QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
“V/v Ban hành quy định về thủ tục cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”
________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi) ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty ngày 21/12/1990 và Luật sửa đổi một số điều của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty ngày 22/6/1994;
- Căn cứ Luật khuyến khích đầu tư trong nước ngày 22/6/1994;
- Căn cứ Nghị quyết số 38/CP ngày 04/5/1994 của Chính phủ V/v cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này “Quy định về thủ tục cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp tư nhân, Công ty trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
Điều 2. Quyết định này thay thế quyết định số 418/QĐ-UB ngày 28/4/1997 của UBND tỉnh về việc ban hành “quy định tạm thời về thủ tục cấp phép thành lập DNTN, công ty trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”.
Các qui định trước đây của UBND tỉnh và của các sở, ngành trái với quy định ban hành kèm theo quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 4 năm 1998.
Điều 3. Các ông, bà:Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốcSở Kế hoạch và Đầu tư, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
K/T CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Nguyễn Thước
|
QUY ĐỊNH
VỀ THỦ TỤC CẤP GIẤY PHÉP THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN, CÔNG TY TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 343/1998/QĐ-UB ngày 19/3/1998 của UBND tỉnh Hưng Yên)
________________________
Điều 1. Tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhà đầu tư) đủ năng lực theo quy định của Luật Doanh nghiệp tư nhân, Luật Công ty, Luật khuyến khích đầu tư trong nước, muốn thành lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN), Công ty trách nhiệm hữu hạn (CTTNHH), Công ty cổ phần (CTCP) thuộc tất cả các ngành nghề kinh doanh phải lập hồ sơ xin phép UBND tỉnh.
Hồ sơ gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 2. Hồ sơ đề nghị thành lập DNTT, CTTNHH, CTCP gồm:
1- Đơn đề nghị thành lập doanh nghiệp.
2- Sơ Yếu lý lịch của Chủ DNTT, sáng lập viên (SLV) là cá nhân, có xác nhận của Chính quyền xã, phường, thị trấn nơi cư trú về địa chỉ thường trú và việc họ không thuộc diện quy định tại điều 6, điều 7 của Luật DNTT, Luật Công ty.
3- Phương án sản xuất kinh doanh ban đầu hoặc dự án sản xuất kinh doanh.
4- Xác nhận về vốn đầu tư ban đầu đối với DNTN, về vốn điều lệ đối với Công ty ( theo quy định hiện hành của Chính phủ).
5- Đối với Công ty còn có thêm dự thảo Điều lệ Công ty. Nếu SLV là tổ chức thì phải có quyết định về việc tham gia thành lập Công ty của cơ quan có thẩm quyền.
6- Đối với CTCP, các SLV phải được Ngân hàng xác nhận đã nộp vào tài khoản phong tỏa tại Ngân hàng số tiền không ít hơn 20% vốn điều lệ.
7- Khi nộp hồ sơ, Nhà đầu tư cần có các tài liệu hợp pháp về trụ sở giao dịch, tài liệu giải trình về địa điểm sản xuất – Kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, bằng cấp chuyên môn tương ứng (Đối với ngành nghề mà Chính phủ quy định).
Nhà đầu tư phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của các nội dung, tài liệu có trong hồ sơ.
Điều 3. Nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp: Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm phối hợp với các Sở,ngành có liên quan tiến hành việc thẩm định các nội dung dưới đây:
1- Tính hợp pháp, hợp lý của các tài liệu trong hồ sơ;
2- Năng lực về chuyên môn – kỹ thuật của nhà đầu tư, hoặc bộ máy quản lý doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ;
3- Mục tiêu, ngành nghề kinh doanh rõ ràng; Phương án sản xuất – kinh doanh ban đầu có tính khả thi, phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm lợi ích của người có vốn đầu tư, người lao động và nhà nước;
4- Trụ sở giao dịch phải hợp pháp, địa điểm sản xuất – kinh doanh phải phù hợp với trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi sinh, môi trường đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
5- Mức vốn đầu tư ban đầu vốn điều lệ dự kiến đưa vào đăng ký kinh doanh phải thực sự của chủ DNTN, của các SLV góp vốn vào công ty, thực sự dùng đề đầu tư vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phải phù hợp với quy mô và ngành nghề kinh doanh và không được thấp hơn mức vốn pháp định do Chính phủ quy định.
