• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày có hiệu lực: 07/11/1980
BỘ TÀI CHÍNH
Số: 18-TT
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Toàn quốc, ngày 7 tháng 11 năm 1980

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 295-TTg ngày 28-10-1980 của Thủ tướng Chính phủ về việc hạch toán tiền mua và bán hàng theo giá thoả thuận tại các địa phương

_______________________________

 Bộ Tài chính, sau khi bàn và thống nhất ý kiến với Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn cụ thể một số điểm về thanh toán và quản lý vốn, vật tư, hàng hoá như sau:

I- ĐỐI VỚI HÀNG CÔNG NGHIỆP BÁN THEO GÁI THOẢ THUẬN

1/ Hàng công nghiệp cấp I giao cho cấp II bán theo giá thoả thuận:

- Cấp I giao hàng cho cấp II bán theo giá thoả thuận thì cấp II phải thanh toán cho cấp I theo đúng số lượng và giá từng loại hàng bán cho người tiêu dùng theo giá thoả thuận đã được tính bình quân cho từng địa phương. Giá bình quân của mỗi loại hàng được xác định cho từng địa phương phải bảo đảm đủ chi phí lưu thông và lợi nhuận định mức cho từng loại và từng đơn vị sản phẩm của cấp II và một khoản chênh lệch để cấp II có thể vận dụng linh hoạt ở các vùng trong địa phương và trong từng thời gian:

Giá cấp I bán cho cấp II

 =

Giá bán thoả thuận cho người tiêu dùng

 -

Chiết khấu thương nghiệp cấp II (buôn + lẻ)

 +

Khoản chênh lệch cấp I dành cho cấp II để vận dụng

Ví dụ theo bảng giá thanh toán một số mặt hàng bán theo giá thoả thuận tại Nam bộ cũ đính kèm chỉ thị số 295-TTg:

+ Giá 1 tấn phân U-rê cấp I bán cho cấp II

 =

12.000đ

 -

2.000đ

 =

10.000đ

 

+ Giá 1 lít ét xăng cấp I bán cho cấp II

 =

15đ

 -

 =

12đ

Như vậy, 2.000đ cho 1 tấn U-rê hay 3đ cho 1 lít xăng là chiết khấu thương nghiệp cấp II và khoản chênh lệch dành cho cấp II để vận dụng. Số còn lại là 10.000đ/1 tấn U-rê, 12đ/1 lít xăng, cấp II  phải thanh toán ngay cho cấp I mỗi khi nhận hàng của cấp I giao, theo giá quy định.

- Giá bình quân những loại vật tư, hàng hoá quan trọng mà cấp I giao cho cấp II do Chính phủ xét và quyết định; giá các loại vật tư hàng hoá khác do Bộ chủ quản và Uỷ ban Vật giá Nhà nước quy định sau khi trao đổi ý kiến với Bộ Tài chính và Uỷ ban Nhân dân địa phương. Đối với những hàng tiêu dùng mà giữa giá chỉ đạo với giá thị trường tự do không có chênh lệch nhiều thì các địa phương theo giá chỉ đạo bán lẻ của Trung ương để định giá thích hợp, sát với giá thị trường để bán.

- Căn cứ vào giá bình quân do Chính phủ và Bộ chủ quản quy định, cấp II phân phối và chỉ đạo việc bán lẻ cho dân theo giá thoả thuận ở các vùng do địa phương quy định, bảo đảm quan hệ tỷ giá giữa hàng công nghệ phẩm bán ra theo giá thoả thuận với hàng nông phẩm mua vào theo giá thoả thuận trong phạm vi khung giá (có tối thiểu, tối đa) do Bộ chủ quản bàn với Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn.

- Thực hiện việc thanh toán như trên sẽ phát sinh khoản chênh lệch giá ở cấp I (giá giao cho cấp II để bán theo giá thoả thuận (-) giá chỉ đạo; cấp I phải nộp vào Ngân sách Nhà nước khoản chênh lệch này sau mỗi lần giao hàng cho cấp II để Ngân sách Nhà nước bù giá mua lương thực, nông sản theo giá thoả thuận và bán theo giá cung cấp. Các xí nghiệp cấp I nộp vào tài khoản 780 "Quỹ dự trữ tài chính Trung ương".

