QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và phát triển hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2007 - 2010
____________________________
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29/4/2004;
Căn cứ Chỉ thị số 30/2005/CT-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm;
Căn cứ Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm;
Căn cứ Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI;
Căn cứ Quyết định số 1039/QĐ-BNN-NN ngày 09/5/2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án đổi mới hệ thống chăn nuôi gia cầm;
Căn cứ Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 20/10/2006 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khoá XVI về Chương trình phát triển nông thôn tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2006 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 2623/QĐ-UB ngày 06/10/2002 của UBND tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt quy hoạch nông nghiệp nông thôn tỉnh Hưng Yên đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 46/2005/QĐ-UB ngày 15/6/2005 của UBND tỉnh về việc quy định tạm thời khuyến khích phát triển kinh tế trang trại;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 63/TTr-NN ngày 11/5/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và phát triển hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2007 - 2010 như sau:
1- Tên Đề án: Phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và phát triển hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2007 - 2010.
2- Mục tiêu Đề án:
a) Mục tiêu chung:
- Phát triển ngành chăn nuôi hàng hoá tập trung xa khu dân cư theo hướng tiên tiến, hiện đại gắn với xây dựng vùng an toàn dịch, bảo vệ môi trường và sức khoẻ cộng đồng.
- Trên cơ sở quy hoạch, từng bước xây dựng hệ thống giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh gắn với vùng nguyên liệu chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đảm bảo kiểm soát được dịch bệnh và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phấn đấu năm 2010 tỷ trọng chăn nuôi đạt trên 45%, trong đó tỷ trọng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghệ tiên tiến đạt từ 25 - 30%, từng bước khống chế và chủ động kiểm soát được các dịch bệnh nguy hiểm.
b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2010:
- Tổng đàn gia súc, gia cầm:
+ Tổng đàn lợn: 750.000 con (tốc độ tăng 5%/năm), trong đó đàn lợn nái chiếm 10,5 - 11%, đàn lợn hướng nạc 75%.
+ Tổng đàn bò: 52.000 con (tốc độ tăng 4%/năm); trong đó, bò lai sind chiếm 90 - 95%, bò thịt chất lượng cao 20 - 25% tổng đàn;
+ Tổng đàn gia cầm: 8 triệu con (tốc độ tăng 5%/năm), trong đó đàn gà chiếm 70% tổng đàn.
+ Chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung 25% - 35%;
- Sản phẩm chăn nuôi:
+ Sản lượng thịt hơi: 146.000 tấn (tăng 17,2%/năm), trong đó: thịt lợn 110.000 tấn, gia cầm 33.000 tấn, trâu bò 4.000 tấn.
+ Sản lượng trứng: 200 triệu quả.
- Tỷ lệ đàn gia súc, gia cầm được giết mổ tập trung:
+ Đàn lợn: 25 - 30%
+ Đàn trâu bò: 35 - 40%
+ Đàn gia cầm: 40 - 45%
- Các xã, thị trấn đều có điểm chăn nuôi tập trung xa khu dân cư.
3- Nội dung và kế hoạch thực hiện:
a) Quy hoạch và xây dựng các khu chăn nuôi tập trung:
- Cấp huyện: Quy hoạch các khu phát triển chăn nuôi tập trung có điều kiện hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để bố trí các dự án đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, dự án xây dựng cơ sở sản xuất giống cấp ông bà, bố mẹ nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.
- Cấp xã: Tuỳ theo tình hình phát triển chăn nuôi của từng địa phương, mỗi xã, phường, thị trấn quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng vùng an toàn dịch, bảo vệ môi trường.
b) Quy hoạch, xây dựng hệ thống giết mổ, bảo quản chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm: Mỗi huyện, thị xã quy hoạch một điểm cơ sở giết mổ, bảo quản chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm để kêu gọi đầu tư xây dựng; đồng thời có thể tính toán quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm quy mô nhỏ theo cụm xã, liên xã.
4- Giải pháp:
a) Giải pháp về quy hoạch và đất đai:
- Căn cứ quỹ đất và tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm, UBND các huyện, thị xã rà soát và bổ sung quy hoạch cho phát triển chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm;
- Ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở mức ưu đãi cao nhất.
b) Giải pháp về kỹ thuật:
- Về giống: Khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất con giống đảm bảo phẩm cấp, nhất là cơ sở giống cấp ông bà.
