QUYẾT ĐỊNH CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
“V/v Ban hành bản quy định một số điểm cụ thể thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên”
________________________
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Luật đất đai ngày 14/7/1993.
- Căn cứ Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 Chính phủ.
- Căn cứ Nghị định số 203/HĐBT ngày 21/12/1982 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).
- Căn cứ Nghị định số 36/CP ngày 29/5/1995 của Chính phủ.
- Xét đề nghị của Giám đốc các Sở: Xây dựng, Địa chính, Nông nghiệp và PTNT, Giao thông vận tải, Tài chính vật giá.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định một số điểm cụ thể thực hiện Nghị định 22/1998/NĐ-CP về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.
Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Các ông (bà): Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện thị xã và các tổ chức cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
(Đã ký)
Phạm Đình Phú
|
QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐIỂM CỤ THỂ
“THỰC HIỆN NGHỊ ĐỊNH 22/1998/NĐ-CP VỀ ĐỀN BÙ THIỆT HẠI KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT ĐỂ SỬ DỤNG VÀO
MỤC ĐÍCH QUỐC PHÒNG, AN NINH, LỢI ÍCH QUỐC GIA, LỢI ÍCH
CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HƯNG YÊN”
(Ban hành kèm theo quyết định số: 1045/1998/QĐ-UB ngày 06/06/1998 của UBND tỉnh)
________________________
Điều 1. Bản quy định này gồm một số điểm cụ thể và bảng giá tính toán thực hiện việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng trên địa bàn tỉnh Hưng Yên theo Nghị định 22/1998/NĐ-CP.
Điều 2. UBND tỉnh là cấp quyết định phương án đền bù trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật, theo phân cấp của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ,ngành Trung ương.
Điều 3. Các cơ quan chức năng thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm tham mưu cho UBND thực hiện việc đền bù thiệt hại về đất và tài sản cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất theo đúng chức năng quy định tại điều 32, điểm 2, 3, 4, 5 điều 33 và trình tự thực hiện tại điều 34 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP.
Điều 4.
4.1- Trong trưởng hợp cần thiết khi làm đường giao thông, xây dựng khu công nghiệp, đắp đê … UBND tỉnh thành lập Hội đồng đền bù thiệt hại giải phóng mặt bằng thành phần gồm:
- Đ/c Phó chủ tịch UBND tỉnh – Chủ tịch Hội đồng.
- Giám đốc Sở Tài chính vật giá – Phó Chủ tịch Hội đồng.
- Giám đốc Sở Địa chính – Uỷ viên
- Giám đốc Sở Xây dựng – Uỷ viên
- Chủ tịch UBND huyện, thị xã có đất bị thu hồi – Uỷ viên
- Chủ dự án ( Chủ sử dụng đất ) – Uỷ viên
- Một số thành viên khác phù hợp với thực tế của mỗi công trình.
4.2- Các huyện, thị xã thành lập Hội đồng đền bù, giải phóng mặt bằng do Chủ tịch UBND huyện, thị xã làm Chủ tịch Hội đồng.
- Trưởng phòng Tài chính vật giá làm Phó chủ tịch thường trực
- Các ngành có liên quan làm ủy viên
- Chủ tịch UBND xã, phường có đất bị thu hồi làm ủy viên
- Đại diện chủ dự án, ủy viên
4.3- Ở xã, phường thành lập Ban giải phóng mặt bằng do Chủ tịch UBND xã, phường làm trưởng ban và các thành viên Địa chính, Giao thông, Tài chính, Công an … làm ủy viên.
4.4- Hội đồng thẩm định đền bù cấp tỉnh do Giám đốc Sở Tài chính vật giá làm Chủ tịch; Giám đốc các Sở Xây dựng, Địa chính làm ủy viên.
Điều 5.- Không thừa nhận việc đòi lại đất, ao đã điều chỉnh trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế ruộng đất của Nhà nước.
- Đất thuộc quỹ đất dự phòng làm đường giao thông, thủy lợi khi thu hồi không được đền bù về đất.
- Đất bất hợp pháp như lấn chiếm, không kê khai diện tích, không nộp thuế, tiền sử dụng đất, và không có một trong các điều kiện quy định tại điều 6 Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ; khi bị Nhà nước thu hồi không được đền bù thiệt hại về đất và phải tự chịu mọi chi phí tháo dỡ, giải tỏa mặt bằng theo yêu cầu của Nhà nước, đồng thời tùy theo mức độ vi phạm để xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Giá đất để tính đền bù thiệt hại theo khung giá đất tại biểu số 1 ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 7. Trong trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được đền bù khi Nhà nước thu hồi đất có nhu cầu về đất thì quỹ đất để đền bù thiệt hại gồm:
1- Đất cải tạo từ đất hoang hóa dùng vốn ngân sách hoặc vốn chương trình mục tiêu 773.
