng ngừa và xử lý những tình huống có thể xảy ra trên địa bàn.

 Trước hết, cần tập trung thực hiện tốt một số việc:

 - Trực tiếp chỉ đạo kiểm tra tình hình thu, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của dân ở địa phương, chấn chỉnh việc thu, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp này theo quy định của pháp luật. Phải tiến hành rà soát tất cả các khoản đóng góp của dân từ đó phân loại rõ những khoản đóng góp hợp lý, phù hợp với mức thu nhập và khả năng thực tế của dân, theo đúng quy định của pháp luật.

 - Việc huy động nhân dân đóng góp để xây dựng các công trình phúc lợi là một chủ trương đúng, do vậy ở các địa phương phải triệt để thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, công khai, dân chủ. Các công trình cần huy động đóng góp để xây dựng phải xác định rõ mục tiêu, dự trù kinh phí cụ thể, tính toán chặt chẽ, tiết kiệm. Mức đóng góp phải được bàn bạc công khai, có miễn, giảm đối với các đối tượng chính sách, đối tượng có nhiều khó khăn. Căn cứ vào tình hình cụ thể của địa phương đưa ra Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định mức thu cho phù hợp. Phải tập trung sử dụng lao động nông nhàn để giảm bớt các khoản đóng góp bằng vật chất. Nghiêm cấm các cấp chính quyền từ huyện đến xã tự đặt ra các khoản phí và lệ phí.

 - Thực hiện việc mở sổ kế toán, ghi chép rành mạch các khoản đóng góp của dân theo đúng quy định của Nhà nước, thanh quyết toán thu, chi theo từng mục cụ thể. Thực hiện tài chính công khai, đảm bảo sự kiểm tra giám sát trực tiếp của dân và giám sát thông qua đại diện của dân như Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh… về kết quả huy động, tình hình quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của dân.

 - Cần có biện pháp xử lý hành chính nghiêm khắc, kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, xử lý theo pháp luật đối với những trường hợp làm sai, gây lãng phí, tham nhũng trong việc huy động, quản lý và sử dụng các khoản đóng góp của dân.

 2- Lãnh đạo chính quyền các cấp từ huyện đến cơ sở cần dành thời gian thỏa đáng đi kiểm tra tình hình cơ sở triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, qua đó lắng nghe và thu thập ý kiến phản ánh của nhân dân để xử lý những việc phát sinh kịp thời, tạo sự ổn định tại cơ sở; đồng thời phải bố trí lịch tiếp dân, trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân theo quy định của pháp luật.

 Căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương mình cần có hình thức thích hợp để tiếp tục tổ chức tốt việc tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân về chủ trương huy động đóng góp của nhân dân vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống, sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, đồng thời quản lý chặt chẽ; sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn huy động được.

 3- Các sở, ban, ngành của tỉnh, trước hết là Thanh tra nhà nước tỉnh, Sở Tài chính Vật giá, Công an tỉnh … có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ chính quyền cấp huyện, xã trong việc xử lý các tình huống phức tạp, chấn chỉnh việc thu, quản lý và sử dụng đúng mục đích các khoản đóng góp của dân. Cử cán bộ có thẩm quyền, giàu kinh nghiệm xuống cơ sở tham mưu cho chính quyền cơ sở giải quyết những vụ việc khó khăn, phức tạp.

 Giao cho Giám đốc Sở Tài chính vật giá chủ trì phối hợp Thanh tra nhà nước tỉnh kiểm tra, tập hợp tình hình huy động sự đóng góp của nhân dân trong toàn tỉnh, đề xuất biện pháp giải quyết, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định theo thẩm quyền.

 Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã và chính quyền cơ sở căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn mình báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, tranh thủ sự đồng tình, tham gia đóng góp của các đoàn thể quần chúng xây dựng kế hoạch cụ thể, biện pháp giải quyết thích hợp triển khai và thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.

 Trong quá trình tổ chức thực hiện có gì vướng mắc cần kịp thời báo cáo về Uỷ ban nhân dân tỉnh để xử lý.

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Phạm Đình Phú

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.