- Về thú y: Đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tiêm phòng nhất là các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, cúm gia cầm và các bệnh khác với tỷ lệ trên 90% tổng đàn; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh thuốc thú y; đầu tư kinh phí, đảm bảo đủ năng lực và điều kiện cho chẩn đoán một số bệnh nguy hiểm gia súc, gia cầm để kịp thời khống chế, kiểm soát và dập dịch; đảm bảo hoạt động có hiệu quả hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở.
- Về khuyến nông: Hướng dẫn xây dựng chuồng trại đảm bảo vệ sinh chăn nuôi - thú y và môi trường sinh thái; xây dựng và nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến về tổ chức chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung xa khu dân cư đảm bảo an toàn dịch bệnh, tuyên truyền và chuyển giao mô hình giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, kiểm soát dịch bệnh.
c) Giải pháp về cơ chế chính sách:
- Áp dụng các chính sách ưu đãi ở mức cao nhất về các loại thuế, hỗ trợ, bồi thường giải phóng mặt bằng và thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành về khuyến khích đầu tư và Quyết định số 394/QĐ-TTg ngày 13/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.
- Mức hỗ trợ do Liên ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Tài chính đề nghị cụ thể cho từng dự án trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
d) Giải pháp về vốn:
Vốn ngân sách hỗ trợ; vốn huy động của dân, vốn tự có của các doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi theo tiến độ của Đề án.
5- Thời gian thực hiện Đề án: 2007 - 2010:
- Năm 2007: Hoàn thiện phê duyệt Đề án; xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn; bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cho thực hiện Đề án.
- Năm 2007 - 2010: Triển khai trên toàn tỉnh.
Điều 2. Tổ chức thực hiện:
1- Thành lập Ban chỉ đạo Đề án cấp tỉnh do Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trưởng ban, các thành viên Ban chỉ đạo là lãnh đạo các sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Thương mại và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, mời một số tổ chức chính trị xã hội tham gia Ban chỉ đạo.
2- Nhiệm vụ của các ngành:
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Là cơ quan thường trực, chủ trì việc xây dựng kế hoạch thực hiện, trực tiếp điều phối công việc của Ban chỉ đạo; xây dựng các văn bản hướng dẫn về kỹ thuật; thẩm định kỹ thuật các dự án đầu tư; kiểm soát giết mổ gia súc gia cầm theo quy định.
- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng quy chế và quản lý nguồn vốn ngân sách thực hiện Đề án, xây dựng các văn bản hướng dẫn về tài chính phối hợp với Cục Thuế xây dựng chính sách ưu đãi về thuế.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cân đối ngân sách hàng năm hỗ trợ cho Đề án; tham gia xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án hàng năm; hướng dẫn các nhà đầu tư thủ tục, trình tự và thẩm định tiếp nhận dự án đầu tư.
- Sở Khoa học và Công nghệ: Xây dựng kế hoạch khoa học hàng năm, bố trí kinh phí sự nghiệp khoa học cho áp dụng, chuyển giao kỹ thuật tiến bộ vào chăn nuôi, giết mổ và chế biến sản phẩm gia súc, gia cầm.
- Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với các huyện, thị xã thực hiện rà soát và bổ sung quy hoạch kế hoạch sử dụng đất để thực hiện Đề án; chỉ đạo và phối hợp với các địa phương kiểm tra việc thực hiện Luật Bảo vệ môi trường.
- Sở Y tế: Chủ trì và phối hợp với các ngành kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Sở Thương mại và Du lịch: Phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các đơn vị, cơ sở tổ chức thực hiện có hiệu quả quy hoạch hệ thống giết mổ.
- UBND các huyện, thị xã chủ động cụ thể hoá xây dựng kế hoạch hàng năm và cả giai đoạn, đề ra biện pháp tổ chức thực hiện hữu hiệu đối với địa phương mình.
- Các sở, ngành khác và các tổ chức chính trị xã hội liên quan, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình vận động tuyên truyền hội viên và nhân dân tự giác chấp hành việc chăn nuôi xa khu dân cư, giết mổ gia súc gia cầm tập trung, kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Các ông: Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thi hành quyết định này./.