THÔNG TƯ
Quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng
_____________
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật các tổ chức tín dụng số 47/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cẩu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối;
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng,
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về trạng thái vàng của các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
2. Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng quy định tại Thông tư này chỉ bao gồm giao dịch mua, bán vàng giao ngay.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Tại Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng là tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi là Ngân hàng Nhà nước) cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
2. Trạng thái vàng của tổ chức tín dụng là số dư vàng miếng phát sinh từ hoạt động mua, bán vàng miếng của tổ chức tín dụng được quy đổi sang đồng Việt Nam theo giá vàng quy đổi trạng thái.
3. Giao dịch mua, bán vàng giao ngay là giao dịch hai bên thực hiện mua, bán với nhau một lượng vàng miếng theo giá vàng được thỏa thuận tại thời điểm giao dịch và kết thúc thanh toán, giao, nhận vàng trong vòng 2 (hai) ngày làm việc tiếp theo.
4. Giá vàng quy đổi trạng thái là giá mua vàng miếng tương ứng với từng loại vàng miếng do tổ chức tín dụng công bố vào cuối ngày báo cáo.
Điều 3. Nguyên tắc tính trạng thái vàng
1. Trạng thái vàng của tổ chức tín dụng được xác định vào thời điểm cuối ngày làm việc.
2. Trạng thái vàng của tổ chức tín dụng được tính trên cơ sở doanh số mua, bán vàng miếng giao ngay, bao gồm cả các cam kết mua, bán vàng miếng giao ngay ngoại bảng.
3. Trạng thái vàng của tổ chức tín dụng không bao gồm số dư vàng miếng phát sinh từ hoạt động mua, bán vàng để thực hiện tất toán số dư của các hoạt động đã phát sinh trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, bao gồm:
a) Huy động, cho vay theo quy định tại Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 của Ngân hàng Nhà nước về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của tổ chức tín dụng và Thông tư số 12/2012/TT-NHNN ngày 27/4/2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN;
b) Chuyển đổi vàng thành đồng Việt Nam theo Thông tư số 32/2011/TT-NHNN ngày 06/10/2011 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN;
c) Nhận cầm cố bằng vàng, giữ hộ vàng và sử dụng vàng vào mục đích khác.
Điều 4. Giới hạn trạng thái vàng
1. Trạng thái vàng cuối ngày của tổ chức tín dụng không được vượt quá 2% so với vốn tự có của tổ chức tín dụng.
Vốn tự có để tính giới hạn trạng thái vàng của tổ chức tín dụng là vốn tự có của tháng liền kề trước kỳ báo cáo của tổ chức tín dụng, được xác định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng.
2. Tổ chức tín dụng không được duy trì trạng thái vàng âm.
3. Trường hợp cần thiết, tổ chức tín dụng được duy trì trạng thái vàng khác giới hạn quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều này khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận.
Điều 5. Chế độ báo cáo
Chậm nhất đến 14 giờ của ngày làm việc, tổ chức tín dụng gửi báo cáo trạng thái vàng của ngày làm việc liền kề trước đó về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Quản lý Ngoại hối và Vụ Dự báo, thống kê tiền tệ) theo Phụ lục đính kèm Thông tư này.
Điều 6. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/01/2013.
2. Vụ Tài chính - Kế toán có trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng được phép kinh doanh mua, bán vàng miếng tính trạng thái vàng trên cơ sở quy định về hạch toán kế toán.
3. Cục Công nghệ tin học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chịu trách nhiệm hướng dẫn các tổ chức tín dụng thực hiện báo cáo trạng thái vàng trong trường hợp báo cáo bằng phương thức điện tử.
4. Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố có trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Thông tư này và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
5. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối và Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.