CHỈ THỊ
Về việc tăng cường quản lý chất lượng và an toàn vệ sinh
thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản
_________________
Công tác quản lý chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) nông, lâm, thuỷ sản trong thời gian qua đã được các cấp, các ngành quan tâm chỉ đạo, bước đầu thu được kết quả đáng khích lệ. Chất lượng, VSATTP từng bước được cải thiện góp phần thúc đẩy tiêu thụ nông, lâm, thuỷ sản trên thị trường trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân.
Tuy nhiên, chất lượng VSATTP nông, lâm, thuỷ sản chưa được đánh giá đầy đủ, chính xác, nhìn chung chưa thực sự đáp ứng yêu cầu; chất lượng các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, giống gia súc, gia cầm,... chưa được kiểm soát chặt chẽ; nhiều vùng sản xuất mang tích chất manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất thực hành tốt (VietGAP), tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, các chất kích thích sinh trưởng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.
Nguyên nhân của các tồn tại trên trước hết do nhận thức về chất lượng và VSATTP của các cấp quản lý, của cả người sản xuất và người tiêu dùng chưa thực sự đầy đủ. Tổ chức bộ máy quản lý chất lượng VSATTP chưa được kiện toàn đủ mạnh ở cả ba cấp tỉnh, huyện, xã; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về ATVSTP đến người sản xuất chưa được coi trọng; nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực quản lý ATTP và cơ chế chính sách chưa thực sự khuyến khích người sản xuất áp dụng quy trình đảm bảo VSATTP; việc thanh tra, kiểm tra, giám sát chưa được thực hiện thường xuyên, biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm chưa đủ mạnh để có tính ngăn ngừa.
Thực hiện Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 của Quốc hội khoá 12; Chỉ thị số 1159/CT-BNN-QLCL ngày 27/4/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản; Thông tư số 14/2011/TT-BNNPTNT ngày 29/3/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản.
Để tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản và phát triển bền vững nông nghiệp nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, cung cấp nguồn thực phẩm đảm bảo chất lượng an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu. UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thành phố tập trung thực hiện tốt một số nội dung chính sau:
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định của Luật An toàn thực phẩm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố tăng cường năng lực, nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng, ATVSTP nông, lâm, thuỷ sản và muối theo phân công, phân cấp; triển khai nghiêm túc Chương trình mục tiêu Quốc gia về ATVSTP;
- Chỉ đạo tăng cường công tác thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản, chất lượng vật tư nông nghiệp, đưa công tác sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản đi vào nề nếp theo đúng Thông tư hướng dẫn số 14/2011/TT-BNNPTNT và Chỉ thị số 1159/CT-BNN-QLCL của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai, đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm các cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản;
- Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành luật của Trung ương, bộ, ngành và các văn bản của tỉnh về ATVSTP tới toàn thể nhân dân, từng bước nâng cao nhận thức cho các đối tượng tham gia sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong tỉnh;
- Rà soát quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất thực phẩm an toàn, phát triển các mô hình sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản an toàn, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc, được kiểm tra công nhận đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm;
- Chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh cơ chế, chính sách về nguồn vốn, nhân lực và các chương trình, đề án, dự án, đề tài để thực hiện tốt công tác quản lý chất lượng nhằm phát triển sản xuất hàng hoá bền vững, có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và sức khoẻ cho nhân dân.
2. Các sở, ban, ngành: Y tế, Công thương, Khoa học và Công nghệ, Công an, Truyền thông và các tổ chức chính trị - xã hội có liên quan:
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động quản lý, giám sát chất lượng nông, lâm, thuỷ sản theo nhiệm vụ được phân công của Luật An toàn thực phẩm, trọng tâm là các nhóm thực phẩm thịt gia súc, gia cầm, thuỷ sản và rau, củ, quả nhất là các yếu tố có nguy cơ cao gây mất An toàn thực phẩm;
- Phối hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến các quy định của Luật An toàn thực phẩm trong nhân dân;
- Phối hợp trong việc thanh, kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản để sản phẩm nông, lâm sản, thực phẩm từ khi sản xuất đến khi đưa ra thị trường tiêu thụ được quản lý và kiểm soát chặt chẽ, an toàn, đảm bảo cho sức khoẻ người tiêu dùng.
3. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Kiện toàn và giao chức năng nhiệm vụ quản lý chất lượng an toàn thực phẩm cho các phòng chuyên môn để có đủ nhân lực thực thi nhiệm vụ và tham mưu giúp UBND huyện, thành phố quản lý an toàn thực phẩm từ trong quá trình sản xuất đến khi tiêu thụ trên địa bàn;
- Thực hiện các quy hoạch, kế hoạch của tỉnh, các nhiệm vụ quản lý, kiểm tra VSATTP và chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản theo phân cấp;
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn củng cố, sắp xếp phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, nhân viên làm công tác kỹ thuật khuyến nông, thú y, bảo vệ thực vật giúp UBND xã thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về chất lượng an toàn thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản trên địa bàn. Tập trung vào nhiệm vụ giám sát các cơ sở kinh doanh vật tư, tuyên truyền hướng dẫn việc thực hiện các điều kiện đảm bảo VSATTP đối với cơ sở sản xuất, giết mổ, chế biến, bảo quản, vận chuyển và mua bán thực phẩm, xác nhận xuất xứ của sản phẩm tại địa phương;
Việc quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản yêu cầu phải đảm bảo đồng bộ xuyên suốt quá trình từ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển đến tiêu dùng.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan; UBND các huyện, thành phố hàng năm xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ nêu trên, định kỳ báo cáo UBND tỉnh kết quả triển khai thực hiện.
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc chỉ thị này.