2/ Hàng công nghiệp cấp II giao cho thương nghiệp cấp huyện để bán theo giá thoả thuận: là giá bán thoả thuận bán cho người tiêu dùng ở các vùng (gần đường giao thông, xa đường giao thông, ở xa thị trấn, ở nông thôn) ở từng thời gian, trừ (-) chiết khấu bán lẻ của cấp huyện, trừ (-) một mức chênh lệch cần thiết để cấp huyện vận dụng linh hoạt.

Ví dụ: 1 tấn phân U-rê:

- Ở huyện A bán cho dân theo giá thoả thuận 15.000đ

- Mức chiết khấu bán lẻ là                              60đ

- Mức chênh lệch để cấp huyện vận dụng là   140đ

thì giá cấp II giao cho thương nghiệp huyện A là 14.800đồng, (15.000 - 60đ - 140đ). Giá giao cho thương nghiệp huyện B, C . . . có thể cao hoặc thấp hơn huyện A, tuỳ theo chi phí bán lẻ và giá bán ở huyện ấy cao hơn hay thấp hơn so với huyện A.

Thực hiện biện pháp giá như trên, sẽ phát sinh một khoản chênh lệch giữa giá cấp II thanh toán với cấp I và giá cấp II giao cho cấp huyện. Cấp II nộp khoản chênh lệch ấy vào tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước và báo cáo với cơ quan tài chính cùng cấp để giải quyết kịp thời những thay đổi về giá bán và giá mua ở các vùng trong địa phương. Sau mỗi quý hoặc mỗi vụ, sẽ thanh toán và nộp nốt số còn lại vào Ngân sách Nhà nước.

3/ Hàng công nghiệp thương nghiệp cấp huyện bán lẻ cho người tiêu dùng, là giá xấp xỉ với giá trên thị trường tự do. Để phát huy tác dụng của giá bán thoả thuận hàng công nghiệp, góp phần ổn định thị trường, giá cả, giá bán công nghệ phẩm có thể thấp hơn giá thị trường tự do một ít, nhưng không thấp hơn giá tối thiểu cấp trên quy định, và phải bảo đảm tỷ giá giữa hàng công nghiệp Nhà nước bán với giá nông phẩm Nhà nước mua. Trường hợp giá công nghệ phẩm trên thị trường tự do thấp hơn mức tối thiểu do trên quy định, thì đề nghị cấp trên định lại việc bán hàng công nghệ. Thực hiện biện pháp giá như trên, sẽ phát sinh một khoản chênh lệch giữa giá cấp huyện thanh toán với cấp II, với giá bán lẻ cho người tiêu dùng. Cấp huyện nộp khoản chênh lệch ấy vào tài khoản tiền gửi ở Ngân hàng Nhà nước và báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp, để giải quyết kịp thời những thay đổi về giá bán hàng công nghệ, giá mua nông sản thực phẩm phát sinh ở trong huyện. Sau mỗi quý hoặc từng vụ, thương nghiệp cấp huyện phải làm quyết toán hàng công nghiệp bán theo giá thoả thuận trong huyện theo sự hướng dẫn và kiểm tra của thương nghiệp cấp II và Ty hoặc Sở tài chính địa phương, nộp nốt số chênh lệch còn lại và lãi thu được vào ngân sách theo phân cấp Ngân sách Nhà nước.

4/ Định mức chiết khấu thương nghiệp cho các cấp kinh doanh:

