CHỈ THỊ
Về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh
động vật; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật,
kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y
__________________
Từ đầu năm đến nay, dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, khó lường. Dịch bệnh xảy ra ở nhiều tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước: 21 tỉnh, thành phố có ổ dịch cúm gia cầm với 99.780 con gia cầm mắc bệnh, số gia cầm chết và buộc phải tiêu huỷ là 132.667 con; 16 tỉnh, thành phố có ổ dịch Lở mồm long móng gia súc với 77.629 con trâu, 8.578 con bò và 41.692 con lợn mắc bệnh; số gia súc đã tiêu hủy là 6.889 con trâu, bò; 31.642 con lợn và 213 con dê; 16 tỉnh, thành phố có ổ dịch Tai xanh lợn với hơn 20.406 con mắc bệnh, tiêu huỷ 15.656 con. Hiện nay cả nước dịch bệnh động vật cơ bản được khống chế, không phát sinh các ổ dịch mới.
Tuy nhiên, vào thời điểm Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nguy cơ bùng phát một số dịch bệnh nguy hiểm ở động vật tiếp tục phát sinh và lây lan ra diện rộng là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu là do vi rút cúm gia cầm đã biến đổi chưa có vắc xin phòng bệnh thích hợp; vi rút Lở mồm long móng, Tai xanh ở lợn vẫn lưu hành trong đàn gia súc khỏi bệnh về lâm sàng; việc lưu thông buôn bán động vật, sản phẩm động vật phục vụ Tết Nguyên đán tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều loại mầm bệnh tồn tại, phát tán; thời tiết thay đổi thất thường, có nhiều ngày rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi. Bên cạnh đó, việc kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật còn gặp nhiều khó khăn.
Ở tỉnh ta, những năm qua đã từng xảy ra dịch cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc, Tai xanh ở lợn, nhưng thời gian gần đây do thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt kết quả cao nên dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm tạm thời được khống chế.
Để chủ động ngăn ngừa, khống chế các bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đảm bảo nguồn cung thực phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố tập trung triển khai thực hiện một số nội dung sau:
1. Tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 17/3/2011 của UBND tỉnh về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; Chỉ thị số 3634/CT-BNN-TY ngày 09/12/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh động vật; kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật.
2. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh:
- Duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm tỉnh.
- Các thành viên Ban Chỉ đạo chủ động lồng ghép các công tác chuyên môn của ngành với việc tuyên truyền, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, đồng thời tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch ở các địa bàn đã được phân công phụ trách để chỉ đạo kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Thường xuyên kiện toàn, củng cố và duy trì hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm để chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch, ứng phó kịp thời với diễn biến dịch bệnh xảy ra trên đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt là dịch Cúm gia cầm, Lở mồm long móng gia súc và Tai xanh ở lợn.
- Chỉ đạo chính quyền cơ sở, các đơn vị phối hợp với các tổ chức đoàn thể ở địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh gia súc, gia cầm đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi nhằm phát hiện sớm các ổ dịch để có biện pháp xử lý kịp thời:
+ Đối với dịch Cúm gia cầm:
Khi có dịch xảy ra, khoanh vùng dập dịch và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt như: Lấy mẫu gửi xét nghiệm, đồng thời tiêu hủy ngay đàn gia cầm bị bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng xung quanh khu vực có dịch, lập chốt kiểm dịch ngăn chặn gia cầm vận chuyển ra ngoài ổ dịch; tuyên truyền cho mọi người dân về tính chất nguy hiểm của bệnh, không tiếp xúc, ăn gia cầm bị bệnh, không rõ nguồn gốc, khai báo sớm khi có gia cầm nghi bị dịch.
+ Đối với dịch Tai xanh:
Khi có dịch xảy ra, khoanh vùng dập dịch và áp dụng các biện pháp chống dịch quyết liệt như: Tiêu hủy ngay lợn chết, lợn bệnh, công bố dịch, thành lập Ban phòng chống dịch, tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng, tạm thời dừng vận chuyển lợn, sản phẩm của lợn ra ngoài địa bàn có dịch, sử dụng vắc xin Tai xanh phòng bệnh, tránh để lây lan rộng và lây lan sang các địa phương khác.
