• Hiệu lực: Hết hiệu lực toàn bộ
  • Ngày có hiệu lực: 20/10/2014
  • Ngày hết hiệu lực: 27/07/2019
UBND TỈNH BẮC KẠN
Số: 19/2014/QĐ-UBND
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Hà Nội, ngày 10 tháng 10 năm 2014

QUYẾT ĐỊNH

Quy định trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước ở thôn, tiểu khu,

tổ dân phố và ban hành bản hương ước, quy ước mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn

_____________________

 

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân số 11/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn số: 34/2007/PL-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 20 tháng 4 năm 2007;

Căn cứ Chỉ thị số: 24/1998/CT-TTg ngày 19 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư;

Căn cứ Thông tư liên tịch số: 04/2001/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN-UBQGDSKHHGĐ ngày 09 tháng 7 năm 2001 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam - Ủy ban Quốc gia Dân số, kế hoạch hóa gia đình hướng dẫn bổ sung Thông tư liên tịch số: 03/2000/TTLT-BTP-BVHTT-BTTUBTƯMTTQVN ngày 31 tháng 3 năm 2000 của Bộ Tư pháp - Bộ Văn hóa Thông tin - Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam hướng dẫn việc xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước của làng, bản, thôn, ấp, cụm dân cư về việc thực hiện chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Thông tư số: 70/2007/TT-BNN ngày 01 tháng 8 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện Quy ước bảo vệ và phát triển rừng trong cộng đồng dân cư thôn;

Căn cứ Nghị quyết số: 15/2014/NQ-HĐND ngày 18 tháng 7 năm 2014 của HĐND tỉnh định hướng nội dung hương ước, quy ước ở thôn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số: 236/TTr-STP ngày 29 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định trình tự, thủ tục xây dựng, công nhận, sửa đổi, bổ sung hương ước, quy ước (sau đây gọi chung là quy ước) ở thôn, tiểu khu, tổ dân phố (sau đây gọi chung là thôn). Cụ thể như sau:

Quy ước phải được xây dựng một cách thực sự dân chủ, công khai, phù hợp với các quy định của pháp luật, thực tế tại cơ sở và được thực hiện theo các bước cơ bản như sau:

1. Bước chuẩn bị

a) Thành lập Nhóm soạn thảo

Thành phần Nhóm soạn thảo gồm:

- Trưởng thôn, trưởng tiểu khu, tổ trưởng tổ dân phố (sau đây gọi chung là Trưởng thôn);

- Bí thư chi bộ thôn (nếu có);

- Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn và đại diện một số tổ chức thành viên của thôn;

- Đại diện các thành phần trong cộng đồng dân cư thôn: Đại diện một số cơ quan, tổ chức trên địa bàn; Người có uy tín, phẩm chất đạo đức tốt, có kinh nghiệm sống, trình độ văn hóa và hiểu biết về pháp luật, phong tục, tập quán ở địa phương (Cán bộ hưu trí, chức sắc tôn giáo, già làng…).

Trưởng thôn chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận, dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng ở cơ sở (nếu có) chỉ định thành phần và chỉ đạo Nhóm soạn thảo thực hiện việc soạn thảo.

b) Thu thập tài liệu, phân công soạn thảo

- Nhóm soạn thảo thống nhất các nội dung chính và thời gian soạn thảo quy ước;

- Trưởng thôn phân công soạn thảo và thu thập tài liệu;

2. Bước soạn thảo

a) Xây dựng dự thảo quy ước

Trên cơ sở các nội dung chính đã thống nhất và tài liệu thu thập được, nhóm soạn thảo xây dựng dự thảo quy ước.

b) Tổ chức lấy ý kiến dự thảo quy ước

Dự thảo quy ước được gửi đến cơ quan chính quyền, cấp ủy, lãnh đạo các tổ chức chính trị - xã hội ở xã, phường, thị trấn để lấy ý kiến.

