THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Sửa đổi bổ sung một số điểm Thông tư liên tịch số 11/1998/TTLB-BYT-BTC-BVGCP ngày 15/8/1998
của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ hướng dẫn chế độ quản lý, phân phối, sử dụng cơ chế
thu hồi vốn thuốc thiết yếu thuộc Dự án "Hỗ trợ y tế quốc gia", "Dân số - Sức khoẻ gia đình"
_____________________________________
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 785/CP-QHQT ngày 29 tháng 7 năm 1999 về việc cho phép mở rộng phạm vi đối tượng được hưởng lợi từ nguồn thuốc thiết yếu của Dự án "Hỗ trợ Y tế Quốc gia" (Bộ Y tế) và Dự án "Dân số - Sức khoẻ gia đình" (Uỷ ban quốc gia dân số - Kế hoạch hoá gia đình).
Căn cứ đề nghị của Uỷ ban Quốc gia Dân số - Kế hoạch hoá gia đình và của một số tỉnh đã triển khai dự án.
Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điểm quy định tại Thông tư liên tịch số 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP ngày 15/8/1998 như sau:
1. Sửa đổi điểm 2.3, phần II "Xử lý thuốc chậm luân chuyển" như sau:
Thuốc chậm luân chuyển là thuốc được Dự án Trung ương cấp vòng đầu, số lượng tồn đọng nhiều tại các cơ sở khám chữa bệnh, thời hạn sử dụng còn lại của thuốc ngắn. Để tránh tình trạng số thuốc chậm luân chuyển tồn kho lâu ngày tại các cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế, Trung tâm y tế quận, huyện, thị xã của các tỉnh thuộc hai Dự án tập hợp số thuốc chậm luân chuyển trong địa bàn để điều chuyển cho cơ sở y tế đóng trên địa bàn (kể cả các cơ sở y tế ngoài dự án và bệnh viên tỉnh). Sau khi điều chuyển vẫn còn tồn đọng, Sở Y tế được phép chuyển sang bán tại Công ty Dược phẩm của tỉnh. Giá bán do hai bên thương thảo dựa trên cơ sở giá bán buôn tại địa phương và được Sở Tài chính - Vật giá địa phương chấp thuận. Tiền thu được, Sở Y tế chỉ đạo việc bổ sung quỹ thuốc cho các cơ sở khám chữa bệnh có thuốc chậm luôn chuyển xuất kho tham gia điều chuyển, nhượng bán.
Ban quản trị Trung ương của hai Dự án tổng hợp số thuốc chậm luân chuyển của các tỉnh thực hiện Dự án, cân đối nhu cầu sử dụng thuốc của từng tỉnh và có kế hoạch điều hoà để sử dụng hợp lý thuốc giữa các tỉnh, trình cơ quan chủ quản phê duyệt, đồng thời chỉ đạo thực hiện điều hoà thuốc. Chi phí pháp sinh trong quá trình điều hoà thuốc do Dự án Trung ương chi trả từ nguồn phí dịch vụ hậu cần.
2. Bổ sung "Đối tượng được cấp thuốc thiết yếu không thu tiền" tại điểm 3.2, phần II như sau:
2.1. Người dân thường trú tại các xã nghèo thuộc các tỉnh của hai Dự án trong số 1715 xã nghèo theo Quyết định số 135/1998/QĐ-TTg ngày 31/7/1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình phát triển kinh tế xã hội các xã đặc biệt khó khăn, miền núi và vùng sâu, vùng xa".
2.2. Các loại thuốc dưới đây được sử dụng theo hướng:
+ Mebendazole 100 mg (Thuốc tẩy giun): Các cơ sở khám chữa bệnh lập hồ sơ theo dõi và cấp không thu tiền cho trẻ em dưới 15 tuổi.
+ Ferrous Sulfate and Folic Acide (Viên sắt): Cấp không thu tiền cho đối tượng là phụ nữ đang mang thai.
+ Benzyl benzoate emulsion 25% (Thuốc ghẻ) và Panthenol (Thuốc bỏng): Điều trị không thu tiền đối với bệnh nhân nội trú và ngoại trú.
+ Các loại thuốc dùng cho điều trị phụ khoa và cấp cứa sản khoa theo chỉ định của Bác sỹ điều trị.
3. Bổ sung điểm 3.4, phần II "Phương thức thu hồi tiền thuốc thiết yếu" như sau:
Đối với Trạm y tế xã việc thu tiền thuốc và cấp phát thuốc cho người bệnh được phép ghi vào sổ khám chữa bệnh, định kỳ hàng tháng tổng hợp báo cáo với Trung tâm y tế huyện theo mẫu trong phụ lục kèm theo Thông tư liên tịch số 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP ngày 15 tháng 6 năm 1998 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính - Ban Vật giá Chính phủ.
Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký ban hành. Những nội dung khác của Thông tư liên tịch số 11/1998/TTLT-BYT-BTC-BVGCP vẫn giữ nguyên hiệu lực thi hành.