2- Đất thu hồi theo điều 26 Luật đất đai.
3- Qũy đất công ích của xã, phường, thị trấn.
Điều 8. Đối với đất đắp đê, làm các công trình thủy lợi và đường giao thông:
1- Đất lấy để đắp đê hàng năm ngoài bãi nhằm lợi dụng phù sa bồi lấp (không thuộc đất thu hồi vĩnh viễn) chỉ được tính đền bù về công, giống, vốn loại cây trồng một vụ trên đất đó cùng với tiền đền bù để san gạt lại mặt bằng canh tác và được miễn thuế tối thiểu một vụ.
2- Khi mở rộng đường giao thông: Phần đất nằm trong hành lang giao thông kể từ sau ngày thực hiện Nghị định số 203/HĐBT (ngày 21/12/1982) với đất ở qua các khu dân cư khi thực hiện Nghị định 36 đã giải tỏa thì trong phạm vi 6,5m tính từ mép nhựa, mép đá của đường (đường qua đô thị đã làm Blốc hè thì tính từ Blốc là 5m), không được tính tón đền bù thiệt hại về đất và tài sản.
Điều 9. Đối với nhà ở, vật kiến trúc và công trình xây dựng hợp pháp gắn liền với đất bị thu hồi thì được đền bù bằng gí trị còn lại của công trình. Giá trị đền bù của công trình được xác định bằng tỷ lệ (%) còn lại của công trình nhân với giá xây dựng mới theo mức giá tại biểu số 2 ban hành kèm theo quyết định này.
Điều 10.
1- Đối với việc di chuyển mồ mả, mức đền bù để di chuyển được tính chi phí đào, bốc, di chuyển và xây dựng lại theo quy định. Đơn giá đền bù theo mức giá tại biểu số 3 ban hành kèm theo quyết định này.
2- Việc đền bù, di chuyển đối với các di tích lịch sử, văn hóa, nhà thờ, đình chùa, nghĩa trang liệt sỹ, UBND tỉnh quyết định cho từng trường hợp cụ thể.
Điều 11.
1- Mức đền bù đối với cây hàng năm và vật nuôi trên đất có mặt nước, tính bằng giá trị sản lượng thu hoạch một vụ ( tính theo sản lượng thu hoạch bình quân của 3 vụ trước đó) và giá nông sản, thủy sản thực tế ở thị trường địa phương tại thời điểm đền bù.
Đơn giá đền bù tại biểu số 4 ban hành kèm theo quyết định này.
2- Mức đền bù đối với cây lâu năm:
a) Nếu cây trồng đang ở thời kỳ sinh trưởng hoặc mới bắt đầu thu hoạch thì đền bù toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu, chi phí chăm sóc đến thời điểm thu hồi đất.
b) Nếu cây trồng đang ở thời kỳ thu hoạch thì đền bù theo giá trị còn lại của vườn cây. Giá trị còn lại của vườn cây bằng giá trị đầu tư ban đầu cộng chi phí chăm sóc đến vụ thu hoạch đầu tiên, trừ phần đã khấu hao. Trong trường hợp không xác định được giá trị còn lại của vườn cây thì mức đền bù tối đa bằng 2 năm sản lượng ( tính theo sản lượng bình quân của 3 năm trước đó) và theo giá của nông sản cùng loại ở thị trường địa phương tại thời điểm đền bù.
c) Nếu là các loại cây lâu năm thu hoạch một lần thì đền bù toàn bộ chi phí đầu tư ban đầu và chi phí chăm sóc tính đến thời điểm thu hồi đất.
d) Nếu là cây lâu năm đến thời hạn thành lý thì chỉ đền bù chi phí cho việc chặt hạ cho chủ sở hữu vườn cây.
Đối với cây hàng năm và vật nuôi trên đất có mặt nước và các loại cây trồng trên đất không hợp pháp thì người trồng phải tự thu hồi giải tỏa theo yêu cầu của Nhà nước.
Đối với cây bóng mát, cây ăn quả, cây lấy gỗ trồng trên vỉa hè, hành lang giao thông khi thực hiện NĐ36/CP chưa xử lý; này mở rộng đường hoặc làm các công trình kỹ thuật như cấp thoát nước, điện sinh hoạt, thông tin … thì không đền bù về giá trị, nhưng có thể hỗ trợ chi phí chặt hạ khi cần thiết.
Điều 12. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nếu thấy việc đền bù thiệt hại không đúng với quy định này thì được quyền khiếu nại theo pháp lệnh khiếu nại, tố cáo. Đơn khiếu nại phải gửi đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải quyết trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đền bù thiệt hại, quá thời hạn này đơn khiếu nại không còn giá trị xem xét xử lý.