Niêm yết dự thảo tại Nhà văn hóa thôn hoặc phát trên loa truyền thanh cơ sở, mở hộp thư để thu thập ý kiến đóng góp của người dân. Nếu điều kiện cho phép thì gửi đến từng hộ gia đình để lấy ý kiến đóng góp.

Dự thảo quy ước có thể được Hội đồng nhân dân hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã thảo luận, tham gia ý kiến (không được thông qua bằng nghị quyết của Hội đồng nhân dân hoặc quyết định của Ủy ban nhân dân).

c) Tổng hợp ý kiến, hoàn chỉnh dự thảo quy ước

Nhóm soạn thảo tổ chức tổng hợp, tiếp thu các ý kiến tham gia và hoàn chỉnh dự thảo.

3. Bước thông qua quy ước

a) Hội nghị cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình (sau đây gọi chung là hội nghị cử tri).

- Dự thảo quy ước được gửi tới các thành viên dự kiến mời tham gia hội nghị cử tri để thảo luận và thông qua quy ước;

- Trưởng thôn triệu tập toàn bộ cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn để thảo luận, thông qua các nội dung của quy ước;

- Hội nghị cử tri chỉ được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tham dự.

b) Thảo luận

- Đại diện nhóm soạn thảo trình bày dự thảo quy ước;

- Dự thảo quy ước phải được thảo luận kỹ, toàn diện, dân chủ, công khai;

- Nhóm soạn thảo tiếp thu và giải trình các ý kiến tham gia đóng góp vào dự thảo quy ước.

c) Thông qua quy ước

- Trưởng thôn chủ trì, phối hợp với Ban công tác Mặt trận quyết định hình thức biểu quyết thông qua quy ước (giơ tay hoặc bỏ phiếu kín);

- Quy ước chỉ được thông qua khi có trên 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình tán thành;

- Nếu số người tán thành chưa đạt quá 50% tổng số cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố thì tổ chức lại hội nghị;

- Trường hợp không tổ chức lại được hội nghị thì Trưởng thôn phát phiếu lấy ý kiến đồng ý thông qua hoặc không nhất trí tới cử tri hoặc cử tri đại diện hộ gia đình.

4. Bước công nhận quy ước

Trưởng thôn có trách nhiệm gửi ngay quy ước và biên bản hội nghị cử tri sau khi đã được nhóm soạn thảo hoàn chỉnh, có chữ ký của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, già làng (nếu có) và Biên bản hội nghị cử tri tới Ủy ban nhân dân cấp xã.

Trong thời hạn ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của Trưởng thôn, Ủy ban nhân dân cấp xã phải lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp huyện gồm có: Quy ước sau khi đã được hoàn chỉnh, có chữ ký của Trưởng thôn, Bí thư chi bộ, Trưởng Ban công tác Mặt trận, già làng (nếu có); Biên bản hội nghị cử tri; Công văn đề nghị công nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.

Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin và các đơn vị liên quan xem xét, thẩm định nội dung quy ước. Trong thời hạn bảy ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải xem xét, ra quyết định công nhận.

Trường hợp không công nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện giao Phòng Tư pháp chủ trì, phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin và các đơn vị liên quan tham mưu trả lời bằng văn bản, hướng dẫn để cơ sở chỉnh lý, hoàn thiện và trình lại quy ước để công nhận.

5. Tổ chức thực hiện

Trưởng thôn tổ chức niêm yết, tuyên truyền, phổ biến quy ước đến từng thành viên trong cộng đồng và tổ chức thực hiện.

Ủy ban nhân dân cấp xã phối hợp với Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội ở cơ sở chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện quy ước; kiểm tra, phát hiện và kịp thời chấn chỉnh những sai trái, lệch lạc, tiêu cực trong việc thực hiện quy ước; định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện và Hội đồng nhân dân cùng cấp việc thực hiện quy ước ở địa phương.

6. Sửa đổi, bổ sung quy ước

Trưởng thôn triệu tập và chủ trì hội nghị cử tri để thảo luận về việc sửa đổi, bổ sung quy ước.