Điều 4. Cách thức và thời hạn thẩm định hồ sơ đề nghị thành lập doanh nghiệp:
1- Sở Kế hoạch và Đầu tư trực tiếp nhận hồ sơ thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư; trao đổi với các sở, ngành quản lý kinh tế kỹ thuật có liên quan, theo một trong hai thức dưới đây:
a- Gửi hồ sơ và công văn về nội dung hỏi ý kiến:
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được công văn của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở, ngành quản lý kỹ thuật, UBND các huyện, thị xã có trách nhiệm xem xét, phúc đáp cụ thể bằng văn bản về những vấn đề có liên quan.
b- Tổ chức cuộc họp thẩm định:
Sở Kế hoạch và Đầu tư thông báo nội dung cuộc họp thẩm định và gửi hồ sơ tài liệu cho Sở, ngành quản lý kinh tế kỹ thuật có liên quan ít nhất 7 ngày để các sở, ngành có ý kiến trực tiếp và ý kiến bằng văn bản.
2- Trong thời hạn 20 ngày đối với DNTN, 30 ngày đối với Công ty kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của nhà đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải kết thúc việc thẩm định, báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định (Kèm theo hồ sơ).
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo. UBND tỉnh xét, quyết định việc cấp hoặc từ chối cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp.
3- Trường hợp xin hưởng ưu đãi đầu tư theo Luật khuyến khích đầu tư trong nước thì giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư được xem xét, cấp cùng với giấy phép thành lập doanh nghiệp.
Điều 5. Cấp giấy phép hành nghề
1-Giấy phép hành nghề nói tại quy định này được hiểu là các loại giấy
phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề, các loại giấy phép về chuyên môn khác … do pháp luật quy định, là một trong các điều kiện để được đăng ký kinh doanh một số ngành nghề theo quy định của Chính phủ.
Mọi hoạt động kinh doanh chỉ được tiến hành sau khi đã đăng ký kinh doanh tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các sở, ngành quản lý kinh tế kỹ thuật, có thẩm quyền cấp giấy phép hành nghề, theo quy định của pháp luật chịu trách nhiệm quản lý các đơn vị đã được cấp giấy phép hành nghề, không để xẩy ra tình trạng kinh doanh mà không có đăng ký kinh doanh.
2- Đối với các ngành nghề theo quy định của pháp luật phải có giấy phép hành nghề khi thẩm định hồ sơ thành lập doanh nghiệp, các Sở, ngành phải tiến hành việc cấp giấy phép hành nghề cho các đơn vị có đủ điều kiện. Trường hợp chưa cấp giấy phép hành nghề thì có ý kiến thẩm định đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp của các sở, ngành đó có giá trị thay thế giấy phép hành nghề, là căn cứ để cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Các doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp lý để tiến hành các hoạt động kinh doanh sau khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Các sở, ngành quản lý kinh tế kỹ thuật có trách nhiệm hướng dẫn, cấp giấy phép hành nghề theo quy định cho các đơn vị chưa được cấp giấy phép.
Điều 6. Đăng ký kinh doanh khi thành lập doanh nghiệp:
Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận giấy phép thành lập doanh nghiệp do UBND tỉnh cấp và tiến hành ĐKKD cho DN theo quy định của pháp luật.
1- Hồ sơ ĐKKD gồm :
- Bản sao giấy phép thành lập DN.
- Giấy chứng nhận của Ngân hàng về số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng gửi tại tài khoản;
- Giá trị tài sản là hiện vật hoặc bản quyền sở hữu công nghiệp được cơ quan công chứng Nhà nước chứng nhận (đối với DNTN) hoặc Đại hội (Hội nghị) thành lập xem xét, chấp thuận, đánh giá (đối với Công ty);
- Giấy xác nhận về trụ sở doanh nghiệp của UBND xã, phường, thị trấn;
- Đối với công ty có thêm: Điều lệ đã được Đại hội (Hội nghị) thành lập công ty thông qua; Biên bản Đại hội (Hội nghị ) thành lập công ty, danh sách Hội đồng quản trị ( nếu có), bộ máy quản lý và Ban kiểm soát công ty.
Chủ DNTN, các SLV công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của các tài liệu trong hồ sơ ĐKKD.
2- Cấp Đăng ký kinh doanh:
a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải xem xét, cấp giấy chứng nhận ĐKKD theo quy định của pháp luật, đồng thời xác nhận điều lệ, danh sách hội đồng quản trị (nếu có), giám đốc, phó giám đốc doanh nghiệp, ban kiểm soát công ty.
b) Trong thời hạn luật định, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi quyết định cấp giấy phép thành lập DN, bản sao giấy chứng nhận ĐKKD và các tài liệu khác theo quy định của pháp luật tới các cơ quan quy định tại điều 12 Luật DNTN, điều 18 Luật Công ty và UBND huyện, thị xã (Phòng Kế hoạch và Đầu tư) để quản lý theo thẩm quyền.
