CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH HƯNG YÊN
Về việc tăng cường quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh
____________
Nước là tài nguyên khoáng sản quý, cần thiết cho con người và xã hội. Ở tỉnh ta, nguồn nước dưới đất thuộc loại tốt được sử dụng làm nước sinh hoạt, đặc biệt ở khu vực phía bắc của tỉnh có nguồn nước để làm nước khoáng, nước lọc tinh khiết.
Nhằm phát huy lợi thế về tài nguyên nước và đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong những năm qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chấp thuận và quyết định đầu tư một số nhà máy nước sạch tập trung tại thị xã Hưng Yên, đô thị Phố Nối, thị trấn Như Quỳnh, Khu công nghiệp Phố Nối A, Phố Nối B và các nhà máy nước sạch nông thôn tại một số xã, thị trấn; đồng thời cấp giấy phép khai thác nước dưới đất cho các nhà máy sản xuất công nghiệp đối với những nơi chưa có nhà máy nước tập trung... Tuy nhiên, tình hình ô nhiễm nguồn nước do nước thải từ các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu làng nghề và do khai thác nước dưới đất thiếu quy hoạch, chưa hợp lý ngày càng tăng có nguy cơ gây ô nhiễm và suy giảm tài nguyên nước của tỉnh nên cần được quản lý, khai thác và sử dụng nguồn nước dưới đất hợp lý, hiệu quả và gắn với bảo vệ môi trường nước.
Trong thời gian trước mắt cũng như lâu dài, nhu cầu về nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư nông thôn ở tỉnh ta là rất lớn. Để bảo vệ, quản lý và sử dụng nguồn nước dưới đất có hiệu quả, bảo vệ môi trường nước, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở: Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Khẩn trương hoàn chỉnh và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định về quản lý tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tổ chức điều tra, đánh giá xác định vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trình phê duyệt theo quy định; khẩn trương hoàn thiện và trình phê duyệt kết quả điều tra, khảo sát, đánh giá hiện trạng phát sinh xả thải, quản lý, xử lý nước thải các cơ sở sản xuất công nghiệp và xả thải ở các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh; hoàn thành báo cáo kết quả điều tra, khảo sát hiện trạng ô nhiễm Asen trong nước ngầm và lập bản đồ ô nhiễm Asen tầng nước dân dụng. Thời gian hoàn thành trong quý II năm 2009.
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc xả nước thải gây ô nhiễm môi trường của các cơ sở sản xuất công nghiệp, làng nghề, chế biến, tái chế phế liệu..., xử lý nghiêm các trường hợp, hành vi vi phạm pháp luật; kiểm tra, giám sát việc khoan, khai thác và sử dụng nước dưới đất của các cơ sở sản xuất công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy phép khai thác nước dưới đất; cương quyết xử lý, đình chỉ hoạt động và thu hồi giấy phép khai thác nước dưới đất đối với các trường hợp không chấp hành nghiêm quy định của pháp luật trong khai thác, sử dụng nước dưới đất, nhất là đối với những nơi đã có nguồn nước sạch từ các nhà máy sản xuất nước tập trung; giám sát chặt chẽ việc lấp giếng khai thác nước khi không sử dụng.
- Thẩm định chặt chẽ nhu cầu xin phép khai thác, sử dụng nước dưới đất và cương quyết không trình cấp Giấy phép khai thác nước dưới đất cho các cơ sở sản xuất đối với những nơi đã có nguồn nước sạch của các nhà máy nước tập trung.
- Phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đôn đốc việc triển khai xây dựng và sớm đưa vào vận hành các nhà máy sản xuất nước sạch tập trung tại thị xã Hưng Yên, đô thị Phố Nối, các Khu công nghiệp và ở các xã, thị trấn; đôn đốc các chủ đầu tư và kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp sớm hoàn thành và đưa vào vận hành các khu xử lý nước thải tập trung.
- Quản lý chặt chẽ việc cấp giấy phép xả nước thải và xả thải của các Khu công nghiệp, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
- Hướng dẫn và phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp xã tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn theo thẩm quyền.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư: Đôn đốc các chủ đầu tư Nhà máy nước tập trung đã được Ủy ban nhân dân cấp phép sớm hoàn thành xây dựng và đưa vào khai thác để cung cấp nước sạch cho sinh hoạt và sản xuất; rà soát và trình Ủy ban nhân dân tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án triển khai chậm tiến độ theo quy định, thiếu năng lực đầu tư.
3. Sở Xây dựng: Chỉ đạo các chủ đầu tư nhà máy nước sạch tập trung trên địa bàn tỉnh thuộc các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách tỉnh, vốn ODA tập trung đầu tư, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng các nhà máy nước xây dựng mới cũng như sửa chữa, nâng công suất nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch phục vụ sinh hoạt của nhân dân và sản xuất; giám sát và chỉ đạo các nhà máy nước hoàn thiện đầu tư và phương án cấp nước.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn khẩn trương hoàn thành xây dựng và đưa vào vận hành khai thác các Nhà máy nước sạch nông thôn tại các xã, thị trấn đảm bảo kế hoạch, công suất hoạt động, chất lượng nguồn nước và hiệu quả đáp ứng nhu cầu nước sạch nông thôn.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã: Tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước theo thẩm quyền; chỉ đạo các phòng chuyên môn, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn quản lý chặt chẽ việc cấp phép khoan khai thác cũng như việc lấp giếng khi không sử dụng của người dân ở nông thôn để bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước dưới đất tiết kiệm, hợp lý.
Chỉ thị có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã tập trung tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị này./.