Trình tự, thủ tục sửa đổi, bổ sung quy ước được thực hiện như khi xây dựng quy ước mới.

Không được tùy tiện sửa đổi, bổ sung quy ước đã được phê duyệt.

Điều 2. Ban hành Bản quy ước mẫu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn (có Bản quy ước mẫu kèm theo).

Điều 3.

Căn cứ vào trình tự, thủ tục và Quy ước mẫu, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp xã) tổ chức xây dựng và ban hành quy ước của thôn tại địa phương mình, đồng thời rà soát lại tất cả các quy ước về nội dung và trình tự xây dựng, ban hành cho phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế tại cơ sở. Nếu quy ước nào chưa bảo đảm về trình tự, thủ tục hoặc nội dung chưa hoàn chỉnh, chưa quy định những vấn đề thiết thực của đời sống ở cơ sở, còn những nội dung sao chép nguyên văn quy định của pháp luật hoặc có nội dung trái pháp luật thì phải sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành quy ước mới.

Đối với cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao rừng theo quy định tại Điều 29 và Điều 30 của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số: 29/2004/QH11 ngày 03 tháng 12 năm 2004 hoặc cư trú trong rừng, gần rừng có thể xây dựng bản quy ước riêng (chỉ quy định nội dung về quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng) hoặc quy ước chung (quy định các nội dung quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát triển rừng được lồng ghép vào quy ước chung của cộng đồng dân cư thôn) theo nội dung, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư số: 70/2007/TT-BNN.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau mười ngày kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan trên địa bàn tỉnh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

BẢN QUY ƯỚC MẪU

(Ban hành kèm theo Quyết định số: 19/2014/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2014 của UBND tỉnh)

UBND XÃ (PHƯỜNG, THỊ TRẤN)....
THÔN............
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

……....., ngày… tháng… năm……….

 

 

QUY ƯỚC

THÔN...........................

LỜI NÓI ĐẦU

Ghi nhận lịch sử hình thành, truyền thống văn hóa, vị trí địa lý, tình hình dân cư của thôn và mục đích của việc xây dựng quy ước thôn.

Nhân dân thôn... đã cùng nhau xây dựng, thống nhất quy ước của thôn với những nội dung như sau:

Phần I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy ước này áp dụng trên địa bàn thôn, quy định về những chuẩn mực ứng xử của các hộ gia đình, cá nhân trong sinh hoạt, sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và trong mối quan hệ giữa các thành viên gia đình với nhau để xây dựng nếp sống văn hóa; quy định về việc cưới, việc tang, việc lễ, hội: Quy định về an ninh, trật tự, quy định về bảo vệ các công trình công cộng, vệ sinh môi trường,...

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình thường trú và tạm trú và du khách ra, vào trên địa bàn thôn có trách nhiệm tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh các nội của quy ước.

Phần II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Về chế độ hội họp

1. Các cuộc họp thôn được tổ chức định kỳ hàng tháng, họp đột xuất.

Trưởng thôn chủ trì, quyết định về thời gian, địa điểm tổ chức, nội dung các cuộc họp.

2. Chủ hộ có trách nhiệm tham gia họp thôn do Trưởng thôn thông báo, nếu bận phải cử người trong gia đình đi thay (người đi thay phải từ đủ 18 tuổi trở lên, có đầy đủ nhận thức và năng lực hành vi). Trường hợp vắng có lý do chính đáng phải thông báo cho Trưởng thôn.

3. Các thành viên tham gia cuộc họp phải có ý thức giữ gìn trật tự, tích cực đóng góp ý kiến, không tự ý bỏ về trước khi kết thúc cuộc họp. Trường hợp vắng mặt không có lý do sẽ không được khiếu nại về những nội dung đã quyết định tại cuộc họp đó.

Điều 4. Về phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân

1. Mọi người trong thôn có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm, truyền đạt kinh nghiệm tăng năng suất và chất lượng trong sản xuất và kinh doanh.