Chiết khấu thương nghiệp ở mỗi cấp bao gồm những chi phí lưu thông, mức hao hụt hợp lý trong quá trình lưu thông và một mức lãi cho cơ quan kinh doanh. Chiết khấu thương nghiệp đối với hàng công nghiệp bán theo giá thoả thuận là mức chiết khấu đã xác định cho từng loại hàng và tính theo đơn vị (tấn hoặc tạ hàng, mét vải, chiếc, cái . . .) cộng thêm những chi phí tăng thêm để thực hiện mua và bán theo giá thoả thuận (vì vốn tăng nên lãi vay vốn ngân hàng tăng lên . . .), cơ quan thương nghiệp cấp I hướng dẫn việc tính chiết khấu ở các cấp, tổng hợp, báo cáo lên Bộ chủ quản xét duyệt, sau khi có sự thoả thuận của Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính. Trong khi chờ đợi việc tính toán, tổng hợp và xét duyệt chiết khấu, các cấp cần căn cứ mức chiết khấu hiện hành (số chiết khấu tuyệt đối cho từng đơn vị hàng hoá) và cộng thêm một số chi phí cần thiết để làm căn cứ tính toán. Khi mức chiết khấu được duyệt chính thức sẽ điều chỉnh lại.

II- ĐỐI VỚI LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, NÔNG SẢN CẤP II MUA THEO GIÁ THOẢ THUẬN GIAO  CHO CẤP I

1/ Giá lương thực, thực phẩm, nông sản . . . cấp II mua theo giá thoả thuận giao cho cấp I: là giá thoả thuận đã mua của dân (+) cộng với thặng số thương nghiệp theo định mức (phí + lợi nhuận định mức) cho từng loại nông sản thực phẩm của cấp II, cộng (+) khoản thu khuyến khích giao nộp nông sản (nếu có) + thuết sát sinh (đối với gia súc).

- Để bảo đảm việc quản lý của Nhà nước, đồng thời bảo đảm cho địa phương có thể linh hoạt trong việc vận dụng giá thoả thuận, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã xác định là: giá thoả thuận các loại nông sản thực phẩm quan trọng, có khối lượng lớn, do Chính phủ quy định mức giá bình quân cho từng địa phương. Các địa phương căn cứ vào giá bình quân đó để vận dụng thích hợp với các vùng và trong từng thời gian, trong phạm vi khung giá (có tối đa và tối thiểu) do Bộ chủ quản thu mua phối hợp với Uỷ ban Vật giá Nhà nước hướng dẫn.

2/ Trường hợp tỉnh này giao trực tiếp sản phẩm theo giá thoả thuận cho tỉnh khác theo kế hoạch phân phối của Trung ương thì cũng được giao theo giá nói trên.

3/ Giá nông sản, thực phẩm cấp I cung cấp cho cấp II tiêu thụ:

- Giá giao cho cấp II tiêu thụ, để bán theo giá đảm bảo kinh doanh là giá nhận của cấp II thu mua (nói ở điểm 1) cộng (+) thặng số thương nghiệp cấp I.

- Giá giao cho cấp II tiêu thụ để bán theo giá cung cấp theo định lượng là giá bán cung cấp ở nơi tiêu thụ, trừ (-) chiết khấu cấp II tiêu thụ (buôn + lẻ).

4/ Giải quyết chênh lệch lỗ giữa giá mua theo giá thoả thuận với giá bán cung cấp theo định lượng:

- Những địa phương được Chính phủ cho phép dùng sản phẩm thu mua theo giá thoả thuận để bán cung cấp theo định lượng phải lập kế hoạch bao gồm phần mua trong địa phương để tiêu thụ tại địa phương và phần nhận trực tiếp của địa phương khác (không kể phần do cấp I đưa về), tính ra số chênh lệch giữa giá mua với giá cung cấp theo định lượng để xin Bộ quản lý sản phẩm bù chênh lệch.

- Bộ quản lý sản phẩm chỉ đạo thương nghiệp cấp I tổng hợp kế hoạch bù chênh lệch lỗ của các địa phương và phần chênh lệch lỗ của cấp I, đề nghị Bộ Tài chính cấp bù; cấp I trực tiếp bù cho từng địa phương (phần chênh lệch lỗ của từng địa phương). Hàng tháng, quý, năm . . ., các cấp kinh doanh phải quyết toán số lượng sản phẩm mua theo giá thoả thuận bán theo giá cung cấp theo định lượng, số chênh lệch giá phải cấp bù, số chênh lệch giá đã được cấp bù; cấp II tổng hợp của cấp bán lẻ, báo cáo lên cấp I, qua Sở, Ty chủ quản và Sở Ty tài chính kiểm tra; cấp I tổng hợp quyết toán trong toàn ngành, báo cáo Bộ chủ quản và Bộ Tài chính.

