• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 31/08/2008
UBND TỈNH HƯNG YÊN
Số: 08/2008/CT-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 21 tháng 8 năm 2008

CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN

Về việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng

vắc xin cho gia súc, gia cầm

______________

Thời gian qua, tình hình diễn biến dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm rất phức tạp, đặc biệt là bệnh lở mồm long móng gia súc và bệnh tai xanh trên lợn đã xuất hiện dịch trên diện rộng làm nhiều gia súc, gia cầm mắc bệnh và chết gây thiệt hại lớn về kinh tế, an ninh xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

Mặc dù, trên địa bàn tỉnh ta chưa phát hiện trường hợp mắc các dịch bệnh trên, song nguy cơ tái phát dịch là rất cao do tỉnh ta đã phát sinh các ổ dịch bệnh Cúm gia cầm, Tai xanh ở lợn, Lở mồm long móng ở gia súc vào các năm 2006, 2007 và hiện nay dịch bệnh đang xảy ra ở một số địa phương lân cận.

Nhằm chủ động phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm đảm bảo không phát sinh dịch bệnh, bảo vệ đàn gia súc, gia cầm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và thực hiện Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện một số nội dung sau:

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương triển khai kế hoạch tiêm phòng gia súc, gia cầm vụ thu năm 2008 đảm bảo đúng thời gian tiêm, tỷ lệ tiêm phòng phải đạt 100%, hiệu quả cao, tránh thất thoát và lãng phí vắc xin. Tổ chức tiêm bổ sung vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải được thực hiện liên tục giữa các đợt tiêm chính và xây dựng kế hoạch tiêm phòng vắc xin hàng tháng cho đàn gia súc, gia cầm đã đủ tuổi tiêm phòng, mới nhập về nuôi. Chủ động phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc chính quyền địa phương triển khai công tác tiêm phòng và báo cáo bằng văn bản về công tác tiêm phòng vắc xin sau mỗi đợt tiêm (tính theo đơn vị cấp huyện), bao gồm: tổng đàn gia súc, gia cầm của địa phương; số lượng gia súc, gia cầm được tiêm phòng, tỷ lệ tiêm phòng đạt được, thời gian triển khai tiêm phòng đối với từng loại bệnh; chủng loại vắc xin sử dụng… Chỉ đạo các cơ quan thú y phải lập sổ theo dõi tiêm phòng, cấp giấy chứng nhận tiêm phòng để đối chiếu khi cần thiết và tạo cơ sở cho việc cấp giấy kiểm dịch vận chuyển.

Chủ trì phối hợp với sở, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã xây dựng Kế hoạch tiêm phòng của tỉnh (Kế hoạch cụ thể về tài chính, nhân lực, thời gian, trang thiết bị phục vụ công tác tiêm phòng…) năm 2009 và các năm tiếp theo đối với các bệnh thuộc Danh mục các bệnh phải tiêm phòng bắt buộc được quy định tại Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gồm các bệnh: Lở mồm long móng; Dịch tả lợn; Nhiệt thán; Tụ huyết trùng trâu, bò, lợn; Dại; Niu cát xơn; Dịch tả vịt và các bệnh khác theo đặc điểm dịch tễ học của bệnh trên địa bàn tỉnh như: Phó thương hàn lợn, Đóng dấu lợn, Tai xanh ở lợn… tại các nơi có nguy cơ cao, ổ dịch cũ, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trước ngày 31 tháng 12 hàng năm.

2. Sở Tài chính hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng kinh phí để triển khai tiêm phòng gia súc, gia cầm theo kế hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đồng thời tính và hướng dẫn việc thu phí tiêm phòng đối với các loại vắc xin không nằm trong Danh mục được Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh hỗ trợ theo quy định.

3. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hưng Yên xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức tuyên truyền đến tận hộ chăn nuôi về Quy định tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc phải tiêm phòng ban hành theo Quyết định số 63/2005/QĐ-BNN ngày 13 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Chính phủ, của Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc tiêm phòng nhằm nâng cao nhận thức của toàn dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng vắc xin, về hỗ trợ người chăn nuôi có gia súc, gia cầm bị tiêu hủy do dịch bệnh theo đó chỉ những người chăn nuôi chấp hành các quy định về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm mới được nhận hỗ trợ từ ngân sách địa phương khi có dịch xảy ra theo Quyết định số 719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã phối hợp với Chi cục Thú y tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch tiêm phòng vắc xin gia súc, gia cầm vụ thu năm 2008 và xây dựng kế hoạch tiêm phòng cho năm 2009 và các năm tiếp theo, bao gồm: tổ chức tập huấn kỹ thuật tiêm phòng; chuẩn bị cung ứng vắc xin, dụng cụ tiêm phòng, đồng thời chỉ đạo chính quyền cấp xã tập trung huy động lực lượng tham gia tiêm phòng.

5. Đề nghị Ủy ban mặt trận tổ quốc, các đoàn thể các cấp phối hợp với chính quyền cùng cấp tổ chức vận động nhân dân tích cực chủ động thực hiện tiêm phòng bắt buộc vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm.

Chỉ thị này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã triển khai thực hiện nội dung Chỉ thị này một cách nghiêm túc, khẩn trương./.

TM. Ủy ban nhân dân

KT. CHỦ TỊCH
Phó Chủ tịch

(Đã ký)

 

Nguyễn Thanh Quán

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.