2. Tổ chức vận động toàn dân đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ; chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, đưa các cây, con giống có năng suất cao vào sản xuất để tăng thêm thu nhập cho người dân. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hộ gia đình, cá nhân phải gắn với việc bảo vệ sản xuất, kinh doanh và không làm ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người khác.

3. Khuyến khích mọi người, mọi nhà làm giàu chính đáng, mở mang ngành nghề, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm... hoặc các hình thức làm kinh tế khác phù hợp với quy định của pháp luật; duy trì và phát triển nghề phụ, các nghề truyền thống của địa phương nhằm phát huy sản xuất, xóa đói giảm nghèo.

Điều 5. Về xây dựng nông thôn mới (xây dựng đô thị)

1. Mọi người có trách nhiệm tích cực hưởng ứng, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân tự nguyện đóng góp tiền của, công lao động để xây dựng đường nông thôn và các công trình công cộng khác trên địa bàn, hiến đất trong trường hợp cần thiết để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng.

2. Các khoản đóng góp xây dựng các công trình công cộng của thôn phải phù hợp với khả năng đóng góp của các hộ gia đình, cá nhân; được bàn bạc thống nhất trong thôn thông qua cuộc họp thôn và phải được đa số các hộ gia đình, cá nhân nhất trí.

3. Toàn thể nhân dân trong thôn có trách nhiệm bảo vệ, duy trì, giữ gìn đường, ngõ sạch, đẹp (xây dựng tuyến phố văn minh xanh, sạch, sáng, đường thông, hè thoáng; bảo vệ không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị - đối với khu vực đô thị). Khi xây dựng nhà, công trình phải xin cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Xây dựng gia đình văn hóa

1. Các thành viên trong gia đình có nghĩa vụ tôn trọng, thương yêu nhau, quan tâm, giúp đỡ nhau, cùng nhau chăm lo đời sống chung của gia đình, đóng góp công sức, tiền, tài sản duy trì cuộc sống chung phù hợp với thu nhập và khả năng thực tế của mình. Giáo dục nề nếp gia phong, dòng họ có ý thức giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của gia đình và dòng họ. Tự hòa giải các mâu thuẫn, xích mích trong gia đình, tránh làm liên lụy đến cộng đồng, thôn.

2. Vợ, chồng sống chung thủy, hòa thuận, bình đẳng, không có hành vi bạo lực gia đình, tôn trọng, chia sẻ và giúp đỡ nhau trong mọi công việc; có trách nhiệm nuôi dạy con cái; cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

3. Con cháu hiếu thảo, kính trọng, chăm sóc, phụng dưỡng ông, bà, cha, mẹ.

4. Ông, bà sống gương mẫu, chăm lo, dạy bảo con, cháu trở thành người có ích cho xã hội.

5. Xây dựng kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên.

6. Gương mẫu chấp hành đường lối chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương.

7. Các gia đình hằng năm có trách nhiệm đăng ký và phấn đấu đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa”.

Điều 7. Xây dựng thôn văn hóa

1. Các gia đình trong thôn phải đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ lẫn nhau, giúp nhau trong lúc hoạn nạn, khó khăn; tương thân, tương ái, tạo thuận lợi cho nhau trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày; có trách nhiệm tham gia đóng góp, xây dựng quỹ từ thiện, an ninh, quốc phòng, quỹ đền ơn đáp nghĩa, đóng góp giúp việc tang, ốm đau, thai sản, giúp trẻ em mồ côi, lang thang cơ nhỡ... Không xâm phạm, lấn chiếm đất đai, tài sản, mồ mả, cây trồng, vật nuôi,... của người khác. Không kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có điều kiện, hoàn cảnh đặc biệt; Không phân chia bè phái gây mâu thuẫn, mất đoàn kết trong nội bộ thôn;...

2. Tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, từng bước loại bỏ các hủ tục lạc hậu; xây dựng và duy trì các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao quần chúng.