- Những sản phẩm mua theo giá thoả thuận bán theo gái bảo đảm kinh doanh, Ngân sách Nhà nước không bù lỗ.

5/ Định mức thặng số thương nghiệp cấp II thu mua, cấp I và cấp II tiêu thụ hàng nông sản thực phẩm mua theo giá thoả thuận bán theo giá cung cấp.

Định mức thặng số thương nghiệp đối với loại hàng này được xác định theo phương pháp xác định chiết khấu thương nghiệp nêu tại điểm 4 phần I trên đây.

6/ Giá sản phẩm mà thương nghiệp huyện mua theo giá thoả thuận giao cho cấp II là: giá thoả thuận cộng (+) thặng số thu mua của cấp huyện và một khoản chênh lệch, có khống chế tối đa, để thương nghiệp cấp huyện có thể linh hoạt vận dụng giá mua thoả thuận, thích hợp với từng nơi và từng thời gian, đồng thời bảo đảm sự quản lý và kiểm tra của các cơ quan có trách nhiệm đối với hoạt động thương nghiệp ở cấp huyện. Giá mua thoả thuận giao cho cấp huyện phải được xác định cụ thể cho từng vùng và từng thời gian, căn cứ vào mức giá bình quân do Trung ương quy định cho tỉnh và sát với thị trường ở các vùng (gần đường giao thông, xa đường giao thông, ở thị xã, thị trấn, vùng xa) và từng thời gian (đầu vụ, giữa vụ, cuối vụ) . . . và do Bộ chủ quản hướng dẫn, - vượt quá mức tối đa thì cấp huyện phải báo cáo xin chỉ thị của cấp II.

Sau từng quý và từng vụ thương nghiệp huyện thanh toán với cấp II theo giá thực tế đã mua theo giá thoả thuận; cuối năm, quyết toán theo chế độ của Nhà nước.

III- VỀ ĐỊNH MỨC VỐN LƯU ĐỘNG, NGUỒN VỐN TÀI CHÍNH CẤP PHÁT VÀ NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC CHO VAY.

Thực hiện chế độ thu chênh lệch giá bán hàng công nghiệp bán theo giá thoả thuận và bù chênh lệch giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm, nông sản theo giá thoả thuận sẽ làm cho giá trị hàng tồn kho những mặt hàng đó tăng lên so với trước, làm cho định mức vốn lưu động của cấp II và thương nghiệp huyện sẽ tăng lên trong khi định mức bằng hiện vật không tăng. Do đó, cấp II và thương nghiệp huyện phải căn cứ vào một số mặt hàng đã định mức bằng hiện vật theo kế hoạch đầu năm 1980 để tính lại giá trị hàng tồn kho theo giá thoả thuận để xác định yêu cầu về vốn lưu động. Ví dụ:

Năm 1980, Công ty cấp II lương thực được địnhmức tồn kho theo kế hoạch cả năm là 10.000 tấn thóc x 500đ/tấn (theo giá chỉ đạo) thì vốn lưu động định mức là 5 triệu đồng. Nhưng nay phần mua theo giá chỉ đạo là 6.000T, phần mua theo giá thoả thuận là 4.000T thì tính lại định mức vốn lưu động như sau:

                    6.000 tấn x 500đ      = 3.000 triệu

                    4.000 tấn x 2.200đ   = 8.800 triệu

Vốn lưu động địnhmức sẽ là = 11,800 triệu

Như vậy, vốn lưu động định mức tăng 6,8 triệu (11,8 triệu - 5 tr).

Hay là Công ty vải sợi cấp II được định mức tồn kho theo kế hoạch cả năm là 2 triệu mét vải. Giá chỉ đạo bình quân mỗi mét vải là 3đ = 6 triệu đồng.

