THÔNG TƯ
Hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với công nhân, viên chức
làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước
Thi hành Nghị định số 27/1999/NĐ-CP ngày 20/4/1999 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung Quy chế tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 59/CP ngày 3/10/1996 của Chính phủ, sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính tại công văn số 2462/TC/TCDN ngày 21/5/1999, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tại Công văn số 617/TLĐ ngày 21/5/1999 và các Bộ, ngành liên quan, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện chế độ ăn giữa ca đối với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng chế độ ăn giữa ca là công nhân, viên chức đang làm việc theo các loại hợp đồng lao động quy định tại Điều 27 của Bộ Luật Lao động trong các doanh nghiệp nhà nước, bao gồm:
- Doanh nghiệp nhà nước hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động công ích theo Luật doanh nghiệp nhà nước;
- Tổ chức, đơn vị được phép hoạt động, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, Đảng, Đoàn thể, các Hội quần chúng tự trang trải về tài chính;
- Công ty cổ phần có trên 50% tổng số vốn Nhà nước hoặc do các doanh nghiệp nhà nước đóng góp theo Luật công ty và Nghị định số 28/CP ngày 07/5/1996 của Chính phủ.
Riêng đối với người lao động trong các doanh nghiệp nếu làm việc trong các ngành, nghề đặc thù đang áp dụng chế độ ăn định lượng theo quy định tại Quyết định số 611/TTg ngày 24/9/1996 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 06/LB-TT ngày 28/2/1997 của Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định nói trên; Lao động của Tổng công ty Dầu khí Việt Nam trong những ngày làm việc trên biển cho các nhà thầu dầu khí nước ngoài được hưởng chế độ tại văn bản số 4123/LĐTBXH-TL ngày 14/11/1997 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì không áp dụng chế độ ăn giữa ca quy định tại tThông tư này.
II. MỨC ĂN GIỮA CA
Căn cứ vào tổ chức sản xuất, kinh doanh năng suất lao động và hiệu quả đạt được trong sản xuất, kinh doanh, Giám đốc doanh nghiệp sau khi trao đổi với ban chấp hành Công đoàn cùng cấp quyết định mức ăn cho một bữa giữa ca, nhưng tối đa tiền chi cho bữa ăn giữa ca tính theo ngày công chế độ trong tháng cho một người không quá mức lương tối thiểu chung do Nhà nước quy định tại thời điểm năm 1999 là 144 đồng/tháng.
III. NGUYÊN TẮC HƯỞNG BỮA ĂN GIỮA CA
1. Ăn theo ngày thực tế làm việc, kể cả làm thêm (đủ 8 giờ);
2. Ngày không làm việc, kể cả ngày nghỉ ốm đau, thai sản v.v... thì không ăn và không được thanh toán tiền;
3. Những ngày làm việc không đủ giờ tiêu chuẩn (dưới 50% giờ tiêu chuẩn) thì không ăn giữa ca;
4. Ngoài những điều kiện trên, doanh nghiệp có thể quy định thêm các điều kiện khác, nếu xét thấy có lợi cho việc gắn hiệu quả và trách nhiệm của mỗi cá nhân với hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
5. Đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa thể đưa chi phí bữa ăn giữa ca vào giá thành hoặc phí lưu thông thì doanh nghiệp phải tìm các biện pháp giảm chi phí khác để có nguồn tổ chức bữa ăn giữa ca. Trường hợp, doanh nghiệp đã tìm các biện pháp tiết kiệm các chi phí khác nhưng vẫn không đủ nguồn thì Giám đốc doanh nghiệp trao đổi, thống nhất với Ban chấp hành Công đoàn tạm thời chưa thực hiện bữa ăn giữa ca theo quy định tại Thông tư này.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào mức ăn giữa ca quy định, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động mà không được phát tiền. Trường hợp đặc biệt không thể tổ chức bữa ăn giữa ca thì cấp tiền cho người lao động tự lo ăn ca, sau khi đã thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn của doanh nghiệp.
2. Chi phí ăn giữa ca được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông.
3. Các Bộ, ngành, địa phương, các Tổng công ty 91/TTg căn cứ quy định của Thông tư này chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện bữa ăn giữa ca tại các doanh nghiệp thuộc quyền quản lý, bảo đảm việc thực hiện bữa ăn giữa ca có tác dụng tích cực đến việc thúc đẩy tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm giá thành và bảo đảm sức khoẻ cho người lao động.
4. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Riêng những doanh nghiệp từ 1/1/1999 đến ngày Thông tư này có hiệu lực, đã tổ chức ăn ca theo quy định tại Nghị định số 30/1998/NĐ-CP ngày 13/5/1998 của Chính phủ và Thông tư hướng dẫn số 99/1998/TT-BTC ngày 14/7/1998 của Bộ Tài chính thì cũng được hạch toán vào giá thành hoặc phí lưu thông chi phí ăn ca theo mức quy định tại Thông tư này tính từ ngày doanh nghiệp tổ chức bữa ăn giữa ca.
Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phản ảnh về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.