3. Tích cực xây dựng thôn văn hóa theo tiêu chuẩn của Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

4. Vào các dịp lễ tết của quê hương dân tộc, bà con nhân dân trong thôn phải tham gia vệ sinh sạch đẹp đường làng, ngõ xóm. Treo cờ Tổ quốc, trang trí cổng chào theo sự hướng dẫn của Ủy ban nhân dân xã.

Điều 8. Thực hiện chính sách dân số - gia đình và trẻ em

1. Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 01 hoặc 02 con, không sinh con thứ 03; không phân biệt đối xử giữa con trai và con gái. Mỗi cặp vợ chồng chủ động, tự nguyện sử dụng biện pháp tránh thai để thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

2. Không lựa chọn giới tính thai nhi.

3. Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục con cái, trẻ em phát triển cả về mặt thể lực và trí lực để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội; phải tạo điều kiện để con, em trong độ tuổi đến trường học tập.

4. Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền trẻ em, vi phạm pháp luật. Không để trẻ em bị lạm dụng tình dục, trẻ em tham gia lao động nặng nhọc, độc hại và bị ảnh hưởng các tệ nạn xã hội khác.

5. Trẻ em phải được tiêm chủng đầy đủ, được chăm sóc nuôi dưỡng tốt nhất trong khả năng của mỗi gia đình để trẻ em không bị suy dinh dưỡng. Trẻ em từ khi sinh ra phải được đăng ký khai sinh trong thời hạn 60 ngày.

6. Huy động đóng góp, xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài ở thôn để khuyến khích người vượt khó học giỏi, người đỗ đạt cao, tạo điều kiện học tập để phát triển tài năng (tùy từng địa phương quy định hình thức, mức đóng góp, khuyến khích cho phù hợp).

Điều 9. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội

1. Về việc cưới

a) Tổ chức việc cưới phải đảm bảo theo đúng quy định của Luật Hôn nhân và gia đình như: Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên mới được kết hôn, trước khi tổ chức lễ cưới đôi nam nữ phải đến Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn làm thủ tục đăng ký kết hôn theo đúng quy định; Không tổ chức cưới tảo hôn hoặc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng. Không được ép buộc, gả bán hoặc khôi phục những thủ tục lạc hậu. (Tùy điều kiện từng thôn, có thể bổ sung quy định cấm hôn nhân cận huyết - kết hôn giữa những người có họ trong phạm vi ba đời).

b) Việc cưới đảm bảo tổ chức tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán và hoàn cảnh gia đình, không làm ảnh hưởng đến giao thông, trật tự công cộng, không thách cưới cao (tùy vào phong tục, tập quán và điều kiện của từng địa phương để có mức quy định phù hợp). Khuyến khích tổ chức lễ cưới hỏi theo nếp sống mới mới, tổ chức hình thức cưới tiệc trà, văn nghệ và báo hỷ sau ngày cưới thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình.

c) Trong đám cưới, hạn chế sử dụng rượu, bia; khuyến khích không mời và sử dụng thuốc lá, thuốc lào; không được sử dụng các thiết bị âm thanh gây tiếng ồn vượt quá mức quy định của pháp luật làm ảnh hưởng đến xung quanh và trật tự công cộng. Không được mở loa đài, băng đĩa nhạc sau 22 giờ và trước 06 giờ sáng.

2. Về việc tang

a) Khi có người qua đời các gia đình phải thông báo với Trưởng hoặc Phó Trưởng thôn để thông báo cho nhân dân trong thôn biết và phải đến UBND xã nơi cư trú để làm thủ tục khai tử trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày qua đời. Khi nhận được thông báo các hộ gia đình nên bố trí người đến giúp đỡ gia đình có tang.

b) Việc tổ chức tang lễ chu đáo, trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm phù hợp với phong tục tập quán, bản sắc văn hóa và hoàn cảnh của từng gia đình.

c) Không được để thi hài người quá cố quá 48 giờ. Trường hợp qua đời do bệnh dịch lây nhiễm nguy hiểm thì phải tổ chức chôn cất ngay theo quy định của của Bộ Y tế; không thực hiện các hủ tục lạc hậu như: Lăn đường, bắc cầu, rải tiền vàng mã, tiền Việt Nam và tiền nước ngoài trên đường khi đưa tang, “không khóc thuê, khóc mướn”.