+ Đối với bệnh Lở mồm long móng:
Tăng cường công tác giám sát chủ động trên địa bàn nhằm phát hiện kịp thời ổ dịch khi mới xuất hiện để xử lý triệt để theo hướng dẫn của cơ quan thú y và các quy định hiện hành của Nhà nước. Giao trách nhiệm giám sát và xử lý ổ dịch cho cấp ủy, chính quyền cơ sở và nhân viên thú y; vận động các tổ chức đoàn thể và nhân dân cùng tham gia.
- Thường xuyên kiểm tra việc triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh động vật ở cấp xã, thôn. Việc kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên và xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành công tác phòng, chống dịch.
- Định kỳ tổ chức vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường chuồng trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm vùng có ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao phát dịch.
- Triển khai tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm theo kế hoạch của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và tiêm bổ sung cho đàn gia súc, gia cầm ở các địa phương có tỷ lệ tiêm phòng thấp có số gia súc còn lại chưa được tiêm phòng hoặc được nuôi mới.
- Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến cho toàn thể nhân dân hiểu biết và nhận rõ về nguy hại của dịch bệnh đối với phát triển chăn nuôi và đối với sức khỏe con người; thành lập đội xung kích, tổ tuyên truyền lưu động để tuyên truyền đến tận thôn, xóm, hộ chăn nuôi; chỉ đạo Đài Truyền thanh của huyện, thành phố, các đài xã, phường, thị trấn có nhiều tin bài tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh trên bản tin hàng ngày để vận động nhân dân tự giác tham gia phòng, chống dịch.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn thực hiện kiểm soát giết mổ ở tất cả các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; thịt gia súc, gia cầm bán ở các chợ phải được đóng dấu kiểm soát giết mổ hoặc dán tem vệ sinh thú y của cơ quan thú y. Giao UBND xã, phường, thị trấn phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tiêu thụ tại địa phương; quy hoạch địa điểm cố định ở các chợ có buôn bán động vật, sản phẩm động vật.
- Thành lập và chỉ đạo các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm theo quy định đối với hành vi vi phạm trong vận chuyển kinh doanh buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các ngành, chính quyền các cấp chỉ đạo cơ quan chuyên môn:
- Tăng cường kiểm tra, giám sát dịch bệnh đàn gia súc, gia cầm; quản lý chặt chẽ các ổ dịch cũ; chuẩn bị đầy đủ vật tư phục vụ cho công tác phòng, chống dịch.
- Hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện tốt công tác tiêm phòng và áp dụng đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch cho gia súc, gia cầm.
- Tổ chức thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước; đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, động vật, sản phẩm động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
5. Kinh phí phòng, chống dịch thực hiện theo Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 và Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ. Các địa phương chủ động trích kinh phí từ quỹ dự phòng để hỗ trợ cho công tác vệ sinh tiêu độc khử trùng và các hộ chăn nuôi có gia súc, gia cầm phải tiêu hủy.
6. Sở Tài chính cấp kinh phí kịp thời và hướng dẫn sử dụng kinh phí để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đạt hiệu quả cao.
7. Sở Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các địa phương tiêu huỷ gia súc, gia cầm mắc bệnh, phun thuốc khử trùng chuồng trại chăn nuôi, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường.
8. Sở Công Thương, Công an tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm ra vào địa bàn tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm và sản phẩm của chúng chưa qua kiểm dịch của cơ quan thú y.
9. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên tăng thêm thời lượng phát sóng, có nhiều tin, bài tuyên truyền vận động người chăn nuôi, buôn bán vận chuyển giết mổ gia súc, gia cầm tích cực tham gia các biện pháp phòng, chống dịch chủ động áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và khai báo khi có dịch.
10. Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, tổ chức xã hội - chính trị các cấp phối hợp với chính quyền các cấp tổ chức vận động nhân dân tích cực chủ động tham gia giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời các ổ dịch.
Để ngăn chặn dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung Chỉ thị này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tổng hợp, báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh về UBND tỉnh để có biện pháp chỉ đạo kịp thời./.