• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 03/01/2008
UBND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 19/2007/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 24 tháng 12 năm 2007

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông

______________________

Thời gian gần đây, tình hình tai nạn giao thông trên toàn quốc nói chung và địa bàn tỉnh nói riêng diễn biến rất phức tạp, một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên tiếp xảy ra làm chết và bị thương nhiều người, gây thiệt hại lớn về vật chất, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế, an ninh xã hội và để lại hậu quả lâu dài cho nhiều gia đình và xã hội. Riêng ở tỉnh ta mặc dù các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể trong toàn tỉnh đã có nhiều cố gắng, triển khai thực hiện các biện pháp phòng ngừa, kiềm chế tai nạn giao thông trên địa bàn, song 11 tháng đầu năm 2007 xảy ra 185 vụ tai nạn giao thông, làm chết 152 người, bị thương 134 người, cả ba tiêu chí trên đều tăng so với cùng kỳ năm trước và đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn giao thông có nhiều, nguyên nhân khách quan do kết cấu hạ tầng giao thông còn hạn chế, nhưng chủ yếu do nguyên nhân chủ quan là công tác quản lý nhà nước về trật tự an toàn giao thông ở một số địa phương, ngành thiếu tích cực, chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức đối với công tác này, xử lý chưa nghiêm tình trạng vi phạm, lấn chiềm hành lang an toàn giao thông và hành vi vi phạm người tham gia giao thông khiến cho tình trạng tai nạn giao thông đã gia tăng.

Quán triệt chỉ thị số 22/CT-TW ngày 24/2/2003 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Thông báo số 90/TB-TW ngày 31/8/2007 của Ban Bí thư Trung ương về tình hình trật tự an toàn giao thông; Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, giám đốc các sở, ban, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt một số nội dung sau:

1. UBND các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành phấn đấu thực hiện bằng được mục tiêu “Kiềm chế gia tăng, tiến tới đẩy lùi tai nạn giao thông”. Phải đặt nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý của cả hệ thống chính trị. Tiếp tục thực hiện nghiêm và có hiệu quả các chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, Nghị quyết của Chính phủ và Kế hoạch hành động số 63/KH-UBND ngày 17/8/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

2. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương, xây dựng các biện pháp, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bản tỉnh; thống kê, rà soát, xây dựng kế hoạch xử lý các điểm nguy cơ gây tai nạn giao thông; tăng cường kiểm tra, quản lý chất lượng công trình giao thông; chất lượng công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận tải, các dịch vụ hỗ trợ vận tải, hành lang an toàn giao thông.

3. Công an tỉnh xây dựng các giải pháp, biên pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát lực lượng công an trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông ngay từ các thôn, xóm; thực hiện kiểm tra chuyên đề việc chấp hành đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, chống đua xe, lạng lách, đánh võng, phóng nhanh, vượt ẩu; xử lý các phương tiện giao thông cơ giới vi phạm Luật Giao thông đường bộ; cấm xe công nông, xe tự chế lưu hành.

4. Sở Tài nguyên - Môi trường quản lý, hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng đất và xây dựng công trình trong hành lang an toàn giao thông đường bộ; phối hợp với các địa phương thống kê, rà soát, phân loại đất và công trình xây dựng trong hành lang an toàn giao thông đường bộ.

5. Sở xây dựng tăng cường công tác quản lý nhà nước về xây dựng các công trình kiến trúc ven đường giao thông của tổ chức, cá nhân. Chủ trì phối hợp với các Sở Giao thông vận tải quy hoạch khu dân cư ven đường giao thông, các điểm đấu nối ra đường chính bảo đảm an toàn giao thông.

6. Sở Tài chính căn cứ quy định hiện hành, trình UBND tỉnh xem xét cấp kinh phí cho các hoạt động bảo đảm an toàn giao thông.

7. Sở Tư pháp, Sở Văn hóa - Thông tin, Đài phát thanh - Truyền hình, Báo Hưng Yên: Phối hợp với các cấp, các ngành, các đoàn thể tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông để mọi tầng lớp nhân dân đồng thuận, tự giác chấp hành.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã.

- Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn; xây dựng lộ trình giải tỏa vi phạm hành lang an toàn giao thông theo tinh thần Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý, đình chỉ các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, đường thủy nội địa hoạt động trái phép.

- Quản lý chặt chẽ các bến đò trở khách trên địa bàn; kiên quyết đình chỉ hoạt động các bến, đò không đủ tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, thiếu trang thiết bị cứu sinh theo quy định.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội phối hợp với các cơ quan nhà nước tuyên truyền, giáo dục cho đoàn viên, hội viên, cán bộ công chức và mọi người dân ý thức tự giác chấp hành nghiêm túc pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Trên cơ sở nội dung nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Kế hoạch hành động số 63/KH-UBND ngày 17/8/2007 của UBND tỉnh và các nội dung trong Chỉ thị này, UBND các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông.

Giao Thường trực Ban An toàn giao thông tỉnh, Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả với UBND tỉnh và Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Văn Cường

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.