(Tùy điều kiện của từng địa phương quy định cụ thể về trách nhiệm, mức đóng góp của các cá nhân, gia đình trong việc giúp đỡ các gia đình có việc cưới, việc tang).

3. Về lễ hội

Lễ hội là sinh hoạt văn hóa tinh thần thể hiện tập quán, truyền thống tốt đẹp của nhân dân, phải được tiến hành theo nghi thức sang trọng, tiết kiệm, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc; nội dung phong phú, lành mạnh, nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, quê hương đất nước.

Không tổ chức các trò chơi mang tính chất cờ bạc dưới bất kỳ hình thức nào trong lễ hội. Nghiêm cấm việc lợi dụng lễ hội để tổ chức các hoạt động mê tín dị đoan, các hoạt động không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc và trái pháp luật. Không đốt đồ mã trong khu vực lễ hội.

Điều 10. Về bảo vệ an ninh, trật tự công cộng, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội

1. Mọi người có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ an ninh trật tự trong thôn. Không có những hành vi, phát ngôn trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, trái với thuần phong mỹ tục, tập quán tốt đẹp của quê hương, đất nước.

2. Mọi hoạt động ban đêm sau 22 giờ đến trước 06 giờ sáng ngày hôm sau không được gây ồn ào ảnh hưởng đến người khác.

3. Không được thực hiện các hành vi làm hư hại công trình công cộng (như: trường học, bệnh viện, trạm xá, đường giao thông, trạm điện, công trình nước sạch...). Không được kích động, gây rối trật tự, làm mất đoàn kết, gây gổ hằn thù, đánh chửi nhau. Nghiêm cấm đánh bạc, chứa bạc dưới mọi hình thức. Có ý thức đấu tranh phòng và chống các tệ nạn trộm cắp, rượu chè bê tha, sử dụng ma túy trái phép, mại dâm, truyền bá, kích động văn hóa phẩm đồi trụy,...

4. Khi phát hiện người gây rối, những người có hành vi vi phạm pháp luật phải báo ngay cho Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ an ninh để kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định.

5. Thành lập các tổ chức tự quản của thôn, xây dựng hòm thư tố giác tội phạm, quy định giờ giấc sinh hoạt của các thành viên trong cộng đồng dân cư để góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn; xây dựng thôn đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.

6. Khuyến khích giải quyết các tranh chấp về quyền lợi, mâu thuẫn cá nhân, hộ gia đình thông qua hòa giải ở thôn.

7. Đơn thư khiếu kiện của công dân phải gửi đúng cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật về khiếu nại; không được gửi đơn khiếu nại vượt cấp; không lôi kéo để khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện đông người.

Điều 11. Về vệ sinh môi trường

1. Mọi gia đình và cá nhân đều phải có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường. Các hộ gia đình trong hoạt động sản xuất, kinh doanh không được vứt các loại bao bì, rác phế thải, không được để các loại nước thải chưa qua xử lý ra nơi công cộng gây ô nhiễm môi trường.

2. Mọi người phải có ý thức giữ gìn sức khỏe cho mình và những người thân, phải thực hiện ăn chín, uống sôi, tẩm màn và tiêm phòng đúng quy định của cơ sở y tế để phòng, chống dịch bệnh. Làm tốt công tác vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, phát quang bờ, bụi, quét dọn đường giao thông...

3. Các hộ gia đình ở trên địa bàn thôn phải có công trình vệ sinh (hố tiêu, nhà xí) sạch sẽ, kín đáo; giếng, bể nước, nhà tắm... hợp vệ sinh. Các xác chết động vật phải được chôn lấp cẩn thận, không được vứt bừa bãi làm ô nhiễm môi trường.