Nhưng nay, phần mua để bán theo giá chỉ đạo là 800.000m và phần mua để bán theo giá thoả thuận là 1.200.000m thì phải tính lại định mức vốn lưu động như sau:

                    800.000m       x   3đ     = 2.400.000đ

                    1.200.000m    x  15 đ   =  18.000.000đ

Như vậy, vốn lưu động định mức là 20 tr 400 tăng 14,400tr = (20,400triệu - 6 triệu).

Sau khi các Công ty cấp II và thương nghiệp huyện xác định được định mức vốn lưu động tăng do có một số mặt hàng mua theo giá thoả thuận thì nguồn vốn để đảm bảo định mức mới sẽ giải quyết như sau:

- Tỷ lệ cấp phát vốn của tài chính là 30% (hoặc 50% đối với công tư vật tư) và tỷ lệ ngân hàng cho vay là 70% trên định mức vốn lưu động kế hoạch đầu năm vẫn không thay đổi và tiếp tục thực hiện theo chế độ hiện hành.

- Phần vốn lưu động tăng lên do thanh toán theo giá thoả thuận sẽ do Ngân hàng Nhà nước cho vay cả 100% số vốn tăng lên; Bộ Tài chính sẽ trích trong số thu chênh lệch giá của hàng tồn kho của cấp II (buôn + lẻ) để cấp thêm nguồn vốn tín dụng cho Ngân hàng Trung ương và Ngân hàng Trung ương phân phối cho Ngân hàng các địa phương để có đủ nguồn vốn cho vay.

IV- VỀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ HẠCH TOÁN  HÀNG MUA VÀ HÀNG BÁN THEO GIÁ THOẢ THUẬN

Chỉ thị số 295-TTg ngày 28/10/1980 của Thủ tướng Chính phủ đã nói rõ là: chế độ hạch toán hàng mua và bán theo giá thoả thuận được áp dụng cho tất cả các vật tư, hàng hoá mà Trung ương giao cho các địa phương bán theo giá thoả thuận.

căn cứ chỉ thị này, các ngành, các xí nghiệp cần tổ chức quyết toán các hoạt động kinh doanh (mua sản phẩm nông nghiệp và bán công nghệ phẩm) theo giá thoả thuận từ 01/01/1980, riêng đối với lương thực thì từ 01/12/1979, đến nay.

Để thực hiện việc thanh toán và quản lý vốn theo Chỉ thị của Chính phủ, Bộ Tài chính yêu cầu các Bộ Nội thương, Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Vật tư, Bộ Nông nghiệp và các Bộ, các Tổng cục có mua hoặc bán theo giá thoả thuận và Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc Trung ương hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra các cơ sở kinh doanh cấp I, cấp II và thương nghiệp cấp huyện tiến hành một số việc cần thiết như sau:

1/ Đối với việc bán hàng công nghệ phẩm và hàng hoá theo giá thoả thuận và mua nông sản theo giá thoả thuận:

Các xí nghiệp cấp I cấp II và thương nghiệp cấp huyện phải tiến hành kiểm kê tồn kho hàng bán ra cũng như hàng mua vào theo thời điểm 0 giờ ngày 1 tháng 11 năm 1980.

Đối với hàng công nghiệp và hàng hoá để bán cho dân (bao gồm hàng tồn kho đến 0 giờ ngày 1/11/1980, hàng cấp trên sẽ giao về, hàng thu mua và sản xuất tại chỗ) cần phân rõ quỹ hàng hoá sẽ dùng để bán theo giá cung cấp theo định lượng, quỹ hàng hoá dành để bán theo giá chỉ đạo và theo hợp đồng hai chiều, quỹ hàng hoá để bán theo giá thoả thuận; thực hiện việc thanh toán theo giá thoả thuận ở các cấp theo hướng dẫn ở các phần trên; tổ chức việc ghi sổ sách mới cho từng quỹ hàng hoá.

Đối với nông phẩm thu mua của dân phải kiểm kê, tồn khocần phân tích rõ: tổng số nông phẩm đã thu mua (trong đó số nông sản thu thuế và thu nợ bằng hiện vật, số nông sản mua theo giá chỉ đạo, đổi hàng và mua theo giá cao); số nông sản đã giao cho các cơ quan có trách nhiệm; số nông sản còn tồn kho; bắt đầu ghi sổ sách mới theo từng loại nông sản thu mua (tính bằng hiện vật và giá trị bằng tiền.