3. Sau khi được cấp giấy chứng nhận ĐKKD, Doanh nghiệp có đầy đủ tư cách pháp lý để hoạt động theo ngành nghề đã đăng ký; đồng thời Doanh nghiệp phải hoàn thành thủ tục khắc dấu, treo biển hiệu, đăng ký trụ sở giao dịch với Bưu điện nơi gần nhất và đăng báo theo quy định.
Điều 7. Đăng ký trong quá trình hoạt động kinh doanh:
1. Đổi tên doanh nghiệp:
Khi đổi tên, doanh nghiệp phải lập hồ sơ gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để trình UBND tỉnh xét, quyết định.
Hồ sơ gồm có:
- Văn bản đề nghị đổi tên doanh nghiệp;
- Giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD ( bản chính + bản sao);
- Biên bản Đại hội (Hội nghị) thành viên Công ty V/v đề nghị đổi tên (đối với công ty);
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm xem xét, trình UBND tỉnh. Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh xét, quyết định cho phép hoặc từ chối cho phép đổi tên doanhnghiệp.
Sau khi được phép đổi tên, doanh nghiệp phải đăng ký đổi tên tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, đổi lại con dấu tại Công an tỉnh theo quy định của pháp luật.
2. Các thay đổi khác:
Khi thay đổi mục tiêu,ngành nghề kinh doanh, vốn, trụ sở, điều lệ công ty, danh sách Hội đồng quản trị Công ty (nếu có), bộ máy quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên công ty và các nội dung khác trong hồ sơ đã ĐKKD, doanh nghiệp phải đăng ký các nội dung thay đổi tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại điều 15 Luật DNTN, điều 21 Luật công ty và đăng báo về các nội dung thay đổi theo quy định của pháp luật. Các thay đổi khi được cơ quan ĐKKD chấp nhận mới có giá trị pháp lý.
Hồ sơ đăng ký thay đổi kinh doanh gồm có:
- Đơn đề nghị thay đổ ĐKKD;
- 02 tờ khai đăng ký thay đổi kinh doanh (theo mẫu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư);
- Giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD;
- Các tài liệu khác có liên quan trực tiếp đến sự thay đổi của doanh nghiệp;
- Đối với việc thay đổi ngành nghề kinh doanh có thêm: Báo cáo hoạt động 6 tháng gần nhất được Chi cục thuế huyện, thị xã xác nhận; Chứng chỉ chuyên môn hoặc giấy phép hành nghề đối với một số ngành nghề theo quy định của pháp luật; phương án kinh doanh ngành nghề thay đổi;
- Biên bản Đại hội (Hội nghị) thành viên về sự thay đổi (đối với công ty).
Điều 8. Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp
1- Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp:
Trong quá tình hoạt động, doanh nghiệp được phép chuyển đổi từ loại hình DN này sang loại hình DN khác theo quy định.
Hồ sơ chuyển đổi loại hình DN gồm:
- Đơn đề nghị chuyển đổi loại hình DN.
- Giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD.
- Báo cáo tài sản, tiền vốn, danh sách cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật;
- Dự thảo điều lệ (nếu chuyển sang loại hình công ty).
- Các tài liệu khác theo quy định của pháp luật và của UBND tỉnh đối với loại hình DN xin chuyển sang.
b- Trường hợp DN mới giữ nguyên ngành nghề kinh doanh đã đăng ký thì Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình UBND tỉnh xét, quyết định V/v cho phép thành lập DN mới trên cơ sở chuyển đổi loại hình DN.
Trường hợp DN mới kinh doanh ngành nghề khác với DN cũ đang kinh doanh thì áp dụng trình tự thẩm định như quy định tại khoản 1, 2 Điều 4 của quy định này.
C – Sau khi được cấp Giấy phép thành lập, DN mới phải ĐKKD tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 6 trên đây.