4. Các hộ gia đình, cá nhân phải dùng nước sạch để sinh hoạt.

Điều 12. Về chăn nuôi gia súc, gia cầm

1. Việc chăn nuôi gia súc, gia cầm của các hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với tập quán, truyền thống, đảm bảo hợp vệ sinh và không gây ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm, cây trồng, hoa màu của người khác. Đối với ruộng đang có lúa, ngô nghiêm cấm chăn thả gia súc, không được chăn thả gia cầm ở ruộng mạ và vùng lúa mới cấy. Nếu người nào vi phạm thì bị phê bình trước cuộc họp toàn thôn, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu và đền bù thiệt hại.

2. Trâu, bò, ngựa, dê... của các hộ gia đình, cá nhân phải được chăn dắt cẩn thận. Ban đêm phải nhốt vào chuồng. Nếu để trâu, bò, ngựa, dê... đi phá ruộng vườn, phá nương của người khác tùy thuộc mức độ thiệt hại thì phải bồi thường.

(Các thôn có thể quy định mức phạt hoặc mức bồi thường thiệt hại cho phù hợp với thực tiễn).

3. Mọi gia đình có trách nhiệm chấp hành tốt các quy định của luật về thú y như: Tiêm phòng đầy đủ cho đàn gia súc, gia cầm. Thực hiện các biện pháp (phòng là chính) để không phát sinh và lây lan dịch bệnh. Đối với gia súc, gia cầm bị bệnh, bị dịch không được buôn bán, vận chuyển, giết mổ. Khi phát hiện bị bệnh, dịch thì báo cáo với Trưởng thôn để tổ chức tiêu hủy hoặc xử lý theo quy định của pháp luật, tránh lây lan dịch bệnh...

Điều 13. Bảo vệ và phát triển rừng

1. Mọi người trong thôn có trách nhiệm bảo vệ hệ sinh thái rừng; khuyến khích trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống, đồi trọc, các hình thức thiết thực, tích cực hưởng ứng thực hiện Tết trồng cây...

2. Nghiêm cấm mọi hành vi phá rừng, đốt rừng, lấn chiếm rừng, đất trồng rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, săn bắt động vật rừng trái phép...

3. Trong mùa hanh khô, các cá nhân, hộ gia đình và chủ rừng chủ động làm đường băng cản lửa những khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng ở các khu rừng tự nhiên, rừng trồng. Việc canh tác nương rẫy trong rừng, ven rừng phải tuân thủ hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của trưởng thôn, cán bộ lâm nghiệp và kiểm lâm trên địa bàn.

(Những nội dung về bảo vệ và phát triển rừng chỉ ghi trong quy ước của thôn có rừng hoặc cư trú gần rừng)

Điều 14. Về tín ngưỡng, tôn giáo

1. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người theo đúng chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước; mỗi người có thể theo hoặc không theo một tôn giáo nào.

2. Nghiêm cấm việc ép buộc người khác theo đạo, bỏ đạo hoặc lợi dụng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo để phá hoại hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước; kích động bạo lực hoặc tuyên truyền chiến tranh, tuyên truyền trái với pháp luật, chính sách của Nhà nước; chia rẽ nhân dân, chia rẽ các dân tộc, chia rẽ tôn giáo; gây rối trật tự công cộng, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, tài sản của người khác.

3. Vận động toàn thể nhân dân đấu tranh, bài trừ các tổ chức tôn giáo và các nhóm hoạt động bất hợp pháp trên địa bàn. Nghiêm cấm mọi người dân theo các đạo lạ trái pháp luật và các tổ chức bất hợp pháp.

4. Các hoạt động sinh hoạt văn hóa tâm linh, tổ chức hiếu, hỷ, thờ cúng phải phù hợp với phong tục tập quán, đảm bảo phát huy truyền thống văn hóa. Trường hợp gia đình có người ốm đau phải đưa đi chữa trị tại các cơ sở y tế, không dùng các biện pháp cúng bái thay thế cho phương pháp chữa trị y học. Cấm việc lợi dụng các sinh hoạt văn hóa tâm linh để hoạt động mê tín dị đoan.