Thực hiện việc quyết toán theo thời gian quy định, hàng quý đối với công nghệ phẩm và hàng bán ra; và cuối vụ thu mua từng loại nông sản chủ yếu.

2/ Đối với công nghệ phẩm và hàng bán cho dân và nông sản thu từ 31/10/1980 về trước.

a. Đối với công nghệ phẩm hàng bán cho dân, cần soát lại và nắm cụ thể số hàng đã bán ra cho dân, kiểm tra việc phân phối và sử dụng hàng hoá và quyết toán theo hướng như sau:

- Đối với hàng đã ứng trước cho dân hoặc bán theo giá chỉ đạo để mua nông phẩm (khi chưa quy định tỷ giá cụ thể giữa công nghệ phẩm và nông phẩm), thì chí ít phải mua được số nông phẩm với giá chỉ đạo, tương đương hoặc lớn hơn giá công nghệ phẩm Nhà nước bán cho dân, kể cả nợ máy cày, máy bơm, nợ vay ngân hàng.

- Đối với hàng đã cung cấp cho dân để mua nông phẩm theo tỷ giá đã quy định từ đầu năm 1980 đến 31/10/1980, phải bảo đảm thu đủ số nông phẩm theo quy định. Cơ quan hay cá nhân nhận vật tư, hàng hoá của Nhà nước để mua nông sản, phải bảo đảm thu đủ số nông sản theo quy định, dân còn nợ phải có nhiệm vụ trả hết nợ; nếu không đủ khả năng thì làm giấy xin hoãn lại vụ sau.

- Đối với số hàng đã bán theo giá thoả thuận thì căn cứ vào tình hình giá qua các thời điểm và các vùng mà thu nộp đủ số chênh lệch giữa giá bán thoả thuận với giá chỉ đạo và nộp vào tài khoản 780 "Quỹ dự trữ tài chính Trung ương".

b. Đối với nông phẩm đã thu mua, cần phải phân tích cụ thể tổng số đã thu mua và chi phí về vật tư, hàng hoá, tiền mặt để thu mua. Đối chiếu số nông sản đã thu mua với số nông sản lẽ ra phải thu, đối chiếu giữa số nông sản đã nhập kho với số đã giao cho các cơ quan có trách nhiệm và nông sản tồn kho, thực hiện việc quyết toán đối với từng loại hàng, ở từng cấp; đề xuất những vấn đề phải xác minh và giải quyết, không để có những sơ hở làm thiệt hại đến tài sản của Nhà nước.

3/ Cơ quan tài chính các cấp phải phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, giúp các xí nghiệp, các đơn vị kinh doanh thực hiện nghiêm chỉnh Chỉ thị 295-TTg và Thông tư hướng dẫn này. Các Sở Ty tài chính phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, giúp Uỷ ban nhân dân quy định giá bán thoả thuận cho từng khu vực trong tỉnh.

Các Sở, Ty tài chính cần bố trí cán bộ chuyên trách theo dõi kiểm tra từng xí nghiệp, để tăng cường việc kiểm tra hạch toán, bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh chế độ quản lý tài chính, chế độ thu nộp và cấp bù được chặt chẽ, đúng theo quy định.

Việc thanh toán hàng công nghệ phẩm bán ra và nông phẩm mua vào trước vụ hè thu 1980 và từ cuối năm 1979 đầu năm 1980 rất lớn và rất phức tạp, không thể đòi hỏi độ chính xác cao; nhưng phải tập trung sức làm nghiêm chỉnh, không để có những sơ hở lớn trong việc quản lý vật tư, hàng hoá và vốn của Nhà nước. Trong quá trình thực hiện, các cơ sở có vướng mắc gì cần phản ánh kịp thời cho Bộ Tài chính và các Bộ  có liên quan để phối hợp giải quyết./.

Bộ trưởng

(Đã ký)

 

Hoàng Anh

Tải file đính kèm
 
This div, which you should delete, represents the content area that your Page Layouts and pages will fill. Design your Master Page around this content placeholder.