2- Chia tách, sát nhập, hợp nhất DN:
a- Chia tách DN:
Công ty có quyền chia tách thành nhiều DN hoạt động theo luật DNTN, Luật Công ty, nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp không thay đổi ngành nghề kinh doanh. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn DN lập phương án chia tách, bổ xung hồ sơ DN theo quy định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
- Trường hợp DN mới kinh doanh ngành nghề khác với DN cũ đang kinh doanh thì phải làm thủ tục như thành lập DN mới.
b- Sát nhập, hợp nhất DN
Các DN được quyền sát nhập vào DN khác hoặc hợp nhất thành DN mới. Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn DN lập phương án, hồ sơ để sát nhập, hợp nhất các doanh nghiệp khác hoặc trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, quyết định.
Điều 9. Đăng ký kinh doanh cho Chi nhánh, Văn phòng đại diện:
1- Đặt chi nhánh (CN), Văn phòng đại diện (VPĐD) của DN.
a- Các DN ở tỉnh, thành phố khác muốn hoạt động tại tỉnh Hưng Yên hoặc các DN ở tỉnh Hưng Yên muốn hoạt động tại tỉnh khác thì phải xin phép Uỷ ban nhân dân tỉnh nơi dự định đặt CN, VPĐD.
Hồ sơ gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, UBND tỉnh xét, quyết định cho phép hoặc từ chối DN đạt CN, VPĐD.
CN, VPĐD phải ĐKKD tại Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định của pháp luật và thực hiện các nội dung quy định tại khoản 3 điều 6 trên đây.
Mọi hoạt động kinh doanh của DN, Công ty (có trụ sở chính ở tỉnh, thành phố khác) trên địa bàn tỉnh Hưng Yên mà không ĐKKD tại Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên đều được coi là hoạt động kinh doanh trái phép và bị xử lý theo quy định của Pháp luật.
b- Hồ sơ đề nghị đặt CN, VPĐD ở Hưng Yên gồm có :
- Đơn đề nghị đặt CN, VPĐD;
- Bản sao giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD của DN (kèm theo bản chính để đối chiếu, kiểm tra);
- Phương án hoạt động kinh doanh tại tỉnh Hưng Yên;
- Giấy tờ chứng thực về trụ sở giao dịch của CN, VPĐD có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đặt CN, VPĐD;
- Ý kiến của UBND tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép thành lập DN về việc kinh doanh nghiệp đề nghị đặt CN, VPĐD tại tỉnh Hưng Yên.
c- Hồ sơ đề nghị đặt CN, VPĐD ở tỉnh, thành phố khác gồm có:
- Đơn đề nghị đặt CN, VPĐD;
- Bản sao giấy phép thành lập, giấy chứng nhận ĐKKD;
- Phương án hoạt động ở tỉnh khác;
- Báo cáo hoạt động năm gần nhất hoặc 6 tháng gần nhất ( đối với DN mới hoạt động chưa quá 1 năm ) được Chi cục thuế huyện, thị xã xác nhận.
2- Sau khi ĐKKD cho CN, VPĐD, Sở Kế hoạch và Đầu tư phải gửi thông báo và bản sao giấy chứng nhận ĐKKD tới các cơ quan nhà nước có liên quan theo quy định.
Điều 10. Chế độ kiểm tra, thanh tra
1- Việc kiểm tra, thanh tra (Định kỳ hoặc đột xuất) hoạt động của DN phải đảm bảo thực hiện đúng chức năng, đúng thẩm quyền, tuân thủ các quy định của pháp luật và phải được lập thành biên bản. Sau khi kiểm tra, thanh tra, các cơ quan nhà nước phải báo cáo kết quả về Uỷ ban nhân dân tỉnh.
2- Nghiêm cấm mọi hoạt động kiểm tra, thanh tra tùy tiện, cản trở hoạt động bình thường của DN. Tổ chức, cá nhân ra quyết định kiểm tra, thanh tra không đúng pháp luật hoặc lợi dụng kiểm tra, thanh tra gây sách nhiễu, phiền hà cho hoạt động kinh doanh bình thường của DN thì tùy mức độ sẽ bị xử lý theo quy định. Nếu gây thiệt hại cho DN thì phải bồi thường theo luật định.
Điều 11. Thu hồi giấy phép
DN bị thu hồi giấy phép trong các trường hợp sau:
1- Giải thể tự nguyện
DN giải thể tự nguyện theo quy định tại điều 16 Luật DNTN các điều 22, 23 Luật Công ty.
2- Giải thể bắt buộc (áp dụng đối với cả CN, VPĐD, Đơn vị kinh tế trực thuộc).