Điều 15. Xây dựng và quản lý các loại quỹ

(Tùy đặc điểm của các thôn có thể quy định việc thu, nộp một số loại quỹ không được trái với quy định của pháp luật như: Quỹ thăm hỏi ốm đau, việc hiếu, hỷ, Quỹ Khuyến học, khuyến tài…)

Điều 16. Về các biện pháp thưởng, phạt

1.Về khen thưởng

Hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc xây dựng và thực hiện Quy ước của Thôn được ghi nhận công lao, thành tích vào sổ vàng truyền thống; được nêu gương người tốt, việc tốt trên hệ thống loa truyền thanh hoặc tại các hội nghị toàn thôn; được bình xét công nhận gia đình văn hóa; được công nhận các hình thức khen thưởng khác do cộng đồng tự thỏa thuận; được đề nghị các cấp chính quyền khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

(Các thôn có thể quy định bổ sung các biện pháp thưởng bằng tiền hoặc hiện vật có tính chất động viên, khuyến khích)

2. Về xử lý vi phạm

Hộ gia đình, cá nhân nào vi phạm các điều khoản trong quy ước của thôn tùy theo mức độ mà xử lý bằng các hình thức sau đây:

a) Vi phạm lần đầu và lỗi nhẹ áp dụng hình thức phê bình, nhắc nhở trước cuộc họp toàn thể nhân dân của thôn;

b) Vi phạm lần thứ hai trở lên, trên cơ sở thảo luận thống nhất trong tập thể cộng đồng không đề nghị bình xét công nhận “Gia đình văn hóa” (nếu là hộ gia đình).

(Có thể căn cứ vào tình hình thực tế của thôn để đưa hình thức phạt khác nhau nhưng không được đặt ra các biện pháp xử phạt nặng nề xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, quyền lợi hợp pháp khác của công dân trái với quy định của pháp luật hiện hành).

3. Đối với các hành vi vi phạm pháp luật phải được chuyển tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật, không bao che, xử lý nội bộ ở thôn.

Điều 17. Các nội dung khác

Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ dân trí, phong tục tập quán cụ thể của từng thôn, quy ước có thể quy định các nội dung khác (ví dụ: quy định khoảng cách giữa đất trồng lúa với đất trồng cây lâu năm; quy định mức bồi thường khi có thiệt hại nhỏ; quy định biện pháp xử lý hoặc bồi thường khi để gia súc ăn lúa, ngô và hoa màu khác…) trên cơ sở không trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phù hợp với thực tiễn.

Phần III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Quy ước được phổ biến, quán triệt đến mọi gia đình. Mọi người trong thôn, người vãng lai có mặt tại địa bàn đều phải có trách nhiệm thực hiện.

Chỉ bộ Đảng hoặc Ban công tác Mặt trận lãnh đạo, các tổ chức xã hội và đoàn thể nhân dân vận động, giáo dục mọi thành viên tổ chức mình thực hiện tốt nội dung quy ước.

Trưởng thôn là người quản lý, điều hành thực hiện quy ước, định kỳ hàng năm tiến hành kiểm điểm việc thực hiện quy ước, biểu dương người thực hiện tốt, phê bình và có biện pháp xử lý thích hợp với người vi phạm, đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung nội dung quy ước cho phù hợp.

Quy ước này của thôn….. đã được thông qua tại hội nghị nhân dân ngày…. tháng… năm…. Mọi người cam kết thực hiện đúng nội dung quy ước sau khi được phê duyệt./.

 

 

 

TRƯỞNG THÔN
(Ký và ghi rõ họ tên)

TRƯỞNG BAN CÔNG TÁC MẶT TRẬN
(Ký và ghi rõ họ tên)




 

BÍ THƯ CHI BỘ
(Ký và ghi rõ họ tên)

ĐẠI DIỆN
GIÀ LÀNG (nếu có)

(Ký và ghi rõ họ tên)

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





 

 

TM. Ủy ban nhân dân

Chủ tịch

(Đã ký)

 

Lý Thái Hải

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.