NGHỊ QUYẾT
Về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch kiểm tra viên của
Viện kiểm sát nhân dân
_______________
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Căn cứ Điều 90 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 63/2014/QH13;
Căn cứ Điều 3 Nghị quyết số 82/2014/QH13 ngày 24/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân;
Xét đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân.
Điều 2. Tiêu chuẩn chung của Kiểm tra viên
1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực; có bản lĩnh chính trị vững vàng; có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.
3. Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.
4. Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Nghị quyết này.
5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân; nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát quân sự:
1. Đang là công chức.
2. Có thời gian làm công tác pháp luật từ 03 năm trở lên.
3. Có khả năng giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự.
Điều 4. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên chính
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của Viện kiểm sát nhân dân; nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên chính của Viện kiểm sát quân sự:
1. Đã là Kiểm tra viên ít nhất 05 năm.
2. Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên chính.
3. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm tra viên chính.
Điều 5. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm tra viên cao cấp
Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu đang làm việc tại các Viện kiểm sát quân sự thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm tra viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự:
1. Đã là Kiểm tra viên chính ít nhất 05 năm.
2. Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ đối với Kiểm tra viên cấp dưới và đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch Kiểm tra viên cao cấp.
3. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm tra viên cao cấp.
Điều 6. Hội đồng tuyển chọn, xét thi tuyển nâng ngạch Kiểm tra viên
1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm tra viên, xét thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp là Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân, Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự các cấp.
2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm tra viên, xét thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tuyển chọn người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương bổ nhiệm Kiểm tra viên;
b) Xét tuyển người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.
3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân các cấp. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương bổ nhiệm Kiểm tra viên của Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Điều 7. Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp
1. Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp gồm có Chủ tịch là 01 Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02 Phó Chủ tịch là đại diện lãnh đạo Bộ Nội vụ và thành viên Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao, 02 thành viên là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao và đại diện Viện kiểm sát quân sự trung ương.
Danh sách Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
2. Hội đồng thi tuyển có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Tổ chức các kỳ thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp;
b) Công bố danh sách những người trúng tuyển;
c) Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp.
3. Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Kiểm tra viên chính, Kiểm tra viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
Điều 8. Miễn nhiệm, cách chức Kiểm tra viên
1. Việc miễn nhiệm chức danh Kiểm tra viên được tiến hành trong các trường hợp sau đây:
a) Kiểm tra viên đương nhiên được miễn nhiệm khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành;
b) Kiểm tra viên có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.
2. Kiểm tra viên đương nhiên bị cách chức khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
3. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm tra viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm tra viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Vi phạm pháp luật trong khi thực hiện nhiệm vụ;
b) Vi phạm những việc công chức không được làm;
c) Vi phạm về phẩm chất đạo đức;
d) Có hành vi vi phạm pháp luật khác.
4. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm, cách chức chức danh Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.
Điều 9. Hiệu lực thi hành
1. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2015.
2. Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan hướng dẫn thực hiện Nghị quyết này./.