DN bị buộc giải thể khi có một trong các trường hợp sau đây:
a- Quá thời hạn ĐKKD mà DN chưa ĐKKD, hoặc quá thời hạn ĐKKD mà không được gia hạn;
b- Sau thời hạn 12 tháng đối với DN sản xuất, 6 tháng đối với DN còn lại kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận ĐKKD mà DN không hoạt động;
c- Không còn đủ các điều kiện thành lập doanh nghiệp như quy định trong luật DNTN, Luật công ty
d- Các trường hợp vi phạm khác theo quy định của Pháp luật.
3- Đề nghị thu hồi giấy phép
Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Kế hoạch và Đầu tư, các Sở quản lý ngành Kinh tế - Kỹ thuật, Cục thuế, Cục thống kê, Sở Tài chính – Vật giá, Ngân hàng nhà nước, Công an tỉnh, Thanh tra nhà nước, Quản lý thị trường, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã) đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh thu hồi giấy phép trong các trường hợp quy định tại khoản 2 điều này.
b- Các văn bản báo cáo đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép của DN, các cơ quan nhà nước gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư. Trong thời hạn 15 ngày (Kể từ ngay nhận được văn bản, báo cáo đề nghị ) – Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xét, quyết định. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân tỉnh xét, quyết định.
4- DN phá sản xử lý theo Luật phá sản DN.
Điều 12. Trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý doanh nghiệp.
1- Sở Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp với các sở, ngành, cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết các công việc liên quan đến quản lý hoạt động của DN; định kỳ tổng hợp, phân tích, đánh giá hoạt động của các DN.
2- Sở Tài chính – Vật giá, Cục thuế tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước; chịu trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc mở sổ sách, thực hiện chế độ kế toán – thống kê theo quy định; theo dõi, kiểm tra, giám sát các diễn biến tài chính và tình hình nộp thuế của DN; Xử lý hoặc kiến nghị xử lý các vi phạm pháp luật và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh theo thẩm quyền.
3- Các sở, ngành chuyên môn thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo quy định; hướng dẫn các DN thực hiện đúng các quy định của pháp luật, của ngành, Việc thực hiện chức năng quản lý của các sở, ngành được tiến hành thông qua hệ thống ngành mình tại các huyện, thị xã. Nếu DN vi phạm về nghiệp vụ chuyên môn và các quy định theo ngành kinh tế - kỹ thuật thì các Sở, Ngành phải chịu trách nhiệm chính.
4- Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên lãnh thổ theo quy định của pháp luật. Nếu DN vi phạm pháp luật mà không được phát hiện, xử lý thì trách nhiệm trực tiếp thuộc UBND huyện, thị xã.
5- Một số nhiệm vụ chủ yếu của UBND huyện, thị xã trong việc quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp:
- Nắm kế hoạch sản xuất – kinh doanh hàng năm của từng DN;
- Đăng ký kế hoạch nộp thuế, tiền thuê đất và các nghĩa vụ khác;
- Hướng dẫn, tạo môi trường cho các DN hoạt động đúng ngành nghề đã ĐKKD, chấp hành nghiêm pháp luật Kế toán – Thống kê, thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động, môi sinh, môi trường, chất lượng sản phẩm và hoạt động của tổ chức, đoàn thể người lao động trong DN.
- Lập quy hoạch đất dành cho phát triển sản xuất công nghiệp của các DN;
- Giải quyết kịp thời các kiến nghị, tranh chấp của DN theo thẩm quyền;
- Theo dõi, kiểm tra hoạt động, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật của các DN theo thẩm quyền, kiến nghị thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận ĐKKD của DN theo quy định của pháp luật và của UBND tỉnh;
- Định kỳ báo cáo UBND tỉnh (hàng quý, 6 tháng, cả năm) hoạt động của các DN (gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp).
Phòng Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối phối hợp với các cơ quan khác của huyện, thị xã giúp UBND cùng cấp giải quyết các công việc liên quan đến quản lý hoạt động của DN trên địa bàn.
Điều 13. Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm in mẫu các loại hồ sơ trên đây để các nhà đầu tư, DN tự làm.
Điều 14. Sở Kế hoạch và Đầu tư được phép thu một khoản tiền về việc xin phép thành lập DN, xin đặt CN, VPĐD gồm: Tiền mua hồ sơ xin phép thành lập DN, giấy phép, hồ sơ và giấy chứng nhận ĐKKD; mức thu cho từng loại doanh nghiệp, công ty theo Thông tư số 62/TC/TCT ngày 26/10/1992 của Bộ Tài chính. Việc sử dụng lệ phí thu được thực hiện theo Luật ngân sách nhà nước ./.